Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014
Vì sao những đứa trẻ nói dối?
23:21
Hoàng Phong Nhã
No comments
Trong những thứ phức tạp của
cuộc sống, nói dối là hiện tượng rất đáng quan tâm nhưng nhiều khi lại
không được quan tâm đúng mức. Nói dối không chỉ là dối với người khác do
vụ lợi mà còn là dối với chính mình vì một mặc cảm nào đó.
Một buổi chiều hai cha con ra phố, họ
chạy xe tới một bùng binh thì chứng kiến hai xe máy đụng nhau. Cả hai
người bị nạn đều "đo đất" và có lẽ do sợ quá hoặc mắc cỡ và thậm chí
muốn đẩy lỗi cho người kia mà không người nào nhanh chóng đứng lên. Đám
đông bu quanh… Chuyện thường ngày ở huyện. Người cha không quan tâm
nhưng buổi tối, khi ông rời khỏi bàn ăn ra salon nằm coi ti vi thì cậu
con trai 12 tuổi thuật lại tai nạn mà hai cha con chứng kiến. Theo lời
kể của cậu, hai xe đụng nhau cái ầm làm ba bốn chiếc khác đâm sầm vào.
Nhiều người bị thương máu chảy loang đường còn xe máy thì bẹp dúm! Người
cha nhận ra ngay đứa con đang nói dối. Duy nguyên nhân vì sao nó nói
dối thì người cha không hiểu. Ông ta đã nhanh chóng lật tẩy thằng bé,
không quên giáo huấn về sự thật thà. “Chú Cuội” cúi gằm mặt đau khổ. Cậu
bé đã nói không đúng sự thật, nói theo một kịch bản do mình sáng tác,
nhưng với mục đích gì? Thế vậy mà người cha lại mắng nhiếc nó. Thằng bé
rõ ràng bị tổn thương, nó sẽ không vì lời ông bố mà nói thật, nhưng có
thể sẽ nói dối tinh vi bài bản hơn.
Một cậu nhỏ lớp 8 được cha mẹ gửi học
bán trú. Sau bữa trưa, học sinh phải vào chỗ ngủ, giữ im lặng, đó là nội
quy chung. Tối hôm đó về nhà cậu bé phàn nàn, chê trách với cả nhà về
thái độ không nghiêm túc của hai bạn phá giấc ngủ trưa, gây ồn ào và bị
thầy giám thị ghi tên. Hôm sau gia đình nhận được giấy mời tới trường và
vị giám thị cho biết về trường hợp vi phạm nội quy trưa hôm qua của…
chính cậu bé! Cậu đã nói theo kịch bản của riêng mình, chỉ với mục đích
chứng tỏ mình… đàng hoàng. Gia đình cho biết, cậu bé nhút nhát nhưng đôi
lúc muốn làm anh hùng, người mẫu về tuân thủ nội quy, nhưng đáng tiếc
gia đình không nhận ra cách để giúp cậu bé.
Trẻ con nói dối là do thôi thúc của tâm
lý nhạy cảm non nớt chưa được tự kiểm soát đúng mức. Nó không thủ lợi
kiểu người lớn. Vậy nếu, bỗng dưng trong nhà có “chú Cuội” thì cha mẹ
nên làm gì? Cãi nhau, đổ thừa cho nhau? Chớ nên lật tẩy, càng không mắng
nhiếc, trừng phạt hay lên lớp vì như thế chỉ làm nhục, làm quê “chú
Cuội” và để chống lại, chú sẽ “luyện” để nói dối tinh vi hơn, có nghề
hơn, tức là có hại hơn.
Người cha trong kịch bản tai nạn giao
thông nên bình tĩnh, nhã nhặn và vui vẻ đến bên con yêu cầu “chứng nhân
lịch sử” kể lại câu chuyện “rùng rợn” xảy ra hồi chiều, với lời dặn thật
dịu dàng: “Chỉ kể những gì thật sự con đã thấy!”. Nếu kịch bản còn chút
“mắm muối” thì yêu cầu kể lại, vụ tai nạn giao thông sẽ được kể như đã
xảy ra! “Nhân chứng” sẽ thấy sao nói vậy, không thêm thắt cho ly kỳ, tức
là không nói dối.
Có phải tự nhiên mà trẻ con nói dối?
Chúng làm chú Cuội nhiều khi chỉ để tránh những trận đòn, làm nhục, bêu
riếu, thành kiến… Trẻ nói dối, trong một chừng mực nào đó là những trẻ
cô đơn dù sống ngay trong gia đình, đáng thương chứ hoàn toàn không đáng
thành kiến, đáng ghét.
CAO THOẠI CHÂU (PHỤ NỮ ONLINE)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét