Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Hiện tượng 'fan cuồng' dưới góc nhìn tâm lý học

Việc ngưỡng mộ thần tượng ở mức độ hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng mê muội quá đáng là một thảm hoạ tới sức khoẻ và tâm lí- một điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra hơn thập kỉ qua.


Thần tượng là những cá nhân hay tập thể được nhiều người biết đến và hâm mộ. Họ xuất thân trong nhiều lĩnh vực như giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao. Ngày nay, hình ảnh các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, vận động viên, v.v. xuất hiện khắp mọi nơi từ màn ảnh truyền hình, Internet, đến các trang báo, khu mua sắm, làm cho hoạt động nghệ thuật của họ đến gần công chúng hơn, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự tăng cao của hiện tượng tôn thờ người nổi tiếng. Việc tôn thờ thần tượng không chỉ là mối quan tâm của giới truyền thông mà ngay cả các nhà tâm lí và xã hội học. Việc ngưỡng mộ thần tượng ở mức độ hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng mê muội quá đáng là một thảm hoạ tới sức khoẻ và tâm lí- một điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra hơn thập kỉ qua.
Giới trẻ thường xem thần tượng như mẫu hình lí tưởng vì thần tượng vốn có những phẩm chất nổi bật và đặc biệt trong lĩnh vực của họ. Giới trẻ có thể bắt chước tính cách, ngoại hình, hành động và lối sống của thần tượng với mong muốn trở nên giống với thần tượng. Vì thế, thần tượng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người, ngay cả khi xa cách về mặt địa lý và quan hệ xã hội. Thậm chí, có những người còn tạo ra mối quan hệ tưởng tượng với thần tượng vì sự xuất hiện liên tục của thần tượng trên truyền thông, đặc biệt là truyền hình vì nó tạo cảm giác thần tượng đang nói chuyện trực tiếp với họ.
Ba nhà nghiên cứu McCutcheon, Lange và Houran (2002) đã khái niệm hoá sự tôn thờ thần tượng (celebrity worship) và phát triển một thang đo thái độ thần tượng (Celebrity Attitude Scale, viết tắt là CAS) với ba mức độ hâm mộ và tôn thờ thần tượng theo thứ tự thấp tới cao:
  • Giải trí – Xã hội (Entertainment-Social): “Bạn tôi và tôi thích thảo luận về những gì thần tượng chúng tôi đã làm.”
  • Mãnh liệt – Cá nhân (Intense-Personal): “Tôi thường nghĩ về thần tượng ngay cả khi muốn điều đó xảy ra”
Những người hâm mộ này tham gia các câu lạc bộ người hâm mộ (fan clubs). Phần nhiều trong số họ có tính hướng nội và hành động cảm tính. Việc tham gia các fanclub sẽ giúp họ có thêm nhiều bạn bè, và tạo dựng nhiều mối quan hệ thân mật cao hơn
  • Ranh giới – Bệnh lý (Borderline-Pathological): “Nếu tôi may mắn gặp được thần tượng và người đó yêu cầu tôi làm việc phạm pháp tôi có thể cũng làm.”
Dạng hâm mộ thứ ba được xem là tôn thờ thần tượng. Những người ở mức này có biểu hiện cực đoan như ảo tưởng thần tượng yêu mình (erotomania), thường xuyên chủ ý theo dõi bám đuôi thần tượng, trao đổi thư từ có nội dung không phù hợp. Những người này thường có vấn đề về lòng tin cậy và không có khả năng phát triển hay nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài.
Một nghiên cứu của North và Hargreaves (2006) còn thêm vào mức độ thứ tư:
  • Bắt chước tai hại: Sẵn sàng bắt chước hành vi bừa bãi của thần tượng.
Một nghiên cứu của Phillips chỉ ra: Trong tháng sau sự kiện “biểu tượng sắc đẹp thế giới” Marilyn Monroe tự tử, nghiên cứu của Phillips ghi nhận 363 ca tự tử nhiều hơn dự đoán (tương đương với 12.04% tăng số người tự tử ở Mỹ và 9.83% ở Anh).
Thước đo này được cho là tương ứng với mô hình tính cách mà Eysenck đưa ra về Hướng ngoại (Extraversion), Tâm lí bất ổn (Neuroticism) và Bốc đồng (Psychoticism). Nghiên cứu của Sheridan, North, Maltby, và Gilette còn tìm ra điểm chung của các kiểu hâm mộ: thần tượng đến từ văn hoá đại chúng như các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, thường được hâm mộ hay tôn thờ ở mức độ “Giải trí-Xã hội” hay “Bắt chước tai hại”. Trong khi đó, thần tượng đến từ các lĩnh vực học thuật như nhà văn, nhà khoa học, hay nhà lãnh đạo tôn giáo,…) thì được tôn thờ ở mức độ “Mãnh liệt-Cá nhân”.
McCutcheon, Lange và Houran cho rằng bản chất hướng nội và sự thiếu vắng các mối quan hệ ý nghĩa trong thực tế đã làm người hâm mộ mê mải tập trung hết sự chú ý vào thần tượng nhằm thiết lập định dạng bản thân (identity). Tình trạng này đặc biệt diễn ra ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chính và rất dễ chịu sự tác động của nhân tố đồng lứa thân cận (bạn bè, hay thần tượng )
Cần nhấn mạnh rằng sự hâm mộ gồm nhiều mức độ khác nhau: từ hâm mộ cho đến cuồng tín. Nếu người hâm mộ giữ ở mức vừa phải, các hoạt động này có thể đem lại lợi ích cho người hâm mộ, ví dụ như có thêm nhiều bạn, tăng mức độ thân mật trong các mối quan hệ. Một nghiên cứu qua điện thoại trên 75 sinh viên Canada đã cho thấy 57% tin rằng thần tượng có ảnh hưởng tới thái độ và lòng tin của họ, hoặc đã tạo cảm hứng cho họ làm một việc gì đó. Tuy nhiên, việc tôn thờ thần tượng quá mức sẽ gây rất nhiều tác hại cho chính bản thân người hâm mộ.
Quá trình từ hâm mộ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Dần dần trong quá trình tìm hiểu thần tượng, người hâm mộ sẽ bắt đầu có những hành động quá khích. Những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Ban đầu, người hâm mộ tìm kiếm bản thân, xây dựng nhân dạng dựa trên một hình mẫu có sẵn (thần tượng của họ). Sau đó, họ bắt đầu có những hành vi “phân rẽ khỏi bản thể thự”, tức là họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng, ví dụ tưởng tượng thần tượng yêu mình hay sự sống của thần tượng phụ thuộc vào mình.
Một nghiên cứu của Maltby cho thấy những người tôn thờ thần tượng có tình trạng sức khỏe tâm lý thấp hơn những người không tôn thờ thần tượng. Nghiên cứu này lí giải rằng chính sự tôn thờ thần tượng là kết quả từ việc một người có tình trạng tâm lý không tốt, từ đó dẫn đến việc chọn việc tôn thờ thần tượng để thoát khỏi áp lực cuộc sống. Số liệu từ 307 người trưởng thành ở Anh chỉ ra mức độ “Giải trí-Xã hội” có liên quan tới triệu chứng trầm cảm và rối loạn kỹ năng xã hội, còn mức độ “Mãnh liệt-Cá nhân” liên quan tới bệnh trầm cảm và lo lắng.
Nghiên cứu trên 833 thanh thiếu niên Trung Quốc cho thấy thần tượng nhạc Pop và vận động viên dự đoán hiệu quả làm việc và học tập, lòng tự trọng, và sự thấu hiểu bản thân không cao. Trong đó, những người tiếp xúc nhiều với giọng nói và hình ảnh của thần tượng qua truyền hình và radio thấu hiểu bản thân thấp nhất. Trong khi đó, những người chọn thần tượng là những người gần gũi trong cuộc sống, như các thành viên gia đình, thầy cô, và những người không nổi tiếng lại thể hiện mức độ thành đạt học tập và lòng tự trọng cao hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận sự ngưỡng mộ những người gần gũi trong cuộc sống mang đến lợi ích thực và ảnh hưởng tốt hơn tới đời sống thanh thiếu niên.
Ngoài ra, biểu hiện tôn thờ thần tượng quá mức có thể liên quan đến việc phạm pháp. Ví dụ, sự suy giảm lòng tự trọng có liên hệ với mức độ phá vỡ quy tắc xã hội (Aronson & Mettee), thấu hiểu bản thân thấp liên hệ với hành vi phạm pháp (Garrett; Leichsenring, Kunst, & Hoyer). Những người có xu hướng “bắt chước tại hại” thần tượng có thể vướng vào những việc làm tiêu cực, thậm chí nguy hiểm (Sheridan, North, Maltby, & Gilette).
Hiện tượng người hâm mộ cuồng tín có ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Việt Nam. Một số ví dụ điển hình có thể nói đến như John Hinckley, một người hâm mộ quá khích của nữ diễn viên người Mỹ Jodie Foster đã ám sát tổng thống Ronaldd Reagan với mục tiêu “làm Jodie Foster ấn tượng”. Tại Trung Quốc, người cha của Dương Lệ Quyên đã tự tử với mong muốn con gái được gặp thần tượng Lưu Đức Hoa. Trong khi đó tại Việt Nam, người hâm mộ nhạc Hàn Quốc (Kpop) đã từng bị nhiều báo đài chỉ trích vì những hành vi nguy hiểm như “dọa dẫm, tự tử, tuyệt thực, gào khóc” để được phụ huynh đáp ứng những nhu cầu theo đuổi thần tượng. Đây chính là những biểu hiện của mức độ “Ranh giới-Bệnh lý”, hay “mê muội” như đề văn đã chỉ ra, mà giới hâm mộ nên tránh khỏi.
Có thể nói, việc hâm mộ thần tượng là một sở thích cá nhân cần được tôn trọng, và mang lại nhiều ích lợi cho người hâm mộ. Tuy vậy, nó đi kèm với nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển, đặc biệt với những người không hiểu rõ bản thân và chưa tìm được định hướng phát triển cho mình. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có con cái ở độ tuổi vị thành niên cần hết sức lưu tâm đến vấn đề này. Đừng cấm cản hoạt động của con cái, vì như vậy sẽ khiến con trở nên càng bất mãn và nổi loạn. Thay vào đó, hãy tìm hiểu tâm lý của con, làm chỗ dựa vẫn chắc, ủng hộ hoạt động hâm mộ của con, và bảo đảm những hoạt động này không ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và sinh hoạt của con.
NGOC T (VIET PSYCHOLOGY)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét