Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Bước đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ

Vietnam 2
Nguồn: Alexander L. Vuving, “A Breakthrough in US-Vietnam Relations”, The Diplomat, 10/04/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đánh dấu sự thay đổi đáng kinh ngạc trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Nổi lên như là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Việt – Mỹ vừa trải qua một bước đột phá đáng kể trong thời gian gần đây. Bước đột phá này được thể hiện trong chuyến công du đến Washington của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang trong các ngày từ 15 đến 20 tháng 3 vừa qua, một chuyến đi có phần ít được báo chí quốc tế chú ý. Có lẽ truyền thông ít quan tâm đến chuyến đi này vì nó được xem như một phần của các cuộc trao đổi thường xuyên ở cấp bộ trưởng giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm này của ông Quang đã vượt xa các trao đổi thông thường, và nội dung cuộc hội đàm của ông cho thấy một sự thay đổi về chất trong quan hệ Việt – Mỹ.
Là người đứng đầu một trong hai Bộ quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam (Bộ còn lại là Bộ Quốc phòng), ông Quang còn là một thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo tập thể của Việt Nam, tức Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Các nguồn tin của Việt Nam đã đưa tin rằng ông Quang đến Mỹ với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị và mục đích chính của chuyến đi này là để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Mỹ lần đầu tiên vào tháng 6 tới của lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Điểm khác thường đối với chuyến công du của một bộ trưởng là việc ông Quang đã hội đàm với các quan chức cấp cao từ các cơ quan khác nhau của Chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ An ninh Nội địa, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp, và Cục Tình báo Trung ương (CIA). Ông Quang cũng đã gặp gỡ các nhà lập pháp cấp cao của Quốc hội Mỹ. Các chủ đề hội đàm của ông cũng đã vượt ra ngoài phạm vi phụ trách của Bộ trưởng Bộ Công an, trải dài từ quốc phòng, an ninh đến thương mại và đầu tư. Nhân quyền cũng là một trọng tâm trong cuộc trao đổi của ông với các đối tác phía Mỹ. Theo truyền thông Việt Nam, một phần quan trọng trong chuyến đi này của ông Quang là củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam trong các tranh chấp ở Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực.
Qua việc cử ông Quang sang Mỹ, Bộ Chính trị ở Hà Nội đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về thái độ với kẻ thù cũ của mình. Ông Quang được lựa chọn đi chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư vì ông nhận được sự tín nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản. Nhưng ông đồng thời cũng là chỉ huy của lực lượng an ninh có trách nhiệm bảo vệ chế độ. Vì điều này, khi đến Mỹ ông có thể trở thành mục tiêu hàng đầu của các chỉ trích về nhân quyền. Chuyến đi lần này của ông Quang là chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Công an Việt Nam, có nghĩa là Hà Nội giờ đã có thái độ thoải mái hơn trong việc tiếp xúc với những người đối lập về mặt ý thức hệ. Về phần mình, việc Washington đối xử thân thiện với ông Quang đã làm giảm bớt nhận thức của Hà Nội coi Mỹ là mối đe dọa.
Mối quan hệ được biến đổi
Chuyến công du Mỹ của ông Quang là diễn tiến mới nhất trong một loạt các cuộc gặp gỡ trong những năm gần đây, vốn đã làm thay đổi bản chất của mối quan hệ Việt – Mỹ. Chuyến viếng thăm của Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội vào tháng 7/ 2012 đã khởi đầu cho tiến trình này. Trong chuyến đi này, bà Clinton đã gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và mời ông đến thăm Mỹ. Tính biểu tượng của cử chỉ này là Washington chấp nhận sự khác biệt về ý thức hệ với chế độ của Việt Nam và coi Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam là một đối tác, và các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã chấp nhận quan hệ đối tác này. Ý nghĩa đằng sau lời mời của bà Clinton được xem là quan trọng đối với Hà Nội. Nó cho thấy rằng, mặc dù là đối lập về ý thức hệ, Mỹ thực sự muốn thiết lập quan hệ nghiêm túc với Việt Nam. Trên thực tế, cuộc gặp đã mở ra cánh cửa quan hệ thực chất giữa Chính phủ Mỹ và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyến thăm của bà Clinton đã mở đường cho việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, được chính thức đặt ra một năm sau đó tại Washington trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 7/2013. Trong khuôn khổ đối tác này, Washington và Hà Nội cam kết tôn trọng “hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.” Trên cơ sở nguyên tắc này, khuôn khổ hợp tác trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ các quan hệ chính trị và ngoại giao đến thương mại và kinh tế, từ công nghệ, giáo dục đến quốc phòng, an ninh, từ văn hóa, thể thao, du lịch đến các vấn đề di sản chiến tranh, và từ vấn đề môi trường, y tế đến bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Vào đầu tháng 10/2014, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Mỹ đã thông báo quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vốn đã được áp dụng trong nhiều thập niên, nhằm hỗ trợ Việt Nam cải thiện an ninh hàng hải. Lệnh cấm vận vũ khí là một trở ngại lớn từ phía Mỹ trên con đường thắt chặt quan hệ Mỹ-Việt.
Một trở ngại khác từ phía Việt Nam đã được gỡ bỏ khi Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Washington trong năm nay. Khi trao đổi với những đối tác người Mỹ của mình, ông Quang khẳng định rằng Hà Nội sẵn sàng cho phép Đội Hòa Bình của Mỹ (US Peace Corps) hoạt động tại Việt Nam. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của chế độ cộng sản đối với thách thức về ý thức hệ. Năm năm trước, trong một tài liệu chính sách của mình, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản, những “người gác cổng” ý thức hệ của Việt Nam, vẫn coi Đội Hòa Bình là một “thế lực thù địch” và một tổ chức chuyên tuyên truyền và có các hoạt động lật đổ chống lại chế độ cộng sản.
Việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và nước Việt Nam cộng sản đã diễn ra rất chậm chạp. Phải mất hai thập niên sau khi kết thúc chiến tranh hai bên mới khôi phục lại được quan hệ ngoại giao (1995). Và phải cần thêm hai thập niên nữa sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao thì hai bên mới bình thường hóa được hoàn toàn mối quan hệ. Chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6 sẽ là bước cuối cùng trong việc bình thường hóa này.
Lợi ích tương đồng
Dù Trung Quốc là một yếu tố quan trọng vừa cản trở, vừa xúc tiến quan hệ Việt – Mỹ, song các lực lượng chính ngăn Hà Nội và Washington đến gần nhau hơn lại mang tính tư tưởng và tâm lý hơn là vật chất. Sau Chiến tranh Lạnh, các lợi ích chiến lược của Việt Nam và Mỹ đã trở nên tương đồng nhau, với việc ưu tiên cao nhất của cả hai nước trong khu vực là một môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế. Dù từng là một quốc gia muốn xét lại (thay đổi – NHĐ) trật tự khu vực, nhưng Việt Nam đã trở thành người ủng hộ việc giữ nguyên trạng của Mỹ. Về phần mình, Hoa Kỳ từ bỏ mong muốn làm suy yếu và cô lập Hà Nội, thay vào đó là mong muốn Việt Nam được giàu mạnh. Tuy nhiên, hai bên vẫn xem nhau như là một mối đe dọa đến bản sắc của mình. Tại Mỹ, ký ức về thất bại trong chiến tranh Việt Nam và ý thức coi mình là “người bảo vệ tự do” của Mỹ chính là những lực cản mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Hà Nội. Ở Việt Nam, mong muốn bảo vệ chế độ và sự áp đảo của tư tưởng chống phương Tây đã cản trở các bước tiến hướng tới mối quan hệ hữu nghị với Washington.
Nỗ lực lâu dài của cả Hà Nội và Washington đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm bớt việc xem nhau là mối đe dọa. Nhưng yếu tố quyết định trong những năm gần đây đã biến hai cựu thù trở thành bạn bè là sự xuất hiện của một mối đe dọa an ninh chung. Sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh ở Biển Đông đã làm thay đổi những tính toán chiến lược của cả Hà Nội và Washington. Đối mặt với thách thức khổng lồ từ Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đang chuẩn bị bớt coi trọng những bất đồng về ý thức hệ và tập trung vào những lợi ích chiến lược chung.
Bước đột phá mở cửa cho một mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đang thực sự dần trở thành hiện thực. Nó bắt đầu với chuyến thăm của Hillary Clinton đến Hà Nội vào tháng 7/2012 và sẽ lên đến đỉnh điểm với chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng đến Washington vào mùa hè này. Dù quá trình này diễn ra tiệm tiến nhưng sự thay đổi là rất lớn. Một thập niên trước, các quan chức ở Hà Nội nói riêng với tôi rằng Chính phủ của họ coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược, dù về mặt chính thức thì không phải như vậy. Ngày nay, ai cũng hiểu quan hệ của Việt Nam với Mỹ là một quan hệ đối tác toàn diện về tên gọi nhưng thực chất đã là một quan hệ đối tác chiến lược.
Alexander L. Vuving là Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng, hay Chính phủ Mỹ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét