Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Thử Tìm Một Mẫu Xã Hội và Phát Triển Khác: Quản Trị Bằng Khế Ước, Phát Triển Trong Hài Hòa

VTT ZMAR18 Mandala 10Mẫu “xã hội Âu Mỹ” càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Các quốc gia “đang vươn lên” ráng lắm cũng khó có thể chạy theo kịp cho giống mẫu xã hội phương Tây, vì chẳng chóng thì chầy sẽ gặp tình trạng đổ vỡ. Đổ vỡ càng nhanh, vì những “chặng đường phát triển” thường bị đi tắt vì thiếu các “hạ từng cơ sở” vững chắc. Phải nhiểu năm trời mới xây đựng những tập tục căn bản như Dân chủ, Tổ chức hành chánh, tập tục sanh hoạt hành chánh, bớt bỏ cái não trạng quan liêu, cửa quyền… 
Hu Tsin Tao, lãnh đạo Trung quốc trong một bài diển văn năm xưa đã mơ mong đem lại Trung quốc tương lai một «xã hội hài hòa» (chữ dùng của họ Hu), vì cảm nhận được «cái đà phát triển không đồng nhịp» của xã hội Trung quốc bấy giờ sẽ là một «vấn nạn cho tương lai» ! Ngày nay, với Xi Chủ tịch, cái sợ ấy, cái lo ấy, cái cảm nhận ấy đã biến thành sự thật! Xã hội Trung cộng quốc đang trên đà xáo trộn, cơ chế quốc gia có nguy cơ sụp đổ!
Thế giới xã hội “Âu Mỹ” hiện nay, tuy tiếp tục vẫn còn là mẫu mực phát triển của các nước “đang đi lên” ! Nhưng đang gặp nhiều vấn đề nan giải của một bộ may già nua không thay đổi kịp thời với tình hình tiến triển của khoa học, suy nghĩ khoa học, nhịp phát triển của khoa học, những dữ kiện mới, phương tiện mới, người già sống càng già, nhập cuộc chậm vì vướng víu quá khứ quá nặng nề, giới trẻ lớn nhanh, học hành nhanh hiểu biết mau, nhập cuộc nhanh. Đặc biệt ở Âu châu, thí dụ hiện nay ở Pháp. Do sự “cùng sống chung”, do nơi “gặp gỡ” của nhiều cộng đồng trong một xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc, do tình trạng kinh tế khó khăn day dẳn chưa dứt từ khủng hoảng năm 2008, do một phần cũng vừa vì chánh sách « thắt lưng buột bụng » – đòi hỏi « đồng cam cọng khổ » – và cũng do một phần cũng vì truyền thống thiên chúa giáo, dân chủ, cộng hòa « mở rộng tình thương » – « thấy người hoạn nạn thì thương,… » của chánh phủ phái tả vụng về, yếu kém về quản trị, tổ chức lỗi thời, hớp tớp, không nhìn xa – nên chỉ đem lại những tranh chấp không giải quyết: tranh chấp giữa các cộng đồng, tranh chấp giữa những thế hệ, tranh chấp giữa những tôn giáo, tranh chấp giữa xóm nhà giàu và xóm nhà nghèo, giữa trung tâm thành phố và ven đô. Và nguy hiểm hơn, là tranh chấp giữa giai cấp của những thành phần có tổ chức, có kỷ luật, giai cấp của những người đang có việc, đang làm việc, tạo phồn vinh, tạo cuộc sống an cư, tạo của cải sự nghiệp với một hệ thống an ninh, cột trụ chánh của sanh hoạt hằng ngày và phát triển tương lai đất nước ; nói chung là của « giai cấp đại diện cho một xã hội tích cực, năng nỗ hữu dụng… » với « giai cấp của thành phần ven đô », xóm nghèo vô công, vô nghề, vô gia cư, đại diện giai cấp “ngoài xã hội”.
Càng khó giải quyết hơn, khi chế độ bảo hiểm bao cấp, che chở bởi một “quan niệm Nhà nước Bao Dung Mẫu Tử, nuôi tất cả đàn con”, quên rằng đó chỉ là “một tổ chức liên đới” do những người “đang làm việc”, “sản xuất” nuôi toàn bộ quần chúng của đất nước, bao gồm cả những người tỵ nạn mà Nhà nước đã cưu mang, kể cả những di dân nhập cư bất hợp pháp mà chẳng có ai chịu trách nhiệm ! Càng khó khăn hơn nữa, với chiến tranh ở Trung Đông, ở Châu Phi, số người tỵ nạn biến thành làn sóng tỵ nạn, với đa số người Hồi Giáo ! Và người Hồi Giáo biến thành vấn đề ! Và đạo Hồi Giáo biến thành khủng hoảng Hồi Giáo ! Khủng hoảng tỵ nạn nhập khủng hoảng thất nghiệp. Đa phần thất nghiệp ở Pháp lại là người Hồi Giáo địa phương. Hai Vấn nạn nhập lại thành Quốc nạn bất mãn ! Hồi Giáo bất mãn là con mồi cho Hồi Giáo quá khích. Và, tuy chưa tuyên bố hẳn Thánh Chiến, đã gieo bất ổn, bất an, gieo khủng bố và phá hoại. Dân chúng Pháp đang sống trong tình trạng khẩn cấp và quân luật.
Chánh phủ Pháp lúng túng, không giải quyết nổi vấn nạn tỵ nạn, hiện nay đang là một quốc nạn, với một khủng hoảng kinh tế hiện đang bành trướng, đang chuyển thành một khủng hoảng chánh trị, một xáo trộn xã hội lớn trong tương lai. Và với cuối cùng, viễn ảnh một thế chiến thứ ba có thể là một sự thực ! Thật vậy, cứ nhìn những khiêu khích của Tổng Thống Poutine của Nga đầy cao ngạo, mơ một Đế Quốc Đại Nga, mong trở về với quá khứ huy hoàng của Liên Sô Vĩ Đại!
Hãy nhìn những cường điệu của Thổ Nhỉ Kỳ muốn lập lại Đế Quốc Ottoman, với những tuyên bố và hành động độc tài của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan đầy mâu thuẩn. Và cuối cùng chúng ta cũng chớ quên tên Hoàng Đế độc tài tân thời của Đông Á và Đông Nam Á là Xi JinPinh đang bành trướng và xâm chiếm các lãnh thổ láng giềng để toại nguyện các giấc mơ của Thành Cát Tư Hản với những Đế quốc trước của Mông Cổ, hay của Hốt Tất Liệt với Nhà Nguyên Đại Hán và ngày nay của Đảng Cộng Sản Tàu với Hán tộc.
Mẫu xã hội âu mỹ đó, với các nhức nhối sâu đậm triền miên ấy, ngày nay không ai dám nói đến. Ở Pháp, Nhà cầm quyền phái tả cố giải quyết như “một tệ nạn xã hội”, còn phe hữu đang chống đối thì xem đấy là “một sai lầm quản trị”, đã làm nảy sanh ra bất công xã hội. Họ chỉ cố tình tìm cách khai thác, nhằm phá hoại, chỉ trích, chê bai chánh phủ phái tả và phe cầm quyền. Đáng lý ra, họ phải phụ một tay giúp cáng đáng công việc, trong khi luật rừng hiện diện khắp các thành phố do cả hai phía tả hữu !
                
Ta thử đi tìm những quan điểm, những lý thuyết xã hội để xoa dịu tất cả những đụng chạm, để có thể “sống chung”. Thử tìm một mẫu suy nghĩ phát triển để thế giới đa văn hóa, đa cực có thể “sống chung cùng phát triển” đem thạnh vượng và phúc lợi cho toàn nhơn loại.
Nhơn đọc lại (một trong những tác giả đầu giường của chúng tôi) Frédéric Bastiat, (1801 -1850) một nhà nghiên cứu kinh tế Pháp đã lập ra trường phái “tư bản lạc quan” (capitalisme optimiste) trái hẳn với Malthus và Ricardo. Bastiat chống những rào cản thuế quan bảo vệ kinh tế (protectionnisme), Bastiat chống xã hội chủ nghĩa xã hội bao cấp kiểu Proudhon, Bastiat đề nghị một cái nhìn khác, một “mẫu xã hội khác”. Chúng tôi xin tóm tắt và trình bày những nét chánh của cái nhìn khác ấy.
Cái nhìn được Bastiat đặt tên là “Những hài hòa xã hội” để tiến đến “Một xã hội hài hòa”.
 Sau đây là vài ý kiến của Frédéric Bastiat trong “Những hài hòa xã hội” – Harmonies sociales -Éditions du Trident – Paris*.
1. Giải Pháp Hài Hòa: Không Tưởng Hay Tiên Tri?
Kinh tế gia Frédéric Bastiat là một triết gia về sự hài hòa. Bastiat nghĩ rằng, để cùng “sống chung”, để “xã hội hóa”, con người phải đi đến những giải pháp “hài hòa”. “Thương lượng” để đáp ứng cho tất cả những nhu cầu thoạt tiên nghịch nhau, mâu thuẫn hẳn với nhau. Quan niệm triết lý của Bastiat là một sự “hổ tương”, và cũng là “một liên đới của những đối nghịch”. Chúng ta chỉ được thỏa mãn trong đời sống của mỗi chúng ta khi chúng ta tìm đáp số được cho sự sung túc chung của xã hội, nghĩa là sự thỏa mãn của những người khác. Chúng ta chỉ hưởng được phồn vinh trong một xã hội hoàn toàn đầy phồn vinh.
 
“Mỗi chúng ta, khi làm việc cho riêng cá nhơn chúng ta, đó thực sự là chúng ta đang phục vụ cho toàn thể các cá nhơn của toàn xã hội”

Đây là một cái nhìn đầy “tình người” của thuyết “Phân chia phần hành” (division du travail) của Adam Smith đó thôi. Adam Smith quan niệm dùng sự bổ túc giữa những công tác, những phần hành và kỹ thuật cá nhơn bổ khuyết lẫn nhau để tạo điều kiện tốt nhứt cho sản xuất.
Tạo sản xuất là tạo phồn vinh cho xã hội.
Bastiat cũng nghĩ đến những khác biệt kỹ thuật cá nhơn, nhưng tất cả phải phục vụ cho “Con Người” tức là thỏa mãn nhu cầu của mỗi cá thể, mỗi con người. Sự đa dạng của nhu cầu cá thể sẽ là đáp số của sự đa dạng của kỹ thuật cá nhơn. Nói tóm lại, Bastiat đặt trọng vai trò “con người” đưa lên hàng đầu, quan trọng hóa vai trò “tiêu thụ” của con người.
2. Kinh Tế Sản Xuất vs Kinh Tế Phục Vụ?
Quan điểm của Bastiat ngày nay lại càng sáng tỏ hơn bởi hiện tượng toàn cầu hóa, và thế giới đã nói đến “chỉ số sản xuất”.
Nhưng các sản phẩm ngày nay PHẢI có tính cách “thương mãi”, và “thị trường” (marchande et commerçante) TRƯỚC tính cách kỹ thuật (technique).
Những thị trường mới là những thị trường với hàng triệu người tiêu thụ những hàng hóa đại chúng. Đó là những cuộc chạy đua mới, những thách thức mới, với những mục tiêu mới là “người tiêu thụ”, là “thị trường”.
Hôm nay, chính dân chúng của các quốc gia “đang vươn lên” đang làm đầu tàu kéo sự phát triển của toàn thế giới, vì hơn một nửa dân chúng thế giới (là dân chúng của “các nước đang vươn lên”) đang học và muốn sống thoải mái, sống sung túc (theo mẫu Âu Mỹ). Và vì để sống sung túc hơn, họ đang sẵn sàng làm nhiệm vụ “phục vụ” cho phân nửa dân chúng còn lại của thế giới. Và số “phân nửa còn lại” đó, nếu muốn bảo tồn cuộc sống sung túc đang có của ngày hôm nay, thì phải tổ chức làm ăn thế nào để đáp trả “phục vụ” lại cho những khoản “phục vụ” của số “phân nửa” kia. Đó, là cách có qua có lại đó thôi!
Hôm nay sản xuất là phục vụ, và thương nghiệp là trao đổi phục vụ với phục vụ. 
3. Một Mẫu Tổ Chức Xã Hội Lỗi Thời: Đặt Trọng Tâm Vào Các Nhà Sản Xuất:
Chính vì vậy, trong cơ chế sơ đồ tổ chức thương nghiệp toàn cầu hóa của ngày hôm nay, mẫu tổ chức Xã hội Tây phương hoàn toàn lỗi thời. Vì cơ chế tổ chức Xã hội Tây phương từ hai thế kỷ nay đặt trọng tâm về khâu sản xuất và các nhà sản xuất. Từ ngày cách mạng kỹ nghệ giải thoát đời sống nông dân đến ngay cả thời sanh ra cái đối nghịch là cách mạng cộng sản với đấu tranh công nhơn, các dữ kiện đều phát xuất từ khâu sản xuất.  Thí dụ: Những ngày gần đây, suốt tuần qua thành phố Belfort (Đông Bắc Pháp) đóng cửa toàn bộ thành phố nhiều giờ trong ngày để ủng hộ những cuộc biểu tình xuống đường của công nhơn (400 người) vì Hảng của họ, Hảng Alstom, chuyên sản xuất dụng cụ xe lữa, và đầu máy xe lửa, có kế hoạch đóng cửa Nhà máy tại Belfort để chuyển tải phân phối nhơn viên qua các nhá máy khác ở những thành phố vùng khác của Pháp để hữu hiệu hóa phần sản xuất đầu máy xe lửa. Nhưng vì tình nghĩa Nhà Máy và Thành Phố gắn bó từ cuối thế kỷ thứ 19, nên nếu Alstom bỏ Belfort, thật là cả một cuộc ly dị, một bi kịch, một thảm cảnh cho thành phố. Cả thành phố, cả dân Belfort mấy thế hệ gắn bó với Alstom, từ người dân, nền kinh tế, sanh hoạt Alstom với Belfort như một đại gia đình. Belfort thuộc gia đình Alstom, Alstom đi Belfort sẽ chết!
Đây thật là cả một lý luận hoàn toàn lỗi thời, với tư tưởng ngày nay của toàn cầu hóa, với hệ thống thế giới hóa …Những câu hỏi: như địa phương? Như nhà máy, như công nhơn còn hợp thời không? … Và tất cả những câu hỏi về xã hội, rất còn thời “thế kỷ thứ 19”, đặt dưới từ ngữ “điều kiện làm việc của công nhơn”. Sự thực, ngày nay đáp số các “điều kiện làm việc của công nhơn” không thích ứng nữa; động cơ mới phải là “mãi lực của công nhơn” và “chỉ số và điều kiện lương bổng của công nhơn”.
Xã hội Tây phương ngày nay vẫn còn phải giải quyết những mâu thuẫn, và tranh chấp giữa các thành phần của khâu sản xuất, các thành phần ấy vẫn tạo nên những giai cấp đấu tranh khác nhau, và có mâu thuẫn cùng tranh chấp khác nhau:
– thành phần tạo việc làm (chủ nhơn đề án, dự án)
– thành phần tạo vốn (tư bản tài chánh, chủ nhơn)
– thành phẩn làm việc (công nhơn)
– thành phần chuyên viên sáng tạo.
Để Giải Quyết:
– Một xã hội không có giai cấp?
Không có giai cấp, không còn tranh chấp và không còn đấu tranh.
Thiên đường Cộng sản? Giải pháp tập thể? Cộng sản chủ nghĩa nay đã hoàn toàn thất bại. Giai cấp Đảng viên nomenklatura thống trị và tước đoạt táo bạo (cải cách ruộng đất …) giai cấp tiểu tư sản, và nhanh chóng biến thành độc tài toàn trị, đã sụp đổ hoàn toàn.
 – Thực tiển hơn, giải pháp đối thoại và thương thuyết:
Giải pháp xã hội Âu Mỹ là tổ chức một cuộc đối thoại thường trực giữa các giai cấp.
Công nhơn hợp thành Nghiệp đoàn. Chủ nhơn thành các Hiệp hội chủ nhơn. Và các cuộc thương thuyết, các cuộc gặp gỡ nhằm đem lại những giải pháp tổ chức cuộc “sống chung”. Vai trò Nhà Nước chỉ làm trọng tài, tạo một cái sườn pháp lý, một cái khung đối thoại, và nếu cần, dùng “uy tín” để “phán những giải pháp”, những kết luận. Thế nhưng, bức tranh lý thuyết này không tồn tại mãi mãi. Thực tế của “giòng sông kinh tế”, và “đời sống xã hội” đem lại rất nhiều khó khăn. Khi trọng tài biến thành chủ nhơn, mà lại là chủ nhơn ông số 1, khi nghiệp đoàn không đủ thành phần đại diện (túc số kém) hay không đủ tư cách đại diện (bị mua chuộc, hay do chính chủ nhơn tổ chức – nghiệp đoàn tư, nghiệp đoàn của Mặt trận Tổ quốc VN), … mất uy tín, mất tín nhiệm của công nhơn, và cuối cùng, hiện tượng quan trọng là sự vắng mặt của thành phần quan trọng nhứt: “người tiêu thụ”. Vì, ngay cả đến ngày hôm nay, trong tất cả những đối thoại hay thương thuyết đều không có một đại diện người tiêu thụ. (Raph Nader, đầu những năm 60 có nghĩ đến một “phong trào người tiêu thụ” nhưng đó chỉ là một ngọn lửa nhỏ vừa sớm nở tối đã tàn).
Trong những cuộc đình công năm 2016 ở Pháp, các Công đoàn sở Hỏa xa Pháp, và “Hệ thống chuyên chở công cộng vùng Paris”, hay của Hảng Hàng Không Air France đều đã sử dụng “người tiêu thụ” như những “con tin” để làm “khó dễ” và “mặc cả” với Chánh phủ Pháp.
Giai cấp người Tiêu Thụ:
Sự thật là trong những tranh chấp, những giai cấp nói trên được đặt ra không đúng chỗ. Có thể nói rộng, là xã hội ngày nay có thêm giai cấp: giai cấp người tiêu thụ. Giai cấp ấy ở đâu? Ở nơi mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta đều vừa là nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ. Chúng ta đòi tăng lương bổng, nâng cao thu nhập, nhưng chúng ta sẽ nhăn mặt than khổ khi vật giá leo thang, gạo xăng lên giá. Chúng ta sợ thị trường cạnh tranh, nhưng chúng ta tiếp tục đi mua hàng rẻ nhờ cạnh tranh nên có phát mãi.
Dĩ nhiên những đụng chạm, tranh chấp quyền lợi các thành phần trong sản xuất vẫn có và phải có, nhưng chúng ta có cần phải đi đến “đấu tranh giai cấp” để giải quyết chăng?
Phải cần Khế Ước:
Con người của những xã hội văn minh đã nghĩ đến bản “Khế ước”, đã biết thế nào là “dàn xếp”, “hòa giải”, và thế nào là “thị trường”.
Kinh tế thị trường khác biệt hẳn với “luật rừng”. Luật rừng là luật của kẻ mạnh, và phá vỡ những quan điểm của những người có thiện chí. Tại sao “cầm quyền” lại đồng nghĩa với “đàn áp” những ai có quan điểm khác mình?
Bastiat đề nghị một xã hội hài hòa với thương thuyết, thương lượng, hòa giải, dàn xếp thay cho tranh chấp quyền lực, đấu tranh giai cấp, một khế ước với những quy định “chung sống”, những giải đáp nhỏ cục bộ, đa dạng, cho những vấn đề lớn.
Cái nhìn sai của chế độ xã hội Âu Tây là quên cái quan điểm “khế ước” (contrat) mà chỉ nghĩ đến “luật lệ – quy định”. (règlementations)
Khế ước là tinh thần làm luật, là tinh hoa của luật, là cái “dàn xếp”, “cái ngoéo tay”, cái chữ “tín” giữa hai người. Đó là luật chơi giữa hai đối tượng, trọng nhau, tin nhau. Win – Win. Synallagmatique. Lưỡng lợi.
Còn Luật lệ – Quy định, chỉ là văn bản, viết thành văn, thành luật, gò bó, chấm phẩy, trung ương tập quyền.
Vì Âu Tây nhiều quy định, nhiều luật, nhiều lệ, nên người Âu Tây và xã hội Âu Tây ngày nay bị nạn Nghiệp đoàn hóa (corporatisme) và Viên chức hóa hay Cửa quyền hóa (bureaucratie).
Những nơi đáng lý phải sử dụng lý lẽ ôn hòa, thông cảm giải quyết, nay chỉ còn có luật lệ xơ cứng, tranh chấp dằn co.
4. Xã Hội Hài Hòa: Công Thức?
Người là một con sói của người. Homo homine lupus – Thomas Hobbes (1588 – 1679) đã nhận đình như thế. Con người không phải ai ai cũng đều “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện” cả. Hể có dịp đè người hàng xóm, là họ làm ngay.
Bastiat vẫn biết như vậy, nhưng Bastiat nghĩ rằng con người dễ hướng thiện.
Tạo những điều kiện để hướng thiện, con người sẽ hướng thiện.
Những điều kiện ấy gồm có:
– quyền tư hữu,
– tinh thần trách nhiệm và
– tinh thần tương thân liên đới.
Quyền tư hữu và tinh thần trách nhiệm, đi chung với tinh thần Tự do cá nhơn.  Đó là những điều kiện tiên quyết để đưa mỗi cá nhơn chúng ta trau giồi nhơn cách, phát huy tài năng, chấp nhận những sai trái để củng cố những tiến bộ.
Tình tương thân liên đới (solidarité) là một tình thương tương trợ lẫn nhau của một xã hội có tổ chức, lá lành đùm lá rách. Biết chia sẻ nỗi vui nỗi buồn, hoạn nạn có nhau là một cử chỉ tự nhiên của con người. Bastiat nói rất nhiều về những tổ chức liên đới, về những tổ chức bảo hiểm. Phân tách nhận định của Bastiat rất hợp thời, hợp cảnh, nhứt là khi Bastiat tỏ ý lo ngại khi tình tương trợ liên đới và tinh thần trách nhiệm bị lạm dụng và phá sản bởi một chánh sách Nhà Nước Bao Dung (Etat – Providence) – như nước Pháp ngày nay.
Đấy là một chánh sách quản lý ngu dân xem dân chúng như những đứa bé ngây ngô khờ dại, còn những người và cơ quan quản lý đầy quyền lực là những gia trưởng trịch thượng.
Để kết luận:

Một xã hội hài hòa, với một tổ chức dựa trên tinh thần khế ước là một xã hội do những người có tự do hành động, có trách nhiệm, có tinh thần tập thể tương trợ liên đới tổ chức và điều hành.

Phải nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ giáo dục, đạo đức xã hội, các cơ chế tổ chức phải biết dung hòa, không xúi giục kẻ mạnh đấu tranh giành giựt, cũng không che chở người yếu kém để đưa đến sự sống bám.
Bastiat lúc nào cũng lạc quan: Bastiat tin tưởng vào tánh hướng thiện của con người.

Mong một quê hương Việt Nam của những người đầy thiện chí!
Mong một quê hương Việt Nam của những người có dân chủ, có Tự do hành động, có trách nhiệm, có tình thương tập thể liên đới, thực sự yêu quê hương, thực sự yêu NGƯỜI Việt Nam!
Hy vọng một Vận hội mới.
Cho Thế Giới.Cho Âu Châu.
Cho Nước Pháp và Cho Việt Nam
Hồi Nhơn Sơn, Đầu Thu 2016.
TS Phan Văn Song
Ghi Chú :
* Frédéric Bastiat : Harmonies sociales, Spoliations et Dissonances. Préface de Georges Lane. Éditions du Trident. http://ledition-du-trident.fr

0 nhận xét:

Đăng nhận xét