Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

George Orwell viết về Mein Kampf của Hitler

Nguồn: George Orwell. “Review of Mein Kampf,” Collected Essays, Journalism and Letters of George Orwell, ed. Ian Angus and Sonia Orwell, vol. 2: My Country Right or Left 1940-1943, (London: Secker & Warburg, 1968). Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Hitler
Việc ấn bản không bị kiểm duyệt của cuốn Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) do Hurst & Blackett mới phát hành năm ngoái được biên tập theo quan điểm ủng hộ Hitler là một biểu hiện cho tốc độ biến chuyển của các sự kiện đương thời.[1] Mục đích rõ ràng của lời nói đầu và những ghi chú của người dịch là nhằm đỡ lời cho sự tàn bạo của cuốn sách và giới thiệu Hitler một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Khi đó Hitler vẫn còn đáng kính.[2] Ông ta đã nghiền nát phong trào công nhân Đức, và do đó các tầng lớp tư hữu đều sẵn lòng tha thứ gần như tất cả cho ông ta. Cả cánh tả và hữu đều nhất trí với quan niệm rất nông cạn rằng Chủ nghĩa quốc gia xã hội chỉ đơn thuần là một dạng Chủ nghĩa bảo thủ.
Rồi đột nhiên hóa ra Hitler chẳng còn chút nào đáng kính.[3] Kết quả là, ấn bản của Hurst & Blackett được tái bản trong lớp áo mới với lý lẽ rằng tất cả lợi nhuận thu được sẽ được dành cho Hội Chữ thập Đỏ. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa trên các chứng cứ trong cuốn Mein Kampf thì sẽ rất khó tin rằng đã có biến chuyển thực sự nào diễn ra trong những mục đích và quan điểm của Hitler. Nếu so sánh những phát biểu của ông ta khoảng một năm trước đây so với 15 năm trước đó, ta sẽ nhận ra sự cứng nhắc trong tâm trí ông ta, cách ông ta nhìn nhận thế giới không hề thay đổi. Đó là tầm nhìn cố định của một kẻ độc tưởng (monomaniac) và ít có khả năng bị ảnh hưởng nhiều bởi những sự vận động tạm thời của quyền lực chính trị. Có lẽ, trong tâm trí Hitler, Hiệp ước Xô-Đức chẳng đại diện cho gì nhiều hơn một sự điều chỉnh thời gian biểu. Kế hoạch đề ra trong Mein Kampf là đập tan Liên Xô trước, với ngụ ý sẽ nghiền nát Anh sau đó. Giờ như chúng ta đã biết, Anh đã được dành để xử lý trước, do Liên Xô thì dễ hối lộ hơn.[4] Rồi sẽ đến lượt Liên Xô khi Anh đã chết, đó chắc chắn là cách Hitler nhìn nhận.[5] Liệu thực tế có diễn ra như vậy không tất nhiên lại là một câu hỏi khác.
Giả sử kế hoạch của Hitler được triển khai. Thứ ông ta dự tính trong một trăm năm tới là một nhà nước liên tục gồm 250 triệu người Đức với rất nhiều “không gian sinh sống” (tức là trải dài đến Afghanistan hoặc gần đó), một đế chế kinh khủng bị tẩy não mà trong đó, về cơ bản, chẳng có gì diễn ra ngoài việc đào tạo thanh niên cho chiến tranh và sản sinh vô tận nguồn bia đỡ đạn sống. Làm thế nào ông ta có thể đặt ra tầm nhìn quái dị như thế? Có thể nói ở một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp, ông ta đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các nhà công nghiệp nặng, những người nhận ra ở ông ta một con người có thể đập tan Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Nhưng họ đã không ủng hộ ông ta nếu ông ta không đưa được một phong trào vĩ đại trở thành hiện thực. Tình hình ở Đức, với 7 triệu người thất nghiệp, một lần nữa trở nên hết sức thuận lợi cho những kẻ mị dân. Nhưng Hitler đã không thể thành công trong việc chống lại những đối thủ của mình nếu không có sự hấp dẫn cá tính của riêng mình, thứ mà ta có thể nhận thấy ngay cả trong những câu chữ vụng về của Mein Kampf và rõ ràng là áp đảo người nghe bằng những bài phát biểu… Thật sự là có điều gì đó hết sức lôi cuốn ở ông ta. Ta có thể cảm nhận điều đó lần nữa khi xem những bức ảnh của Hitler – tôi đặc biệt gợi ý bức ảnh ở đầu ấn bản của Hurst & Blackett, chụp Hitler trong những ngày đầu tiên của đời lính áo nâu.[6] Đó là khuôn mặt giống chó, đáng thương, khuôn mặt của người đàn ông gánh chịu những sai lầm không thể dung thứ. Nó tái hiện vô số chân dung của Chúa Ki-tô bị đóng đinh theo cách khá nam tính hơn, và chẳng ngờ gì đó là cách chính Hitler nhìn bản thân mình. Chỉ có thể phỏng đoán lý do cá nhân, trước nhất của lời trách cứ của ông ta dành cho vũ trụ; nhưng bằng giá nào đi nữa nó vẫn tồn tại. Ông ta là thánh tử đạo, là nạn nhân, là Prometheus bị xích vào tảng đá, là anh hùng tự hi sinh, đơn thương độc mã chiến đấu với lợi thế gần như là không có. Nếu giết một con chuột, Hitler sẽ biết cách khiến nó trông như một con rồng. Như với Napoleon, ta sẽ thấy Hitler đang chiến đấu chống lại số phận, và dù không thể, phần nào đó ông ta xứng đáng giành được chiến thắng. Sức hấp dẫn của một dáng vẻ như thế quả nhiên là rất lớn; một nửa số phim chúng ta xem là xoay quanh những chủ đề như vậy.
Hitler cũng hiểu thấu những mặt gian dối của thái độ khoái lạc chủ nghĩa đối với cuộc sống. Gần như mọi tư tưởng của châu Âu kể từ cuộc chiến lần cuối, chắc chắn đều là những tư tưởng “tiến bộ,” đã mặc nhiên cho rằng con người không khao khát gì hơn ngoài sự thanh thản, an toàn và tránh được khổ đau. Trong quan điểm như vậy về cuộc sống không có chỗ cho, chẳng hạn, chủ nghĩa yêu nước hay đức hạnh người lính. Những người theo chủ nghĩa xã hội khi thấy con cái mình đùa chơi với lính tráng thường thấy khó chịu, nhưng anh ta không bao giờ có thể nghĩ ra được gì thay thế cho những chú lính thiếc; những chú người thiếc ủng hộ hòa bình thế nào cũng là không thể. Hitler, bởi cảm nhận được sức mạnh vượt trội trong tâm trí buồn tẻ của mình, biết rằng con người không chỉ muốn thoải mái, an toàn, ít giờ làm việc, vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, và những lẽ thường nói chung; con người còn, chí ít là đôi khi, muốn đấu tranh và hi sinh, chưa kể đến cờ trống và những cuộc diễu hành thể hiện lòng trung tín. Tuy nhiên chúng có thể như những thuyết kinh tế, Chủ nghĩa phát xít và Chủ nghĩa quốc xã về mặt tâm lý đang ngân vang xa hơn bất kỳ khái niệm cuộc sống theo chủ nghĩa khoái lạc nào. Điều tương tự có thể cũng đúng với phiên bản quân phiệt hóa chủ nghĩa xã hội của Stalin. Cả ba nhà độc tài vĩ đại đều củng cố quyền lực bằng cách đặt những gánh nặng không thể chịu đựng lên người dân của họ. Trong khi chủ nghĩa xã hội, thậm chí cả chủ nghĩa tư bản trong một cách miễn cưỡng hơn, đang bảo mọi người rằng “Tôi cho các bạn thời gian tốt đẹp,” Hitler lại nói “Tôi cho các bạn đấu tranh, nguy hiểm, và cái chết,” và kết quả là cả một dân tộc đã tự quăng mình dưới chân ông ta. Có lẽ sau này họ sẽ chán nản và đổi ý, như trong những phút cuối của cuộc chiến lần trước. Sau ít năm đầy tàn sát và đói kém, “Hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất” là câu khẩu hiệu tốt, nhưng lúc này, “Một cái kết kinh hoàng còn hơn nỗi kinh hoàng không bao giờ kết” mới là người chiến thắng. Giờ đây khi đang phải chiến đấu chống lại người đàn ông đã tạo nên nỗi kinh hoàng, chúng ta không được đánh giá thấp sức lôi cuốn cảm xúc của nó. ♦
Eric Arthur Blair (1903-1950), nổi tiếng với bút danh George Orwell, là nhà văn xuất chúng người Anh, tác giả của Một chín tám tư (Nineteen Eighty-Four) và Trại súc vật (Animal Farm).
Bản dịch © 2015 Nguyễn Huy Hoàng
Chú thích của người dịch
[1] Ấn bản Mein Kampf năm 1939 của Hurst & Blackett là một trong những bản dịch (sang tiếng Anh) trọn vẹn đầu tiên do James V. Murphy biên dịch và chú giải theo quan điểm ủng hộ Đức Quốc xã. Điều trớ trêu là chính Hurst & Blackett lại bị máy bay ném bom của Phát xít Đức phá hủy mấy năm sau đó.
[2] Tức năm 1939. Có lẽ tác giả muốn nói Hitler “đáng kính” với đa số người dân Đức khi đó.
[3] Nửa năm trước khi Orwell viết tiểu luận này, đầu tháng 9 năm 1939, Đức Quốc xã (và sau đó là Hồng quân Liên Xô) bất ngờ tấn công Ba Lan, Thế chiến thứ hai bùng nổ.
[4] Hiệp ước Xô-Đức (hay Hiệp ước Molotov-Ribbentrop) được ký cuối tháng 8 năm 1939 với thỏa thuận các bên kiềm chế không tấn công lẫn nhau và phân chia lãnh thổ Ba Lan. Gần 2 năm sau đó, tháng 6 năm 1941, Đức trở mặt tấn công Liên Xô, Hiệp ước hết hiệu lực.
[5] Orwell đã tiên đoán đúng khi hơn một năm sau đó, như đã chú thích ở [4], chỉ còn Anh đơn độc ở mặt trận phía Tây, Hitler quyết định tấn công Liên Xô.
[6] Lính áo nâu là tên gọi thông thường (từ màu quân phục) của Sturmabteilung (Sư đoàn bão táp), tổ chức bán quân sự của Đảng Đức Quốc xã, có vai trò rất quan trọng đối với việc Hitler thăng tiến lên nắm chính quyền.
Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét