Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

MIỀN NAM ĐỆ NHẤT & ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA

Khi tái bản lần thứ ba cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam, tôi muốn thêm một chương về một thể chế đã tồn tại suốt 20 năm, một giai đoạn ngắn ngủi so với chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử hai mươi năm (1955 -1975) ấy, nếu đem so sánh, cân nhắc trong thời kỳ lịch sử Việt Nam cận đại khi đất nuớc phân tranh hai miền Nam Bắc, tình tự dân tộc phân hóa vì ý thức hệ Quốc Cộng, hai mươi năm đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, người dân miền Nam được hít thở không khí tự do, được hưởng các quyền căn bản theo đúng quy ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc; ngược lại người dân miền Bắc phải sống dưới chế độ cộng sản độc tài hà khắc, bị tước đoạt mọi quyền tự do tối thiểu của một công dân.
Tôi lớn lên qua tuổi thiếu niên, từng chứng kiến và là nạn nhân những vụ đàn áp hà khắc dưới chế độ cộng sản, vượt biên, chạy trốn con người, trốn khỏi quê huơng bản quán sau CCRĐ. Từ trước và sau năm 1954 tôi đã từng chứng kiến, tại miền Bắc, CS tuyên truyền đầu độc người dân bằng những luận điệu xảo trá hoang đường rằng, dưới sự cai trị của Ngô Đình Diệm, miền Nam là một địa ngục. Người miền Bắc di cư vào Nam phải giết con nhỏ lấy thịt làm giò lụa bán để kiếm sống. CS trưng bày trong phòng học, tuyên truyền đầu độc những đầu óc non dại bằng những tấm bích chương vẽ hình một quái vật mình chó, đầu người, mặt Diệm.
Tôi mang ấn tượng đó sang Lào. Khi đến nhà một người Việt, chủ nhân lò bánh mì duy nhất trong tỉnh, nhìn thấy ảnh TT Diệm treo trang trọng trên bức tường phòng khách, tôi đứng lặng người, như vừa tỉnh một cơn mê. Từ đó, dù chưa biết gì về SG, chưa biết gì về miền Nam, về chế độ, lòng tôi rộn rã về một cuộc đời mới. Và tôi mơ ước được sớm trở về miền Nam.
Tháng Tư năm 1960 rời Lào về Sài Gòn, tôi thực sự đuợc sống một thời hăm hở, tự do bay nhảy, học hành và thành đạt. Trong khi, tôi không bao giờ quên được tuổi thơ hãi hùng lúc sống ở quê nhà, nhất là từ cuộc CCRĐ. Tôi lại nhớ nằm lòng những gì bố tôi kể lại những quãng đời ông sống dưới chính thể quân chủ nhà Nguyễn, dưới thời thực dân Pháp đô hộ, và thời trai trẻ là đảng viên đảng CS Đông dương, bí thư chi bộ thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những lần với gậy tầm vông, cùng các đồng chí đột kích đồn Tây, cõng đồng đội bị thương chạy thoát, máu dính đầy tay chân, đầu cổ, về nhà đúng lúc mẹ tôi chuyển bụng sinh anh cả tôi.
Một sự việc tôi không thể quên, bố tôi kể những lần theo các “đồng chí” cấp trên về, kéo đến từng nhà “có máu mặt”, có của, bắt trói treo lên xà nhà, quấn dẻ thấm dầu hôi vào gót chân khổ chủ để khảo của, bắt đưa vàng bạc “hiến tặng” cho “tổ chức”. Người khổ chủ cuối trong lần khảo của ấy là chính bà nội tôi. Bố tôi sửng sốt, lý luận, van xin, bà nội tôi mới thoát nạn. Từ tấm mặt nạ đó rớt xuống, lộ rõ bộ mặt “tổ chức” gian tà độc ác, bố tôi dần dần rút lui và ly khai khỏi đảng.
Trong khi đó, một ông “quan Tây” từ huyện đi ngang qua làng tôi thấy một cây cầu mới làm, có một thanh ván bìa gỗ lim bắc ngang qua, viên quan người Pháp liền triệu tập Lý Trưởng và các viên chức hào cựu trong xã lại truy hỏi tấm gỗ lim ấy lấy từ đâu? Ai khai thác gỗ qúy trong rừng? Có giấy phép của Thủy lâm không? Chuyện Tây thực dân bảo vệ rừng cho xứ Annam đô hộ, so với các chế độ về sau quả là… chuyện lạ!
Những gì bố tôi kể tôi nghe; những gì tôi tận mắt chứng kiến, những gì tôi và gia đình tôi trực tiếp hứng chịu qua các chính sách thuế nông nghiệp, truy tô, đấu tố, xử tử, khủng bố, giam cầm… tất cả như thẩm nhập vào tâm trí để tôi xác quyết Miền Nam, với hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa là vùng đất hứa cho những ai được sống ngoài vòng kìm tỏa sau bức màn sắt, dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN.
QUỐC GIA VIỆT NAM
Sau “100 năm nô lệ giặc Tây”, từ năm 1948 Việt Nam là một quốc gia quân chủ lập hiến thuộc Liên hiệp Pháp, tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ, Thủ đô đặt tại Sài Gòn, Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại. Tồn tại từ đó cho đến năm 1955.
Tháng 6/1954, sau thất bại trận Điện Biên Phủ, Pháp đã ký tắt một hiệp ước dự định trao trả độc lập cho Quốc gia Việt Nam. Một tháng sau, Hiệp định Geneve ký kết ngày 20-7 chia đôi Việt Nam. Theo các điều khoản của Hiệp định này, chính quyền và các lực lượng quân sự của Liên Hiệp Pháp, bao gồm Quốc gia Việt Nam tiếp thu lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở xuống.
Toàn bộ các đơn vị quân đội Pháp triệt thoái khỏi miền Nam về nuớc.
Các lực lượng Cộng sản ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Quân đội Việt Minh tiếp thu Hà Nội. Miền Bắc đặt dưới sự cai trị của chế độ độc đảng CSVN, tiến hành cuộc chiến thôn tính miền Nam từ thập niên 60.
ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
Sau Hiệp định Geneve 20-7-1954, Ông Ngô Đình Diệm về nước, nhận lãnh một gia tài miền Nam tan hoang vì chiến tranh, một xã hội băng hoại với những “thập loại sứ quân” từ Bảy Viễn, Ba Cụt đến Kim Chung, Đại Thế Giới, Bình Khang. Mỗi lãnh chúa chia nhau chiếm hữu từng vùng lãnh thổ, hoạt động thổ phỉ ngoài vòng pháp luật. Ông Diệm vừa dẹp loạn an dân, đưa giang sơn về một mối; vừa lo định cư cho gần một triệu đồng bào di cư từ Miền Bắc.
Giai đoạn những năm đầu của đệ nhất cộng hòa, Chính trị ổn định, Xã hội nề nếp, Văn Hóa, Giáo dục quy củ và thăng tiến ngoạn mục.
Nhưng rồi xáo trộn đã liên tiếp xẩy ra chỉ vì những kẻ “nội thù”, những chính khách sa lông, những chính trị gia nửa mùa, những lãnh tụ đảng phái tham lam quyền lực mù quáng, không viễn kiến, thiếu tầm nhìn về hiểm họa cộng sản, về một tình thế chính trị bất ổn.
Trong khi miền Nam đang lúc vừa xây dựng vừa kiện toàn một xã hội và thể chế ổn định để đối đầu với hiểm họa cộng sản đã chiếm nửa nước, thì đảng phái lại kéo quân đi lập chiến khu Ba Lòng chống chế độ, chống phá những nổ lực cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của miền Nam. Một lòng thì yên ổn. Hai lòng, từ ly thân đến ly dị…, thử hỏi “Ba Lòng” làm sao có thể tồn tại?
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, CS thành lập “Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng miền Nam”, trước đó một tháng, ngày 11-11-1960 Trần Đình Lan, Vương văn Đông cấu kết các phần tử phản loạn làm đảo chánh, ném bom Dinh Độc Lập. Chế độ mặc dầu vẫn đứng vững, tiếp tục cuộc chiến đấu chống CS xâm lăng, nhưng cuộc đảo chính là một “quả đấm thôi sơn”.
Năm 1963, mượn cớ “chế độ đàn áp Phật Giáo”, CS và đám cơ hội đã dấy động những cuộc biểu tình liên tục, ngày càng quy mô “ác liệt”, với những cuộc đình công bãi thị, những vụ tự thiêu,(*) tác động vào lương tâm các chính phủ và nhiều người, trong và ngoài nước.  
Đến đây ly nước lạnh đã tràn. Mặc dù đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết luận không có tình trạng đàn áp Phật giáo và kỳ thị tôn giáo tại miền Nam VN, Mỹ và CSVN không hẹn mà thành kẻ đồng lõa, trong âm mưu lật đổ chế độ của T.T Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính do Mỹ sắp đặt với sự kích động, cổ vũ của CS thông qua Phật giáo Ấn Quang.
Dư luận cho rằng, lý do sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà là do chính sách “gia đình trị” và việc đàn áp Phật Giáo của chính quyền T.T Diệm. Nhưng nguyên nhân sâu xa của cuộc chính biến lịch sử nầy, như những gì người ta nhìn thấy lúc bấy giờ, như kết kuận của phái đoàn điều tra LHQ và theo như những tài liệu của Mỹ được giải mật, cùng hồi ký của những người tham gia cuộc đảo chánh, thì nguyên nhân căn bản khiến Mỹ muốn loại bỏ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là vì T.T Diệm không đồng ý cho Hoa Kỳ đổ quân Mỹ ào ạt vào miền Nam Việt Nam, theo chủ trương của các chính khách diều hâu tại Hoa Thịnh Đốn.
Sư sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa là khởi đầu một đường trượt liên tục suốt hơn mười năm, dẫn tới sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam. Ngày nay, nhiều chiến lược gia và các nhà nhận định thời cuộc cho rằng có ba nguyên nhân chính đưa tới thảm họa 30.4.1975:
– Một là việc Lật đổ Chánh Quyền T.T Ngô Đình Diệm, và việc bãi bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược.
– Hai là việc Mỹ áp lực VNCH giải thể Qũy Tiết Kiệm Quân Đội, một cơ cấu tài chánh, có thể mỗi thập niên tích lũy cho Ngân Quỹ của QL/VNCH tối thiểu 12 tỷ đồng (không kể khoản tiền lời sản sinh). Sự kiện này làm hụt hẫng niềm tin của quân nhân các cấp trước một việc làm mờ ám và táo bạo. Cùng lúc, Tín Nghĩa Ngân Hàng cũng bị giải thể và dân biểu Nguyễn Tấn Đời bị bắt giam.
– Ba là việc Mỹ phủi tay trước trách nhiệm can thiệp vào cuộc chiến ngay từ đầu, vừa bó tay QL/VNCH, vừa tạo nên một tâm lý hoang mang tiêu cực trong nhân dân và quân đội miền Nam. Cuối cùng là cuộc triệt thoái một cách hỗn loạn và bi thảm khỏi Cao Nguyên vào tháng 3/1975.
(*) Hiện nay trên các trang mạng xã hội và trong nhiều tài liệu, đã trưng hình ảnh, bằng chứng chiếc xe chở HT Thích Quảng Đức đến góc đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu – CM tháng Tám) là xe của ông Tôn Thất Hối, (bố vợ NS Trần Quang Thuận) và người rưới xăng lên đầu, mình và châm lửa đốt HT Thích Quảng Đức là Nguyễn Công Hoan, dân biểu VNCH, một VC nằm vùng.
Ngày đó tôi được chứng kiến tại chỗ, từ phút đầu tiên HT Thích Quảng Đức tự thiêu.
Được một người quen, GS Nguyễn Hưng Nhân báo cho biết, sáng sớm hôm đó tôi cỡi chiếc xe Velo Solex vừa đến góc đường, đoàn tăng ni cũng đã từ hướng ngã tư đường Cao Thắng Phan Đình Phùng (Ng. đình Chiểu) hướng tới Lê Văn Duyệt (CMT8). Đoàn rẽ trái vào khoảng trống góc đường LVD – PĐP, trước sứ quán Cambodge, đối diện là garage sửa xe hơi, một bên là cây xăng Caltex. Tôi đứng bên cây xăng nhìn sang, chỉ cách mặt đường khoảng 4-5 mét.
Lúc đó tôi thấy một vị sư được dìu xuống xe, có người dẫn đi mấy buớc, vị sư ngồi xuống thế tọa thiền. Xung quanh người ta tự động dàn thành một vòng tròn, số đông tăng ni, xen lẫn là những cảnh sát mặc cảnh phục màu trắng đứng xen kẽ. Khi lửa bốc cháy, nhiều bà Phật tử sụp xuống lạy, khóc la. Nhưng tuyệt nhiên không có một người nào, kể cả cảnh sát xông ra cứu chữa. Tôi cau mày đứng nhìn cho đến khi HT. Thích Quảng Đức ngả người lật ngửa ra trên nền xi măng, tôi dắt xe chạy về nhà, kể câu chuyện với bố mẹ tôi. Lúc đó tôi có nhìn thấy nhưng không biết người đổ xăng châm lửa là ai. Và sự việc xẩy ra quá nhanh khiến tôi không kịp suy nghĩ và ghi nhận.
Sau đảo chánh, Ông Nguyễn Hưng Nhân có tặng tôi một ấn bản tài liệu, ghi lại toàn bộ hình ảnh (màu) cùng bài viết về cuộc tự thiêu. Tập sách khổ lớn (bằng 1/2 khổ nhật báo). Ngày sang Mỹ tôi để lại cho ông anh cả tôi, nay không biết còn hay mất.
Trước nay đã có nhiều bài viết phân tích, nhận định về biến cố trọng đại này. Ký giả David Halberstam từng đặt dấu chấm hỏi: Làm thế nào để Thích quảng Đức có thể tự thiêu đến chết mà không hề cử động cơ bắp? (How was Thich Quang Duc able to burn himself to death without moving a muscle?).
Ngày nay mọi việc đã rõ trắng đen, tại thành Hồ, CS đã dựng tượng tướng Dương Văn Minh và Hoà Thượng Thích Quảng Đức (tục danh Lâm Văn Túc), xác nhận là người của CS và tôn vinh họ là những người có công với cộng sản.
Lại một lần nữa, một số tướng lãnh làm cuộc đảo chánh ngày 1-11- 1963, kết liễu sinh mệnh hai anh em TT Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô đình Nhu, kết liễu nền đệ Nhất Cộng Hòa. Theo LS Trương Phú Thứ, “Thực chất cuộc đảo chính là cuộc tạo phản, nhằm thỏa mãn thú tính của một số cá nhân tham vọng bè phái, và nhất là phục vụ quyền lợi và đòi hỏi của ngoại bang. Cuộc đảo chính đã tạo ra hỗn loạn triền miên trong sinh hoạt chính trị ở miền Nam, gây chia rẽ trầm trọng giữa các thành phần dân chúng, ngay cả trong quân đội…”.
Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson đã gọi bọn tướng lãnh ấy là lũ côn đồ “A Goddamn Bunch Of Thugs”. Tháng 5 năm 1961, ông Johnson đã từng đưa ra nhận định: “Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Winston Churchill của Đông Nam Á”. Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, Phó TT Johnson nói: “Tôi đã bảo đừng đảo chánh”. “Chúng ta đã giết Tổng Thống Diệm để tạo thêm bất ổn chính trị không lường”.
Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng (“L’histoire est perpétuel recommencement”). Lịch sử sẽ soi rọi quá khứ để người hôm nay và ngày sau không bước vào vết xe cũ. Sự thật đã được phơi bày, lịch sử phải được phân minh.
Để bạn đọc hôm nay và hậu thế không phải mù mờ suy đoán, xin ghi lại dưới đây những dữ kiện trong các hồ sơ tối mật của Mỹ đã được bạch hóa vào năm 1998, trong đó có “Bản ký tự” từ một cuốn băng giải mật được thu tiếng tại tòa Bạch Ốc vào chiều ngày Thứ Hai 04 tháng 11, 1963 (hơn một ngày sau khi anh em ông Diệm bị giết), cuốn băng hiện được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Kennedy ở Boston, nội dung:  
Tổng Thống John Kennedy đã nhận ông là người có can dự ngay từ đầu về kế hoạch đảo chánh và nói rõ những ai là “tòng phạm”. Qua nguyên văn lời TT Kennedy được thu băng kéo dài 5 phút, kể cả gần 2 phút nói chuyện với con”:
  1. “Cuộc đảo chánh đã xẩy ra tại Sài Gòn vào cuối tuần. Nó là tột đỉnh của cuộc thảo luận trong ba tháng về một cuộc đảo chánh, một cuộc thảo luận đã gây chia rẽ trong chính quyền ở đây và ở Sài Gòn”.
  2. “Tôi cảm thấy chúng ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm vì nó đã khởi sự bằng điện văn (mang số 243 được gửi vào cuối tháng Tám, chính xác là vào hồi 9 giờ 36 phút tối thứ Bảy, 24 tháng 8, 1963, từ Bộ Ngoại Giao Mỹ ở, cho Đại sứ Lodge ở Sài Gòn) của chúng ta gửi vào đầu tháng Tám trong đó chúng ta gợi ý cuộc đảo chánh”.
  3. “Theo nhận định của tôi điện văn đó đã được thảo quá tệ, đáng lẽ nó không bao giờ được gửi đi vào một ngày Thứ Bảy. Đáng lẽ tôi đã không nên chấp thuận nó mà không qua một cuộc thảo luận bàn tròn để qua đó McNamara và Taylor có thể trình bầy quan điểm của họ. Trong khi chúng ta đã sửa lại tầm mức của nó trong các điện văn sau đấy, chính điện văn đầu tiên ấy đã khuyến khích Lodge theo chiều hướng ông ta đã muốn tiến tới. Tướng Paul Harkins tiếp tục chống đối cuộc đảo chánh trên căn bản là nỗ lực quân sự đang tiến hành tốt đẹp”.
  4. “Tôi đã bị sốc về cái chết của Diệm và Nhu. Tôi đã gặp Diệm với Thẩm Phán Tối Cao Douglas nhiều năm trước. Ông đã là người có cá tính ngoại hạng và trong khi ông trở thành khó khăn với ta vào những tháng vừa rồi nhưng trong khoảng mười năm qua ông đã giữ vững nước ông để duy trì được nền đôc lập dưới những nghịch cảnh rất khó khăn”.
  5. “Cách mà ông đã bị giết thật là kinh khủng. Vấn đề bây giờ là liệu các tướng có thể đoàn kết với nhau để cùng xây dựng một chính quyền ổn định hay là Sài Gòn sẽ bắt đầu, công luận tại Sài Gòn, trí thức, sinh viên, vân vân sẽ chỉ trích chính quyền này như là áp bức và phi dân chủ trong một tương lai không xa”.
  6. TT Kennedy thông báo (theo tác gỉa Đinh Từ Thức):
6/a. Phe chống đảo chánh gồm: “Tướng Maxwell Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, Tổng Giám Đốc CIA John McCone”.
6/b. Phe ủng hộ đảo chánh: “Bộ Ngoại Giao, dẫn đầu bởi Averell Harriman, George Ball, Michael Forestal, Roger Hilsman.
6/c. Michael Forrestal chỉ là một thứ thiên lôi chỉ đâu đánh đó của Averell Harriman.
  1. Harriman đã có biệt danh “cá sấu”. Tại bàn hội nghị, mắt ông ta lúc nào cũng lim dim như mắt cá sấu nằm bên bờ kinh lạch, lâu lâu “táp” một cái, con mồi khó thoát.
  2. Bobby Kennedy đã tặng ông ta một con cá sấu nhỏ bằng vàng, và nhân viên ông ta tặng một con bằng bạc, coi như kỷ vật “từ các nạn nhân”. Cá sấu Harriman đợi hơn một năm, táp được anh em Cố TT Ngô Đình Diệm.
[Listening In: The Secret White House Recordings of John F. Kennedy, The Kennedy Library Foundation; Foreword by Caroline Kennedy and Introduction and Annotations by Ted Widmer. Copyright 2012 The John F. Kennedy Library Foundation, Inc. Published by Hyperion. [Theo tác giả Đinh Từ Thức (DCVonline)]
Ý Kiến Của Đảng Cộng Hòa Mỹ Về Cuộc Đảo Chính 1-11-1963
  1. Loại bỏ ông Diệm đã không đoàn kết được dân chúng sau lưng các tướng lãnh, như là Washington đã hy vọng. Mặc đầu New York Times đã ca tụng đảo chánh như là một cơ hội đẩy lui cộng sản trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, nhưng sự thật trái ngược đã diễn ra.
  2. Cuộc đảo chánh đã phá hủy kiến trúc được xây dựng trong hàng chục năm, để lại một nhóm tướng lãnh tranh quyền thiếu kinh nghiệm hay hậu thuẫn chính trị.
  3. Chỉ trong năm 1964, đã diễn ra bảy lần thay đổi chính quyền. Không có lần nào theo đường lối dân chủ, và tất cả đều là kết quả của một cuộc đảo chánh, dưới hình thức này hay hình thức khác. Những người kế nhiệm ông Diệm thiếu uy tín của một lãnh tụ quốc gia, hay hình ảnh đáng kính nể của một ông quan, đã không biết làm cách nào khác hơn là đẩy cuộc chiến vào tay Hoa Kỳ. “Do đó, Việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cuộc đảo chánh 1-11, 1963”.   [Theo Henry Kissinger trong Diplomacy (Trích tác giả Đinh Từ Thức, Hồng Lĩnh ghi lại)]
ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA 1967-1975
Sau ngày 1-11-63, khi nền đệ nhất Cộng Hòa chấm dứt, một loạt biến cố chính trị tranh giành quyền lực giữa các phe phái và giới tướng lãnh diễn ra. Tháng 1 năm 1964 tướng Nguyễn Khánh đảo chính lật đổ “Hội đồng quân nhân cách mạng” lên nắm quyền. Một chính phủ dân sự được thành lập với ông Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng và ông Phan Huy Quát làm thủ tướng trong một hoàn cảnh phức tạp: tranh chấp giữa các đảng phái, các tôn giáo, chiến tranh ngày một gia tăng, Mỹ ào ạt đổ quân vào Việt Nam để ngăn chặn làn sóng đỏ. Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát, trong một tình thế như vậy không điều hành được chính phủ, từ chức, trao quyền lại cho các tướng lãnh.
Ngày 16-8-1964, tướng Khánh ban hành Hiến chương Vũng Tàu, tự phong Quốc Trưởng, Thủ tướng, Tổng tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng QL/VNCH.
Tháng 2-1965 hai tướng Thiệu Kỳ cùng hội đồng tướng lãnh buộc tướng Khánh xuất ngoại sống lưu vong.
Ngày 19 tháng 6-1965 hai tướng Thiệu, Kỳ được quân đội đưa lên lãnh đạo đất nước.
Cấu trúc của nền Hành chánh gồm hai cơ cấu: Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia, và Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương. Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia là tướng Nguyễn Văn Thiệu; Chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia mở cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 3 tháng 9. 1965. 118 đại biểu đắc cử gồm nhiều thành phần. Ngày 1 tháng 4 năm 1967 Quốc Hội tuyên cáo bản Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam. Hiến pháp này là cơ sở pháp lý của Việt Nam Cộng hòa cho đến 30 tháng 4 năm 1975.
Hiến pháp 1967 theo mô hình của nhà nước Hoa Kỳ, xác lập cơ cấu tổ chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa rất hoàn chỉnh. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến.
Năm 1971, cuộc Tổng Tuyển cử thứ nhì của Đệ nhị Cộng hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Hiệp định Paris ngày 11 tháng 1-1973, ký kết giữa bốn bên tham chiến (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa), quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa phản đối một số điều khoản trong hiệp định, nhưng phía Mỹ quyết định dứt khoát rút quân, từ bỏ cuộc chiến, đã gây áp lực chính phủ Việt Nam Cộng hòa chấp nhận ký kết hiệp định.
Sau khi Hoa Kỳ rút lui, CS Hà Nội mở các mặt trận quy mô tấn công vào miền Nam. Ngày 30-4-1975, Sài gòn thất thủ, cuộc chiến 20 năm chấm dứt. Toàn cõi Việt Nam lọt vào ách thống trị của tập đoàn độc đảng cộng sản Việt Nam.
Đúng như nhận định(3) của Đảng Cộng Hòa Mỹ về cuộc đảo chính 1-11-1963, những người làm đảo chánh, kế nhiệm TT Ngô Đình Diệm không có quá trình kinh nghiệm chính trường, làm sao có uy tín của một lãnh tụ quốc gia, làm gì có hình ảnh đáng kính nể của một ông quan.
Mười lăm năm có mặt ở miền Nam, dưới hai thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, kể cả gần mười năm trong nhà tù cộng sản sau 75, qua những gì nghe thấy, qua những cọ xát ở ngoài xã hội và trong tù, tôi có thể đưa ra nhận xét, một số tướng lãnh, chính khách, một số lãnh tụ (tôi không vơ đũa cả nắm) không có kinh nghiệm với cộng sản và thiếu lý tưởng kiên định trung thành với cuộc chiến đấu chống cộng, là kẻ cơ hội, thiếu tài năng, nên đã không cáng đáng được trách nhiệm trước đại cuộc, phải trao công việc điều hành cuộc chiến vào tay người Mỹ, để kết cục 10 năm sau người Mỹ phủi tay, phản bội đồng minh, trói tay quân đội miền Nam, trao lãnh thổ VNCH với hơn ba mươi triệu người dân miền Nam cho Cộng sản.
Tôi đồng thuận với ý kiến từ dư luận cho rằng “miền Nam VNCH thua CS là phải”.
Những người có ý kiến này không phải họ cho rằng CS tài ba đảm lược, mà nhận xét chung VNCH thua vì hai hai yếu tố:
Thứ nhất: VNCH theo thế chế tự do dân chủ. Tôn trọng và bảo vệ các quyền căn bản của người dân. VNCH “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Trong khi cộng sản chủ trương ngược lại, đem hung tàn thay cho chính nghĩa/ Lấy cường bạo thay cho lòng nhân. VNCH chủ trương bảo vệ tài sản sinh mệnh người dân, trong khi cộng sản sẵn sàng moi gan, mổ ruột bất cứ người nào mà họ nghi ngại, không ưa; hoặc không làm vừa long họ. CS chủ trương khủng bố, uy hiếp để răn đe, buộc mọi người phải tuân theo họ.
T.T. Ngô Đình Diệm chết cũng vì “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Trong cuộc đảo chính 1-11-63, Khi Thiếu tá Duệ, Tham Mưu Trưởng Liên đoàn Phòng vệ Phủ Tổng Thống xin Ông Diệm cho đem đại đội thuộc Lữ đoàn liên quân phòng vệ phủ T.T lên Bộ Tổng Tham Mưu bắt nhóm đảo chính, T.T Diệm nói: “Không được. Hãy dành lực lượng và võ khí để đánh Cộng sản. Người nhà không nên tàn sát lẫn nhau. Quân đội để đi đánh CS chứ quân đội đi đánh quân đội à”.
Vị Thiếu tá nói, “thưa T.T không bắt họ thì mình chịu chết sao”. Ông Diệm nói lại: “Chết thì đã sao”. Và TT Diệm đã chết vì lòng nhân, vì đại nghĩa.
(Hai Cuộc Đảo Chánh, Phạm Văn Hưởng, Nguồn số 53, tháng 1/2012 trang 121”
Thứ hai: đảng CSVN có một hệ thống kết nạp và kiểm soát nhân sự rất chặt chẽ. Từ bộ phận đầu não, bộ chính trị và ban bí thư, đến các nhân sự cấp dưới không cần kiến thức và tri thức mà chỉ cần niềm tin vào đảng (dù đúng hay sai), lòng trung thành tuyệt đối và sự hy sinh quên mình. Thêm vào đó là chính sách tuyên truyền nhồi sọ, tẩy não để người cán bộ, đảng viên khi đã gia nhập hàng ngũ, họ trở thành giáo điều, trở thành những con ngựa bị bịt mắt, chỉ còn con đường đi tới theo lằn roi của tên xà ích chính trị bộ.
Trong khi miền Nam VNCH hoàn toàn không có những điều kiện căn bản như trên áp dụng cho nhân sự các cơ cấu chính quyền, dân cử và đảng phái. Hàng ngũ công chức dân chính lỏng lẻo. Quân đội VNCH có tổ chức chặt chẽ, trên dưới có kỷ luật, nhưng một số cấp chỉ huy không đủ kiến thức và năng lực, thậm chí năng lực yếu kém, không có kinh nghiệm xương máu với CS, không ý thức được hiểm họa CS, “xem cuộc chiến như tai trời ách nước” (Nguyễn Bắc Sơn), xem con đường binh nghiệp là con đường tiến thân, thậm chí dùng chức tước địa vị để tranh thủ tư lợi. (Tướng bán gạo, bán, thuốc tây cho VC, tá dùng cả đoàn xe còi hụ để buôn lậu, dân biểu ăn cắp tượng Chàm, v.v..).
Thử hỏi có không? Lý tưởng, ý chí chiến đấu và hy sinh quên mình?
Bên cạnh đó, lãnh tụ và nhân sự các cấp lãnh đạo đảng phái cũng không phải là những đảng viên trung kiên, không đặt cương lĩnh của đảng trên quyền lợi riêng tư, tự ái cá nhân, thiếu đức hy sinh quên mình cho đại nghĩa…
Phần đông cựu tù nhân chính trị HO cảm thấy thất vọng trong những năm tháng chung đụng, cọ xát với đủ thành phần, chiến hữu, đồng đội của mình qua các trại tù cải tạo, khi chứng kiến một số quan “tai to mặt lớn”, những quan chức tiếng tăm một thời, những mai vàng, mai bạc ngày nào lấp lánh quyền uy, giờ đây trong bộ quần áo tù, đã lộ rõ bản chất của một con người, rất người… tư cách bệ rạc. Những người này không chỉ co rúm thủ thân, mà còn biểu lộ tư cách khúm núm, sợ hãi, tâng bốc kẻ giam nhốt mình, khẩn cầu những ân huệ vật chất nhỏ nhặt tầm thường. Con số này chỉ là thiểu số, nhưng là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Một ít lãnh tụ đảng phái danh tiếng, từng là Nghị sĩ, là Bộ trưởng Thông Tin vào tù làm ăng-ten “báo cáo cán bộ”, tuy chẳng có ai chết vì bị rình rập báo cáo ấy, nhưng danh dự hàng ngũ Quốc Gia và tập thể tù cải tạo bị xúc phạm, hoen ố dưới con mắt của đám cán binh CS.
Trường hợp nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một nhà trí thức, một nhà cách mạng, nhưng vì thành kiến với chế độ của T.T Ngô Đình Diệm, ông đã không nhìn ra hậu quả của việc đánh sập chế độ, phá bỏ thế ổn định, gây nên tình trạng hỗn loạn chính trị, xáo trộn đời sống xã hội, tạo lợi thế cho Cộng sảïn về mặt quân sự. Nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam vô tình hay cố ý không nhận chân kẻ thù chính là cộng sản, không phải là chế độ đệ Nhất Cộng Hoà. Ông đi tìm cái chết (sau một cái trát hầu tòa), phủi tay trước trách nhiệm đối với 30 triệu người dân miền Nam lúc ấy, thay vì ông đi tìm một giải pháp và cùng chung vai gánh vác trách nhiệm. Đó là một cái chết mà ngôn ngữ đường phố gọi là lãng nhách, vô ích, không cần thiết cho đại sự.
Hiện tượng nhức nhối phổ biến nhất ở bất cứ trại tù cải tạo nào, ngoài những người làm ăng-ten là đám “tự quản” đội trưởng, tổ trưởng trong tù. Họ là những chiến hữu, là những đồng đội, là những người bạn ngoài đời, nhưng vào tù, một số ảo tưởng được về sớm, được ban phát ân huệ, được hơn miếng khẩu phần, đã quay lưng trở mặt với tập thể, hợp tác với quản giáo, cai tù hành hạ anh em đồng đội của mình. Con số này khá đông. Vụ Bùi Đình Thi là một điển hình.
Trên đây là những chi tiết, những mảnh vụn, những viên sỏi, những vết đen trong toàn bộ 20 năm sinh hoạt chính trị tồn tại của hai chế độ cộng Hòa Miền Nam VN, tiếp theo là những thể hiện cá nhân con người khoảng 20 năm sau 1975 trong các nhà tù Cộng sản.
Để tránh phiến diện trong bức tranh toàn cảnh phải nêu lên một số con người và hiện tượng tiêu cực, nhưng điều chung quyết khẳng định: thể chế dân chủ miền Nam VNCH là một thể chế được xây dựng trên căn bản phân quyền, tự do dân chủ, lấy nhân bản làm phuơng châm cho một nền hành pháp, lập pháp và tư pháp, xứng đáng đứng ngang hàng với các quốc gia dân chủ tiến bộ của thế giới tự do.
Những mảnh vụn, những vết đen trong các xáo trộn chính trị và con người… phần nào chứng minh chế độ dân chủ miền Nam khác với chế độ độc tài tàn bạo cộng sản.
MIỀN NAM ĐẤT LÀNH BẾN ĐẬU
NHỮNG KẺ LIỀU MẠNG ĐI TÌM TỰ DO
Những năm từ xa xưa đến trước thời kỳ CCRĐ thỉnh thoảng vẫn có những người Việt vượt biên sang Lào tỵ nạn chính trị, hoặc ra đi vì đời sống quá cơ cực. Một số chạy sang Lào từ thời kỳ phong trào Văn Thân tan rã, bị Pháp truy lùng, sau đó họ trở về. Năm 1945 một số khá đông sang Lào trong nạn đói năm Ất dậu.
Từ sau năm 1945, khi chủ nghĩa Phát-xít bị đánh bại, chủ nghĩa Cộng Sản bành trướng, Nga sáp nhập các quốc gia Đông Âu vào Liên Bang Sô Viết và Mao Trạch Đông đánh bại Quốc Dân Đảng thống trị lục địa Trung Hoa, Chiến tranh Việt Pháp kết thúc, Việt Nam chia hai miền Nam Bắc / Quốc Cộng, nhân loại từng chứng kiến nhiều cuộc đào tẩu vượt thoát từ các nuớc cộng sản sang tìm đất sống bên Thế giới Tự do.
Tại Việt Nam, với chính sách tuyên truyền đầy mánh khóe và thủ đoạn, nhưng người dân sống sau bức màn sắt của chế độ cộng sản đã tìm đủ cách, liều mạng chạy vào miền Nam bằng mọi ngả, vượt biên sang Lào, thuyền nhân vượt biển, bơi qua sông Bến Hải…, tìm đến vùng đất Tự do.
Sau Hiệp định Geneve, hơn một triệu người dân miền Bắc ồ ạt xuống “tàu há mồm” di cư vào Nam. Nguời dân Đông Đức vượt bức tường Bá Linh trốn sang Tây Đức. Lịch sử nhân loại chưa hề đuợc chứng kiến hay đón tiếp một làn sóng người dân bên vùng lãnh thổ tự do trốn sang vùng đất cộng sản cai trị.
Năm 1957 khi gia đình tôi sang Lào, số người Việt ở Lào đa số thuộc hai thành phần, tỵ nạn kinh tế và tỵ nạn chính trị. Trong các năm 1957, 58 và 59 có nhiều đợt người Việt vượt biên tỵ nạn Cộng Sản, sau cuộc CCRĐ và sau vụ nhà cầm quyền CS bắt bớ đàn áp “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Hầu hết những người chạy trốn CS đến Lào là đàn ông, đều xuất xứ từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Chặng tạm trú đầu tiên là thị xã Thakhek. Số người vượt biên đa số là thanh niên, thỉnh thoảng có một hai phụ nữ độc thân.
Có một cặp vợ chồng tên là Hoàng Quy, khi vượt biên sang đến biên giới, người chồng bị lính VM bắt, người vợ chạy thoát, sống một thời gian ở Lào, sau về miền Nam lập gia đình. Mấy năm sau người chồng tình nguyện gia nhập Biệt Kích ra Bắc, để lại hai đứa con trai cho vợ nuôi. Bà lại “góa bụa”, lại tái giá. Sau hơn 21 năm người BK ở tù về, con không nhận ra bố, vợ đã ôm cầm thuyền khác.
Gia đình tôi là “thành phần” Việt kiều vượt biên sau CCRĐ, cư ngụ tại khu phố của thị xã Thakhek, nên hầu hết người vượt biên đến sau đều tìm tới thăm. Về sau có những người trở thành thân thiết với bố mẹ tôi và gia đình tôi.
– Anh Thái Khắc Chương là một trong những Sinh Viên, gốc Thanh Hóa vượt biên sau vụ Nhân Văn, Giai phẩm. Hồi đó tôi đã được đọc những tờ báo này do anh mang theo. Thái Khắc Chương về Sài Gòn, anh lên Đà Lạt vào đại học. Nhiều lần anh viết thư khuyên tôi về gấp để vào trường học tiếp.
Tôi về Sài Gòn không liên lạc được với anh. Những ngày SG lên cơn sốt trước ngày 30 tháng tư 75, tôi đọc được trong hồ sơ an ninh số ký giả được Mỹ bốc đi có Thái Khắc Chương. Không biết có sự trùng tên không.
Một toán vượt biên khác có bốn người, về Sài Gòn vẫn còn có liên hệ thân quen với gia đình tôi. Một người là Lê Bá Hòa, học hết Tú Tài toàn phần, lấy em gái tôi, nhập ngũ khóa 19 Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức. Một người em họ của Hòa là Lê Bá Phùng, làm công chức, từng là Trưởng Ty Dân vận Chiêu hồi Đà Lạt, Kiến Phong. Một người khác cùng toán vượt biên này là Hồng Xuân Trí.
SONG NHỊ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét