Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc
Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017
Sự im lặng đắt đỏ
07:43
Hoàng Phong Nhã
No comments
“…nó
cũng không thể nguy hiểm bằng việc mỗi người trong chúng ta rồi sẽ đánh
mất cảm giác ái ngại với chính bản thân mình mỗi lần thỏa hiệp, chúng
ta quen với việc câm lặng trước điều xấu…”
“Đây là giá gửi xe đêm muộn” - người trông xe nói và vội vàng xé đôi tờ vé.
Đó
là bờ hồ Hoàn Kiếm lúc 10 giờ tối. Chị em tôi đang bị đòi 10.000 đồng
cho một chiếc xe máy, gấp đôi giá niêm yết của thành phố. Cô em đã rút
tiền ra trả, nhưng tôi cương quyết chỉ đưa đúng 5.000 đồng. Tôi đòi xem
giá ghi trên vé. Đáp lại là thái độ bất hợp tác. Cuối cùng, tôi nói sẽ
gọi điện đến đường dây nóng. Người đàn ông ấy hằn học, trả lại 5.000
đồng.
Sau
này, có người biết chuyện đã trêu tôi: “Chỉ vì 5.000 đồng mà chẳng may
mang vạ thì thiệt thân”. Tôi chỉ cười, không giải thích vì tin mình làm
đúng. 5.000 đồng không lớn nhưng nếu không lên tiếng thì tôi không thoải
mái. Tôi không đồng tình với việc tự tiện tăng giá mà không có bất kỳ
lý do chính đáng nào. Những nơi như thế, thường sau này tôi sẽ không
quay lại nữa.
Nếu
số tiền đó nhân lên 1.000 lần thì không còn là số nhỏ, càng không nhỏ
nếu nó lặp đi lặp lại, ngấm ngầm trong sự lặng thinh chấp nhận như một
lẽ tất nhiên của nhiều người. Và trong nhiều trường hợp khác, khi cái mà
người đàn ông kia cầm không phải tấm vé xe, mà là một con dấu, thì cái
giá phải trả của sự tặc lưỡi sợ phiền hà có thể lớn hơn gấp triệu lần.
Tôi
vẫn nhớ vẻ mặt ngạc nhiên lẫn nụ cười bất đắc dĩ của cặp du khách nước
ngoài trên chuyến xe buýt từ Đà Nẵng đi Hội An, khi người phụ xe tự tiện
thu 30.000 đồng, dù giá vé đúng là 20.000 đồng. Họ rất ngạc nhiên, rồi
lắc đầu cười khi trông thấy người đàn ông ấy giơ 3 ngón tay ra hiệu. Tôi
lên tiếng đề nghị trả lại số tiền thu thêm của đôi trẻ. Phụ xe lúng
túng giải thích “đó là tiền phí vì đeo balô to lên xe”.
Lúc
nhận lại tiền, đôi trẻ cảm ơn. Còn tôi thì rất ngượng vì có thể hình
ảnh đất nước, con người Việt Nam hiếu khách đã bớt đẹp trong mắt bạn bè.
Tôi đoán trước lúc lên xe, cặp du khách đã biết giá vé là 20.000 đồng
mỗi người nên cầm sẵn số tiền phải trả. Biết người phụ xe làm sai nhưng
họ không nói gì. Buồn hơn là nhiều người trên xe buýt đều chứng kiến
nhưng im lặng.
Những điều “chướng tai gai mắt” ấy, tôi gặp ngày càng nhiều và thấy sự im lặng cũng ngày một nhiều hơn.
Sự
im lặng biến thành một sự thỏa hiệp kỳ quặc. Bạn tôi kể, vợ chồng anh
đi mua sách ở phố Đinh Lễ, gửi xe ở điểm gần đó thì họ lấy 20.000 đồng
và yêu cầu trả tiền trước. Lúc anh ra lấy xe gặp hai công an đang kiểm
tra, nhân viên thu vé mặt méo xệch vì sợ. Nhưng khi công an hỏi họ thu
bao nhiêu, anh liền buột miệng đáp “Năm nghìn”. Vợ thắc mắc sao không
nói đúng, anh bảo chẳng biết, có lẽ quen rồi nên đáp vậy.
“Quen
rồi” là một mệnh đề đáng sợ. Cũng chẳng khó hiểu vì sao nhiều dịp, gửi
một chiếc xe máy mất 50.000 đồng hay ăn bát phở hết 100.000 đồng. Mỗi
lần bị “móc ví” như vậy, liệu có ai thắc mắc vì sao họ có quyền tự ý
nâng giá dù chất lượng sản phẩm hay cách phục vụ vẫn thế, thậm chí tệ
hơn?
Và
tất nhiên cái sự “quen rồi” ấy, không chỉ diễn ra với vé xe hay bát
phở. Chúng ta sẽ phải nở nụ cười gượng gạo trước sự “xin đểu” của những
người có quyền lực cao hơn anh trông xe, trước những món tiền có thể lớn
gấp cả nghìn lần chiếc vé xe. Nếu như sự im lặng trở thành một thói
quen.
Thực
ra, nhìn vẻ mặt hằm hằm của những người bị bóc mẽ, tôi cũng sợ bị đánh,
bị trả thù. Mỗi lần lên tiếng tôi cũng lấy hết can đảm. Nhưng điều tôi
sợ nhất là im lặng một lần, hai lần… nhiều lần rồi thành thói quen,
không dám phản ứng với những cái sai nhỏ nhất. Khi ấy, có lẽ thứ mất đi
không phải là 5.000 đồng, 10.000 đồng… mà nhiều hơn, là niềm tin về lẽ
phải.
Martin
Luther King nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì
những hành động và lời nói của người xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ
của người tốt”.
Chúng
ta có thể trả những cái giá rất đắt cho cái sự “quen rồi” ấy. Cái giá
mà thị trường phải trả cho những sự thỏa hiệp nhỏ nhặt - từ môi trường
đầu tư cho đến chi phí cơ hội - tôi tin rằng rất lớn. Nhưng nó cũng
không thể nguy hiểm bằng việc mỗi người trong chúng ta rồi sẽ đánh mất
cảm giác ái ngại với chính bản thân mình mỗi lần thỏa hiệp, chúng ta
quen với việc câm lặng trước điều xấu.
Và lúc ấy, liệu còn có thể tự nhận mình là “người tốt”?
Hoàng Phương
Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc
Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét