Vợ chồng anh Mạc Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Thắm trong lần đi thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Vợ chồng chị là cặp hiếm muộn nhưng may mắn có
con khi điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại
Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Trước đó chị từng chữa chạy nhiều nơi từ Hưng
Yên đến Tuyên Quang, Lào Cai… nhưng không có kết quả. Chị kể lại, chỗ
nào có người giỏi chữa bệnh hiếm muộn anh chị đều nhờ người chuyển
thuốc. Chữa 4 năm nhưng kết quả vẫn chỉ là con số 0. Anh Dũng, chồng chị
là con trai duy nhất trong nhà nên sự sốt ruột càng nhân lên gấp bội.
Ông bà nội ngoại thèm cháu bồng cháu bế nhưng không dám giục giã con
nhiều sợ con nghĩ ngợi mà khổ tâm hơn nữa. Anh chị đều là công nhân
lương ba cọc ba đồng, triền miên những năm tháng qua số tiền tích góp
được đều dốc hết vào thuốc thang chữa trị nhưng “tin vui” vẫn bặt vô âm
tín.
Chạy chữa đôn đáo khắp nơi nhưng chưa bao giờ
anh chị nản lòng, đuối chí. Bởi lẽ, với anh và với cả chị luôn tâm niệm
“còn nước còn tát”, chăm chỉ điều trị thế nào cũng có kết quả. Trời
chẳng phụ lòng người, sau những nỗ lực đến tháng 6/2014 anh chị tiến
hành thụ tinh trong ống nghiệm và đã có tin vui.
Kỳ diệu đến từ lần đầu thụ tinh trong ống nghiệm
Chị đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội và tiến hành
nộp hồ sơ, làm các xét nghiệm. Chồng chị được các bác sỹ ở phòng khám
Nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát hiện không có tinh trùng kèm theo
giãn tĩnh mạch thừng tinh. Đây là một bệnh rất phổ biến ở những bệnh
nhân nam giới vô sinh, nhưng trường hợp của anh Dũng là một trường hợp
nặng khi hai tinh hoàn của anh đã giảm khả năng sinh tinh đến mức rất
thấp và anh chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi là vi phẫu thuật thắt tĩnh
mạch tinh giãn để giúp hồi phục phần nào khả năng sinh tinh.
Tháng 6/2014 anh tiến hành làm phẫu thuật. Mổ xong, các bác sĩ dặn dò
vợ chồng chị cứ 3 tháng kiểm tra xét nghiệm tinh dịch đồ một lần. Thời
gian chờ đợi bao nhiêu năm qua khiến chị ruột gan nóng như lửa đốt. Mỗi
lần đi chạy vạy khắp nơi hình ảnh của mẹ già đợi con ở ngõ mỗi khi vợ
chồng chị đi điều trị về khiến chị không thể chờ đợi thêm nữa. Chị bảo,
nếu cứ đợi để có tự nhiên không biết đến bao giờ, đến lúc anh đủ tinh
trùng thì chị lại hết trứng.
Phiếu khám kết quả của chị Thắm, hiện tại cả mẹ và 2 thai vẫn khỏe mạnh.
Anh chị một lần nữa quyết tâm đến bệnh viện
phụ sản Hà Nội mạnh dạn nhờ cậy đến phương pháp hỗ trợ sinh sản và tiến
hành thụ tinh trong ống nghiệm. Chị và anh lại gom góp từ số tiền tiết
kiệm và nhờ họ hàng vay mượn thêm bên ngoài để tiếp tục hành trình gian
nan để “có mụn con”.
Bác sĩ Tạ Việt Cường, người trực tiếp phẫu thuật cho anh Mạc Văn Dũng
Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh Dũng (chồng
chị Thắm) không có tinh trùng tự nhiên. Các bác sỹ tiên lượng có khả
năng sau mổ tinh hoàn của anh Dũng đã hồi phục một vài ống sinh tinh để
sản sinh ra tinh trùng nên đã chỉ định cho anh chị làm TESE ÍSCI. Điều
kỳ diệu xảy đến, anh được thông báo có 7 con tinh trùng và vợ anh đã đậu
được 3 thai. Anh chị là trường hợp duy nhất trong 5 ca còn lại đậu
thai. Chị đậu 3 thai và xin với bệnh viện giữ cả 3 bé bởi khát khao được
có con, được nuôi con của chị ấp ủ suốt mấy năm qua giờ mới có cơ hội.
Bác sĩ khuyên chỉ nên giữ 2 vì lý do sức khỏe chị sau này.
Hiện tại, chị Thắm đang mang bầu tháng thứ 4 và sức khỏe cả mẹ và 2 thai nhi đều ổn định.
Bác sỹ Tạ Việt Cường là người trực tiếp phẫu thuật giãn tĩnh mạch
tinh và phẫu thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn cho vợ chồng anh Dũng
để làm thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ cho biết, nam giới khi không có tinh
trùng có thể phân làm 2 dạng, một dạng là không có tinh trùng do tắc
nghẽn đường dẫn tinh và một dạng là không có tinh trùng do suy tinh hoàn
do các nguyên nhân như thuốc, hoá chất, tia xạ, hay do giãn tĩnh mạch
tinh làm cho tinh hoàn không sản sinh ra tinh trùng. Trường hợp anh Dũng
rơi vào dạng thứ hai và tỉ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm cũng
rất thấp chỉ khoảng 10%.
Posted in: Sức Khoẻ,Y Học
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét