-Christopher Hitchens[2]
Rất nhiều bạn của tôi đã chuyển tới tôi câu dẫn chứng trên. Họ thấy câu đó rất khôi hài nhưng cũng sâu sắc. Theo họ, phong trào duy tự do không có một chương trình tích cực nào, không có một mục tiêu rõ rệt hay một trị giá rõ rệt nào cả. Những người chủ trương duy tự do chỉ có biết chống đối và đề cao sự tham lam.
Đối với nhận định như vậy về những người duy tự do, ta có thể đặt câu hỏi sau đây cho công bằng hơn: Ngoài việc ca ngợi lòng tham các người chủ trương duy tự do muốn gì?
Ai cũng biết rằng chúng ta đều phản đối những vấn đề như đánh thuế, chi tiêu, luật lệ và chiến tranh. Phần lớn chúng ta đều mường tượng những người duy tự do là những ông mặt mũi râu ria, sống ẩn náu không ai biết ở đâu, mang súng AR-15 và trồng cần sa. Vấn đề là xã hội ít khi cố gắng đưa ra một cái nhìn cân bằng bởi vì nhiều người trong chúng ta thấy thái độ chống đối lập dị là nhân sinh quan khó được chấp nhận.
Điều bất ổn với quan điểm đó - tức là coi chúng tôi là những người luôn luôn đứng ngoài và chống đối - là chính trị Hoa Kỳ hiện nay cần chúng tôi. Chính phủ không cung cấp những dịch vụ căn bản mà các đồng bào có quan niệm lý tưởng hơn chúng ta trông đợi, và các đồng bào đó muốn hỏi tại sao. Những điều mà họ nghĩ là họ muốn - như săn sóc về y tế, quỹ hưu bổng, trường học, chống khủng bố, chống ma túy - đều đầy dẫy những thất bại. Chúng tôi không cần phải hùa theo mà nói rằng chúng tôi chống đối những điều đó. Chúng tôi cần phải đưa ra những quan điểm khác.
Nói một cách khác: Chúng ta có thể đưa ra một quan điểm nào mà là một viễn quan khác tích cực và lạc quan hơn cho xã hội (vâng, xã hội là nơi ta có thể nói và cùng làm việc với những người khác)? Trừ phi chúng ta có thể trả lời được câu hỏi đó thì câu hỏi sắp tới sẽ là: "Tại sao những người chủ trương duy tự do lại không quan tâm đến những con người thực sự?"
Nếu quý vị tiến tới việc đặt câu hỏi đó thì chúng tôi sẽ có lời phản đối mà quý vị phải coi trọng. Chúng tôi không còn trông đợi ở các nhà chính trị, các nhân viên hành chánh, hay là các nhà tự cho mình cái sứ mạng bảo vệ sự an sinh của công chúng để săn sóc con người thực sự; chỉ có những người lý tưởng ngây thơ mới nghĩ như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta có thể trông đợi là người nào cũng quan tâm vào người khác. Vậy thì hãy nói cho mọi người biết về Alexis de Tocqueville.
Máy bơm PlayPump: phải có người làm cái gì chứ!
Trước khi nói tới Tocqueville chúng ta phải nói vòng vo một chút.
Vào năm 2005 một phóng viên của NPR[3] là Amy Costello đã mô tả một kỹ thuật mới gọi là "PlayPump" [máy vừa là dụng cụ giải trí vừa là bơm nước. ND] Máy này giống như một dụng cụ trò chơi ngựa gỗ chạy vòng quanh (merry-go-round) của trẻ em mà lại còn có công dụng bơm nước từ dưới đất lên nước. Khi các trẻ em chơi trên cái dụng cụ đó thì máy đó cũng bơm nước lên. Như vậy những phụ nữ trước kia đã phải đi bộ hàng cây số để mang nước về nhà bây giờ có thể lấy nước ngay tại máy bơm. Dụng cụ này có vẻ là một giải pháp rất tốt đẹp: chỉ cần đi vòng quanh cái bơm chừng mười phút thì cũng đỡ được công đi bộ 30 phút mới ra tới bờ sông để lấy nước.
Nhưng năm năm sau, khi Costello trở lại để xem dự án đó thì mọi việc không tiếp diễn tốt đẹp như bà ấy nghĩ. Bà ấy mô tả như sau:
Tôi phát hiện ra một số các vấn đề đối với việc kỹ thuật đã được áp dụng ở chỗ này và tôi rất thất vọng khi nhận ra rằng những sự hứa hẹn của dụng cụ PlayPump đã thất bại một cách đáng buồn.Sự việc xảy ra là khi những người làm việc cứu trợ trở lại và hỏi tại sao không có ai sửa máy bơm đó thì dân chúng ở trong thành phố đó nói rằng họ đang đợi chính quyền làm công việc đó. Họ rất lấy làm phẫn nộ vì họ ốm yếu mà không có ai giúp đỡ họ cả. Thay vì giúp cho họ có thêm khả năng tự lập thì sự "viện trợ" này đã khiến họ phải lệ thuộc hơn vào người khác và do đó họ bị mất khả năng tự chăm lo cho chính họ.
Trong dịp trở lại nơi này, để tìm tài liệu về chương trình đó tôi đã tới Mozambique gặp những phụ nữ và họ nói rằng mấy tháng nay họ không có nước sạch để uống, bởi vì cái PlayPump đã bị hỏng mà chưa có ai sửa chữa hay thay máy mới. Khi tôi ngồi xuống trên cát để nói chuyện với những người này, nghe họ bầy tỏ nỗi giận dữ, bực bội, tôi cảm thấy mình cũng chịu một phần trách nhiệm về tình trạng này, vì chính tôi là người viết bài báo ca ngợi kỹ thuật này, đã giúp cổ động cho kỹ thuật này trên quốc tế và kỹ thuật này đã nhận thêm được hàng triệu đô-la tài trợ.
Sau khi trải qua kinh nghiệm đó, tôi nhận thấy rằng chúng ta cần phải đặt ra những câu hỏi thật khắt khe đối với những ý tưởng có vẻ là tốt. Chúng ta cần phải nhìn kỹ một cách phê phán những người kinh doanh được ca ngợi trong lãnh vực xã hội và những chương trình mà họ đã thi hành trên khắp thế giới. Tôi muốn theo dõi những kỹ thuật đầy hứa hẹn để xem điều gì đã xảy ra năm năm, mười năm sau khi các chương trình kỹ thuật đó được thi hành. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy có nhiều ý tưởng chúng ta thấy là có vẻ giản dị và "tốt" thì thực ra lại không giản dị một chút nào cả mà lại đầy dẫy các vấn đề phức tạp về tinh thần và đạo đức.
Nếu một xã hội, dù là xã hội nào, tin rằng các công dân của họ không có khả năng để chỉnh đốn sự việc, và tin rằng chúng ta phải trông đợi vào chính quyền, thì chúng ta sẽ trở nên bệnh hoạn, yếu ớt, và bất mãn. Những người dân ở Mozambique đáng lẽ có thể cùng nhau hợp lại để sửa máy bơm đó. Nhưng từ khi họ được sinh ra và ngay cả từ khi ông bà của họ được sinh ra, họ đã được dạy rằng họ là những con dân của một "đại gia đình" đứng đầu là chính quyền.
Phải làm cho được
Năm 1831, nhà chính trị và sử học Pháp Alexis de Tocqueville xuất bản cuốn Dân chủ tại Mỹ, một cuốn du ký về hành trình của ông tại nước Mỹ. Tựa của cuốn sách có thể được gọi là Dân Mỹ làm được mọi việc như thế nào. Tocqueville tỏ ra ngạc nhiên thán phục về cách người Mỹ cùng làm việc với nhau với tư cách tư [không có sự can thiệp của chính phủ. ND] để giải quyết các vấn đề dân sự.
Tocqueville không phải là người ủng hộ chế độ cai trị theo đa số. Ông nói: vấn đề đối với chế độ chính trị dân chủ là các người công dân bị cô lập và làm cho bạc nhược. Người dân hầu như không thể tự mình làm cái gì và họ cũng không thể bắt buộc người khác giúp họ được. Tocqueville ngưỡng mộ cách của dân Mỹ giải quyết vấn đề này, tức là tổ chức lại thành từng nhóm tư, không cần chính quyền tham dự vào. Tocqueville viết như sau:
Do đó họ sẽ đều trở nên bất lực nếu họ không biết cách tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau. Nếu con người sống trong nước tự do dân chủ không có quyền và không muốn họp nhau lại với một mục đích chính trị thì sự độc lập của họ sẽ bị đe doạ, tuy họ có thể vẫn còn duy trì được tài sản và ruộng vườn của họ. Mặt khác, nếu họ không bao giờ có thói quen lập hội đoàn trong cuộc sống thì chính nền văn minh sẽ bị nguy vong.
Khi những người theo chủ trương duy tự do hình như "chống đối" bất cứ cái gì thì chúng ta thấy điều này là điều đáng lo ngại. Nếu các người công dân không để ý đến chuyện chính trị thì điều này cũng không đáng lo ngại cho lắm. Nhưng chúng ta lo ngại rằng chúng ta có thể quá chú trọng vào chính trị mà không để ý đến xã hội và không để ý đến người khác. Nếu chúng ta không thể liên hệ được với nhau như những cá nhân trong xã hội qua những trao đổi phức tạp và hỗ tương, thì cuộc sống gọi là "dân chủ" hiện đại của chúng ta trở nên băng hoại và thấp kém như Tocqueville đã nhìn thấy.
Và chính điều đó là việc mà chúng tôi cần phải ủng hộ, tức là việc tự nguyện lập thành hội đoàn với tất cả những sự phong phú và sự phức tạp khác thường của nó.
Nếu chúng ta muốn đi thuyết phục một người nào đó để làm việc với chúng ta, mà công việc đó đều là công việc tự nguyện có lợi cho mọi người, thì đó là sự thay đổi xã hội theo chiều hướng duy tự do. Nếu có người muốn tự ý không gia nhập, tách ra để lập hội đoàn khác thì họ có toàn quyền làm như vậy. Và đó là điều tốt bởi vì chúng ta có cách thử nghiệm khác nhau để giải quyết vấn đề.
Trông chờ ở nhà nước
Tocqueville chỉ trích những đồng bào của mình tại Pháp. Ông đã thấy trong di sản của cuộc cách mạng Pháp có sự hủy hoại mà chế độ dân chủ chính trị và sự lệ thuộc vào đa số đã gây ra.
Nhưng khi tôi đọc lại những lời phê bình đó của ông, thì tôi cũng cảm thấy không yên tâm. Những lời phê bình của ông đối với nước Pháp vào năm 1831 cũng lại là những lời phê bình kết án gay gắt đối với xã hội Mỹ hiện nay. Chúng ta đã trở thành một chế độ dân chủ chính trị: thi hành quyền công dân chỉ giới hạn trong việc đi bầu, và con đường duy nhất để giải quyết các vấn đề dân sự là qua các nhóm có quyền lợi vận động để có quyền lực và tài sản.
Tinh thần Hoa Kỳ của chúng ta không cho phép chúng ta chỉ khoanh tay đợi nhà nước làm. Nếu chúng ta là người láng giềng, thì tôi sẽ giúp bạn, và bạn sẽ giúp tôi. Chúng ta có những mối liên hệ tự nguyện trực tiếp và rất mạnh dựa trên giềng mối tinh thần về những nghĩa vụ tương tác, về những tổ chức phức tạp, về những mối liên quan chặt chẽ, được tự nguyện thỏa thuận cũng như tự nguyện chấm dứt.
Chế độ dân chủ-trong chừng mực nó dùng phiếu để thay thế cho hành động và dùng thuế để thay thế cho việc đóng góp để làm việc từ thiện-làm suy yếu điều mong muốn tự nhiên của con người là giúp đỡ lẫn nhau. Các hành động của nhà nước đã lấn át những hành động tự nguyện của các hội tư nhân. Nếu người ta cho rằng chính quyền sẽ chăm lo cho tất cả chúng ta, thì chúng ta không có một nghĩa vụ tinh thần nào để góp phần giải quyết vấn đề. Nếu tôi trông thấy bạn bị người ta đánh thì tôi chỉ nhìn trước nhìn sau và tự hỏi: "Tại sao cảnh sát không làm gì nhỉ"? Nếu tôi trông thấy một trường học xập xệ thì tôi tự hỏi tại sao nhà nước không làm gì cho nó tốt hơn. Nếu tôi trông thấy một cái máy bơm bị hỏng, thì tôi và người bạn láng giềng chỉ có cách đợi, để cho con của chúng tôi phải chơi trên mặt đất bụi bặm. Murray Rothbard[4] đã nhận định vấn đề một cách hoàn hảo khi ông nói rằng nếu từ cái kết luận là cần phải có một sự nối kết trong xã hội mà nhảy tới cái kết luận là cần phải có sự can thiệp của nhà nước thì đó là hai điều không có ăn nhập gì với nhau.
Chúng tôi muốn gì?
Bây giờ trở lại câu hỏi then chốt của chúng tôi.
Những người chủ trương duy tự do luôn luôn ủng hộ những hành động tự nguyện. Bởi vì chúng tôi đều ủng hộ một xã hội sống động, một xã hội tích cực, nên chúng tôi chống lại sự mở rộng quyền lực của nhà nước.
Chính vì chúng tôi muốn con người có cơ hội để đạt được tất cả những tiềm năng cho nên chúng tôi nghi ngờ động cơ hành động và sự hữu hiệu của nhà nước. Sự ép buộc của chính trị làm hỏng tinh thần của con người. Các nhà lãnh đạo chính trị nói rằng họ lấy tài sản của chúng ta là làm cho chúng ta tốt hơn; những diễn trình chính trị kiềm chế các tư tưởng độc lập, cốt lõi của tự do.
Chúng tôi ủng hộ việc các cá nhân cùng làm việc với nhau trong những tổ chức phức hợp, liên hệ chặt chẽ với nhau mà họ đã lập lên nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề.
Chúng tôi ủng hộ tự do, chúng tôi biểu dương khả năng vô tận và đa dạng của trí óc con người. Những người chủ trương duy tự do ủng hộ ý nghĩa cho rằng có rất nhiều điều có thể làm được. Chúng tôi cho rằng trong một xã hội thực sự tự do gồm những người công dân có trách nhiệm, thì không có gì là không có thể làm được.
Chúng tôi ủng hộ xã hội duy tự do trong đó một cặp vợ chồng được thức giấc trong căn nhà của họ, trên miếng đất mà họ có quyền kiểm soát, với tài sản mà họ có quyền bảo vệ với sự giúp đỡ của các láng giềng của mình. Cặp vợ chồng này tạo ra sự gắn bó theo thoả thuận của cả hai bên, mà không cần có giấy phép hay sự công nhận của bất cứ một định chế nào bên ngoài. Họ cho con đi học ở trường học mà họ lựa chọn, theo chương trình học mà họ ủng hộ. Khi lên xe của họ, họ không cần có thẻ căn cước. Không ai có quyền biết họ là ai, họ ở đâu, miễn là họ không làm việc bạo động hay trái luật pháp. Họ làm những công việc mà họ đã được huấn luyện, và họ hưởng thụ tất cả những thành quả lao động của họ. Họ đóng góp vào những công cuộc từ thiện hay hoạt động cho những lý tưởng mà họ tin theo, và họ không bị bắt buộc dưới mũi súng để ủng hộ những lý tưởng mà họ ghét.
Những trường học, những việc, hay những lý tưởng như vậy, có thể thức ra sao? Người ta sẽ làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Mỗi người sẽ tự đưa ra một kế hoạch và thi hành kế hoạch đó theo với mục đích, khả năng và quan niệm của họ về sự vui sống. Tôi không dám lên mặt nói là tôi có thể biết những gì người ta phải tìm. Và nếu tôi nghĩ rằng tôi phải biết trước những điều người ta muốn làm thì họ mới được làm thì tôi chẳng khác gì một kẻ chuyên chế hay sao?
Chúng tôi đều ủng hộ những các đồng bào Hoa Kỳ của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ gia đình. Chúng tôi ủng hộ các đoàn thể làm việc với nhau để giải quyết vấn đề theo đúng với lương tâm và mục đích của họ. Chúng tôi ủng hộ tinh thần trách nhiệm, sự lựa chọn, không phải vì con người cần phải ích kỷ hơn, nhưng bởi vì họ cần cảm thấy rằng họ có quyền lực để hành động và họ có đường hướng để đạt tới mục đích.
Phong trào của chúng tôi sẽ trả lại cho nước Mỹ cái di sản thiêng liêng - đó là tự do.
Người dịch: Song Ngọc
© Học Viện Công Dân 2014
Tác giả: Michael Munger is the director of the philosophy, politics, and economics program at Duke University. He is a past president of the Public Choice Society.
Nguồn: What Are We For? (The FreeMan - FEE: Foundation for Economic Education)
[1] Chủ nghĩa duy tự do, hay chủ nghĩa tự do ý chí (Libertarianism) là chủ nghĩa triết lý chính trị coi tự do là cứu cánh cao nhất trong chính trị. Chủ nghĩa này nhấn mạnh giá trị tối cao của tự do cá nhân nhất là tự do kinh tế, tự do chính trị và tự nguyện gia nhập đoàn thể.
[2] Christopher Eric Hitchens (13/4/1949 - 15/12/2011): tác giả, nhà báo, nhà tranh luận gốc người Anh, rất nổi tiếng trong khoảng thời gian 1970 - 2011
[3] NPR viết tắt của National Public Radio, Cơ quan phát thanh Công cộng Quốc gia. Tuy có những từ Công cộng và Quốc gia, nhưng NPR là một tổ chức vô vụ lợi, độc lập và không nhận tài trợ từ chính quyền. Nguồn tài trợ chính của những đài phát thanh công tại Mỹ là từ thính giả đóng góp hay từ các quỹ từ thiện bảo trợ. Tất cả những cơ quan truyền thông (truyền thanh, truyền hình, và báo chí) tại Mỹ đều do tư nhân hay tổ chức non-profit thành lập. Chính quyền Mỹ không có bất kỳ một cơ quan truyền thông nội địa nào, ngoại trừ các đài radio sóng ngắn phát thanh ra nước ngoài như VOA hay RFA.
[4] Murray Newton Rothbard (2/03/1926 - 7/01/1995), người Mỹ, là kinh tế gia không chính thống thuộc trường phái kinh tế học Áo, nhà sử học thuộc phái xét lại, và là lý thuyết gia về chính trị đã có ảnh hưởng đáng kể trong việc làm phát sinh ra chủ nghĩa duy tự do hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét