Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Hào khí dân tộc và thương hiệu đất nước

Hào khí dân tộc và thương hiệu đất nước 
Một dân tộc chỉ có thể phát triển khi từng người dân luôn đau đáu trước sự sinh - tử - tồn – vong của dân tộc mình. Một đất nước chỉ có thể thăng hoa khi mà TINH THẦN QUỐC GIA luôn cháy sáng, để từ ngọn lửa cháy sáng ấy, những biên độ sáng tạo được mở ra với tận cùng đam mê, tận cùng nhức nhối...
Hội nghị mười BCH TƯ Đảng yêu cầu tổng kết những việc đã làm được từ cương lĩnh chính trị năm 1991 cũng như những chiến lược phát triển kinh tế xã hội khác, từ đó xây dựng cương lĩnh phát triển mới, trong bối cảnh mới.
Tính đến thời điểm này, Đảng đã có 2 bộ cương lĩnh, giống như hai ngôi sao chỉ lối soi đường, đưa đất nước đi lên. Nếu như bản cương lĩnh đầu tiên (năm 1930) ra đời trong bối cảnh một đất nước lầm than, đang muốn phá mình khỏi gông cùm nô lệ thì bản cương lĩnh thứ hai (1991) lại ra đời trong bối cảnh hòa bình, khi mà cả dân tộc mang khát vọng bay tới những chân trời mới.
Từ bản cương lĩnh thứ nhất đến bản lĩnh thứ hai, người ta có thể nhìn thấy rõ sức sống của đất nước này, dân tộc này. Cái sức sống của hàng triệu triệu con người đã tự giải phóng mình khỏi áp bức, thực hiện triệt để “thổ địa cách mạng và tư sản dân quyền cách mạng” (hai nhiệm vụ qui định trong cương lĩnh 1930) để có được đời sống tự do, và tự tin đặt cho mình những nhiệm vụ “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (hai nhiệm vụ qui định trong cương lĩnh 1991).
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày cương lĩnh đầu tiên ra đời, hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày cương lĩnh thứ hai xuất hiện, Việt Nam và thế giới hiện đang đối diện với những biến động mới, cam go hơn, khó lường hơn. Vậy nên những nhận thức mới cùng những thực tiễn hành động mới là một đòi hỏi tất yếu, buộc tất cả chúng ta phải cùng nhau trăn trở.
Câu hỏi đặt ra: Thời đại chúng ta đang sống là một thời đại như thế nào? Và chúng ta phải xây dựng một chương trình hành động ra sao để có thể đạt tới sự tương thích nhiều chiều với thời đại ấy?
Xin được bắt đầu vấn đề này bằng 4 chữ HÀO KHÍ DÂN TỘC.
Có thể nói, từ trong những cơn lam lũ của lịch sử con người, dân tộc Việt Nam luôn phải thử thách qua những biến động nhức nhối nhất, và qua đó luôn thể hiện mình là một dân tộc sáng tạo, anh hùng. Chúng ta có một nền lịch sử lập quốc mấy ngàn năm để mà tự hào. Chúng ta có một nền văn hóa bao la, phong phú để mà hãnh diện.
Ý thức dân tộc và niềm tự hào dân tộc đã từng cháy lên dữ dội trong mỗi trái tim Việt Nam qua mỗi cuộc chiến tranh giữ nước. Nó cháy lên từ những bước chân thần tốc, oai phong của đoàn quân áo vải Tây Sơn; rồi cháy lên trong cả bước chân nữ nhi, gạt lệ xuống thuyền của Huyền Trân công chúa. Cảm động làm sao hình ảnh một người con gái với những bước chân mỏng manh mà lẫm liệt. Khâm phục làm sao một người con gái đã hy sinh mảnh đời riêng cho những cuộc đời chung…
Nhưng có một thực tế buộc phải thừa nhận: Hào khí Việt Nam dường như chỉ cháy lên trong mỗi lần bến bờ xứ sở bị xâm lăng. Còn trong thời bình, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên trận địa kinh tế và văn hóa thì hào khí ấy trầm xuống hẳn.
Xin hãy xem cách người Trung Quốc bảo vệ ngôn ngữ của họ; hãy xem cách người Nhật Bản tôn vinh nghệ thuật trà đạo của họ; hãy xem cách người Hàn Quốc xuất khẩu phim ảnh hay người Thái Lan tiếp thị về “du lịch quốc gia”…Tại sao họ làm được những điều lớn lao như vậy? Tại vì họ sáng tạo và có những điều kiện để sáng tạo? Đúng! Nhưng lý do quan trọng nằm ở chỗ: Họ luôn ý thức mãnh liệt về giá trị và hào khí dân tộc, để rồi luôn ý thức về việc phải khẳng định nó, đánh bóng nó trên trường quốc tế.

Một dân tộc chỉ có thể phát triển khi từng người dân luôn đau đáu trước sự
sinh - tử - tồn – vong của dân tộc mình. Ảnh: Vietnamnet.

Có lẽ trong một thế giới mà những đường biên về kinh tế, văn hóa đã bị xóa nhòa thì dân tộc nào thông minh hơn và ý thức về mình rõ ràng, mãnh liệt hơn, dân tộc ấy sẽ chiến thắng. Chính vì thế, trong bối cảnh thời đại mới, thì hào khí dân tộc và ý thức dân tộc cần phải cháy sáng chẳng khác gì thời mưa bom bão lửa chiến tranh. Một khi chúng ta ý thức được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được một bộ mặt mới với những thương hiệu mới về đất nước mình.
Mà nó – HÀO KHÍ DÂN TỘC không phải cứ nhất nhất được thể hiện qua những khát vọng đao to búa lớn. Hào khí dân tộc và hình ảnh đất nước được thể hiện trong những điều bình dị, đời thường nhất.
Hào khí dân tộc của những người trong ngành giáo dục nằm ở đâu khi mà cái nhà vệ sinh trong các trường tiểu học vẫn luôn ở vào tình trạng “thiếu thốn của thiếu thốn”? Hào khí dân tộc của những người trong ngành xây dựng ở đâu khi mà hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam vừa khánh thành đã bị ngập lên ngập xuống? Hào khí dân tộc của những người trong ngành an ninh trật tự ở đâu khi mà tình trạng mãi lộ vẫn được các tờ báo phản ánh nhan nhản mỗi ngày?
Xin được kể lại một câu chuyện có thật, diễn ra trong thời điểm cầu Cần Thơ bị gãy, đã được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ TPHCM. Chuyện rằng một bệnh nhân Việt Nam đang nằm trong bệnh viện của Nhật chợt giật mình với hình ảnh cô y tá người Nhật cúi rạp người rồi khoanh tay xin lỗi.

Tại sao cô ta lại xin lỗi? Tại vì: “Người thi công cây cầu Cần Thơ ở Việt Nam là người Nhật. Giờ cầu Cần Thơ gãy – tôi, một công dân Nhật thấy mình phải có trách nhiệm xin lỗi một công dân Việt Nam” - lời cô y tá. Câu chuyện này cho người ta thấy Ý THỨC DÂN TỘC và HÀO KHÍ DÂN TỘC ngự trị trong mỗi trái tim Nhật một cách mãnh liệt và thẳm sâu nhường nào.

Người Việt Nam ta liệu đã ý thức được như vậy chưa? Và liệu có là vô trách nhiệm quá không nếu chúng ta luôn nói rằng HÀO KHÍ DÂN TỘC mình chỉ luôn cháy sáng trong những cuộc chiến tranh?
Nếu như bản cương lĩnh năm 1930 của Đảng nhấn mạnh đến vấn đề giải phóng dân tộc, nếu như bản cương lĩnh năm 1991 của Đảng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng kinh tế thì bản cương lĩnh trong thời buổi hiện nay, vả chăng cần thiết phải nhấn mạnh đến vấn đề HÀO KHÍ DÂN TỘC và THƯƠNG HIỆU ĐẤT NƯỚC?
Một dân tộc chỉ có thể phát triển khi từng người dân luôn đau đáu trước sự sinh - tử - tồn – vong của dân tộc mình. Một đất nước chỉ có thể thăng hoa khi mà TINH THẦN QUỐC GIA luôn cháy sáng, để từ ngọn lửa cháy sáng ấy, những biên độ sáng tạo được mở ra với tận cùng đam mê, tận cùng nhức nhối.
Tuần Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét