Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015
Minh Trị – Hoàng đế đưa Nhật thành cường quốc thế giới
23:30
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 28/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Triều đại Hoàng đế Mutsuhito – thời
kỳ Minh Trị (tức nền hòa bình được khai sáng) – chứng kiến Nhật Bản từ
một đất nước bị đe dọa bởi sự thống trị của Phương Tây trở thành một
trong những cường quốc đứng đầu về kinh tế và quân sự trên thế giới. Để
đạt được điều này, ông đã phải đưa ra quyết định khó khăn khi áp dụng
nhiều đường lối và phong tục của phương Tây ở một đất nước vốn dĩ rất tự
hào về nền văn hóa bản địa của mình. Rất nhiều thủ lĩnh Phiên bang căm
hận sự pha trộn những tư tưởng ngoại bang. Tuy nhiên bằng cách thi hành
những thay đổi này, Nhật Hoàng đã sử dụng chính các phương thức của
người phương Tây để bảo tồn ý chí và độc lập của Nhật trong bối cảnh
ngoại xâm, bảo vệ đất nước thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của
Châu Âu và đưa Nhật trở thành một thế lực trên toàn cầu.
Sau một thập kỷ nỗ lực chống ngoại xâm,
Chinh Di đại tướng quân (shogun) từ quan vào năm 1867. Với mục tiêu hiện
đại hóa và hy vọng bảo tồn Nhật Bản, các nhà cải cách đưa hoàng tử
Mutsuhito lên ngôi với hiệu là Thiên hoàng Minh Trị. Vị hoàng đế mới đã
khép lại hai thế kỷ biệt lập của Nhật Bản, thay vào đó lựa chọn con
đường tiếp nhận một số tư tưởng của phương Tây.
Dưới sự dẫn dắt của Thiên hoàng Minh
Trị, người Nhật tiến hành những cải cách đảm bảo mọi công dân đều bình
đẳng trước luật pháp. Ông xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng một xã hội
Nhật Bản tập trung và có tổ chức đầu tiên sau nhiều thế kỷ. Hơn nữa,
nước Nhật thúc đẩy công nghiệp hóa, nhanh chóng hiện đại hóa trong nửa
sau thế kỷ 19.
Nhật Bản cũng được các cường quốc quân
sự hàng đầu khi đó hỗ trợ. Các cố vấn nước Phổ giúp Nhật xây dựng quân
đội, người Anh cho mượn tàu thuyền cùng với các chuyên gia đóng tàu,
khiến Nhật có được sự trợ giúp từ những quốc gia có nền quân sự hùng
mạnh nhất thời đó.
Minh Trị nhận ra rằng cần phải hy sinh
một số thứ để Nhật trở thành một nước hiện đại. Giáo dục giảm sự tập
trung vào khía cạnh văn hóa và thiên nhiều hơn về toán và khoa học.
Triều đình giảm sự quan tâm tới Phật giáo, chú trọng hơn vào thần đạo
Shinto của người Nhật – theo đó thần đạo mang một thông điệp mạnh mẽ về
việc phục vụ đất nước và hoàng đế. Chính phủ cấm samurai (chiến binh của
các phiên bang cũ) mặc trang phục cũ và đem theo thanh kiếm truyền
thống, đồng thời cũng cắt bỏ bổng lộc triều đình.
Mặc dù những nỗ lực này đều nhắm tới mục
đích thay đổi bộ mặt xã hội Nhật Bản theo nhiều hướng, nhưng triều đại
Minh Trị cũng đảm bảo rằng nước Nhật không bao giờ để mất độc lập trong
thời đại nhiều nước Châu Á cũng như Châu Phi nằm dưới sự cai trị của
Châu Âu.
Và những nỗ lực đó cũng đem lại thành
quả. Dưới thời Minh Trị, Nhật Bản lấn át kẻ thù truyền kiếp của mình là
Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật vào thập niên 1890. Tuy nhiên
một thập kỷ sau mới là thành tựu đỉnh cao của Nhật: họ đánh bại đế chế
Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật. Chiến thắng quan trọng này củng cố vị
thế cường quốc thế giới của Nhật và chứng tỏ được tính đúng đắn của
những cải cách thời Mutsuhito.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét