Bloomberg đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến với "ông vua" Forbes để công bố danh sách những người giàu nhất thế giới, bằng cách thuê lại chính người của đối thủ.
Bloomberg vừa bất ngờ tuyên bố họ sắp sửa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới, vốn là lãnh địa riêng của tạp chí kinh tế tài chính Mỹ Forbes. Để thực hiện kế hoạch, Bloomberg đã lôi kéo cây bút kỷ cựu của Forbes là Matthew Miller, nhằm củng cố kiến thức về lĩnh vực này.Hãng truyền thông của tỷ phú Michael Bloomberg hy vọng với sự giúp đỡ của Miller, họ sẽ có thể công bố danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2012 hoặc 2013.
Việc Miller ra đi là tổn thất lớn của Forbes vì ông đã có 7 năm kinh nghiệm trên cương vị chủ bút của danh sách Forbes 400 và là đồng chủ bút của danh sách Những tỷ phú thế giới.
Hiện vẫn còn quá sớm để đoán xem Bloomberg làm như thế nào để lập nên các bảng xếp hạng uy tín. Những nguồn tin thân cận cho hay tập đoàn truyền thông này sẽ dựa vào đội ngũ hơn 2.000 phóng viên nhà báo trên khắp thế giới để tìm thông tin về người giàu tại các nước.
Bloomberg kỳ vọng danh sách người giàu sẽ làm tăng danh tiếng và hút thêm khách hàng cho hệ thống cung cấp thông tin tài chính, vốn là mảng ăn nên làm ra của hãng. Lâu nay, mỗi khách hàng phải chi khoảng 20.000 USD một năm để nhận được dịch vụ cung cấp bản tin phân tích và dữ liệu tài chính trọn gói.
Cho đến nay, Forbes vẫn là ông vua trong lĩnh vực xếp hạng người giàu. Danh sách 400 đại gia Mỹ đã có 29 năm tuổi. Ngoài ra, việc công bố tỷ phú thế giới cũng làm rạng danh tên tuổi tạp chí trên phạm vi toàn cầu.
Gần đây, tờ báo đã thành công khi lần đầu tiên công bố thêm danh sách 100 ngôi sao giàu nhất và 15 nhân vật tưởng tượng giàu nhất.
Bảng xếp hạng người giàu là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Thời gian gần đây trong thời buổi kinh tế khó khăn, những danh sách này thậm chí trở thành nguồn lợi sống còn đối với Forbes khi doanh thu từ quảng cáo ngày càng ế ẩm.
Theo thống kê, các bảng xếp hạng trực tuyến có lượng người xem cao nhất tại trang Forbes.com. Còn bản in Forbes 400 năm 2009 bán được 54.524 bản và là một trong những ấn bản ăn khách nhất trong năm tại Mỹ. Nếu không vì khủng hoảng kinh tế, chắc chắn ấn bản này còn bán chạy hơn. Trước đó 2 năm, Forbes bán được tới 90.623 bản in.
Ngoài ra, bảng xếp hạng còn đem về nguồn lợi béo bở thông qua việc bán các gói tài trợ xung quanh danh sách. Đó cũng là lý do các hãng báo chí lớn khắp thế giới cũng vào cuộc đua nhằm thỏa mãn trí tò mò của độc giả về tài sản cá nhân và đời sống riêng tư của tầng lớp đại gia.
Hiện nay, không chỉ ở Mỹ mà xếp hạng người giàu còn xuất hiện ở Trung Quốc, Anh, Australia và vài nước khác. Trung Quốc có Hurun Rich List, theo dõi 1.363 người giàu nhất nước này theo cập nhật mới nhất. Anh quốc có Sunday Times Rich List và ở Australia có danh sách "Rich 200" BRW.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tính toán tài sản của người khác chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Forbes kiên quyết không tiết lộ phương pháp tính toán của họ. Tuy nhiên theo lời những tỷ phú của mặt trong danh sách, tạp chí này đã liệt kê lượng cổ phiếu mà họ sở hữu, cùng bất động sản và nhiều loại tài sản khác. Ngoài ra, chính các tỷ phú cũng sẵn sàng cung cấp thêm thông tin.
Mặc dù vậy, nhiều tỷ phú cho biết họ có thể can thiệp đến kết quả tính toán bằng cách cung cấp thông tin một cách có chọn lọc, ví dụ họ có thể từ chối tiết lộ các khoản nợ nần, đầu tư.
"Nhiều khi rất khó, thậm chí là không thể tìm ra sự thật về tài sản thực của một người nào đó", Jonathan Blattmachr, luật sư hàng đầu về bất động sản và quỹ cho giới nhà giàu nói với Wall Street Journal. "Trong số khách hàng của tôi, có rất nhiều người thừa sức lọt vào danh sách nhưng lại không được Forbes biết đến. Ngược lại, có những người xuất hiện trong bảng xếp hạng nhưng thực tế họ không giàu đến thế".
Ví dụ, Forbes đã bỏ sót ông Jeffry Picower, một nhà đầu tư của siêu lừa Madoff trong nhiều năm. Đến 2009, Forbes đã thêm ông này vào xếp hạng Forbes 400 với tài sản một tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi ông Picower qua đời vì tự sát tháng 10 năm ngoái, người ta lại thấy vợ ông mang 7,2 tỷ USD tài sản gia đình đến nộp cho các nhà chức trách, liên quan đến vụ điều tra siêu lừa Madoff.
Khảo sát tài sản tại Mỹ đã khó, theo dõi thông tin người giàu thế giới càng khó khăn hơn vì thị trường chứng khoán và hệ thống luật pháp thường không được minh bạch bằng Mỹ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét