Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015
Các Hậu Quả Quốc Tế Về Tình Trạng Cô Lập Của Nga
17:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Cuộc
khủng hoảng hiện nay của Nga, đặc biệt là với sự sụp đổ của đồng Rúp,
hé lộ cho thấy một tình trạng mong manh không chỉ dành riêng cho nền
kinh tế của Nga, mà còn chung cho một trật tự hiện nay
của thế giới và các nền tảng tư duy của thời đương đại về tính bền vững
trong chính trị và kinh tế. Thật vậy, không ai có thể nghĩ là khủng
hoảng của Nga sẽ xảy ra bao giờ – và tình trạng của Nga bị cô lập ngày
càng tăng sẽ ít gây ảnh hưởng cho cơ chế hiện nay về việc điều hướng
trong toàn cầu.
Sau
cuộc khủng hoảng về nợ của châu Mỹ La tinh trong những năm 1980 và cuộc
khủng hoảng tài chính tại châu Á trong năm 1997-1998 (mà Nga cũng bị
ảnh hưởng lây), các nền kinh tế mới nổi đã quyết tâm tìm hiểu làm thế
nào để tránh những kinh nghiệm này tái diễn. Họ đã xác định được ba điểm
chính về quản lýcác hình thức rủi ro trong tiến trình toàn cầu hóa
thuộc lĩnh vực tài chính hiện đại: một loại tích lũy dự trử có quy mô
lớn để ngăn chận các cuộc tấn công có tính cách đầu cơ; tránh tình trạng
thâm hụt nặng nề trong tài khoản vãng lai (sử dụng số dư để tích lũy dự
trử); và giữ tình trạng nợ công từ nước ngoài (ngoại trái) và nợ thuộc
về kinh tế tư nhân ở mức độ thấp.
Hơn
nữa, các nền kinh tế mới nổi đã học được công việc điều hướng, họ công
nhận là việc cải thiện nguyên tắc minh bạch và làm giảm tham nhũng là
các nhu cầu bắt buộc phải làm. Giới hoạch định chính sách và các định
chế tài chính tập trung nghiên cứu đến việc xác định những gì có thể tạo
nên các chỉ dấu cho cảnh báo.
Nếu
xét theo tất cả các tiêu chuẩn này thì trước năm 2014 Nga đã thực hiện
rất tốt. Không có dấu hiệu nào đáng cảnh báo. Trong năm 2013, nợ nước
ngoài (ngoại trái) của khu vực công lên tới 3,8 % của TSLQN và nợ nước
ngoài của khu vực tư nhân đạt mức hợp lý là 30,2 % của TSLQN. Mùa xuân
vừa qua, khối lượng ngoại hối dự trử của Nga còn ở một mức độ lành mạnh
là khoảng 472 ngàn tỷ (billion), nhờ có số dư quá nhiều trong tài khoản
vãng lai; và theo Ngân hàng Trung ương Nga, tổng số tài sản ở nước ngoài
của Nga ở mức 1.4 tỷ tỷ (trillion) Đô la Mỹ, vượt quá khoản nợ phải
chịu trách nhiệm để trả là 1.2 tỷ tỷ.
Vậy
những gì sai lầm đã xảy ra? Một vấn đề có thể xảy ra là Nga không thể
huy động dễ dàng được các loại tài sản trong thời kỳ khủng hoảng. Như
các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements),
mà đặc biệt là Claudio Borio và Hyun Song Shin, gần đây hai ông này đã
nhấn mạnh đến các tình trạng cân đối tài sản tài chính thường phản ánh
qua việc sử dụng các thương vụ ở nước ngoài như là một phương tiện để
tạo thành một loại tài sản trung gian – một hệ thống tạo điều kiện cho
phép vốn tư bản có quy mô lớn tháo chạy. Điều này có vẻ đặc biệt là đúng
với trường hợp của Nga. Nói một cách khác, các doanh nghiệp của Nga sử
dụng vốn tư bản đã huy động được ở nước ngoài để tích lũy tài sản, mà
các doanh nghiệp này không nhất thiết phải chuyển loại tài sản này về
lại trong nước.
Trong
những trường hợp như vậy, thì những điều tệ hại có thể xảy ra – ngay cả
đối với những nước có khối lượng dự trử to lớn và có số dư trong tài
khoản vãng lai. Chung qui lại, các doanh nghiệp này có thể làm thất
thoát nhanh chóng các khối lượng dự trử, thay vì họ tìm cách sử dụng các
tài sản ở nước ngoài của họ, nếu họ thấy cần phải thực hiện việc thanh
toán.
Các
nhà kinh tế học đã quen thuộc với các chính sách kinh tế vĩ mô cổ điển
mà trong cùng một lúc có đến ba vấn đề khó khăn để tiến thoái: đó là các
quốc gia này không thể xác định được mức tỷ giá hối đoái, không mở rộng
các tài khoản vốn tư bản, và cũng không có một chính sách tiền tệ độc
lập. Nhưng đó cũng là một tình trạng tương tự trong khu vực tài chính mà
dòng chảy của lượng vốn (trào lượng tư bản) không phù hợp với việc ổn
định tài chính. Và khi các vấn đề an toàn quốc tế trở nên nổi bật, chẳng
hạn như trong cuộc khủng hoảng hiện tại của Nga, việc tự do chuyển dịch
vốn tư bản tạo ra nhiều biến động lớn hơn.
Trong
những năm trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, cũng có một trường hợp
tương tự đã xảy ra. Các mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa Pháp và Đức
tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển dịch của một khối lượng vốn tư
bản đáng kể; nhưng trong thời điểm có căng thẳng quốc tế, chẳng hạn như
trong lúc có khủng hoảng tại Morocco[i] vào năm 1911, nó đã gây ra các
cuộc tấn công có tính cách đầu cơ, làm nổi bật hơn về tình trạng cô lập
của Đức ngày càng tăng.
Trong
những năm giữa hai thế chiến, và đặc biệt nhất là trong những năm của
thập niên 1930, khi một nền an ninh trật tự cho toàn cầu đã tan rã, các
cuộc tấn công mang tính cách đầu cơ đã trở thành một công cụ để vận dụng
chính trị. Đặc biệt hơn là phong trào Phát Xít Đức, họ hy vọng rằng
bằng cách tạo áp lực tài chính cho Pháp, họ có thể gây ra một cuộc khủng
hoảng tín dụng và ngân sách, do đó buộc Pháp giảm các kinh phí về quân
sự.
Một
trong những điểm nổi bật của một trật tự trong toàn cầu đã được áp dụng
sau Thế chiến thứ hai là sự tương tác giữa các hệ thống điều hướng về
kinh tế và an ninh, với cùng năm cường quốc này họ chiếm ghế thường trực
trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và trong thế hệ vừa qua, họ cũng
đã nắm giữ Hội đồng Quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (QTTQT). Tình trạng
này góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công có tính đầu cơ do động cơ
chính trị thúc đẩy vàkhôi phục sự ổn định tình hình tài chính và tiền tệ
trên toàn cầu.
Liên
Xô đã không nộp đơn xin làm thành viên của QTTQT. Tuy nhiên, trong
những năm của thập niên 1990, Nga đã làm làm đơn và đã được chấp thuận
có một ghế trong Hội đồng Quản trị. Sau đó, Nga đã lần lượt được kết nạp
vào các tổ chức G-8 và G-20, một định chế được thành lập mới đây.
Nhưng
G-8 đã đình chỉ hợp tác với Nga, và kết quả là Nga bị xuống cấp với quy
chế là quan sát viên tại cuộc họp mới nhất ở Brisbane của G-20. Tóm
lại, một trật tự cho thế giới đang được xây dựng lại – và Nga đang mất
dần vị thế của mình.
Giới
lãnh đạo chính trị tại Nga đã hy vọng về sự thành hình của một cơ chế
mới hay tương tự cho việc điều hướng kinh tế toàn cầu, cơ chế này được
các nền kinh tế mới nổi lên – thí dụ như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc
và Nam Phi ủng hộ. Cái gọi là tổ chức BRICS đã kỳ vọng là sẽ thách thức
các định chế quốc tế do phương Tây khống chế, đặc biệt là QTTQT, và các
hệ thống tiền tệ lấy đồng Đô la Mỹ làm trọng tâm giao dịch. Và, ở một
mức độ nào đó, họ có thể gây tác động. Nhưng, cho đến nay, tác động của
các nỗ lực này còn hạn chế.
Ví
dụ như trong tháng năm vừa qua, các thỏa thuận quan trọng về khí đốt mà
Nga đã đàm phán với Trung Quốc đã có những điều kiện làm lợi cho Trung
Quốc. Báo chí tường thuật là có bao gồm cả việc định các giá bằng đồng
Nhân dân tệ và đồng Rúp, đáng lý ra phải là bằng đồng Đô la Mỹ. Nhưng
với sự sụp đổ của đồng Rúp, người ta suy đoán là các điều khoản này đang
đàm được phán lại.
Tương
tự như vậy là vào tháng bảy, Tổ chức BRICS đã tạo ra “Thoả ước về một
Qũy dự phòng bất trắc”, như họ đã tuyên bố, Qũy này nhằm “ngăn chặn các
áp lực đối với cán cân thanh toán trong ngắn hạn, cung ứng các yểm trợ
hỗ tương, và tăng cường cho việc ổn định tình hình tài chính.” Tuy
nhiên, Nga khó có thể tìm trong cơ chế này một nguồn cung ứng tín dụng
khẩn cấp cho tình hình khủng hoảng hiện nay.
Gần
đây hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cam kết hỗ trợ
cho Nga. Nhưng ngôn ngữ mơ hồ này của ông Nghị đã phản ánh một thái độ
do dự quá mức mà có lẽ sẽ còn kéo dải cho đến khi nào khủng hoảng kết
thúc.
Tóm
lại, cả hai cơ chế điều hướng do phương Tây khống chế và tổ chức BRICS
còn sơ sinh đã quay lưng lại để chống Nga. Tại thời điểm này, hy vọng
duy nhất của Nga là cuộc khủng hoảng gây nên một sự bất ổn nghiêm trọng
và có lây lan đến độ mà giới đầu tư và các nền kinh tế mới nổi lo âu –
và cuối cùng thì cả hai hệ thống điều hướng trong toàn cầu cùng bùng nổ.
Harold James & Domenico Lombardi
Đỗ Kim Thêm dịch
Harold James
là Giáo Sư Sử học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, Giáo sư Sử
học tại European University Institute. Ông là tác giả các cuốn sách The
Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A
History of the Legendary German Firm và Making the European Monetary
Union.
Domenico Lombardi là Giám đốc The Global Economy Program, Centre for International Governance Innovation (CIGI) Canada.
Nguyên tác: “The Global Consequences of Russia´s Isolation”
[i] Khủng hoảng Morocco (1905/06, 1911)
Khởi
điểm của khủng hoảng Morocco là Liên minh Thân hữu (Entente cordial,
1904) do Anh và Pháp ký kết. Pháp đồng ý để cho Anh chiếm Ai Cập và
Sudan. Bù lại, Anh ủng hộ cho Pháp chiếm Morocco. Thỏa thuận này đi
ngược lại với thoả ước Madrid 1880 mà các cường quốc châu Âu và Hoa Kỳ
công nhận về nền độc lập của Morocco.
Đức
nhận thấy sự vi phạm này là một cơ hội để Đức can thiệp và làm suy yếu
Liên minh Pháp và Anh. Đức cáo buộc là Pháp là vi phạm luật quốc tế và
không tôn trọng quyến lợi kinh tế của Đức tại Morocco. Ngoài ra Đức công
nhận quyền tự trị của Morocco và liên kết với Áo và Hung.
Khủng
hoảng kết thúc với thoả ước Algericas Akte 1906. Pháp thắng thế với ưu
quyền về tự do mậu dịch và cùng với Tây Ban Nha, Pháp có quyền cai quản
Ngân hàng Trung ương và lực lượng cành sát Morocco. Đức mất các yêu sách
trong thương thuyết. Để chống Đức, Liên minh Tam cường (Triple Entente
1907) gồm Nga, Pháp và Anh ra đời
Năm
1911 nội tình Morocco có nhiều xung đột hơn và quyền lợi kinh tế Đức bị
thiệt hại trầm trọng, nên căng thẳng giữa Pháp và Đức tái diễn. Đức
nhận ra rằng không thể nào ngăn cản quyền cai trị của Pháp nên chỉ đòi
bồi thường thiệt hại kinh tế. Để phô trưong uy thế, Đức gởi chiến hạm
Panther đến hải cảng Agadir và de doạ gây chiến. Cuối cùng, với thoả ước
1911, Đức chấp nhận cho Pháp cai trị Congo và đổi lại lấy được một phần
đất ít giá trị hơn tại Congo thuộc Pháp. Khủng hoảng Morocco là một sai
lầm nghiêm trọng về chính sách đối ngoại c ủa Đức trước thế chiến thứ
nhất. (Chú thích của người dịch)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét