Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Bàn về sự khốn cùng của tri thức triết học ở ta hôm nay và nhu cầu vượt thoát khỏi sự khốn cùng đó

Vương Trí NhànBlog
07:05' PM - Thứ hai, 15/06/2015
1. Hai cuốn sách viết về các vấn đề trừu tượng mà lại dành cho bạn đọc nhỏ tuổi
Nhân đi mua sách cho hai cháu nội, tôi thấy có hai cuốn có những cái tên khá dài, nội dung thì hình như quá cao, quá trừu tượng
-- Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học
-- Những câu hỏi hóc búa về đức tin...

Cuốn trên -- liên quan nhiều đến triết học -- vốn của nhà xuất bản Nathan bên Pháp, và cuốn dưới -- liên quan tới các vấn đề tôn giáo --- do bộ phận làm sách thiếu nhi của tập đoàn Macmillan bên Anh xuất bản.

Bản quyền bản tiếng Việt của cả hai cuốn trên đều thuộc nhà Kim Đồng.
Hôm nay, tôi mới liếc qua được cuốn thứ nhất.

Chữ nghĩa viết ra không nhiều, nhưng nhìn đầu đề các phần đã thấy đặc sệt chất triết học:
Nhất thể và phức thể
Hữu hạn và vô hạn
...
Thời gian và vĩnh cửu
Tôi và người khác

Đây là cái câu coi như đặt vấn đề về sự cần thiết của cuốn sách
"Tại sao phải suy nghĩ về những điều trái ngược?"
"Bởi thiếu những điều trái ngược, chúng ta sẽ không thể tư duy?"

Câu mở đầu cho đoạn 3 chương Tôi / người khác cũng có cái ý đầy thách thức:
"Mỗi chúng ta đều là duy nhất với bản sắc riêng cần được công nhận và tôn trọng"
Trong chương Lý trí/ đam mê có một câu hỏi.
" Ta nên làm theo lý trí hay theo đam mê?"

Hình ảnh dùng làm minh họa trong sách thì được hình thành và liên kết lại theo những quy luật chi phối ngôn ngữ tạo hình trong nghệ thuật hiện đại. Có thể nhìn qua đã hiểu, xem đi xem lại nhiều lần càng hiểu và càng thích thú hơn.
Tôi không chắc là đám cháu trên dưới mười tuổi của tôi có thể thích được hai cuốn này.
Nhưng tôi cứ mua về để một là tự mình học hỏi thêm, và hai là dần dần bằng cách nào đó, trong những dịp thuận lợi cho các cháu làm quen.

Biết đâu -- trong muôn một - các cháu sẽ tò mò đọc tiếp nghĩ tiếp.
Khi lo làm sách hướng tới một tầng lớp bạn đọc ở lứa tuổi nào đó, người ta thường chỉ tự hạn chế trong cái đối tượng đông đảo tức bộ phận gọi là trung bình. Không ai nhớ rằng còn có một lớp bạn đọc ưu tú vượt lên trên trình độ thông thường, và xã hội cần phải tính tới việc phục vụ họ.
Nhớ những khi đọc loại sách tiểu sử các vĩ nhân -- chẳng hạn cuốn Napoléon Bonaparte của Tarle -- tôi thấy người ta đều viết rằng từ lúc học tiểu học các nhân vật này đã có dịp đọc các loại sách kinh điển của thế giới, kể cả các loại khoa học xã hội.
Lẽ nào chúng ta chỉ chấp nhận rằng trong tương lai người Việt sẽ chẳng có ai vượt lên trên trình độ trung bình thông thường?

NẾU tin rằng chỉ khi có một bộ phận ưu tú xuất hiện -- người xưa gọi là lớp trí thức thượng lưu -- xã hội mới tiến lên được
THÌ hãy tự hỏi ta đã làm gì để chuẩn bị cho những phần tử ưu tú đó?
Trong hoàn cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào nền giáo dục do nhà nước đảm nhiệm.
Tùy tâm tùy sức, lớp người lớn tuổi chúng ta phải lo trở thành những nhà giáo dục của con em mình.
Không chừng nhờ thế, một cách ngẫu nhiên, ta lại giúp đỡ cho trẻ ở cả các gia đình khác.

2. Tại sao tôi lại đề nghị các bậc phụ huynh: Hướng dẫn con em mình đọc cả những sách triết học?
Vào khoảng 1975 về trước, lực lượng sáng tác của tạp chí Văn Nghệ quân đội ( nơi tôi công tác lúc trẻ ) chủ yếu là các cây bút sinh khoảng trước sau 1930, mới trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, mọi người vừa viết vừa lo nhận thức về nghề của mình.
Chính từ những buổi trò chuyện với các nhà văn hết lòng với nghề như Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu, tôi hiểu về nghề cầm bút ở ta nói chung và trường hợp của lớp người cầm bút ở Hà Nội sau 1945 nói riêng.
Việc đó đã giúp tôi hiểu đươc nghề văn và trước hết là viết được bài về nghề, trong đó có bài báo mang tên Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp đã đưa vào tập Phê bình & tiểu luận của tôi và đưa trên blog của tôi ở địa chỉ
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/10/cong-viec-viet-van-nhin-duoi-goc-o-nghe.html

Trong bài ấy tôi đã ghi lại một câu tôi không rõ lúc đầu ai nói ra, song tất cả đều thấy đúng
"Ở nước Việt Nam hôm nay, trẻ con làm văn nghị luận, người lớn làm văn miêu tả"
Lý do khiến chúng tôi rút ra một nhận thức đau xót như thế, chính là một sự thực: người viết văn ở Việt Nam không được khuyến khích để tìm tòi về mặt tư tưởng.

Cấp trên chỉ khuyến khích chúng tôi viết sao cho mùi mẫn, sinh động, còn về tư tưởng, các nhân vật của chúng tôi và trước hết là bản thân chúng tôi, không cần tìm tòi gì cả chỉ cần minh họa cho các tư tưởng đã được giáo huấn là đủ.
Nhưng chúng tôi không lấy đó làm buồn quá lâu.
Vì chỉ cần nhìn ra chung quanh thì lĩnh vực nào cũng thế. Công nông cơ bản hay trí thức lao động trí óc cũng thế, học tắt trong nước hay học ở nước ngoài cũng thế, trong suốt cuộc đời làm dân hoặc làm cán bộ của mình, chúng tôi chỉ lo quán xuyến các tư tưởng dội từ trên xuống.
Ở các nước khác, học sinh những năm cuối tú tài đã được học triết học với tất cả những nội dung mà triết học thời nay quan niệm.
Còn ở ta thì -- cả sinh viên đại học và những lớp sau đại học -- tuy cũng có được học cái gọi là triết học đấy, nhưng chỉ rất sơ sài, phần chủ yếu cũng là Mác- Lê, mà lại là Mác Lê theo cách hiểu riêng ở VN hôm nay.

Đến bây giờ thì chắc bạn đọc đã hiểu tại sao tôi lại hết sức sung sướng khi nhận ra và vồ vập tìm mua mấy cuốn
-- Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học
-- Những câu hỏi hóc búa về đức tin

nói ở đoạn trên.


Tôi cũng không ngại ngần tìm cách tuyên truyền để các bạn khác mua về, trước tiên là cho mình đọc và sau đó là tìm cách giúp con em trong gia đình mình cùng đọc.

Ở tuổi trên 70, điều tôi tha thiết nhất trong lúc này là muốn các bạn đọc thân mến của mình cùng chia sẻ cái cảm tưởng là chúng ta không thể sống mãi trong cảnh dốt nát hư hỏng. Có thể nguyên nhân không phải tại ta, chúng ta bị xã hội này đẩy tới. Nhưng khi đã biết rằng mình đang trong tình trạng bi đát thế nào, thì sự vượt lên lại là bắt buộc. Chúng ta phải hiểu cho được cái kiếp làm người của mình và mong rằng con em mình không phải sống như mình và có khi còn tồi tệ hơn mình nữa.

Một lần nữa, tôi muốn dùng lại cái câu mà nhiều người đã nói trong trường hợp này: “Phải tự cứu lấy mình”.
Bằng sự học, và ở ta lúc này, trước tiên là tự học, cố nhiên.

PHỤ LỤC

Dưới đây, xin dẫn lại một đoạn trong bài Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp nói ở trên. Đặt làm phụ lục với nghĩa chỉ dành cho bạn nào có thời giờ và muốn quan tâm đến nghề viết văn. Tôi thành thực cám ơn nếu đọc xong đoạn này bạn có thể tìm đọc cả bài.

Trong một bài báo viết trước khi mất, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: "Một thời gian có lẽ cũng khá dài, hoặc ngay cả bây giờ, trong xã hội ta có một thứ quan niệm: làm nhà văn chỉ cần viết câu cho gãy gọn, đúng văn phạm, khéo hơn một chút nữa là viết cho dí dỏm…". Ý ông muốn nói do quan niệm như thế, nên không bao giờ lớp nhà văn trẻ trưởng thành nổi.
Nếu được gọi sự vật bằng tên của nó, thì theo chúng tôi, quan niệm mà Nguyễn Minh Châu chỉ trích ở đây là quan niệm tước đi cốt cách trí thức ở nhà văn.
Viết văn chỉ là một hành động tự phát, thấy đời đẹp thì ngứa cổ hót chơi. Mà ở thời đại này lịch sử đã quá nhiều kỳ tích, trong nhân dân đã quá nhiều mẫu người đẹp, hào hùng, nên nhà văn không cần suy nghĩ gì thêm, cứ ghi chép về họ cũng đủ.
Một quan niệm như thế đẻ ra kiểu nhà văn có tính chất nghệ nhân, hoặc ca ngợi hoặc than vãn (khi thấy có một số mặt tiêu cực như hiện nay thì than vãn) mà không bao giờ hiểu bản chất đời sống.
Đó là loại nhà văn giống như xẩm chợ, thiên về nói leo, phát biểu một thứ phản xạ tức thời và nông nổi trước đời sống hơn là chiêm nghiệm suy nghĩ thành thế giới nghệ thuật độc đáo của riêng mình.
Xẩm thì cũng cần, chắc có người nói thế, được công nhận là xẩm tức cũng phải có năng khiếu, có lao động, và như thế là được rồi!
Nhưng ở thời đại nào cũng vậy, điều mà đất nước và nhân dân đòi hỏi là những nghệ sĩ hành nghề một cách tự giác.

Ở những nghệ sĩ này, bên cạnh năng khiếu còn cần nhiều phẩm chất khác: trình độ văn hoá (văn hoá theo nghĩa rộng, chứ không phải bằng cấp của người đi học), khả năng vừa đi vào đời sống vừa đơn độc suy nghĩ, thậm chí không ngại dấn thân vào những khu vực thoạt nhìn tưởng là trừu tượng siêu hình, nhưng nằm trong bản chất của sự sống, những điều hình như không dây dưa gì đến đời thường, nhưng một lúc nào đó, những người bình thường lại rất cần.
Tóm lại cần tạo ra những nhân cách lớn, mà phần vốn liếng tinh thần bao gồm cả quan sát thể nghiệm lẫn kiến thức do sách vở mang lại, từ đó có thói quen sống làm việc của một trí thức. Chỉ những người như thế mới có khả năng vừa nói một cách đầy đủ về đời sống, vừa nâng người đọc lên tầm tư duy mới.
Đó cũng là những người dám lên tiếng về các vấn đề lớn lao của nhân dân đất nước và khi cần, lấy uy tín danh dự của mình ra, bảo đảm cho điều mình nói. Cái cốt cách trí thức ấy cũng chính là tiền đề gốc, để tạo ra những giá trị có tính chất nhân bản sâu sắc.
Blog

0 nhận xét:

Đăng nhận xét