Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Các cường quốc mới nổi trỗi dậy như thế nào?


Nguồn: Andrew F.Hart & Bruce D.Jones (2010). “How Do Rising Powers Rise?”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 52, No.6, pp. 63-88.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thùy Anh & Phan Thị Phương Thảo
Có một vài khoảnh khắc trong chính trị quốc tế khi mà sự thay đổi quyền lực đặc biệt có tính then chốt. Điều này đã xảy ra một lần vào năm 1990 với sự sụp đổ đột ngột của Liên bang Xô Viết. Và một lần khác có thể chính là thời đại của chúng ta hiện nay, thời kì này được mở ra bằng sự “dàn sức quá mức” của Mỹ và “sự trỗi dậy của phần còn lại”, tất cả cộng lại đã làm thay đổi cân bằng ảnh hưởng trên toàn cầu. Một số nhà phân tích dự đoán về một “thế giới hậu Mỹ”[1] hay sử dụng thuật ngữ “vô cực”[2] để mô tả một thế giới mà khoảnh khắc đơn cực của Mỹ đã trôi qua và không có một trung tâm quyền lực nào tồn tại thế vào vị trí đó. Những nhà phân tích khác tập trung vào sự vươn mình của một số quốc gia hay khu vực nhất định, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.[3] Một số sự trỗi dậy mang tính cấu trúc, mà trớ trêu thay lại được củng cố bởi những cam kết của Mỹ đối với một trật tự tự do mà trong đó các quốc gia đang trỗi dậy được lợi rất nhiều. Không nghi ngờ gì khi một số sự trỗi dậy khác đã được phóng đại: thực tế là nền kinh tế Mỹ vẫn lớn hơn khoảng gấp ba lần của Trung Quốc, mặc cho người ta vẫn đề cập đến nhóm G2 gồm Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, bản chất vai trò của Mỹ trong trật tự toàn cầu dường như đã bị thay đổi.
Sự thích nghi của Mỹ đối với sự thay đổi này cho tới bây giờ là nhanh chóng và hòa bình. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến tổng thống Mỹ George Bush và sau đó là tổng thống Obama lôi kéo các lãnh đạo của nhóm G20 vào một giải pháp mang tính phối hợp. Nói ngắn gọn, nhóm G8 được thay bằng nhóm G20 với tư cách là một thể chế tài chính toàn cầu hàng đầu, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chấp nhận của phương Tây đối với vai trò của các cường quốc đang lên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng khiến thái độ của các cường quốc đang trỗi dậy trở nên cứng rắn hơn với sự lãnh đạo của Mỹ. Đàm phán Copenhagen về khí hậu cho thấy rằng các cường quốc đang trỗi dậy không đơn giản chỉ đồng ý với các thỏa thuận được Mỹ đưa ra. Động thái của Brazil-Thổ Nhĩ Kì nhằm ngăn cản Mỹ kêu gọi cấm vận đối với Iran đã thể hiện rõ hậu quả tiềm ẩn từ sự quyết đoán mới của những chủ thể này. Cửa sổ cơ hội đi kèm với khủng hoảng tài chính và chào đón nhiệm kỳ của ông Obama có thể đang khép lại. Bất chấp điều đó, hai sự kiện trên đủ để khẳng định mối quan hệ giữa chiến lược của Mỹ (hoặc ở một mức độ nào đó là Châu Âu) với các cường quốc đang trỗi dậy sẽ sớm định hình trật tự thế giới trong kỷ nguyên này.
Liệu sự trỗi dậy của các nước còn lại có làm xuất hiện một trật tự thế giới cân bằng mà nhiều cường quốc trỗi dậy đang tìm kiếm hay không? Có thể chắc chắn rằng, sự trỗi dậy này có thể mang lại một khối lượng tài sản, tài năng và năng lực lớn hơn để giải quyết những vấn đề toàn cầu và các mối đe dọa trong khu vực và xuyên quốc gia. Sự trỗi dậy này sẽ tạo ra một trật tự phức tạp nhưng tương đối hòa hợp mà theo đó các quốc gia hợp tác trong những lĩnh vực mà họ có thể và hạn chế những khác biệt trong các lĩnh vực mà họ không thể hợp tác. Hoặc liệu cạnh tranh về tài nguyên sẽ làm cản trở sự hợp tác tài chính và hợp tác chính trị tiềm năng không? Liệu những tính toán sai lầm, sự không chắc chắn và không tin tưởng sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới đầy hỗn loạn và xung đột? Các cường quốc mới nổi sẽ tạo điều kiện, đi theo hay phá hỏng nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì một trật tự toàn cầu ổn định? Và liệu nước Mỹ – và đặc biệt là Quốc hội Mỹ – có tiếp tục ủng hộ sự thay đổi trật tự này hay không? Những câu trả lời cho các câu hỏi này đòi hỏi một sự tìm hiểu sâu sắc hơn về bản chất sự ảnh hưởng của các cường quốc mới nổi trong các hệ thống toàn cầu và những tác động của cách mà họ phản ứng với một loạt những chức năng lãnh đạo của Mỹ. Thay vì xây dựng những cực thay thế và ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ, thì các chiến lược mặc cả và cân bằng phức tạp lại xuất hiện và chiếm ưu thế cho tới ngày nay. Trong khi điều này mang tính tích cực hơn là việc tồn tại các cực thay thế thì vẫn tồn tại nguy cơ xuất hiện tính toán sai lầm và những hậu quả nghiêm trọng ngoài mong muốn cho trật tự thế giới.
Chân dung một cường quốc đang trỗi dậy
Việc Trung Quốc và Ấn Độ giữ một vị trí quan trọng hơn trong các cuộc tranh luận về chính trị trên toàn cầu so với trước đây là một hiện tượng đáng chú ý; và tương tự, việc Brazil, Nga, các quốc gia vùng Vịnh và Nam Phi có một phần quyền lực nhất định trong phạm vi khu vực, và cũng có đôi lần có thể có ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu, cũng đáng đáng chú ý như Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng, ngoài lĩnh vực kinh tế, nền tảng của sức mạnh đó vẫn chưa được hiểu rõ.
Khái niệm các cường quốc đang trỗi dậy đã bao hàm một số điểm chung. Nhưng những điểm đó là gì? Hiện tại, chưa có một định nghĩa nào về một cường quốc đang nổi lên hay trỗi dậy được chấp nhận một cách phổ biến.[4] Điều này đã làm hỏng các nỗ lực đưa ra một quan điểm chung, đặt ra sự nghi ngờ đối với tính hữu ích của việc đối xử với các quốc gia này như là một khối.[5]
Nét tương đồng duy nhất rõ ràng là sự gia tăng sức mạnh về mặt kinh tế. Thuật ngữ “BRICS” được đưa ra tại báo cáo Goldman Sachs năm 2003, dùng để chỉ những nền kinh tế Brazil, Liên Bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.[6] Sự lớn mạnh của những quốc gia này trong nền kinh tế toàn cầu đã (và vẫn đang) được tin tưởng là sẽ có tiềm năng định hình lại kinh tế thế giới và bối cảnh chính trị của thế kỷ 21.[7] Từ khi được xác định lần đầu tiên, nhóm BRIC đã trải qua nhiều lần hoán đổi vị trí, đôi khi còn được nhắc đến là BRICS, với chữ “S” biểu thị cho Nam Phi (South Africa), hoặc được nhắc đến là BRICSAM để chỉ bao gồm cả Nam Phi và Mexico. Tương tự như vậy, diễn đàn IBSA (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) cũng đã nổi lên như một nhóm riêng lẻ đang ngày càng hướng đến giải quyết các mối quan tâm về an ninh. Gần đây nhất, cuộc đàm phán về khí hậu tại Copenhagen đã chứng kiến sự nổi lên của nhóm BASIC (Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc), nhóm tập hợp các quốc gia đang nổi lên, ngoại trừ Liên bang Nga.  Nhưng trong khi tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao là nhân tố thúc đẩy cho những quốc gia này trỗi dậy thì liệu bản thân nhân tố này có đủ mạnh để bảo đảm cho việc gộp những quốc gia này thành một khối? Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có là một hiện tượng khác biệt so với của Ấn Độ hay Brazil để đảm bảo rằng Trung Quốc phải được đối xử khác biệt?
Trong một bài báo trên tạp chí International Affairs vào năm 2006, Andrew Hurrell đưa ra bốn lý do bổ sung để nhìn nhận những quốc gia này dưới cùng một góc độ.[8] Đầu tiên, bên cạnh sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng, tất cả các nước này đều có một trình độ tương đối cao ít nhất là về tiềm năng quân sự và các nguồn lực sức mạnh chính trị, có sự gắn kết nội bộ ở một mức độ hợp lý và một vài khả năng đóng góp cho sự hình thành của một trật tự quốc tế mới. Thứ hai, mỗi nước đều khát khao muốn có một vai trò nhiều ảnh hưởng hơn trong các vấn đề toàn cầu. Brazil đã đóng vai trò ngày càng tăng trong khu vực của mình về những vấn đề xây dựng nhà nước, dễ thấy nhất là tại Haiti, và cũng đã có những bước đi nhất định để giải quyết các vấn đề xoay quanh an ninh lương thực và nhiên liệu sinh học. Ấn Độ từ lâu đã là nước đóng góp quân đội chủ yếu cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và mới đây đã đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ sự phục hồi và tái kiến thiết các quốc gia bất ổn và bị nội chiến tàn phá nằm ở biên giới phía bắc của Ấn Độ, đặc biệt là Nepal. Một Trung Quốc mạnh mẽ hơn cũng thường xuyên được nhìn nhận là có khả năng đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.[9] Dù những đóng góp của quốc gia này cho đến nay vẫn còn lẻ tẻ, nhưng Bắc Kinh đang tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và mặc dù không hoàn toàn mang tính xây dựng nhưng Trung Quốc cũng đã đóng vai trò dẫn dắt trong vấn đề biến đổi khí hậu. Sau khi thừa nhận sự thiếu hụt năng lực ban đầu, Trung Quốc cũng đã đưa ra những lập trường kịp thời và chủ động trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.[10]
Các cường quốc đang trỗi dậy cũng đã có tiếng nói lớn hơn và có sức thuyết phục hơn trong các vấn đề được đặt ra tại các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và những ảnh hưởng của họ cũng được nhìn thấy là đã gia tăng tại các tổ chức khu vực như các cấu trúc của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS). Trong một số trường hợp, họ có thể tạo ra một thể chế khu vực mới, như là Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) ở Mỹ Latinh, hoặc tái thiết kế và tiếp thêm sinh lực cho các tổ chức hiện có, ví dụ như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Các cường quốc đang trỗi dậy cũng tăng cường sử dụng ảnh hưởng của mình để thách thức tính chính đáng của trật tự sau Thế chiến II, thay vào đó kêu gọi những khái niệm đa nguyên hoặc đa cực. Lấy ví dụ, Trung Quốc từ lâu đã thuộc phe diều hâu trong vấn đề chủ quyền, thường phản đối quan điểm cho rằng can thiệp với mục đích nhân đạo là hợp pháp. Mô hình chủ nghĩa tư bản chuyên chế của Trung Quốc cũng ngày càng trở thành một ý thức hệ xuất khẩu, thách thức mô hình tự do của Mỹ. Ấn Độ, mặc dù liên kết với Washington trong nhiều lĩnh vực (gần đây nhất là trong vấn đề công nghệ hạt nhân), và đã làm sâu sắc mối quan hệ kinh tế song phương với Mỹ, nhưng cũng đã nhiều lần thể hiện thái độ đối lập. Ấn Độ thường chỉ trích hệ thống kinh tế (của Mỹ) mà nước này cho rằng lấn át các chương trình nghị sự về phát triển. Nước này nhìn chung cũng phản đối nghị trình can thiệp nhân đạo[11] và đã công khai kêu gọi quay trở lại với một trật tự chính trị hợp lý và công bằng hơn.[12] Nam Phi đã dùng sức mạnh của mình trong nội khối châu Phi để khuếch trương ngoại giao của mình trong các thể chế đa phương như Liên Hợp Quốc, đóng cả vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán tại Đại Hội đồng (như trong suốt quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Thế giới 2005) và cả vai trò cản trở (chủ yếu là trong Hội Đồng Bảo An của Liên Hợp Quốc). Brazil có thể khẳng định mình trước hết trong lĩnh vực thương mại và năng lượng, nhưng ngoại giao đa phương của nước này trong Liên Hợp Quốc và các dàn xếp an ninh lại tụt xa so với các cường quốc đang trỗi dậy khác.
Thứ ba, quan hệ giữa các cường quốc đang trỗi dậy này đang trở nên sâu sắc, cả song phương và trong các thể chế khu vực cũng như quốc tế. Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đang tăng trưởng sâu sắc hơn một cách đáng kể. Các cuộc tập trận quân sự giữa các cường quốc đang trỗi dậy cũng tăng lên. Mặc dù xích mích cũng đôi lúc xảy ra, các cường quốc đang trỗi dậy đã tìm cách làm giảm những điểm bất đồng để tránh sự xuất hiện của những cuộc khủng hoảng lớn.[13] Tại các thể chế khu vực, các diễn biến gần đây bao gồm sự hợp tác Nga – Trung trong SCO, sự xuất hiện của liên minh G20 trong WTO,[14] và hợp tác an ninh sâu sắc hơn – mặc dù vẫn có sự đề phòng – trong các cấu trúc ASEAN các diễn đàn khu vực khác. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng một sự thảo luận rộng rãi hơn giữa các cường quốc mới nổi về vai trò và trách nhiệm của họ trong hệ thống quốc tế.
Cuối cùng, có một sự khác biệt giữa đa số các cường quốc mới nổi với các “cường quốc hạng trung” phương Tây khác. Không giống như Canada, Nhật Bản hay các nước châu Âu, các cường quốc đang trỗi dậy không bao giờ hội nhập vào trật tự hậu 1945 một cách hoàn toàn. Việc đứng từ ngoài nhìn vào đã định hình rất nhiều các lợi ích chiến lược cũng như việc nhận thức các mục đích quốc gia của các cường quốc đang trỗi dậy này.[15]
Bất chấp những điểm chung này, vẫn tồn tại các lý do đáng kể để nghi ngờ rằng mỗi quốc gia này đều có thể xứng đáng với danh hiệu cường quốc đang trỗi dậy. Lấy Nga, nước dường như nằm ngoài rìa nhóm BRICS làm ví dụ. Mặc dù đôi khi được coi là cường quốc đang trỗi dậy (chủ yếu là nhờ nguồn năng lượng) nhưng khoảng thời gian kể từ khi Liên Xô sụp đổ đã là thời kì đi xuống đối với nước này.[16] Những chỉ số rõ ràng không cho thấy quỹ đạo đi lên của quyền lực và ảnh hưởng của Nga, mà theo hướng ngược lại. Hơn hai năm đã trôi qua kể từ khi Nga tấn công Gruzia. Nhiều nhà quan sát Nga xem cuộc tấn công này như một “sự hồi sinh trong phút chốc” của quyền lực Nga hơn là sự tái xuất hiện của một nước Nga cứng rắn có khả năng tái tạo một mạng lưới các nước vệ tinh Đông Âu. Dân số nước Nga đang giảm ở tỉ lệ 4% (nguyên văn- NBT) một năm, và xu hướng này vẫn đang tiếp tục, đến năm 2050 có khả năng dân số sẽ giảm xuống dưới 120 triệu dân so với quy mô hiện tại là 140 triệu dân.[17] Nền kinh tế của Nga, dù vẫn được dự báo là tăng trưởng từ trung hạn đến dài hạn nhưng đã bị giáng một đòn mạnh bởi sự suy sụp kinh tế toàn cầu gần đây. Khu vực tài chính của Nga đã bị thiệt hại bởi các phản ứng của giới kinh doanh quốc tế đối với chủ nghĩa phiêu lưu của nước này tại Gruzia. Nga vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu khí đốt, và tương lai cho việc đa dạng hóa dường như rất mong manh. Lịch sử kinh tế của Nga từ đầu những năm 1990 cũng không đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể đối phó thích đáng với những rủi ro của toàn cầu hóa. Hệ thống chính trị của Nga vẫn còn cứng nhắc và thường không đáp ứng được các nhu cầu xã hội. Trong khi năng lực quân sự thông thường của Nga vẫn tương đối mạnh, thì khả năng quân sự của họ sẽ yếu đi vì sự sụt giảm dân số. Cuối cùng, Nga đã thất bại trong việc dẹp yên chủ nghĩa cực đoan ở vùng ngoại vi của mình, và việc tái xuất hiện chủ nghĩa khủng bố thánh chiến gần đây đã bắt đầu xâm nhập vào vùng lãnh thổ cốt lõi của Nga.
Bảng 1: Chỉ số quân sự 2009
Quốc gia
Chi phí quân sự
   (tỷ Đô la Mỹ)
Phần trăm so với chi phí quân sự
thế giới
Chi phí quân sự tính theo phần trăm GDP
Mỹ
661
43
4,3
Trung Quốc
100*
6,6
2,0*
Pháp
63.9
4,2
2,3
Anh
58.3
3,8
2,5
Nga
53,3*
3,5*
3,5*
Nhật
51
3,3
0,9
Đức
45,6
3
1,3
Ả-rập
41,3
2,7
8,2
Ấn Độ
36,3
2,4
2,6
Ý
35,8
2,3
1,7
Brazil
26,1
1,7
1,5
Nguồn: SIPRI Yearbook 2010
* Ước lượng

Nền tảng của sức mạnh
Tuy nhiên, những gì thấy được từ ví dụ của nước Nga không có nghĩa rằng việc gom các nước này thành một nhóm các cường quốc đang trỗi dậy là sai hay là một quan niệm không có triển vọng, mà vấn đề là đã tồn tại đủ lý do để cần có sự nghiên cứu sâu hơn về quỹ đạo ảnh hưởng của những nước này. Khởi đầu là, làm thế nào để đo lường được tầm ảnh hưởng của một cường quốc đang trỗi dậy? Sức mạnh quốc gia, thông thường, được hiểu theo ba cấp độ: (1) sức mạnh vật chất; (2) khả năng của quốc gia, thông qua các quy trình quốc gia, nhằm huy động sức mạnh này từ xã hội trong nước và sử dụng chúng cho những mục đích chính trị nhất định; và (3) sự ảnh hưởng đến kết quả.[18] Khía cạnh thứ 3 là khía cạnh mơ hồ nhất khi nghiên cứu các cường quốc đang nổi lên vì nó còn tùy thuộc vào các nhân tố trong từng trường hợp cụ thể. Sự hữu dụng của sức mạnh còn phụ thuộc vào mục đích của nó, vào mục tiêu mà nó nhắm đến.[19]
Bảng 2: Chỉ số kinh tế 2009
Quốc gia
GDP, tỷ giá hiện tại (tỷ Đô la Mỹ)
GDP bình quân đầu người, tỷ giá
hiện tại
Phần trăm GDP của thế giới (PPP)
Liên minh châu ÂU
16.447,26
31.963,40
15,08
Mỹ
14.119,05
45.934,47
20,42
Nhật
5.068,89
39.740,27
5,96
Trung Quốc
4.984,73
3.734,61
12,56
Brazil
1.574,04
8.220,36
2,88
Ấn Độ
1.236,94
1.031,59
5,05
Nga
1.231,89
8.681,41
3,02
Mexico
874,81
8.133,87
2,1
Nam Phi
287,22
5.823,58
0,72
UAE
223,87
45.614,54
0,26
Nguồn: IMF World Economic Outlook Database

Hầu hết các chỉ số sức mạnh là tổng hợp của các chỉ số cơ bản về kinh tế, quân sự, địa lý và khoa học. Các chỉ số này cho thấy tồn tại điều gì đó giống với một hệ thống phân tầng có thể nhận biết được của sức mạnh quốc gia. Ví dụ, bảng số 1-3 chỉ ra rằng một nhóm nhỏ các quốc gia rõ ràng đang chiếm ưu thế so với phần còn lại về chi phí quân sự, sức mạnh kinh tế và các phương pháp khoa học và sức mạnh công nghệ. Điều này cho thấy để trở thành cường quốc đang trỗi dậy, một quốc gia phải có con đường phát triển rõ ràng trong các lĩnh vực này, nếu không có sự tăng trưởng mạnh về kinh tế và tiềm năng trong việc tạo ra lực lượng quân sự mạnh thì quốc gia đó sẽ không thể cạnh tranh về địa chính trị và quân sự với những quốc gia mạnh nhất trong hệ thống quốc tế.
Tuy nhiên, liệu đây có phải là một lăng kính hữu dụng mà thông qua đó ta có thể hiểu được sức mạnh hiện thời? Đầu tiên, ít nhất, hầu hết các chỉ số sức mạnh đều hàm ý rằng mục đích cuối cùng của sức mạnh quốc gia là để tự bảo vệ chính quốc gia đó trong chiến tranh. Trong khi đôi lúc khả năng tiến hành chiến tranh là tiêu chuẩn cuối cùng của sức mạnh quốc gia, thì các cường quốc đang trỗi dậy thường không biết lượng sức mình khi bị thúc đẩy bởi một môi trường an ninh đầy rẫy những thách thức an ninh xuyên quốc gia.
Thứ hai, những chỉ số này không chỉ đưa ra rất ít những hiểu biết về sức mạnh của quốc gia  trong việc tác động tới nhiều vấn đề khác nhau, mà còn dẫn đến những dự đoán sai lầm về việc quốc gia nào sẽ chi phối các cuộc đàm phán trong các vấn đề quan trọng. Mối liên hệ nhân quả giữa tiềm năng vật chất và sức mạnh tác động đến kết quả cụ thể từ lâu đã được công nhận là hiếm khi nào tiếp cận được gần đến tỉ lệ 1:1. Điều này được gọi là “nghịch lý của quyền lực chưa được hiện thực hóa”.[20] Việc không thể chuyển đổi những nguồn lực thành kết quả đôi khi được giải thích là do sử dụng sai sức mạnh hay bởi thiếu kĩ năng thương thuyết hay ý chí, nhưng một cách giải thích hợp lý hơn có lẽ là phải thừa nhận rằng nhiều khía cạnh của sức mạnh không thể chuyển hóa (thành quyền lực thực tế) trong tất cả hay thậm chí hầu hết các khuôn khổ chính sách. Nước Mỹ vẫn có sự dẫn đầu về GDP, năng lực quân sự và sự đổi mới một cách vượt trội. Tuy nhiên, quá chú trọng đến những nhân tố này sẽ dẫn đến sự kỳ vọng rằng các cường quốc lâu đời sẽ vẫn có thể áp chế được các cường quốc đang trỗi dậy khi thương lượng về hầu hết các lĩnh vực vấn đề. Nhưng đây là điều đáng ngờ trên thực nghiệm. Nghịch lý của quyền lực chưa được hiện thực hóa do đó bắt nguồn từ giả định rằng hầu hết các dạng sức mạnh sẽ có thể chuyển dịch được từ lĩnh vực vấn đề này sang lĩnh vực vấn đề khác, nhưng điều này thường không đúng trên thực tế.[21]
Bảng 3: Chỉ số khoa học và công nghệ 2007
Quốc gia
Xuất khẩu công nghệ cao (triệu đô la Mỹ)
Chi tiêu cho R&D (phần trăm trong GDP)
Số đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp
Liên minh châu Âu
440.799
2,01
135.789
Trung Quốc
336,998
1,42
245.107
Mỹ
228,665
2,61
456.154
Nhật Bản
121,425
3,4
396.987
Singapore
105,549
2,61
9.455
Brazil
9,295
0,82
24.074
Ấn Độ
4,944
0,69
24.505
Nga
4,144
1,08
30.435
Nam Phi
1,859
0,92
5.781
UAE
23
Không có số liệu
Không có số liệu
Nguồn: World Bank World Development Indicator Database

Hiện tại, bất chấp những khoảng cách hiện có – mặc dù có vẻ như đang thu hẹp – về sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và sự đổi mới, các cường quốc đang trỗi dậy vẫn có thể sử dụng ảnh hưởng một cách đầy đủ. Thực tế này khá gây bối rối. Số liệu sức mạnh cơ bản cho thấy rằng còn quá sớm để tuyên bố thế giới đa cực là một hiện thực. Nhưng nếu một thế giới đa cực vẫn còn quá xa thì làm thế nào mà các cường quốc đang trỗi dậy lại có thể gây khó dễ cho các cường quốc lâu đời vượt trên những gì mà các số liệu dự đoán? Làm thế nào các cường quốc đang trỗi dậy có thể ảnh hưởng đến kết quả trong các vấn đề mà các cường quốc lâu đời có lợi ích to lớn, chưa tính đến các lợi ích sống còn?
Bảng 4: Lượng khí thải CO2 năm 2006
Quốc gia
Lượng CO2
(ngàn tấn)
Lượng CO2 trên đầu người
(tấn)
Trung Quốc
6.538.367
4,62
Mỹ
5.838.381
19,7
Liên minh châu Âu
3.509.201
8,9
Ấn Độ
1.162.362
1,31
Nga
1.537.357
11
Nhật Bản
1.254.543
10
Canada
557.340
17,2
Nam Phi
433.527
8,59
Brazil
368.317
1,86
UAE
135.540
32,85
Nguồn: United Nations Statistics Division

Các cường quốc đang trỗi dậy đầu tiên và quan trọng nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và tất nhiên chúng ta hiểu khá rõ khả năng của họ trong việc gây ảnh hưởng đến kinh tế và tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, điều này lại không đúng khi áp dụng sự ảnh hưởng của các nước này trong lĩnh vực truyền thống hơn như chính sách đối ngoại. Dù sức mạnh kinh tế có thể chuyển đổi sang sức mạnh chính trị và được liên kết mạnh mẽ với sức mạnh quân sự trong dài hạn nhưng các sức mạnh này lại không phải là một. Sự thiếu vắng sức mạnh thông thường (hay truyền thống – conventional power) của các cường quốc đang trỗi dậy có thể sẽ khiến các nước này trở nên ít quan trọng hơn trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Nhưng điều này thường bị nhầm lẫn với với ba điều sau: trọng lượng về kinh tế, chính trị và quân sự trong khu vực của các cường quốc đang trỗi dậy thường cho phép họ cản trở các cường quốc (lâu đời) trong các vấn đề địa chính trị lớn; các cường quốc đang trỗi dậy đã có ảnh hưởng đa phương đáng kể; và bản chất mục tiêu của chính sách đối ngoại Mỹ hiện tại đang tạo lợi thế so sánh về chính trị cho các cường quốc đang trỗi dậy.
Sự ảnh hưởng mang tính thứ bậc của các cường quốc đang trỗi dậy thể hiện mạnh nhất trong các vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế là Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước thải ra khí carbon nhiều nhất trên thế giới, và lượng khí carbon thải ra của Mỹ và Trung Quốc lớn gấp đôi của bất kì một nước riêng lẻ nào và cao hơn EU khoảng 60% (xem bảng 4), điều đó có nghĩa là thành công của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Copenhagen trong tháng 12 vừa qua cuối cùng phụ thuộc vào thiện chí của những nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc trong việc kí kết một thỏa thuận. Nếu không có sự tán thành của hai quốc gia này, không một hiệp định về khí hậu nào có thể tạo ra được một phạm vi tác động cần thiết để có được một kết quả vững chắc. Điều này trực tiếp chỉ ra khả năng của Trung Quốc trong việc có thể phá hỏng hoặc ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây trong vấn đề này. Vì ưu tiên của Trung Quốc từ lâu đóng khung trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, Mỹ đã không thể nào thuyết phục, ép buộc hay mua chuộc được Trung Quốc tham gia vào một thỏa thuận mang tính ràng buộc.
Bảng 5: Chỉ số tài chính
Quốc gia
Cán cân thương mại
(tỉ đô la)*
Cân bằng tài khoản vãng lai (phần trăm GDP)*
Cân bằng ngân sách (phần trăm trong GDP)*
Dòng vốn FDI chảy vào
(triệu đô la)**
Nguồn dự trữ ngoại hối (triệu đô la)**
Mỹ
−518,4
−3
−10
45.058
666.000
Liên minh châu Âu
25,3
−0,7
−6,9
Không có dữ liệu
569.613
Nga
104,1
3,8
−7,2
70.320
417.459
Nhật Bản
34,4
2,7
−7,4
24.426
1.900.400
Trung Quốc
196,1
6,3
−3,8
108.312
2.499.560
Brazil
24,6
−1
45,058
239.587
239.587
Ấn Độ
−74,5
−0,7
−8
41.554
274.455
Nam Phi
−2,5
−5,3
−6
9.009
31.491
UAE
66,6
1,4
13,6
5.000
31.695
Nguồn: Economist Intelligence Unit
* Dữ liệu từ cuối năm 2009
** Dữ liệu từ cuối năm 2008

Một lĩnh vực khác mà trong đó các cường quốc đang trỗi dậy có sự ảnh hưởng ngày một lớn đó là lĩnh vực tài chính, được xác định rõ nhất với sự gia tăng của các quỹ đầu tư quốc gia ở Đông Á và các quốc gia vùng Vịnh, cũng như sự tích lũy đô la Mỹ của Trung Quốc (xem bảng 5 và 6). Nhưng những nước chủ nợ châu Á có ít ảnh hưởng chính trị đối với các nước đi vay. Khi xét đến tác động mang tính răn đe và ép buộc, sức mạnh tài chính thường hướng đến việc răn đe hơn là ép buộc.[22] Sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc có những thành công hạn chế trong việc thúc đẩy Mỹ bảo vệ giá trị của các tài sản định danh bằng đồng Đô la và bảo đảm (cho Trung Quốc) được tiếp cận với các thị trường của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục cho phép hạ giá đồng Nhân dân tệ, bất chấp những lời kêu gọi gay gắt của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã có thể ngăn chặn được bất cứ sự thảo luận có ý nghĩa nào trong khuôn khổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế về việc liệu giá trị đồng tiền Trung Quốc về cơ bản có đang bị định giá thấp hay không.[23] Mặc dù kể từ đó Trung Quốc đã có những bước tiến hành nhằm cho phép đồng Nhân dận tệ tăng giá nhưng vẫn chưa rõ ràng liệu quyết định này có được thúc đẩy trước hết bởi sự thất vọng chung của các lãnh đạo G20 hay bởi các cân nhắc trong nội bộ Trung Quốc. Dù ví dụ này chỉ ra khả năng đóng vai trò cản trở trong vấn đề tài chính của Trung Quốc nhưng nó cũng làm nổi bật tính dễ bị tổn thương chung mà cho đến giờ đã ngăn Bắc Kinh không đe dọa thực hiện một “lựa chọn hủy diệt” là bán tháo đồng Đô la dự trữ của mình trong một nỗ lực để ép buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Tuy nhiên, khi gây ảnh hưởng lên các quốc gia yếu hơn, sức mạnh tài chính của Trung Quốc đã thu được lợi ích nhiều hơn chỉ là đơn thuần bảo đảm sự tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do vốn và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc xuất hiện trong nhiều lĩnh vực ở các nước đang phát triển, có thể thấy ở khắp châu Phi, vành đai Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, các nước ở những khu vực này có xu hướng đứng về phía Trung Quốc trong hàng loạt các vấn đề chính trị khi bị ép buộc phải làm như vậy. Ví dụ, trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị thượng đinh 2005, Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng tài chính của mình để buộc nhiều quốc gia châu Phi đứng về phía mình chống lại nỗ lực của Ấn Độ nhằm có một ghế trong Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc.
Trong các vấn đề kinh tế rộng hơn, sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai đã làm mờ nhạt thực tế là khoảng cách giữa nước đứng đầu và đứng thứ hai vẫn còn rất rộng. Tuy nhiên, việc những cường quốc đang trỗi dậy hoạt động như một khối, với tổng GDP chiếm 16% GDP toàn cầu, đã mang lại cho các nước này vị trí thứ ba, sau EU và Mỹ. Nhưng điều này vẫn còn đánh giá thấp ảnh hưởng của các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ, và ở mức thấp hơn là Brazil, trong việc có thể gây ảnh hưởng đáng kể với nhiều quốc gia nhỏ hơn thuộc dạng đang phát triển thông qua G77, G20 trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những nhóm tương tự khác. Về mặt thể chế, điều này bổ sung ảnh hưởng bầu cử đối với lập trường của họ. Phần đóng góp của nhóm BRIC vào kinh tế toàn cầu do đó không đủ lớn để tạo thành một nhóm thiểu số có khả năng ngăn chặn, nhưng vẫn đáng kể và không thể bị lờ đi mà không phải trả giá.
….



[1] Fareed Zakaria, The Post-AmericanWorld (New York: Norton, 2008).
[2] Richard Haass, ‘The Age of Nonpolarity: What Will Follow U.S. Dominance?’, Foreign Affairs, vol. 87, no. 3,  Tháng 5-6/2008, tr. 44–56.
[3] Kishore Mahbubani, The New Asian Hemisphere: The Irresistible Shift of Global Power to the East (New York: PublicAffairs, 2008).
[4] Tất nhiên, điều này bị phức tạp hóa bởi thực tế là không có định nghĩa nào về “cường quốc” được chấp nhận chung. Như Martin Wight đã lưu ý “sẽ dễ dàng nếu trả lời những câu hỏi lịch sử… hơn là đưa ra một định nghĩa, vì thường có những đồng ý chung về các cường quốc hiện hành”. Xem Martin Wight, Power Politics (Harmondsworth: Penguin, 1944), tr. 41. Hầu hết các học giả quan hệ quốc tế dựa vào định nghĩa cho rằng cường quốc “là quốc gia sở hữu sức mạnh quân sự đủ để tiến hành một cuộc chiến thực sự vượt xa chiến tranh thông thường chống lại quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới”. Xem John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics (New York: Norton, 2001), tr.5.
[5] The BRICS: The Trillion-Dollar Club’, Economist, 15/04/2010,
http://www.economist.com/node/15912964?story_id=15912964
[6] Dominic Wilson and Roopa Purushothaman, ‘Dreaming With BRICs: The Path to 2050’, Goldman Sachs Global Economics Paper No. 99, Tháng 10/2003.
[7] Nga khá là khác biệt trong lĩnh vực này. Ở mức độ lớn hơn rất nhiều so với những nước trong nhóm BRICS, sức mạnh kinh tế của Nga được thúc đẩy bởi trữ lượng năng lượng khổng lồ. Số liệu gần đây cho thấy gần 30% GDP của Nga phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng. Giả sử rằng Nga không thể đạt được tiến triển trong việc đa dạng hóa nền kinh tế, khả năng của Nga trong việc triển khai sức mạnh trong tương lai sẽ phụ thuộc nặng nề vào lợi nhuận có được từ xuất khẩu năng lượng. Xem International Energy Agency, World Energy Outlook 2009 (Paris: OECD/IEA, 2009
[8] Andrew Hurrell, ‘Hegemony, Liberalism and Global Order: What Space for Would-be Great Powers?’, International Affairs, vol. 82, no. 1, Winter 2006, tr. 1–19.
[9] Zhang Yunling and Tang Shiping, ‘A More Self-Confident China Will Be a Responsible Power’, Straits Times, 2/10/2002.
[10] Melo Caballero-Anthony, ‘Nontraditional Security and Multilateralism in Asia’, in Michael J. Green and Bates Gill (eds), Asia’s New Multilateralism: Cooperation, Competition, and the Search for Community (New York: Columbia University Press, 2009), tr. 306–28.
[11] C. Raja Mohan, Crossing the Rubicon: The Shaping of India’s New Foreign Policy (New York: Palgrave Macmillan, 2003), tr. 64.
[12] Steve Cohen, India: Emerging Power (Washington DC: Brookings Institution Press, 2001), tr. 55–7.
[13] Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ không hề để những tranh chấp lãnh thổ lâu đời leo thang thành đụng độ cấp độ thấp trong nững năm gần đây.
[14] Mọi người nên tránh nhầm lẫn giữa G20 và “G20 WTO”. “G20” được thành lập vào năm 1999 như một diễn dàn các bộ trưởng tài chính của những quốc gia tiên tiến và đang phát triển; mục tiêu là ổn định thị trường tài chính toàn cầu sau khủng hoảng châu Á 1997. Vào thời điểm Thượng đỉnh Pittsburgh năm 2009, G20 thực tế đã thay thế cho G7, với tư cách là một thể chế hàng đầu mà thông qua đó những nhà lãnh đạo quốc gia có thể nhóm họp giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế toàn cầu đang gây nhức nhối. Ngược lại, “G20 WTO” tồn tại như một liên minh các quốc gia đang phát triển trong G20, nổi lên trước cuộc họp bộ trưởng năm 2003 ở Cancun để phản ứng (trong hầu hết các trường hợp là cản trở) với hàng loạt đề xuất của phương Tây.
[15] Hurrell, ‘Hegemony, Liberalism and Global Order’
[16] Neil McFarlane, ‘The “R” in “BRICs”’, International Affairs, vol. 82, no. 1, Winter 2006, tr. 41–57.
[17] United Nations, Department of Economic and Social Affairs, Population Division, World Population Prospects: The 2008 Revision (New York: United Nations, 2009).
[18] Tellis et al., Measuring National Power in the Postindustrial Age.
[19] Như trên.
[20] David Baldwin, ‘Power Analysis and World Politics: New Trends Versus Old Tendencies’, World Politics, vol. 31, no. 2, tháng 1/1979, tr. 161–94.
[21] Như trên
[22] Daniel Drezner, ‘Bad Debts: Assessing China’s Financial Influence in Great Power Politics’, International Security, vol. 34, no. 2, Fall 2009, pp. 7–45.
[23] Như trên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét