Bước sang thế kỷ XX, Việt Nam vẫn còn ở trình độ thấp của nền văn minh nông nghiệp; trong khi trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 đã kết thúc, châu Âu đã từ lâu bước vào nền văn minh công nghiệp hiện đại. Không những thế, giáo dục nước ta vẫn bị Nho Học kìm hãm, đến lúc này đã trở nên quá lỗi thời. Đây chính là các nguyên nhân khiến cả loạt nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Á bị thực dân đô hộ, nhưng sách Lịch Sử sau 1945 cứ khăng khăng quy lỗi cho triều Nguyễn. Khi cuộc khởi nghĩa cần vương cuối cùng (của quan đề đốc Hoàng Hoa Thám) đi vào thoái trào, thực dân Pháp có thể yên tâm đặt những kế hoạch dài hơi khai thác Đông Dương.
Chính người Pháp cũng muốn xoá bỏ nền học cũ để gột tẩy ảnh hưởng đạo Khổng từ phương bắc, đặng thay thế nó bằng văn hoá Pháp, đem từ phương tây sang. Tuy nhiên, thực tế việc này không dễ, tuy rằng – đủ sớm – từ 1904 chính phủ Bảo Hộ đã có Nghị định số 1331 về “tổ chức lại nền giáo dục công ở Bắc Kỳ”; hai năm sau lại thêm Nghị Định mới, trong đó có việc “cách tân lối thi cử cũ“… Có sự giằng co giữa “cựu học” và “tân học” mà các bài thơ của ông tú tài (ta) Trần Tế Xương đã phản ánh khá đầy đủ và sinh động.
Trong khi chờ đợi hai Nghị Định trên thật sự có hiệu lực trong cuộc sống, Nam Triều vẫn kịp tổ chức thêm 4 kỳ thi Hương nữa. Kỳ cuối (1915) là “thi vét”, do vậy chỉ riêng tại trường thi Nam Định đã có tới mười ngàn thí sinh giành giật nhau 60 học vị cử nhân và 200 học vị tú tài. Nhưng cũng nhờ hai Nghị Định trên, ngoài Hán văn (quan trọng nhất), thí sinh còn phải làm thêm các đề thi bằng chữ Pháp và Quốc Ngữ – nghĩa là họ phải mang theo cả bút lông và bút sắt, kèm theo hai loại giấy phù hợp. Chữ Pháp lúc này chưa chiếm vị trí quan trọng, thí sinh chỉ phải làm một bài dịch từ Pháp văn sang Hán văn. Nhưng chữ Quốc Ngữ thì phải “đọc thông, viết thạo”, nghĩa là phải dùng thứ chữ này viết nghị luận và trả lời các câu hỏi về Khoa học (hồi đó gọi là môn Cách Trí), Địa, Sử, Toán… Một vị đậu cử nhân khoa thi này có trình độ chữ Hán và Nho Học đủ cao, xứng đáng với học vị; còn trình độ “tân học” thì các cử nhân thời đó chỉ ngang học sinh cấp II thời nay – nhưng lúc ấy vẫn là cao nhất nước.
Sau đó 4 năm, kỳ thi Hội (1919) cũng là “thi vét”, do vậy vua Khải Đinh cho phép ai tự thấy đủ sức dự thi, cứ ghi danh – dù chưa có bằng cử nhân. Các quan đầu tỉnh còn được phép giới thiệu 3 “tú sĩ” dự thi nếu nhận thấy họ thực tài, tinh thông cả chữ Hán, chữ Pháp. Số thí sinh lần này đông chưa từng có. Bài chấm xong, bộ Học trình vua danh sách, có tới 18 vị “trúng cách”, kèm tên 3 người nữa, để xin vua “tùy xét” (cộng là 21). Vượt cả mong đợi, đức vua đã rộng lượng gia ân thêm 2 người nữa, như vậy cả thảy tới 23 vị được vào thi Đình, do đích thân vua ra đầu bài. Thi Đình chỉ là thủ tục, do vậy trên bảng vàng vẫn yết đủ tên 23 vị đại khoa: 7 tiến sĩ, 16 phó bảng.
Chú thích. Vào lúc giao thời giữa hai nền học – tân và cựu – giới sĩ phu rất quan tâm tới khái niệm Văn Minh – gắn với tân học – và thường bàn thảo rôm rả về nó. Đây là đề tài rất thời sự trước một trào lưu đang ảnh hưởng rất lớn tới nước ta. Do vậy, đề thi tiến sĩ năm 1919, vua cũng hỏi về Văn Minh. Thí sinh phải định nghĩa Văn Minh, rồi sau đó nói nó liên quan và ảnh hưởng thế nào tới hòa bình– chiến tranh; tới hưng thịnh– suy thoái, và tới chia rẽ – đoàn kết… Quả thật, nếu không định nghĩa nổi “văn minh” sẽ khó tránh bàn linh tinh về nó. Chẳng hiểu 23 vị dự thi Đình viết lách những gì, nhưng vua đều chấm “đậu”.Từ đây (1919) nền cựu học chính thức chấm dứt “trên văn bản”, nhưng đến năm 1940 ở nhiều làng xã vẫn có các “ông đồ” dạy chữ Hán cho dăm bảy người. Nguyên nhân: Nền tân học chưa phủ kín cả nước (mỗi huyện chỉ có một-vài trường tiểu học), chưa đủ đáp ứng nhu cầu học hành, nhất là cho người lớn tuổi. Đi học, chỉ là kiếm ít chữ “thánh hiền”, nhằm tu thân, sửa đức. Chữ quốc ngữ chưa phổ biến, do vậy, giấy khai sinh, giấy hôn thú, tiền bạc và nhiều giấy tờ khác… vẫn phải in bằng 3 thứ tiếng: Quốc ngữ, Hán, Pháp, nhưng cả thảy chỉ có 2-5% số dân đọc được một thứ chữ nói trên. Để nói tân học thay thế cựu học như thế nào, ngày nay chúng ta có thể dùng từ “chật vật”.
Chú thích. – Làng Xuân Lũng từ thời Lê đã nổi tiếng là “làng học” ở đất trung du, vậy mà năm 1920 khi người Pháp mở trường tiểu học, cả làng chỉ có 20 học sinh thuộc những gia đình khá giả có khả năng tới lớp. Dù vậy, Nhà Nước vẫn phải chính thức bổ nhiệm một thầy giáo. Lương của thầy lớp Đồng Ấu (cours enfantin – tương đương lớp vỡ lòng hiện nay) là 7 đồng (mỗi đồng là 10 hào, mỗi hào là 10 xu, mỗi xu mua được 2 quả trứng gà). Bậc tiểu học phải kéo dài 7 năm.Cứ ra Nghị Định mở trường Y, dù nền “tân học” còn quá sơ khai
– Nền Nho Học suốt ngàn năm đào tạo được 3000 tiến sĩ (mỗi năm được 3 vị), trong khi trường Y Đông Dương trong 10 năm (1935-1944) đào tạo được 146 tiến sĩ. Và thời trước 1945, cách dạy đạo đức cho thầy thuốc tương lai cũng rất khác với thời sau 1945. Rất cần có thái độ “phân vân” khi thấy sách Lịch Sử nói rằng chủ trương nhất quán của “bọn” thực dân là… ngu dân.
Thời đầu thế kỷ XX người ta phải phân biệt “tân học” với “cựu học” (tức Nho Học), vì chúng đang cùng tồn tại và đang thay thế nhau. Điều dễ hiểu là muốn mở một trường chuyên nghiệp (dù là sơ cấp, trung cấp) ắt phải có nguồn tuyển sinh “tân học”. Ở Bắc Kỳ, tới năm 1908 mới có trường trung học (cấp II), bốn năm sau mới có người tốt nghiệp và sáu năm sau (1914) cả nước mới có ba trường cấp 3. Vậy mà ngay từ năm 1902, quan Toàn Quyền cứ cho mở trường chuyên nghiệp Y Khoa. Đã thế, lại còn hàm ý rằng đây là trưởng của toàn cõi Đông Dương, tuyển sinh vẻn vẹn được 29 người (!), trình độ… tiểu học – trong đó Lào có một, Miên không có ai. Hãy so với đại học thời nay – dẫu tuyển sinh hàng ngàn – cũng chỉ được dùng tên một tỉnh để đặt tên trường (ví dụ, đại học quốc gia Hà Nội). Té ra, cách làm “gàn dở” nói trên xuất phát từ suy nghĩ của một chính khách, chứ không phải của một viên chức cao cấp. Đây cũng là việc lớn cuối cùng của quan toàn quyền Đông Dương – Paul Doumer – trước khi ông hết nhiệm kỳ (1896-1902), để về Pháp làm bộ trưởng Bộ Thuộc Địa – và sau ít năm trở thành chủ tịch quốc hội, rồi tổng thống Pháp.
Bảy năm trước (1885) Paul Doumer – khi còn là nghị sĩ – đã thuyết trình về những Dự Luật cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhờ sự am hiểu và nhãn quan xa rộng, nên năm 1896 ông được cử sang Đông Dương làm quan Toàn Quyền để được “toàn quyền” thực thi các đề án liên quan với ý đồ của mình. Ngay năm sau, ông thu xếp công việc để dự lễ “xướng danh” kỳ thi Hương ở Nam Định, qua đó ông thấy rõ tinh thần hiếu học của dân Việt, nhưng cũng nhận ra Nho giáo đã thấm quá sâu vào tâm thức Việt, nhất là ở Bắc Kỳ, không dễ gột tẩy sớm những di hại của nó.
Chú thích. Cần nói rằng Nho Giáo gồm hai phần chính. Phần lý thuyết giúp chế độ phong kiến biến đổi theo chiều hướng tiến bộ (tập quyền), và củng cố nó thêm vững chắc; do vậy được chế độ đưa lên địa vị độc tôn và phát huy tác dụng tới mấy ngàn năm. Ở nước ta, các kỳ thi Nho Học được tổ chức quy củ đã trải trên ngàn năm, nay trở thành lạc hậu với những khái niệm “trung quân” và thực hiện đúng chữ “lễ” (nghĩa gốc của LỄ là sự kính sợ thần linh và kẻ dưới tuyệt đối tuân phục người trên). Còn phần đạo đức, ngược lại, có giá trị lâu dài và sau khi được chọn lọc, bổ sung, vẫn có thể sử dụng trong xã hội mới.Chính phần lý thuyết nho giáo đã thấm quá sâu trong giới sĩ phu Bắc Kỳ là một lý do khiến quan Toàn Quyền đặt trường Y ở Hà Nội; mặc dù đặt ở Nam Kỳ sẽ thuận lợi hơn; vì Nam Kỳ đã bỏ hẳn chữ Hán, chỉ còn dùng Quốc Ngữ và chữ Pháp.
Hãy xem sự liên quan giữa “trung” và “lễ”. Tội lớn nhất của bề tôi là “bất trung” (với vua) – dù đó là ông vua đốn mạt, sa đọa, dâm loạn, bất tài. Chỉ có một mức án: Đó là tử hình, thậm chí tru di ba họ. Nếu giữ đúng “lễ”, chỉ cần vua “nhắn” tin bề tôi đáng chết, nếu không chịu chết… là “bất trung”. Câu chữ Hán: Quân xử thần tử, thần bất tử – bất trung. Mà “bất trung” là… chết (!). Thời nay đang sử dụng phổ biến một danh ngôn của Nho Giáo: Tiên học LỄ, hậu học VĂN. Đó là vì chưa hiểu nghĩa gốc của chữ LỄ (cứ tưởng học “lễ” chẳng qua là trau dồi hạnh kiểm). Hơn nữa, “bói” đâu ra thầy dạy LỄ để mà học?
Thế là một trường – có tên “trường Y Khoa Đông Dương” ra đời. Nhà bác học Yersin, khi đó đã nổi danh thế giới, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng (1902) để dạy đám học trò vừa mới đậu tiểu học, hoặc “trên tiểu học”. Trình độ có vậy, nhưng về tuổi, tất cả đã lớn “lộc ngộc”, ít nhất cũng 15 tuổi. Lý do: Họ đã tốn khá nhiều năm học chữ Hán, trước khi chuyển sang “tân học”. Phải đến 1921 mới có các vị tú tài tân học đầu tiên vào trường này. Do vậy, điều không lạ nếu nói trường Y bị “đẻ non” – vì chưa có nguồn tuyển sinh. Nhưng điều lạ là nó vẫn sống – nhờ sự chăm bẵm của hiệu trưởng – tiến sĩ y khoa Yersin. Trong khi đó, những trường khác hoành tráng hơn (ví dụ, trường Khoa Học) tới 1906 mới có Nghị Định thành lập, lại chết yểu sau 1 năm quặt quẹo; hàng chục năm sau chưa hồi sinh. Điều lạ khác: Trường Y tuyển sinh như vậy mà y sĩ ra trường vẫn đảm bảo chất lượng, nói và viết thông thạo tiếng Pháp, đủ trình độ chuyên môn và thẩm quyền làm việc trong toàn cõi Đông Dương, lại còn được đích thân quan Toàn Quyền ký quyết định bổ nhiệm.
Chú thích. Nếu không phải Yersin, hẳn không ai dám nhận đào tạo những học sinh như thế, kể cả phải thuê người phiên dịch cho họ (thầy Lê Văn Chinh). Thời điểm 1902, mà 29 học sinh được tới 6 thầy có bằng tiến sĩ dạy cho; trách gì chất lượng chẳng như ý?. Tỷ lệ thầy/trò này đến nay chưa trường đại học nào có nổi. Bệnh viện thực hành chỉ trong 4 tháng khai trương đã khám và chữa cho gần 700 bệnh nhân; trách gì năng lực thực tiễn của học sinh không cao? Tưởng chỉ 4-5 năm đèn sách như dự kiến, nhưng thực tế 6-7 năm mới xong khoá 1. Chất lượng cao là phải!.Nói gì thì nói, sự ra đời và tồn tại của trường Y Đông Dương khiến nó xứng đáng là đại diện đầu tiên cho bậc cao đẳng – đại học của nền tân học nước nhà. Bất kể thế nào, sứ mệnh đương nhiên của nó là kế tục Quốc Tử Giám tiếp tục sự nghiệp đào tạo tiến sĩ.
Lịch sử thừa nhận Paul Doumer để lại nhiều dấu ấn: Kinh tế, Giao thông, Thương mại, Văn hoá, Khoa học, Giáo dục… Ví dụ, riêng ở Bắc Kỳ, ông đã hoàn thành nhiều đề án: Quy Hoạch Hà Nội, đặt 1625 km đường sắt, bắc cầu 1680m qua sông Hồng, tổ chức ngân sách Ðông Dương, khai mạc Hội chợ Kinh Tế, lần đầu xuất khẩu ngô, lập cảng, lập Ðoàn Khảo Cổ (sau đổi thành Trường Viễn Ðông Bác Cổ), lập nha Khí Tượng, nha Địa Chất, xây Nhà Hát Lớn, mở trường Y… Thoạt đầu, mọi người cứ tưởng ông này chỉ là một viên chức cao cấp, giàu năng lực, mà ít ai nghĩ ông sẽ trở thành chính khách lớn của nước Pháp.Vị thế trường Y Đông Dương và quá trình nâng cấp
Trường này một lần bị hạ cấp (chỉ trong 4 năm), vì lý do chính trị, nhưng sau đó nhiều lần được nâng cấp vì sự phát triển – cứ mỗi khi bậc trung học đủ khả năng cung cấp cho nó nguồn tuyển sinh chất lưọng cao hơn trước. Cho đến khi tự nó đào tạo được tiến sĩ, mà giá trị tấm bằng được đại học Pháp công nhận. Vị thế của trường, ngày nay ít người hình dung nổi. Ví dụ, các lần hạ cấp hay nâng cấp đều phải do tổng thống Pháp chính thức quyết định – qua việc ban hành các sắc lệnh.
1) Sắc lệnh (18 tháng Ba 1909) của tổng thống Armand Fallières hạ cấp trường này, đặt nó dưới quyền Thống sứ Bắc Kỳ.Tiến sĩ “tân học”
2) Sắc lệnh (28 tháng Sáu 1913) của tổng thống Raymond Poincaré, bãi bỏ sắc lệnh trên. Từ nay, trường lại trực thuộc quan Toàn Quyền. Một qui định của sắc lệnh mới: Bằng tốt nghiệp phải có chữ ký của quan Toàn Quyền (bên cạnh chữ ký của hiệu trưởng) và do chính ông quan này ký giấy bổ nhiệm cho từng người tốt nghiệp.
3) Sắc lệnh (18 tháng Năm 1921) tổng thyống Alexandre Millerand quy định tuyển tú tài, học 7 năm; trong đó có hai năm cuối sang Paris làm luận án tiến sĩ. Sản phẩm đầu tiên là 2 vị tiến sĩ Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thuỵ Ba (1927).
4) Sắc lệnh (30 tháng Tám 1923), tổng thống Alexandre Millerand cho phép đổi tên là Trường Y Dược toàn cấp, giống như trường của chính quốc. Trường có thêm khoa Dược, có riêng bệnh viện thực hành và chính thức tuyển tú tài để đào tạo tiến sĩ.
5) Sắc lệnh (15 tháng Mười 1941) của quốc trưởng Philippe Pétain nâng cấp thành trường Đại học hỗn hợp Y Dược khoa. Hội đồng chấm luận án tiến sĩ phải do giáo sư thực thụ của đại học Y Paris làm chủ tịch. Do vậy, bằng cấp của trường được xếp tương đương với bằng cấp của các trường bên chính quốc (Pháp).
Khi nền cựu học bị bãi bỏ, các cụ ta cần dịch sang tiếng Viêt những bằng cấp của Tây. Bất cần biết nội dung tân học thế nào, các cụ ta chỉ việc so sánh số năm phải học để gán cái tên của các bằng cấp “ta” sang bằng cấp “tây”. Thật là tiện. Cứ phải nhận, cấm cãi. Bậc trung học cần 12 năm? Thế thì, đó là thời gian trung bình để một nho sinh có bằng tú tài. Bằng trung học buộc phải nhận cái tên “tú tài”. Các bằng khác vẫn là cử nhân, tiến sĩ, nhưng thêm cái đuôi “tân học”, hoặc “tây học” để phân biệt. Năm 1945, mọi người vẫn nói: cụ A là tú tài “ta”, còn ông B là tú tài “tây”.
Thực ra, hai thứ bằng cấp này khác nhau một trời một vực, trước hết là về nội dung đào tạo và nhiệm vụ khi ra trường. Một ví dụ về học vị tiến sĩ (thời nay càng cần phân biệt): Một bên, tiến sĩ (ta) là sự kết thúc con đường học vấn: từ nay, được phong chức và lưu danh ở bia đá (công thành danh toại). Bên kia, tiến sĩ (tây) mới chỉ là sự khởi đầu con đường nghiên cứu đầy gian lao.
Sản phẩm nội địa đầu tiên
Từ năm 1929 trường Y Đông Dương bắt đầu đào tạo tiến sĩ. Thời gian đào tạo là 7 năm, trong đó năm thứ nhất được gửi sang trường đại học Khoa Học để học 3 môn Lý, Hóa, Sinh; sau đó học tiếp 6 năm ở trường Y. Năm 1935, có 12 sinh viên Y năm cuối (năm thứ sáu) nộp luận án tiến sĩ (these de doctorat) và bảo vệ thành công trước Hội Đồng do GS Galliard – đại học Y Paris cử sang – làm chủ tịch. Tất cả được nhận bằng tiến sĩ y khoa (docteur en médecine). Nếu có gì đáng nói thêm, thì có lẽ là cho đến khi nước nhà giành được độc lập (1945).Hôm nay, rất ít người biết rằng, trước năm 1945 mọi tấm bằng tiến sĩ các ngành khác đều do nước ngoài cấp, chỉ riêng ngành Y là có sản phẩm nội địa.
Tác giả những luận án tiến sĩ y học năm 1935 (a, b, c):Từ đâu ra cái từ “bác sĩ”?
1. Lê Văn Cẩn: Tên luận án: Góp phần nghiên cứu các trường hợp gãy xương cánh tay;
2. Huỳnh Công Chiêu: Góp phần vào việc điều trị bệnh lách do sốt rét bằng liệu pháp phủ tạng lách;
3. Huỳnh Tấn Đối: Góp phần nghiên cứu các hội chứng bụng cấp trong bệnh giun đũa;
4. Nguyễn Trọng Hiệp: Nghiên cứu về hậu quả ngoại khoa các bệnh lỵ và viêm đại tràng nhiệt đới.
5. Nguyễn Đình Hoàng: Góp phần nghiên cứu các trường hợp gãy mỏm ngang đơn độc cột sống thắt lưng.
6. Hoàng Gia Hợp: Gây mê tĩnh mạch bằng Numal;
7. Trương Hồ Ly: Điều trị ngoại khoa cácviêm đại tràng mạn tính bằng tạo lỗ dò, đặc biệt là mở ruột thừa;
8. Nguyễn Xuân Nguyên: Góp phần nghiên cứu bệnh do P. pseudomallei ở Đông Dương;
9. Phạm Văn Phán: Góp phần nghiên cứu bệnh sốt rét bẩm sinh;
10. Lê Đình Quý: Góp phần nghiên cứu phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo;
11. Võ Duy Thạch: Góp phần nghiên cứu bệnh sinh của phù trong chứng tê phù (béri béri);
12. Dương Tấn Tươi: Công cuộc chống bệnh sốt rét ở Tuyên Quang.
Doctor (docteur) dịch sang tiếng Việt là tiến sĩ. Riêng các sản phẩm đào tạo từ trường Y Đông Dương được các cụ ta gọi là “bác sĩ”. Té ra, các cụ đã quá đề cao tấm bằng của trường này: Coi nó giống như học vị “tột bậc” dưới triều Lý, cách ta trên 1000 năm.
Từ thời thuộc Pháp, các cụ đã nhận ra: Các trường khác, phải học 3 năm (không cần luận án), lĩnh bằng Cử Nhân, nếu làm cho Nhà Nước sẽ lĩnh lương 60 đồng/tháng (6 cây vàng). Riêng trường Y, phải học 7 năm, ra bác sĩ, lương 100 đồng/tháng.
Khoảng cách 1919 – 1935 (=16 năm) có quá dài?Chú thích– Thời Lý, kỳ thi cao nhất gọi là “Minh kinh bác học”, người trúng tuyển được gọi là “Minh kinh bác sĩ”. Vị bác sĩ khai khoa của nhà Lý là Lê Văn Thịnh – sau này mọi người cứ gọi ông là “trạng nguyên Lê Văn Thịnh” cho dễ hiểu (đỡ phải giải thích dài dòng).– Thời Trần, người có bằng cao nhất được gọi là Thái Học Sinh.– Thời Lê, duy nhất có một kỳ thi Minh Kinh bác học, người dự thi phải là các quan tứ phẩm (xếp bậc thứ 4 – trong thang xếp hạng gồm 9 bậc). Sau đó, các kỳ thi cao nhất thời Lê gọi là thi Đình, học vị chung là tiến sĩ (chia 3 hạng); khi bổ nhiệm được xếp vào bậc 7 hoặc 6 (vẫn thang 9 bậc). Rất ít người cuối đời leo được tới bậc 1 hoặc 2.
Đó là thời gian để chuyển đổi việc đào tạo tiến sĩ “cựu học” sang tiến sĩ “tân học”. Nếu bị coi là quá dài, trường Y sẽ khó được coi là ngôi trường kế tục sự nghiệp đào tạo tiến sĩ của Quốc Tử Giám. Không đâu! Triều Lý dài 125 năm chỉ mở 6 khoa thi tuyển Minh Kinh Bác Sĩ (trung bình cách nhau trên 20 năm). Hết Lý sang Trần. Khoa thi cuối thời Lý cách khoa thi đầu thời Trần tới 35 năm, tức là cả một thế hệ “đèn sách” bị lỡ dịp. Mà vẫn chỉ là các kỳ thi Nho Học. Vậy, 16 năm để chuyển đổi về chất, cả một nền học – “cựu” thành “tân” – đâu phải quá dài…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét