Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

MẠN ÐÀM VỀ DÒNG SINH VÔ TÍNH (CLONING)

Tâm Hiền Tôn Thất Chiểu
1/2008
( Chữ Clone có nghĩa là thực vật hay sinh vật được sinh sản sinh vô tính từ một thế hệ trước nó, có thể được gọi là một bản sao của nhiểm sắc thể kiểm soát sự di truyền( genetic replicas). Như vậy clone một con bò là dùng gene của nó để tạo ra những bản sao y hệt nó. Vì quá mới mẻ nên tiếng Việt chưa có sự đồng nhất trong cách dịch. Tôi dùng cách dịch của Từ điển Anh-Việt của Viện ngôn ngữ học Việt Nam là “Dòng sinh vô tính”. Vì hơi dài nên xin mạn phép độc giả thỉnh thoảng tôi để nguyên chữ Clone trong bài viết này)
Một tế bào da bỗng nhiên biến thành một tế bào gốc (Stem Cell) có khả năng sinh ra tất cả tế bào thuộc các cơ quan khác nhau trong cơ thể sinh vật . Thí nghiệm này đã gây ra không biết bao nhiêu hy vọng trong việc chữa trị các bệnh hiếm mà y khoa từ trước tới nay vẫn còn bó tay. Từ nhãn quan tôn giáo, nhất là các độc thần giáo, một số Giáo hội đã mãnh liệt chống lại việc “cloning” con người sau khi khoa học đã thành công trong việc cloning loài vật cách đây hơn cả thập niên; và họ đã kịch liệt chống đối mọi nghiên cứu lấy tế bào gốc từ phôi (Embryonic Stem cells.). Tôi chưa có duyên và thì giờ để tìm xem đã có chức sắc nào của Phật giáo trong, ngoài nước hay trên thế giới bàn luận hay nghiên cứu, chống đối hay ủng hộ Dòng sinh vô tính, nên đưa bài mạn đàm lên báo để mong có sự chỉ giáo thêm của các Thầy, Phật tử về quan điểm của Phật giáo ra sao về một nền công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi lớn lao nếp sống của nhân loại trong một tương lai không tiên đoán được.
A.DIỄN BIẾN TIẾN TRÌNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀ CLONING :
Nếu định nghĩa công nghệ sinh học (biotechnology) là “ sự biến thể của sinh vật để tạo ra sản phẩm hữu ích” thì khoảng 10 ngàn năm trước con người đã biết lai giống sinh vật để tạo ra không biết bao nhiêu loại mới của thực vật và động vật theo như ý muốn của mình. Ví dụ con La (Mule) là lai giống giữa con lừa đực và con ngựa cái. Lai giống cây ( hybrids) đã đem lại nhiều lợi ích về thực phẩm mà cuộc cách mạng xanh vào các thập niên 1960 và 1970 là một thí dụ điển hình. Với tiến bộ của khoa học, ngày nay cách định nghĩa biotechnology hơi khác hơn một chút : “ công nghệ sinh học là cách thay đổi tế bào hay phân tử DNA bàng phương pháp cắt mỏng và sao chép để cung cấp sản phẩm và các chất chế biến” (the alteration of cells or DNA molecules by means of slicing and cloning techniques to provide useful products or processes). Phương pháp sinh học mới này đã có thể làm thay đổi nhiễm thể, tách các tín hiệu DNA đặc biệt (DNA codes), cài chúng vào các chủng loại nhiễm thể (genome) của bất cứ sinh vật nào; hoặc có thể trộn lẫn DNA của các chủng loại hoàn toàn khác nhau như vi trùng với cá, người với heo, đom đóm với cây thuốc lá .
          1/ Ghép DNA (Recombinant DNA): Khởi thùy là do quan sát tế bào qua kính hiển vi trong năm 1600 (Robert Hooke).
Tiếp đến trong thế kỷ 19, Gregor Mendel tìm ra định luật về di truyền, giải thích dựa trên thống kê bằng cách nào các nét chính được truyền từ thế hệ này qua thế hệ tiếp theo. Nhưng phải chờ đến thâp niên 1950, 1960 với việc tìm ra chuổi DNA của Watson và Crick cùng với sự phát hiện các tín hiệu di truyền của Har Gobind Khorana và Marshall Nirenberg, mới có được cuộc bùng nổ của công nghệ sinh học. Năm 1968, hai khoa học gia Thụy điển (T.O Caspersson và Lore Zech) phát minh ra cách nhuộm nhiễm thể dẫn đến việc vẽ ra bản đồ nhiễm thể của từng chủng loại. Năm 1973 Stanley Cohen và Herbert Boyer của Ðại học California có thể dùng hóa chất để cô lập một đoạn DNA của hai chủng loại khác nhau, kết hớp chúng lại vói nhau, rồi cài chúng vào một tế bào chủ. Cũng giống như khi ta viết bài trên máy tính ta dùng “word-processing” để cắt từng đoạn văn rồi cài các đoạn văn đó vào bất cứ chương nào mà ta muốn. Kỹ thuật được gọi là “Gene Splicing” hay là “Recombinant DNA”này đã trở thành cơ bản cho kỹ thuật “thiết kế nhiễm thể” (genetic engineering) trong cuộc cách mạng công nghệ sinh học trong thế kỷ này. Với kỹ thuật này thêm nhiều công đoạn cần thiết ta có thể biến nhiễm thể của các vi trùng, bắt chúng phải tạo ra các sản phẩm thuốc men như chất insulin trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Ngay cả ta có thể bắt chúng làm ra vải quần “jean”, ví dụ như trùng “E.Coli” có thể biến đường glucose thành ra thuốc nhuộm áo quần, tránh được những giai đoạn chế tạo độc hại cho môi trường khi phải tạo chất nhuộm từ hắc ín (coal-tar) của thế kỷ trước. Không những chất nhuộm mà cả sợi bông vải cũng được chế tạo bởi vi trùng qua các giai đoạn tương tự.
           2/ Sinh vật hoán chủng (Transgenic organisms): Vi trùng là tế bào không có nhân, DNA bơi lội trong tế bào chất (cytoplasm), vì thế rất dễ thiết kế tiến trình DNA splicing. Các sinh vật cao hơn có nhân (nucleus), nên rất khó đưa các nhiễm thể mới vào bên trong nhân để điều khiển chúng theo ý muốn. Năm 1983, Ralph Brinster của Ðại học Thú y Pensylvania đã thành công trong viện cài nhiễm thể kích thích tố tăng trưởng (growth hormone genes) vào phôi của chuột (embryos) tạo ra những chú chuột con khổng lồ gấp hai lân chuột thường. Người ta gọi các chú chuột con này là loại hoán chủng ( transgenic offsprings). Áp dụng công nghệ này các khoa học gia lần lượt tạo ra loại cừu sinh ra chất human alpha1-antitrypsin trong sữa ngừa được bệnh khí thủng ở phổi (emphysema), các loại heo sinh ra chất thay cho “hemoglobin”, chuột sinh ra kích thích tố tăng trưởng (growth hormone), bò sinh ra “lactoferrin” có thể cho vào sữa để trẻ con dễ ngừa nhiễm trùng v..v..Tương tự như thế các loại cây hoán chủng (transgenic plants) cũng được điều khiển (programmed) để tạo ra hóa chất, thuốc men hoặc là các cây cỏ có mang tính chất đặc biệt như cây bông có thể chống các hóa chất diệt cỏ, cà chua có tính chất chậm chín, bắp lớn lên trong môi trường có hóa chất diệt cỏ dại, khoai tây tự chống sâu bọ, đu đủ tự chống siêu vi v..v..
           3/ Dòng sinh vô tính (Cloning): Cloning không phải là chuyện lạ trong thiên nhiên, tiến trình phân bào ( một sinh ra nhiều tế bào giống hệt nhau) là một thí dụ. Ðẻ sinh đôi là một cách cloning của thiên nhiên. Nhưng cloning nhân tạo là một tiến trình cực kỳ khó khăn. Làm thế nào đề đưa DNA ngoại lai vào các tế bào của sinh vật đa bào khó khăn hơn nhiều so với loài đơn bào như vi trùng. Ðể xuyên qua được màng tế bào, người ta dùng 3 cách:
                       a/ Dùng liposomes, môt loại bong bóng mỡ có mang DNA, hấp thụ vào màng tế bào
                       b/ electroporation, một dòng điện tạm thời gây ra một lổ hổng của màng tế bào để cài DNA ngoại lai vào.
                       c/ dùng một loại súng bắn các sợi tugsten li ti có mang DNA xuyên qua màng tế bào (particles bombardment).
Vào khoảng năm 1938, khoa hoc gia đã nghĩ ra cách lấy nhân của tế bào trứng (egg cell) ra khỏi trứng rồi cài vào một nhân khác, sau đó đưa vào bà mẹ thay thế (surrogate mother). Nhưng phải đợi đến thập niên 1970, các con cóc đầu tiên mới ra đời bằng cách cloning này. Do sự khác nhau về thời điểm của tiến trình phân biệt (differentiation) mô phôi của nhiều chủng loại, phải đợi đến năm 1996, toán khoa học gia Scotland mới clone được con cừu đầu tiên đặt tên là Dolly, với tỉ số thất bại khá cao, 1 con trên 277 lần ghép nhân tế bào trưởng thành với tế bào trứng. Tuy vậy, nàng Dolly đã chiếm trang nhất của các tờ báo lớn của thế giới; sự chấn động của tin này là tất nhiên, bởi vì sự thành công sinh ra bằng vô tính của cừu có nghĩa rằng từ đây việc sinh sản vô tính của con người là diễn biến tất yếu tiếp theo với tất cả hệ lụy về đạo đức, kinh tế, môi trường.. cùng những biến thiên có thể ngoài dự tính của trí tuệ nhân loại. Cloning do vậy gây ra tranh cãi gay go về đạo đức và đương nhiên là về chính trị. Kẻ ủng họâ cho rằng nên cloning để cung cấp mô và cơ quan chữa trị bệnh hiếm có, kẻ kịch liệt chông đối cho răng cloning sẽ vượt quyền Ðấng sáng tạo và sợ rằng nhân loại sẽ phải gặp nhiều Hitler ra đời bằng cloning. Ngoài ra trong suốt thập niên vừa qua, song song với việc chống phá thai, phe chống Cloning lý luận rằng dù là phôi (embryos) chỉ mới có 8 tế bào chăng nữa cũng phải được xem là một bào thai đang dần dần trở thành đứa bé, do vậy dùng phôi đó để tạo ra các cơ quan cũng là một cách phá thai, do vậy kỹ thuật dùng phôi hay tế bào phôi (embryonic cells) vào việc tạo ra cơ quan phải được cấm ngặt. Bao lâu ta phải cần đến trứng của phụ nữ hay tế bào phôi để tạo ra tế bào gốc (stem cells) thì bấy lâu các nhà nghiên cứu còn gặp phải sự chống đối khắc nghiệt của nhóm quan niệm đạo đức theo phe bảo thủ này.
Nước Mỹ, dưới lãnh đạo của Tổng thống Bush, chấp nhận quan điểm của phe này, nên tiến trình nghiên cứu thêm về Cloning bị khựng lại trong nhiều năm qua.
          4/ Những bước phát triển gần đây đã tránh được hàng rào của phe bảo thủ bởi vì khoa học đã tìm cách tạo ra tế bào gốc mà không cần đến tế bào trứng hay phôi. Với bước thành công này, người ta chỉ dùng một tế bào da thông thường để biến nó thành tế bào gốc có thể có khả năng sinh sản bất cứ các mô hay cơ quan nào trong cơ thể. Kỹ thuật mới này đã được báo cáo trên báo Sciences and Cell 11/20/07 bởi 2 nhóm khoa học gia thuộc Ðại học Wisconsin at Madison, ( James Thompson và Junying Yu) và Ðại học Kyoto (Shinya Yamanaka). Họ khám phá ra rằng chỉ cần 4 genes cơ bản trong tế bào da, cài chúng vào 4 loại retrovirus đã được thay đổi để mang theo những loại genes khác nhau, các virus này sẽ hòa nhập DNA của chúng vào tế bào da, sau đó 4 genes cơ bản sẽ kích thích một tiến trình đóng mở (on and off) nhịp nhàng trên vô số genes khác, dần dần sẽ biến tế bào da thông thường thành một loại tế bào gốc đa năng, nghĩa là có thể sinh ra bất cứ mô và cơ quan nào như ý muốn. Yamanaka đặt tên loại tế bào gốc mới được hình thành này là “tế bào gốc đa năng”, iPS ( induced pluripotential stem). Yamanaka đã thành công tạo ra khoảng 10 tổ hợp tế bào “iPS” (cell colonies) từ khoảng 50,000 tế bào da của chuột ; và trong dĩa thí nghiệm Ông ta biến “iPS” sinh sôi nẫy nở thành tế bào thần kinh, tế bào cơ tim đập nhịp trong ống nghiệm vàø rất nhiều các loại tế bào khác. Ông cũng chứng minh rằng các loại tế bào được sinh ra có cùng nhiễm thể với loại tế bào da, nghĩa là đem chúng ghép vào các cơ quan trong cơ thể chuột đang thí nghiệm sẽ không bị phản ứng loại bỏ (reject reaction). Vì không đủ kiên nhẫn để chờ nhiều tuần thay vì vài ngày, ông không thành công trên tế bào da của người. May thay cùng thời gian đó, James Thompson ở Mỹ đã chịu khó chờ đợi lâu hơn nên đã thành công biến tế bào da của người thành tế bào “iPS” . Còn một trở ngại cần vượt qua là loại retrovirus được dùng trong tiến trình sinh ra iPS có thể kích thích tế bào mới sinh ra ung thư.
          5/ Áp dụng đầu tiên của iPS đã được thí nghiệm để chữa bệnh “Sickle Cell Anemia” của chuột và đã được đăng báo trên báo Science (on line), December 6/07) bởi khoa học gia Rudolf Jaenisch của Viện nghiên cứu Whitehead Institute for Biomedical Research, Cambridge, Mass. Việc chữa bệnh tiến hành như sau:
                     a/ dùng tế bào da của đuôi con chuột bị bệnh Sickle Cell Anemia ( bệnh do hồng cầu méo bất thường) cấy trên dĩa thí nghiệm (Petri dish),
                     b/dùng retrovirus để biến chúng thành tế bào đa năng iPS như đã nói ở trên
                     c/cắt bỏ các genes gây ra bệnh Sickle Cell, thay vào đó những chuổi DNA bình thường (normal snippet of DNA)
                     d/tế bào iPS mới được một loại virus khác biến thành tế bào tủy sống (bone marrow cells), nghĩa là tế bào gốc đa năng iPS được biến thái thành tế bào gốc tủy sống có khả năng sinh ra hồng cầu bình thường
                     e/Tế bào gốc tủy sống được bơm vào con chuột bị bệnh. Chúng sẽ định cư ở tủy sống của chuột và sinh ra các loại hồng cầu bình thường thay chỗ cho các loại hồng cầu bị méo. Chuột lành bệnh mà không bị một phản ứng nào khác, vì hồng cầu sinh ra có nhiểm thể y hệt tế bào da lấy ra từ da đuôi của nó. Thí nghiệm cho thấy sau khi chữa trị như vậy, tủy sống chuột có được 80% tế bào mới (chỉ cần 20% là có thể chữa lành bệnh ở người), và sau 4 tháng không có bướu ung thư hình thành.
           6/ Từ DNA tổng hợp đến tạo hình sinh vật mới: Khoảng 50 năm qua, khoa học đã có khả năng chế ra DNA trong ống nghiệm bằng cách tổng hợp một số hóa chất cần thiết; tuy vậy cũng chỉ mới dùng một số DNA cài vào cây thiên nhiên giúp chúng chống lại sâu bọ hoặc chịu đựng hạn hán, ví dụ như trong công nghệ trồng bắp mới đây. Nay thì các khoa học gia bang Maryland đang hạ quyết tâm tạo ra sinh vật mới (new life forms) bằng toàn bộ DNA nhân tạo. DNA nhân tạo này có tín hiệu hướng dẫn vi trùng sinh sản và hoạt động. Nhiễm thể nhân tạo có thể bắt chước của thiên nhiên nhưng cũng có thể có tín hiệu riêng sinh ra các sinh vật hoàn toàn mới từ trước đến giờ chưa có trong thiên nhiên. Ðã đến lúc con người có thể có thể thảo chương về di truyền (genetic program) trong máy tính như maestro viết những giòng nhạc rồi sau đó dùng digital code để tạo ra DNA, cài DNA đó vào tế bào và điều khiến tín hiệu để tế bào đó hoàn thành nhiệm vụ trao truyền như sinh ra hóa chất độc tố hay dược phẩm Theo ý muốn. Khác với công nghệ sinh học thông thường (Conventional biotechnology) mà khoa học gia chỉ cài một hay vài genes vào tế bào để phục vụ một số nhu cầu kỷ nghệ, nền công nghệ sinh học tổng hợp (synthetic biology) có khả năng cài một mảng DNA thật lớn hay là toàn bộ nhiễm thể chế tạo trong phòng thí nghiệm , tạo nên các tín hiệu di truyền vĩ đại để hình thành các bộ máy biến dưỡng (metabolic machines) phục vụ cho những mục đích nhất định. J. Craig Venter, CEO của công ty Synthetic Genomics ở Rockville, Maryland đã tạo ra được toàn bộ nhiễm thể nhân tạo (artificial chromosome) dài nhất từ trước đến nay và ông ta có ý định muốn tế bào như thế sinh sản ra ethanol, hydrogen.. và các chất xăng nhớt cho xe hơi. Nếu thành công, ông ta se làm chủ một thị trường hằng tỉ dollars. Công ty BioServe ở Beltsville có ý định làm và bán DNA nhân tạo cho các khoa học gia để họ tiến hành việc tạo ra các sản phẩm công nghệ như thuốc men, xăng loại mới không cần đến dầu và các hóa chất khác trong công nghệ vải vóc….. . Như vậy mặc dù còn một số trở ngại về kỹ thuật, từ việc biến một tế bào da thành một tế bào gốc đa năng mà không còn cần đến tế bào trứng hay tế bào phôi , việc chữa các bệnh khó trị như Parkinson’s, …Lou Gerig’s.. bằng thiết kế genes sẽ tiến hành rất nhanh trong vòng vài năm tới đây. Từ chuyện dùng toàn bộ DNA tổng hợp tạo ra sinh vật mới, và từ việc sẽ bán thịt hay sữa bò bằng dòng sinh vô tính thì chuyện Cloning con người về cơ bản chỉ còn là vấn đề thời gian, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự ủng hộ hay chống đối của đa số các lãnh tụ chính trị và tôn giáo của toàn thể nhân loại.
B. Những hệ lụy đạo đức và chính trị của Cloning:
         1/ Phe chống đối : Từ sự tin tưởng rất mãnh liệt rằng mọi việc do Trời định đến suy tư rằng “xưa nay Nhân định thắng Thiên cũng nhiều” , cho đến nay thì hai năm rõ mười con người đã lấy bớt một ít quyền của Tạo hóa bằng cách tạo ra chút ít DNA tổng hợp, clone một cô cừu rồi một số nàng bò, con người bỗng đối diện một sự thật hết sức ngỡ ngàng rằng xã hội nhân loại sẽ đi về đâu sau khi rời xa dần đấng Tạo hóa mà ta hằng thờ phượng, nương tựa, cầu xin suốt đời. Cho nên đa số lý luận chống đối công nghệ sinh học bắt nguồn từ luân lý đạo đúc tôn giáo.
                  a/lý do tôn giáo: Các tôn giáo độc thần ( Cơ đốc, Do Thái, Hồi giáo ..) đều tin rằng thiết kế di truyền (genetic engineering) là vi phạm chương trình Thượng đế dành cho sinh vật. Cho nên ta hiểu tại sao từ nhiều thập niên vừa qua Vatican quyết liệt chống đối công khai và có hệ thống việc phá thai, chống sản phẩm tạo từ công nghệ sinh học, chống thử nghiệm dùng tế bào phôi và dĩ nhiên là không bao giờ chấp nhận Cloning.
                  b/lý do khoa học: Những nguy hại không tiên liệu được làm cho một số lớn khoa học gia chống đối “các trò chơi nguy hiểm từ genes”. Một ví dụ cụ thể : do tin chắc rằng con tàu Titanic không thể chìm được nên người ta quyết định giảm bớt số áo phao câp cứu. Trong trường hợp công nghệ sinh học, một nhầm lẫn nhỏ nhoi có thể tại hại cho nhiều thế hệ mai sau. Giáo sư Erwin Chargaff, (Columbia University) thường được xem là cha già của ngành Sinh học phân tử (Molecular biology), xem thiết kê genes như là một lò “molecular Auschwitz”( lò hơi đốt thiêu người Do thái thời Ðức quốc xã ), có hại cho nhân loại nhiều hơn là công nghệ nguyên tử. Ông cho rằng sinh vật trong thiên nhiên biến đổi theo thời gian rất chậm, nay khoa học bỗng đem một protein mới bỏ vào một sinh vật mới mà không có cách nào tiên liệu chuyện gì sẽ xẩy ra thì quá nguy hiểm.
                   c/lý do môi sinh: Sự phá hoại môi sinh do phát minh khoa học từ các thế kỷ trước thí ai cũng đã biết; nay thì vấn đề thất thoát genes (escaping genes) đang làm nhức đầu những ai đang quan tâm về môi trường do sự xâm nhập của các loại giống cây mới vào các loài cây kế cận. Nghiên cứu của chính phủ Ðức cho thấy loại cải dầu (để chế ra canola oil) được biến genes để chống loại cỏ dại đã lan các genes mới này qua các loại cải ở cách đó vài trăm thước. Nghiên cứu gia ở Pháp tìm ra việc các loại cải lai giống mới để chống bệnh nấm có thể gây nguy hại cho các loài ong, làm chúng mất khả năng ngửi mùi (khả năng này giúp chúng tìm ra thức ăn). Tiểu bang Virginia gần đây bỗng thấy các loại ong mật biến mất rất nhanh mà không tìm ra nguyên nhân. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy lượng ong giảm đi 30% ở các vùng thử nghiệm các giống cây bông (cotton) được tạo genes nhân tạo mới. Không chỉ ong mà các loại sinh vật gây thụ phấn hoa (pollinators) như ruồi, bướm, dơi, chim chóc đều bị ảnh hưởng. Vấn đề này có ảnh hưởng dây chuyền de dọa đến nguồn thực phẩm của con người. Khoa học gia David Letourneau trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi tin rằng nhiên hậu thì genetic engineering còn tệ hại hơn cả nguyên tử hay hóa chất. Chất phóng xạ (Radioactice elements) có bán thời gian hiện hữu (half-life), hóa chất biến mất dần trong thiên nhiên, nhưng genes thì truyền mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một lúc genes đã vào trong môi sinh, không cách nào chận đứng hạy gọi chúng về (there is no containing them or calling them back)
        2/ Phe ủng hộ: Vì lợi ích kinh tế và y tế trước mắt về những phát minh khoa học trong các thế kỷ trước, dĩ nhiên là có rất nhiều người đang ủng hộ công nghệ sinh học. Nếu không có các cuộc cách mạng xanh thì chắc gì 6 tỉ người trên quả đất có đủ thức ăn.
              a/ lý do về tự do khoa học: Còn nhớ Giordano Bruno bị Tòa án Dị giáo của Giáo hội Thiên chúa La mã (Inquisition) thiêu sống năm 1600 vì cứ khăng khăng nói rằng trái đất chạy vòng quanh mặt trời. Người ta không muốn bất cứ một quyền lực nào có thể bắt khoa học phải hướng theo sự chỉ đạo của họ như vậy.
              b/lý do về lợi ích xã hội: Cho đến lúc này thì không ai còn nghi ngờ gì nữa rằng công nghệ sinh học sẽ dần dần chữa trị thành công các bệnh ung thư, AIDs, mất trí nhớ (Alzheimer’s), và rất nhiều bệnh khác mà các thuốc thông thường hiện nay chưa làm gì được. Ngoài ra, lợi ích kinh tế, tăng cường thực phẩm.. cũng là một yếu tố rất lớn trong việc nghiên cứu và phát triển thêm công nghhệ sinh học. Sau bao nhiêu chờ đợi và do dự, Cơ quan kiểm soát Thuốc và Thực phẩm Hoa kỳ (FDA) cũng sắp chấp thuận cho lưu hành chính thức thịt và sữa của bò từ Cloning. Tân tây lan và Úc đã thông báo rằng thịt và sữa từ bò “cloned” là an toàn. Canda và Argentina cũng sắp thông báo như thế. Cộng đồng Âu châu tuy còn rất ngại vê Công nghệ sinh học, nhưng cơ quan về an toàn thực phẩm của E.U cũng sẽ ủng hộ sự an toàn về thịt và sữa của bò “cloned”. Ðể làm an lòng phe chống đối (Consumer Federation of America và Union of Concerned Scientists), mặc dù FDA không bắt buộc dán nhãn, nhưng hai đại công ty sản xuất bò cloned ViaGen và Trans Ova Genetics cũng tuyên bố rằng họ sẽ đăng ký và dán nhãn hiệu thực phẩm từ súc vật cloned và tách riêng ra khỏi dây chuyền sản xuất thịt thông thường. (Theo Washington Post, FDA to back food from Cloned animals, ngày 5 tháng 1, 2008)
B. PHẬT GIÁO TRƯỚC CUỘC TRANH CÃI VỀ CÔNG NGHỆ SINH HỌC:
         1/ Chuyện không cần tranh cãi: Khác với các tôn giáo độc thần, Phật giáo không nói đến một Ðấng Sáng tạo, nên không có gì phải tranh luận với khoa học trong việc Cloning. Trong Kinh Tạp A hàm Ðức Phật bảo Bà La môn :” Có nhân,có duyên thế gian tập khởi; có nhân có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên, thế gian diệt tận; có nhân có duyên cho sự diệt tận của thế gian” Như vậy, tất cả đều do duyên mà sinh ra, trong chuỗi dài vô minh, hành, thức v..v.. của 12 nhân duyên, ta thấy nhân duyên đó có thể là kết hợp của âm, dương, kết hợp của giới tính hay là kết hợp vô tính; kết hợp cách nào cũng là vòng sinh tử luân bất tận từ Vô minh cho đến Aùi, Thủ, Hữu và rồi cũng là triền miên Sinh, Lão, Bệnh, Tử . Cho dù sinh vật và con người sinh ra từ giới tính hay từ dòng vô tính của khoa học công nghệ hiện nay thì cũng không thoát khỏi phiền não, trôi lăn theo luật vô thường, vô ngã. Cho nên đối với Phật giáo, vấn đề không phải là ta phải sinh ra bằng cách nào mà là làm sao ta thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Giả dụ trong vài thập niên hay thế kỷ sắp đến quả địa cầu chứa toàn thực và động vật bằng Cloning và con người cũng sinh ra bằng dòng vô tính thì Phật Giáo vẫn tiếp tục hiện hữu bằng ngần ấy lời rao giảng, chẳng ra ngoài những chân lý muôn đời của tứ diệu đế, của bát chánh đạo, của thập nhị nhân duyên v..v..
        2/ Chuyện đương nhiên cần ủng hộ: Cốt lũy của Phật giáo vẫn là từ bi; làm giảm bớt khổ đau của thân vật lý hay tâm tâm lý đều là thể hiện lòng từ bi đích thực của đạo Phật; cho nên việc tìm ra cách chữa trị bệnh tật mới bằng genes, cloning từ tế bào gốc mà không dùng tới những thủ thuật có hại cho sinh linh (ngay cả không dùng đến tế bào phôi đang trong tiến trình tượng hình thai nhi) thì không việc gì Phật tử phải chống đối.
        3/ Chuyện cần xét lại:
                 a/ Cứ mỗi lân có phát minh mới thì tất yếu là phải có người được đặc quyền sáng chế (patent) cùng những quyền sở hữu và lợi nhuận đi theo với nó. Chuyện đương nhiên này không có vấn đề gì khi sản phẩm là một bóng đèn, chiếc xe hơi hay là một thảo chương máy vi tính. Với công nghệ sinh học thì khác, sản phẩm là sinh vật hay là cốt tủy của sinh vật trong trường hợp DNA. Liệu có gì trái đạo đức khi một người hay một công ty có quyền sở hữu cả một số tế bào có DNA đặc biệt nào đó để buôn bán trong việc trị bệnh; hay là sở hữu một hay cả một đàn bò có dòng genes đem lại lợi nhuận cao ? Nay thì đã có công ty có đặc quyền với cả chủng loại genes của người “human genome”. Công ty Sequana Therapeutics sở hữu loại gene liên hệ đến bệnh suyễn lấy ra từ khoảng 300 cư dân một đảo nhỏ trên Ðại tây dương; Myriad Genetic muốn sở hữu loại gene sinh ra ung thư vú di truyền trong gia đình. Con người đã thoát ra khỏi sự tranh cãi về sở hữu nô lệ của thế kỷ 19, nay ta phải đặt câu hỏi rằng có giới hạn sở hữu nào chăng cho việc sở hữu, buôn bán một hay toàn phần của đời sống nhân loại (life patent) ? Ðại công ty Monsanto nay đang chuyển hướng chú tâm vào trang trại chế thực phẩm bằng công nghệ sinh học, cố giữ độc quyền về cây, súc vật tạo ra bằng công nghệ sinh học. Giả dụ nay mai, khoa học được phép và thành công trong việc “clone” con người; liệu có công ty nào có đặc quyền sở hữu luôn cả giống người cloned đó chăng?
                 b/ Công nghệ sinh học, cũng giống như các cuộc cách mạng kỹ nghệ của các thế kỷ trước, làm nẩy sinh ra cách biệt giàu nghèo; người giàu đi chiếc xe sang hơn là điều dễ hiểu và còn chấp nhận được. Nhưng có thể nào con cái nhà giàu thì sẽ được điều trị hay nhận được một loại gene tốt hơn so với cho con cái của đại đa số quần chúng trung lưu hay nghèo khổ ? Thời còn tại thế Ðức Thích ca đã rao giảng phải xóa bỏ giai cấp. Kinh Phật cũng nhiều lần dạy về diệt tham, sân, si và xả bỏ dần những gì mình bám víu kể cả của cải. Thực hành lời Phật dạy thì hai vấn nạn trên đây Phật tử nào cũng biết cách ứng xử như thế nào.
       4/ Chuyện cần chống đối: Nghiên cứu y học rất cần đến nhiều chuột thí nghiệm (cobaye) trước khi sản xuất ra một thứ thuốc. Nhưng tàn ác thái quá với súc vật thử nghiệm là một điều Phật tử không thể chấp nhận. Ví dụ để nghiên cứu tạo ra một con heo lớn nhanh, có nhiều thịt, các nhà nghiên cứu của Bộ Canh nông Mỹ (USDA) đã chích vào 8000 con heo loại gene có kích thích việc lớn nhanh. Chỉ có một con trong 8000 con có sinh ra được loại kích thích tố tăng trưởng, nhưng chính con này cũng trở thành dị dạng, nhiều lông, viêm khớp, mắt lé và không đi được, 7900 con còn lại bị giết bỏ. Cloning là một hiện thực của khoa học hiện đại. Cũng mất hơn mấy chục năm qua, với rất nhiều thách đố, chống đối, cuối cùng thì trong bữa ăn hằng ngày của con người đều không ít thì nhiều đã có sản phẩm dựa trên dòng sinh vô tính, khi bài mạn đàm này lên báo thì rất có thể cơ quan FDA của Mỹ đã chấp thuận cho sữa và thịt bỏ cloned lưu hành chính thức trên thị trường. Trong năm 2008, ta sẽ thấy y học tạo ra nhiều Stem Cell từ tế bào da để chữa rất nhiều bệnh khó khăn. Chuyện Clone con người cũng không còn xa dù rằng trước khi đến đó nhân loại còn nhiều tranh cãi, tốn nhiều tiền bạc công sức. Và dĩ nhiên là với óc tò mò của nhân loại, có được một phó bản y hệt như mình có lẽ ai cũng không thể dấu được một thú vị riêng tư.
Tiến bộ quá nhanh của khoa học cũng đặt ra lắm vấn đề xã hội và đạo đức mà tôn giáo cần có vai trò hướng dẫn. Xin quí độc giả tìm đọc thêm cuốn sách” Buddhist answers to Current Issues của Ðại Sư Ananda W.P Guruge”. Chương III, trang 87 có nói về cuộc tranh luận về Dòng sinh vô tính (growing controversy of Cloning). Xin trích dẫn một câu trả lời của Ðức Dalai Lama về vấn đề Cloning khi nhà làm phim Jean Claude Carriere đặt câu hỏi vê Cloning và trường sinh bất tư,û Ngài trả lời :” Tạo ra một phó bản y hệt có nghĩa là chấm dứt khả năng tiến hóa, chúng ta tuyên bố rằng chúng ta là hoàn hảo và chúng ta ngừng lại “ ( Quán Như dịch) Liệu chúng ta có nên ngừng lại ở tấm thân bất hảo này với bao nhiêu triền miên đau khổ trong cõi nhân gian hiện nay hay là phải tìm cách tu tập để “clone” mỗi chúng ta thành những vị Phật, thăng hoa trí tuệ vào cõi an lạc của Như Lai?

Tham khảo : Cloning the Buddha, The Moral Impact of Biotechnology,Richard Heinberg,1999 Washington Post 11/21/07, 12/7/07, 12/17/07, 1/5/08
Wall Street Journal , Marketplace, 1/4/08

0 nhận xét:

Đăng nhận xét