Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Tự do xôi gấc


Tương Nhi-Triết Học Đường Phố – 31 May 2015
 (GNA: Bài viết của một bạn thuộc ‘thế hệ 9X’ cho thấy một tư duy sâu đậm, nghiêm túc …gấp triệu lần các tiến sĩ …giấy nhan nhãn trong xã hội. Đây mới là điều ông già Alan tự hào về đất Việt = con người)
“Chính trị là đời sống.
Hãy học làm quen với một thứ như vậy.
Chính trị không xa lạ.
Chỉ có những thể chế độc tài biến chính trị thành một thứ độc quyền để trao đổi tạo lợi nhuận, khiến hình hài của chính trị bị bóp méo, khiến người dân lãnh đạm và tránh xa.
Chỉ khi hiểu về quyền, mới biết được đến dân chủ.
Khi biết mùi dân chủ, mới thực sự hiểu thế nào là tự do.
Một kẻ chỉ lo đói thì không thể phân biệt được thức ăn và thức ăn ngon.”

freedom-in-the-shape-of-a-cross
Trong bài viết trước của tôi “9X – The lost generation”, ở cuối bài viết, tôi có tái bút một dòng về việc sẽ không nhắc đến một phạm trù “nhạy cảm” đã, đang và sẽ có một ảnh hưởng vô cùng lớn lên tư tưởng của thế hệ chúng tôi. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ cố gắng làm rõ những điều tôi cảm nhận đồng thời triển khai những điều đó thông qua những thông tin và nguồn trích lược rõ ràng, mở, cơ bản và khách quan nhất.
Đương nhiên, bất cứ bài viết nào cũng không thể tránh khỏi những luận điểm và ý kiến mang tính cá nhân, chủ quan, nhưng đó sẽ là những ý kiến của tôi rút ra dựa trên những tham khảo đã có trong lịch sử. Những ý kiến trái chiều và mang tính định kiến, tôi xin phép không trả lời cũng không tranh luận. Đã đến lúc chúng ta học cách nhìn vấn đề từ nhiều phía hơn, đa dạng hơn và dung hòa hơn.
Nói một cách thành thật, tự bản thân tôi cảm giác hết sức không tự tin khi viết về vấn đề này bởi đơn giản với tuổi đời còn hạn chế và nền tảng căn bản cũng được đào tạo trong một thể chế khép-kín, chính trị với tôi cho tới thời điểm này vẫn là một thứ nhạy-cảm (và đã bị một cậu bạn phê phán rằng không nên sử dụng từ nhạy cảm để nói tới nó bởi nó vốn là hơi thở cuộc sống văn minh). Nhưng lần này, tôi sẽ tận dụng điểm yếu kém đó của mình để trình bày vấn đề này.
Nó sẽ giống như bạn đang được nghe tả một gói xôi gấc bởi hoặc một tên ăn mày đói lả hoặc một kẻ ăn tạp hoặc một con người bình thường. “Tự do” được nhìn bởi con mắt của kẻ tự do và kẻ tưởng rằng mình tự do không thể giống nhau.
Thế chúng ta là ai khi nhân loại hỏi về gói xôi gấc? Tên ăn mày hay người bình thường?
Đều không phải. Chúng ta là những kẻ ăn tạp.
Chính trị là gì?
Trong các từ điển bao gồm cả Từ điển bách khoa Việt Nam, chính trị có một định nghĩa khá dài nhưng cái tôi thích nhất là dòng đầu tiên tôi đọc trên Wikipedia khi sử dụng từ khóa tìm kiếm Politics. Đó là nguồn gốc của từ này. Theo đó, Politics có xuất phát nguồn từ một từ Hy Lạp (politikos) mang ý nghĩa nguyên thủy là “của, cho hoặc liên quan tới công dân”. Đó là một điều rất thú vị.
Nghĩa là ngay từ khi Chính trị chưa phát triển và đạt được đến một trình độ, hệ thống như ngày nay, việc chọn lọc và sử dụng từ này có một ý nghĩa rất lớn trong việc đem nó đến đúng với bản chất của vấn đề. Và theo tôi, chỉ sau khi những hệ thống chính trị khác nhau được hình thành, chính trị mới có những định nghĩa văn hoa và dài dòng đến như thế liên quan tới thể chế, điều hành và cai trị một cộng đồng, một quốc gia. Nhưng để nhìn đúng bản chất sự việc, xuất phát điểm của chính trị là “của dân, do dân và vì dân”.
Tiếp theo đó, cùng với sự phát triển của xã hội trong dòng chảy lịch sử, hiện nay chính trị được hiểu theo bốn cách giải thích cơ bản: Nghệ thuật của phép cai trị, những công việc chung, sự thỏa hiệp và đồng thuận, quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích (theo Wikipedia). Và có lẽ tùy theo từng quốc gia, chính trị đang hoặc tiến trở lại gần hoặc dần xa rời cái lý tưởng ban đầu của việc hình thành chính nó trong một cộng đồng, là những hoạt động và lý thuyết tác động lên đời sống con người ở quy mô toàn cầu hoặc cá thể.
Chính trị trở nên xa vời với công dân và cá thể trong cộng đồng nếu bản thân nó không còn được áp dụng để vì lợi ích con người và biến thành vấn đề nhạy-cảm cần được bưng bít, nằm trong tay kẻ cầm quyền để thao túng và gây dựng lợi ích riêng cho một cá thể hoặc tập đoàn. Chính trị bị bóp méo dưới sự tuyên truyền của giai cấp cầm quyền chủ đạo về lợi ích riêng thay vì lợi ích quốc gia, dân tộc và con người.
Và chúng tôi đang dần xa lánh chính trị chỉ vì chúng tôi không hiểu nó nhưng liệu chúng ta có thể đổ trách nhiệm lên cả một cộng đồng lớn khi tâm lý con người nói chung có xu hướng rời xa những thứ mà theo họ có khả năng gây ra bất ổn đối với đời sống thường nhật thay vì đi tìm chân lý. Giống như Copernicus và Galileo với thuyết Nhật tâm. Giáo đoàn Thiên chúa có thể ví như một tập đoàn chính trị, các con chiên là cộng đồng cư dân mạng bị tẩy não, thuyết Nhật Tâm là vấn đề tự do dân chủ và Galileo là kẻ chịu tù đày khi nói lên chân lý. Chân lý không đáng sợ nhưng con đường đi tới chân lý rõ ràng không được trải hoa hồng.
Vậy thế hệ 9x chúng tôi tiếp cận với chính trị như thế nào? Điều đó có quan trọng hay không? Điều đó đóng vai trò thế nào trong đời sống của một 9x? Và mấu chốt hơn, điều đó mang tầm ảnh hưởng như thế nào đối với một đất nước đang trong giai đoạn chuyển-mình?
Lần lượt từng câu hỏi bật ra như thể chúng đã ở đó từ rất lâu và chỉ chờ tới lúc thích hợp sẽ tự nhiên nhi nhiên trôi tuột ra khỏi tâm thức hỗn loạn của tôi. Và tôi tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.
Vậy thế hệ 9x chúng tôi tiếp cận với chính trị như thế nào?
Nếu các bạn cho rằng chúng tôi không được tiếp xúc với chính trị thì thực ra đó là một sai lầm, chúng tôi được tiếp xúc với chính trị từ rất sớm, từ khi tư duy còn chưa hình thành. Không kể tới những ảnh hưởng gián tiếp của chính trị vào một đứa trẻ như đã trình bày trong các thí dụ ở bài viết 9x – The lost generation.
Điều đầu tiên trực tiếp nhất một đứa trẻ khi vừa chập chững đi học được tiếp xúc với chính trị đó là hình ảnh Bác Hồ – Hồ Chí Minh. Tôi và triệu triệu những đứa trẻ khác không có gì khác biệt nhau khi được tiếp nhận những thông tin về vị lãnh tụ của Viêt Nam và là một đứa nhỏ, chúng tôi không hề nhận thức được đó là chính trị cho tới thời điểm rất lâu sau này. Bất kể một chế độ nào sử dụng hình ảnh lãnh tụ được thần thánh hóa để tôn thờ cũng đều là những thể chế mang hơi hướng tôn giáo độc trị. Bởi vậy, cho dù thần bái Hồ Chí Minh hay không, tôi chắc chắn rằng người trẻ hiện nay cảm thấy thú vị với hình ảnh ông ta đánh bi-a và hút thuốc lá hơn là những hình ảnh đạo mạo khác.
Từ đó, bản thân tôi cũng tự hỏi, liệu đó có phải là một sự tiến bộ? Người trẻ với sự tiếp xúc nhanh nhạy trong thời đại thông tin với tri thức mới có nhu cầu được nhìn lãnh đạo qua một lăng kính giống người hơn là giống thần? Tuy nhiên, cho dù thế nào, cho tới thời điểm này, mục tiêu chính trị trong việc truyền bá hình ảnh đó vẫn đang ăn sâu vào nền giáo dục và tư tưởng người Việt hiện đại.
Vì sao lại là khăn quàng đỏ? Vì sao lại là đoàn thiếu niên, thanh niên Hồ Chí Minh? Vì sao không phải Đoàn viên không được thi Đại học? Chính trị, nếu để ý, đang kìm hãm người trẻ thay vì phục vụ cho họ. Và công cụ ngầm của kìm hãm này là phương thức giáo dục về lịch sử.
Điều đó có quan trọng hay không?
Có một câu nói rằng: “Lịch sử là công cụ của nhà cầm quyền.” Nhận thức sai lầm về lịch sử có thể đem tới hậu quả khôn lường”. Trong khi những đứa trẻ vẫn đang phải gò lưng ra học Sử với những chiến công hiển hách mà nhà biên soạn (dù muốn hay không) đang nhồi nhét vào tập sách giáo khoa mà lợi ích đem lại từ những cột mốc chiến thắng(?)
Và số liệu về quân thù đã nằm xuống trong suốt một dải lịch sử dựng nước của Việt Nam chưa thấy đâu ngoài tính thành tích chính danh trong thi cử mệt nhoài thì người Việt Nam vẫn quá thờ ơ với chính sử Việt. Sử không viết về quá trình hình thành dân tộc, tính dân tộc lại tách riêng địa lý ra khỏi lịch sử mà chỉ nhắc tới những cuộc chiến kéo dài, hãy tự hỏi chúng ta có thật sự là một dân tộc được hưởng hòa bình tự do hay đã từng được hưởng hòa bình tự do thực sự để tập trung phát triển đất nước?
Tự do ở dạng thức nào?
Nói tới đây, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện nhỏ được trao đổi giữa tôi và một người bạn lớn: “Vì sao chữ người Việt Nam lại đẹp?” Chữ tôi cũng khá đẹp, tôi không phủ nhận điều đó, tuy nhiên, có vẻ là chẳng thấm tháp vào đâu so với chữ của những đứa trẻ bây giờ hay những đứa trẻ tầm tuổi tôi ngày đó được rèn luyện để đi thi vở sạch chữ đẹp với phương châm: “Nét chữ, nết người.” Chủ đề này thực ra là do tôi gợi lên sau khi nhớ ra cách đây vài năm tôi có lỡ lời trêu một người bạn nước ngoài rằng: “Chữ mày xấu quá.” Và bị bạn quặc lại đầy mỉa mai: “Còn chữ của chúng mày thì quá đẹp nên chúng mày chẳng coi nội dung là quan trọng.” Thật là xấu hổ tới nhớ đời. Vậy, chúng ta đẹp, nhưng nội dung của chúng ta thế nào?
Nội dung của chúng ta sai lệch và mông lung. Chúng ta viết đẹp để phỉnh lừa chính mình. Trẻ con được dạy viết chữ đẹp nhưng không được dạy cảm thụ cái đẹp. Quan điểm về cái đẹp có thể khác nhau nhưng không biết cảm thụ cái đẹp là một thiệt thòi. Một cộng đồng không biết cảm thụ cái đẹp thì hành vi văn hóa xã hội đi xuống là chuyện không thể tránh khỏi.
Chính tại điểm này, chính trị hiện ra như một bóng đen ngu muội phủ lên đời sống tinh thần của con người để từ đó, xô đẩy trực tiếp tới đời sống vật chất của họ. Nếu bạn không biết rằng ở một nơi nào đó, có một cuộc sống thực sự tốt hơn, bạn sẽ vô thức bằng lòng với những gì hiện đang có. Và khi con người tự bằng lòng, xã hội cũng sẽ dừng tiến lên. Những-người-biết là những người có khả năng tạo ra thay đổi. Vậy chúng ta có cần biết?
Điều đó đóng vai trò thế nào trong đời sống của một 9x?
Bộ phim “The Lives of Others” – Cuộc sống của những người phía bên kia, nói về một sự biết như vậy. Đây là một bộ phim của Đức nói về một người mật thám tại Berlin dưới thời Cộng sản, và sự chuyển đổi về tư tưởng của ông đối với một điều ông rất tin sau khi được giao nhiệm vụ theo dõi một nhà biên kịch. Bộ phim mở đầu với việc ông giảng dạy cho học viên trong học viện An ninh Quốc gia về việc tra khảo một người Đông Đức giúp đỡ một người khác trốn sang Tây Đức. Sự lạnh lùng và lý trí của ông có thể khiến bạn rùng mình chán ghét. Ngay cả trong thời gian đầu khi theo dõi nhà biên kịch, ông cũng vẫn giữ thái độ này.
Tuy nhiên, khi những biến cố xảy ra, khi được tiếp xúc với một nguồn thông tin ở mức độ cao hơn, nhân bản hơn, nhiều chiều hơn từ phía nhà biên kịch thay vì những người dân bình thường vốn được đặt dưới chế độ theo dõi của Chính phủ, tổng hòa của những thứ đó đã thay đổi một người được huấn luyện chuyên nghiệp để phục vụ chế độ thành một con người khác. Ông đọc thơ của nhà biên kịch, nghe nhạc của nhà biên kịch, trải nỗi đau mất mát của nhà biên kịch, can thiệp vào đời sống tình cảm của anh ta và cuối cùng, cứu anh ta trước nguy cơ cận kề do viết một bài báo tố cáo chế độ và rồi ông bị thuyên chuyển làm công việc thư tín ở một bộ phận nhỏ.
Vậy nhưng khi kết thúc bộ phim, cái duy nhất tôi thấy là sự thanh thản của một con người được tiếp xúc và nhận ra sự thật. Không có gì quý hơn sự thật. Và con người phải lao động chân chính, dùng chính óc phán đoán của mình để nhìn ra sự thật đó.
Nhưng phần lớn, người Việt Nam chỉ làm việc chứ chưa lao động. Vì sao lại như vậy?
Người Việt Nam phần lớn đang làm việc cật lực nhưng chỉ một số rất ít là đang lao động. Bởi chúng ta đều có những nhu cầu cần được giải quyết. Ăn, mặc, ở, hưởng thụ. Không thể phủ nhận rằng, chính những nhu cầu đó, hay ở đây tôi tạm gọi là ham muốn (lust – dục vọng) là động lực thúc đẩy chính để con người tiếp tục tồn tại kể từ những ngày đầu tiên chúng ta xuất hiện trên trái đất. Tuy nhiên, điều gì khiến làm việc và lao động trở thành hai phạm trù khác nhau, đồng thời, chính trị đóng vai trò nào trong sự khác biệt này?
Yếu tố mấu chốt nằm ở hai chữ “tự do” với ý nghĩa làm chủ công việc của mình. Một người được tự-do làm việc sẽ trở thành một người lao động chân chính. Một nhà báo làm việc sẽ tạo ra lợi nhuận cho nhà xuất bản nhưng một nhà báo được làm chủ việc viết của mình sẽ tạo ra tác động lên xã hội. Tạm thời chưa nói tới tác động tốt hay xấu, nhưng từ vụ việc Je suis Charlie, tác động xã hội của nó mang tính toàn cầu.
Chuyện đó có bao giờ xảy ra nếu những người làm báo trong tòa soạn đó ngày ngày chỉ đưa tin về mông và ngực? Liệu có khác biệt nào có thể đến từ mông và ngực? 14.000USD đi khách của những cô chân dài được đưa lên báo sẽ khiến các trẻ em gái ghê sợ lánh xa mãi dâm hay lao đầu vào đi tìm một người đại gia để bán thân cho dù với giá chỉ bằng 1/10?
Như một câu nói đùa chua chát của chị bạn tôi rằng: “14.000USD mà bán được chị cũng bán!” Làm việc để tạo ra lợi nhuận, lao động để tạo ra giá trị xã hội. Chính trị là điểm chốt hạ xác định con người trong xã hội đang làm việc hay lao động. Và cho dù những số liệu nói rất khác về bề nổi của sự-phát-triển-Việt-Nam, giá trị xã hội của Việt Nam đang đi xuống bởi vì con người không được trao cho cơ hội để được lao động thực sự.
Tôi? Có đang lao động thực sự?
Có được cảm thấy tự do?
Từ những hạn hẹp của chính mình, chính trị đối với tôi hẳn đang dần trở nên rõ ràng hơn so với phần lớn những con người hờ hững xung quanh nhưng không có nghĩa rằng khi tôi hiểu hơn về nó thì tôi có thể nắm được nó. Tôi biết mình không tự do. Gói xôi gấc đó vẫn nằm trong vòng mơ mộng của một kẻ ăn mày.
Nhưng ít nhất, tôi cũng biết mình đang là một kẻ ăn mày và không huênh hoang rằng mình đang được ăn xôi gấc…
[Và mấu chốt hơn, điều đó mang tầm ảnh hưởng như thế nào đối với một đất nước đang trong giai đoạn chuyển-mình?]
Câu hỏi cuối này, tôi tiếc nuối để mở… Có lẽ vì bi quan, có lẽ vì thiếu thông tin và chắc chắn là vì chưa đủ tầm nhìn để biết được sự chuyển mình ấy, tôi đứng đâu trong nó. Bạn có đang đi tìm lấy câu trả lời cho chính mình như tôi?
Tương Nhi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét