Lu Tao không thể ngủ được. Cậu gặp phải quá nhiều cơn hoảng loạn trong đêm và cũng quá sợ hãi để giải thích cho bố mẹ điều gì đã xảy ra.
Ban đầu Lu đã tính tới chuyện thoát khỏi thị trường và chịu lỗ. Tuy nhiên, vì giờ đây Chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp giải cứu thị trường, cậu quyết định trải qua những đêm không ngủ, giấu bố mẹ chuyện này và tiếp tục đầu tư.
“Tôi sẽ không tháo chạy vì tin rằng các chính sách của Chính phủ sẽ bảo vệ khoản tiền đầu tư của mình”, Lu nói.
Niềm tin của Lu thể hiện nguy cơ rủi ro đạo đức đang lớn dần trên thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới cũng như hiệu ứng phụ của những nỗ lực cứu thị trường của Chính phủ Trung Quốc trong suốt thời gian qua. Dù các biện pháp hỗ trợ đã giúp chỉ số Shanghai Composite tăng 13% trong 3 phiên vừa qua, rủi ro là có vẻ như nhiều nhà đầu tư đang coi thị trường chỉ có 1 chiều. Và, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bong bóng – điều mà Chính phủ đang cố gắng kiểm soát.
Rủi ro đạo đức là vấn đề rất đáng chú ý ở Trung Quốc. Theo Francis Cheung, chiến lược gia đến từ công ty tư vấn CLSA, Chính phủ đã can thiệp vào thị trường đúng thời điểm giá trị của các cổ phiếu vẫn ở mức cao. Ở mức 60 lần, hệ số P/E của các sàn ở đại lục vẫn cao hơn bất kỳ thị trường nào trong số 10 TTCK lớn nhất thế giới. Khi TTCK Trung Quốc ở trong tình trạng bong bóng năm 2007, hệ số P/E ở mức 68 lần.
“Chính phủ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Cheung nhận định. Trước đây Chính phủ đã có nhiều tác động khiến thị trường tăng điểm. Giờ đây thị trường đã sụp đổ và có những nhà đầu tư kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ cứu họ.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã triển khai các biện pháp hỗ trợ với cường độ lớn chưa từng thấy. Họ cấm các cổ đông lớn và lãnh đạo công ty bán ra cổ phiếu, yêu cầu các định chế mua vào, cho phép NHTW tài trợ các vụ mua cổ phiếu và để hơn một nửa số mã ngừng giao dịch.
Chen Xiaofei – chuyên viên tư vấn đầu tư tại công ty chứng khoán Changjiang (Thượng Hải) – đã nói với các khách hàng rằng hãy giữ nguyên vị thế vì chắc chắn các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp thị trường tăng điểm. “Ở Trung Quốc, một khi Chính phủ đã hành động, không có khó khăn nào mà bạn không thể vượt qua”, Chen nói. Một số khách hàng của Chen đã thua lỗ tới 60%.
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất có lịch sử can thiệp vào thị trường. Chính quyền Hồng Kông đã mua 15 tỷ USD cổ phiếu để hỗ trợ TTCK trong suốt cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Ủy ban chứng khoán Mỹ cũng cấm bán khống một số cổ phiếu khi khủng hoảng tài chính nổ ra cách đây 7 năm.
Trên TTCK Trung Quốc, không phải tất cả mọi người đều tin rằng thị trường sẽ hồi phục trở lại. Meng Zhang, một sinh viên đang theo học ngành nhân lực tại Mỹ, đã bán hết cổ phiếu trên thị trường đại lục khi chỉ số Shanghai Composite bắt đầu giảm điểm trong tháng 6. Cô cũng không có ý định quay trở lại thị trường chứng khoán và cho rằng bất động sản là kênh hấp dẫn hơn.
“Thị trường chứng khoán có quá nhiều rủi ro mà không có chút logic nào cả”, Meng nhận xét.
Tuy nhiên, những người bi quan chỉ là thiểu số trong số 90 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc – bộ phận đóng góp tới hơn 80% giao dịch trên thị trường. 54% số người được hỏi bởi CLSA dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng lên trong 3 tháng tới, đồng thời 66% dự báo Chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường. Khoảng 77% cho biết sẽ duy trì hoặc thậm chí sẽ tăng số lượng nắm giữ.
Larry Hu, chuyên gia kinh tế đến từ công ty chứng khoán Macquarie, nhận định nỗ lực cứu trợ của Chính phủ không phải là không có tác dụng phụ. “Thậm chí các biện pháp này có thể khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro hơn”.
Tiếp tục đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc là một “cơn ác mộng” đối với Peipeng Xing – chuyên viên chăm sóc khách hàng tại một ngân hàng ở Bắc Kinh. Thành quả của cả năm bị thổi bay chỉ trong 2 tuần khiến anh mất tập trung vào công việc và phải chịu nhiều áp lực đến mức bị ốm.
Tuy nhiên, sau những chuyện đó, Xing vẫn có niềm tin rằng cổ phiếu sẽ lại tăng giá. “Tôi vẫn rất tự tin vào tương lai của thị trường”, Xing nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét