Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015
Sam Rainsy và Hun Sen: Từ kẻ thù thành đối tác đối thoại
23:51
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Pierre Gillette & Emmanuel Scheffer, “Rainsy and CPP: From Enemies to ‘Negotiating Partners’“, Khmer Times, 18/06/2015.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mặc dù mái tóc còn đen nhánh, ông Sam Rainsy đã bước sang tuổi 66 vào tháng Ba (năm 2015). Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Khmer tuần này, rõ ràng thủ lĩnh phe đối lập của Campuchia đang trở nên nhẹ nhàng hơn. Không nhất thiết phải là một nhà khoa học chính trị mới có thể nhận ra điều đó khi ông nói: “Khi ngày càng lớn tuổi, bạn trở nên bình tĩnh hơn, bạn suy nghĩ nhiều hơn về dài hạn”.
“Văn hóa đối thoại”, chính sách mới mà ông đang thúc đẩy cùng với Thủ tướng Hunsen 62 tuổi là gì?
Ông nói: “Trước đây, tôi coi họ là kẻ thù; giờ đây, có lẽ tôi xem họ là đối thủ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng coi họ là những “interlocuteur” – một từ tiếng Pháp có nghĩa là “người đối thoại” hoặc “đối tác đối thoại”.
Ngày mai, tại một phiên họp đặc biệt của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, ông Hun Sen sẽ được bầu làm Chủ tịch đảng.[1] Hôm nay, Thời báo Khmer cung cấp cho độc giả những góc nhìn sâu – được dịch từ tiếng Pháp – về những suy nghĩ hiện tại của “đối tác đối thoại” chính của Thủ tướng, ông Rainsy, Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP).
Thời báo Khmer: Nhiều tháng sau các cuộc bầu cử năm 2013, ông vẫn là đối thủ quyết liệt của Thủ tướng Hun Sen. Hiện tại ông đang cùng với ông ấy tham gia vào một tiến trình đối thoại. Để đi đến tiến trình đó, ai trong số hai ông là người đã thay đổi? Ông hay Hun Sen?
Rainsy: Chính là hoàn cảnh chính trị đã thay đổi và điều đó dẫn tới việc các đảng xem xét lại các quan điểm của mình. Các cuộc bầu cử năm 2013 đã thay đổi hoàn toàn bàn cờ chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử Campuchia, qua các cuộc bầu cử này, chúng ta đã có một phe đối lập dân chủ thống nhất. Và như vậy chỉ còn hai lực lượng chính trị trên chính trường. Và khi chỉ còn hai đảng có sức mạnh, họ có thể dễ dàng đối thoại. Chúng tôi đã khiến Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) phải tôn trọng chúng tôi vì chúng tôi mạnh, mạnh hơn nhiều so với trước, ngang bằng với CPP.
Nếu các cuộc bầu cử đã thực sự trung thực và phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân Campuchia, có thể thấy chúng tôi đã nổi lên mạnh mẽ hơn và CPP hiểu điều đó. CPP không còn đủ khả năng để phớt lờ chúng tôi như trước đây và nếu có một vấn đề cần giải quyết, họ sẽ phải đối thoại với chúng tôi và ngược lại. CPP còn tôn trọng chúng tôi là bởi lẽ khi chúng tôi đối thoại với họ, chúng tôi không công kích cá nhân.
Chúng tôi không đòi hỏi bất cứ điều gì cho chính chúng tôi. Để nền văn hóa đối thoại này được thực thi, bạn cần phải chân thành. Bạn không thể cố gắng lái chiếc thuyền của người khác. Mục tiêu của tôi là giúp thiết lập các cơ chế và thể chế dân chủ, những điều còn lại mãi với hậu thế. Điều đó là hợp lý và tôi nghĩ tôi chia sẻ mong muốn này, niềm tin này với những người đối thoại của tôi.
Trước đây, tôi coi họ là kẻ thù; giờ đây, có lẽ tôi xem họ là đối thủ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng coi họ là những “người đối thoại”. Do đó, chúng tôi có thể cùng nhau làm tốt những việc tích cực và mang tính xây dựng vì thế hệ sau. Và tôi nghĩ rằng, nếu bạn nhìn vào tuổi của các nhà lãnh đạo – tuổi tôi và tuổi của Hun Sen – chính điều này khiến chúng tôi thay đổi. Chúng tôi không còn chung tham vọng (về quyền lực – NHĐ) của 20 năm hoặc thậm chí chỉ 10 năm trước. Và khi tôi gặp Hun Sen, chúng tôi thường đề cập tới thế hệ mai sau, di sản mà chúng tôi sẽ để lại. Theo tuổi tác, bạn trở nên bình tĩnh hơn, bạn suy nghĩ nhiều hơn về dài hạn”.
Thời báo Khmer: Những kết quả bước đầu mà nền văn hóa đối thoại mang lại cho ông là gì?
Rainsy: Nền văn hóa đối thoại khiến chúng tôi cùng lo lắng cho lợi ích quốc gia. Ví dụ, chúng tôi nghĩ rằng, cải cách hội đồng bầu cử không chỉ dựa trên các quan điểm lợi ích của CNRP. Nó liên quan tới các cuộc bầu cử trong tương lai, nơi sẽ có các đảng khác, các ứng cử viên khác. Từ khoảnh khắc mà một tiến trình bầu cử trung thực và minh bạch được thực thi, điều đó đồng nghĩa với việc Campuchia đang đi đúng hướng. Khi chúng tôi đối thoại về điều này, đó là vì tương lai của đất nước này.
Chúng tôi cũng đã giải quyết các vấn đề khác, chẳng hạn địa vị của phe đối lập. Ban đầu, chúng tôi mong muốn một chính phủ bóng, một nội các bóng,[2] nhưng Hun Sen không muốn nó bởi ông ấy lo sợ những sự nổi loạn. Do đó, chúng tôi đã chọn một hệ thống khác. Điều quan trọng với chúng tôi chính là phe đối lập đã có một địa vị. Trước đây nó không được công nhận. Hiện nay, chúng tôi có một Lãnh đạo phe Thiểu số, người có địa vị được ghi nhận trong luật và trong các quy định của Quốc hội.
Tôi có một địa vị với cấp bậc ngang bằng với Thủ tướng. Địa vị này không phải dành cho Sam Rainsy. Tuy nhiên, nó thể hiện sự thừa nhận phe đối lập khi cho phép chúng tôi tham gia vào cuộc đối thoại với chính phủ trên cơ sở bình đẳng. Điều này có tính tượng trưng nhưng nó có nghĩa là sự thể chế hóa phe đối lập và cơ chế đối thoại.
Thời báo Khmer: Nền văn hóa đối thoại này bị những người trong chính hàng ngũ của ông chỉ trích khi họ nói rằng nó cản trở quyền tự do chỉ trích của phe đối lập. Phản ứng của ông về vấn đề này?
Rainsy: Tôi thừa nhận rằng tôi đang phải đối mặt với tình huống này. Nhưng tôi nghĩ, theo thời gian, mọi người sẽ hiểu và tiến lên với tốc độ tương tự. Chúng tôi bị bịt miệng ư? Không. Có một sự khác biệt giữa chỉ trích và lăng mạ. Chúng tôi không sử dụng các từ ngữ bạo lực và không gieo hận thù. Chúng tôi có thể truyền đi các thông điệp của mình theo một cách lịch thiệp, và thông điệp sẽ trở nên tốt hơn. Nội dung sẽ nổi bật hơn nếu thứ chuyển tải nó phù hợp hơn.
Đây là một phần trong tiến trình của sự trưởng thành dân chủ. Với nền văn hóa đối thoại này, chúng tôi mở đường cho dân chủ bén rễ. Việc giết hại, loại bỏ và đe dọa các đối thủ như trước đây sẽ trái với tinh thần đối thoại. Ngoài ra, cuộc đối thoại này không chỉ diễn ra giữa Hun Sen và Sam Rainsy. Nó liên quan tới tất cả các cấp của hai đảng và nó giúp quốc gia thoát khỏi nỗi sợ hãi.
Thời báo Khmer: Ông có nhìn thấy sự chuyển dịch nào trong chính sách của chính phủ hay không?
Rainsy: Còn quá sớm để nói điều gì. Nhưng tôi trông thấy, chẳng hạn, một sự khác biệt đáng chú ý trong vấn đề biên giới. Trước đây, chính sách của Campuchia cấm chúng tôi đến gần các cột mốc phân giới với Việt Nam khi chúng tôi muốn lên án các vấn đề phân giới cắm mốc. Hiện không còn vấn đề này. Trong một cuộc gặp với một quan chức của Ban Chấp hành Trung ương (Đảng Cộng sản Việt Nam), Hun Sen đã yêu cầu các nhà chức trách Việt Nam không gây ra vũ lực chống lại người dân Campuchia.[3] Đó là một hình thức của văn hóa đối thoại kéo dài đến biên giới.
Trong lĩnh vực xã hội, tôi đã đề nghị Thủ tướng rằng chúng ta sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật để điều tiết giá thuê nhà. Trong ngành may mặc, bạn biết là ngay sau khi một quyết định tăng lương được công bố, các chủ nhà trọ liền tăng giá thuê phòng, do đó công nhân không được hưởng lợi từ việc cải thiện tiền lương. Tôi đề nghị giữ nguyên giá thuê trong vòng hai năm kể từ khi ký hợp đồng thuê nhà để chủ nhà trọ không thể đuổi người thuê trọ. CPP và CNRP sẽ cùng soạn thảo tất cả những dự luật này. Theo một cách nào đó, đây sẽ là thành quả đầu tiên của nền văn hóa đối thoại. Tôi cũng sẽ đề xuất một dự luật nữa nhằm hạn chế lãi suất tín dụng nhỏ hiện đang bóp nghẹt nông dân. Chúng tôi sẽ xem liệu CPP có làm theo đề xuất này hay không.
Thời báo Khmer: Luật về tổ chức phi chính phủ (NGO) bị xã hội dân sự phản đối mạnh mẽ. Thái độ của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia sẽ là gì?
Rainsy: Văn hóa đối thoại không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ đồng tình với tất cả các quan điểm của CPP. Chúng tôi có các nguyên tắc và chúng tôi sẽ bảo vệ chúng. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ phản đối dự luật về các tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi phản đối tất cả các sự kiểm soát được đề xuất trong văn bản này, tất cả các quy định cầu kỳ chỉ là những cái cớ để ngăn chặn nhiều điều khác. Chúng tôi sẽ ủng hộ các nhu cầu của xã hội dân sự. Chúng tôi sẽ thảo luận nghiêm túc và cứng rắn với CPP.
Thời báo Khmer: Và ông có nghĩ rằng nền văn hóa đối thoại có thể giúp tìm ra một giải pháp?
Rainsy: Nền văn hóa đối thoại này không phải mà một thứ thuốc chữa bách bệnh và sẽ không giải quyết được mọi vấn đề ngay lập tức. Nó là một tiến trình nhằm giải quyết các vấn đề theo phương thức hòa bình và dân chủ. Văn hóa độc đoán của CPP sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ kiên định lập trường cứng rắn (we will stick to our guns). Cuối cùng, chính người dân sẽ quyết định vào năm 2018. Từ đây tới các cuộc bầu cử tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định về một số nguyên tắc liên quan tới nhân quyền, các quyền tự do cơ bản, sự minh bạch, cuộc chiến chống nạn tham nhũng, nền quản trị tốt, công bằng xã hội và các nguyên tắc bảo vệ lợi ích người dân. Văn hóa đối thoại là một hình thức cam kết loại trừ sự thỏa hiệp (vô nguyên tắc).
———————
[1] Cuộc họp đã diễn ra ngày 20/6/2015. Hun Sen đã được bầu làm chủ tịch đảng để thay cho Chea Sim đã qua đời ngày 8/6. Cuộc họp cũng bầu Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum làm đồng phó chủ tịch đảng (NHĐ).
[2] Chính phủ bóng (shadow government) hay nội các bóng (shadow cabinet) là nội các của phe đối lập, với các vị trí bộ trưởng tương ứng với phe cầm quyền, nhằm giám sát, phản biện và đưa ra các chương trình hành động thay thế khác với các chương trình của chính phủ cầm quyền. Thông thường khi phe đối lập thắng cử, các vị trí trong nội các bóng sẽ được giao nắm các vị trí chính thức trong nội các cầm quyền mới (NHĐ).
[3] Ý Rainsy muốn nói đến cuộc gặp giữa Hunsen và ông Lê Hồng Anh
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mặc dù mái tóc còn đen nhánh, ông Sam Rainsy đã bước sang tuổi 66 vào tháng Ba (năm 2015). Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Khmer tuần này, rõ ràng thủ lĩnh phe đối lập của Campuchia đang trở nên nhẹ nhàng hơn. Không nhất thiết phải là một nhà khoa học chính trị mới có thể nhận ra điều đó khi ông nói: “Khi ngày càng lớn tuổi, bạn trở nên bình tĩnh hơn, bạn suy nghĩ nhiều hơn về dài hạn”.
“Văn hóa đối thoại”, chính sách mới mà ông đang thúc đẩy cùng với Thủ tướng Hunsen 62 tuổi là gì?
Ông nói: “Trước đây, tôi coi họ là kẻ thù; giờ đây, có lẽ tôi xem họ là đối thủ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng coi họ là những “interlocuteur” – một từ tiếng Pháp có nghĩa là “người đối thoại” hoặc “đối tác đối thoại”.
Ngày mai, tại một phiên họp đặc biệt của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, ông Hun Sen sẽ được bầu làm Chủ tịch đảng.[1] Hôm nay, Thời báo Khmer cung cấp cho độc giả những góc nhìn sâu – được dịch từ tiếng Pháp – về những suy nghĩ hiện tại của “đối tác đối thoại” chính của Thủ tướng, ông Rainsy, Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP).
Thời báo Khmer: Nhiều tháng sau các cuộc bầu cử năm 2013, ông vẫn là đối thủ quyết liệt của Thủ tướng Hun Sen. Hiện tại ông đang cùng với ông ấy tham gia vào một tiến trình đối thoại. Để đi đến tiến trình đó, ai trong số hai ông là người đã thay đổi? Ông hay Hun Sen?
Rainsy: Chính là hoàn cảnh chính trị đã thay đổi và điều đó dẫn tới việc các đảng xem xét lại các quan điểm của mình. Các cuộc bầu cử năm 2013 đã thay đổi hoàn toàn bàn cờ chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử Campuchia, qua các cuộc bầu cử này, chúng ta đã có một phe đối lập dân chủ thống nhất. Và như vậy chỉ còn hai lực lượng chính trị trên chính trường. Và khi chỉ còn hai đảng có sức mạnh, họ có thể dễ dàng đối thoại. Chúng tôi đã khiến Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) phải tôn trọng chúng tôi vì chúng tôi mạnh, mạnh hơn nhiều so với trước, ngang bằng với CPP.
Nếu các cuộc bầu cử đã thực sự trung thực và phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân Campuchia, có thể thấy chúng tôi đã nổi lên mạnh mẽ hơn và CPP hiểu điều đó. CPP không còn đủ khả năng để phớt lờ chúng tôi như trước đây và nếu có một vấn đề cần giải quyết, họ sẽ phải đối thoại với chúng tôi và ngược lại. CPP còn tôn trọng chúng tôi là bởi lẽ khi chúng tôi đối thoại với họ, chúng tôi không công kích cá nhân.
Chúng tôi không đòi hỏi bất cứ điều gì cho chính chúng tôi. Để nền văn hóa đối thoại này được thực thi, bạn cần phải chân thành. Bạn không thể cố gắng lái chiếc thuyền của người khác. Mục tiêu của tôi là giúp thiết lập các cơ chế và thể chế dân chủ, những điều còn lại mãi với hậu thế. Điều đó là hợp lý và tôi nghĩ tôi chia sẻ mong muốn này, niềm tin này với những người đối thoại của tôi.
Trước đây, tôi coi họ là kẻ thù; giờ đây, có lẽ tôi xem họ là đối thủ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng coi họ là những “người đối thoại”. Do đó, chúng tôi có thể cùng nhau làm tốt những việc tích cực và mang tính xây dựng vì thế hệ sau. Và tôi nghĩ rằng, nếu bạn nhìn vào tuổi của các nhà lãnh đạo – tuổi tôi và tuổi của Hun Sen – chính điều này khiến chúng tôi thay đổi. Chúng tôi không còn chung tham vọng (về quyền lực – NHĐ) của 20 năm hoặc thậm chí chỉ 10 năm trước. Và khi tôi gặp Hun Sen, chúng tôi thường đề cập tới thế hệ mai sau, di sản mà chúng tôi sẽ để lại. Theo tuổi tác, bạn trở nên bình tĩnh hơn, bạn suy nghĩ nhiều hơn về dài hạn”.
Thời báo Khmer: Những kết quả bước đầu mà nền văn hóa đối thoại mang lại cho ông là gì?
Rainsy: Nền văn hóa đối thoại khiến chúng tôi cùng lo lắng cho lợi ích quốc gia. Ví dụ, chúng tôi nghĩ rằng, cải cách hội đồng bầu cử không chỉ dựa trên các quan điểm lợi ích của CNRP. Nó liên quan tới các cuộc bầu cử trong tương lai, nơi sẽ có các đảng khác, các ứng cử viên khác. Từ khoảnh khắc mà một tiến trình bầu cử trung thực và minh bạch được thực thi, điều đó đồng nghĩa với việc Campuchia đang đi đúng hướng. Khi chúng tôi đối thoại về điều này, đó là vì tương lai của đất nước này.
Chúng tôi cũng đã giải quyết các vấn đề khác, chẳng hạn địa vị của phe đối lập. Ban đầu, chúng tôi mong muốn một chính phủ bóng, một nội các bóng,[2] nhưng Hun Sen không muốn nó bởi ông ấy lo sợ những sự nổi loạn. Do đó, chúng tôi đã chọn một hệ thống khác. Điều quan trọng với chúng tôi chính là phe đối lập đã có một địa vị. Trước đây nó không được công nhận. Hiện nay, chúng tôi có một Lãnh đạo phe Thiểu số, người có địa vị được ghi nhận trong luật và trong các quy định của Quốc hội.
Tôi có một địa vị với cấp bậc ngang bằng với Thủ tướng. Địa vị này không phải dành cho Sam Rainsy. Tuy nhiên, nó thể hiện sự thừa nhận phe đối lập khi cho phép chúng tôi tham gia vào cuộc đối thoại với chính phủ trên cơ sở bình đẳng. Điều này có tính tượng trưng nhưng nó có nghĩa là sự thể chế hóa phe đối lập và cơ chế đối thoại.
Thời báo Khmer: Nền văn hóa đối thoại này bị những người trong chính hàng ngũ của ông chỉ trích khi họ nói rằng nó cản trở quyền tự do chỉ trích của phe đối lập. Phản ứng của ông về vấn đề này?
Rainsy: Tôi thừa nhận rằng tôi đang phải đối mặt với tình huống này. Nhưng tôi nghĩ, theo thời gian, mọi người sẽ hiểu và tiến lên với tốc độ tương tự. Chúng tôi bị bịt miệng ư? Không. Có một sự khác biệt giữa chỉ trích và lăng mạ. Chúng tôi không sử dụng các từ ngữ bạo lực và không gieo hận thù. Chúng tôi có thể truyền đi các thông điệp của mình theo một cách lịch thiệp, và thông điệp sẽ trở nên tốt hơn. Nội dung sẽ nổi bật hơn nếu thứ chuyển tải nó phù hợp hơn.
Đây là một phần trong tiến trình của sự trưởng thành dân chủ. Với nền văn hóa đối thoại này, chúng tôi mở đường cho dân chủ bén rễ. Việc giết hại, loại bỏ và đe dọa các đối thủ như trước đây sẽ trái với tinh thần đối thoại. Ngoài ra, cuộc đối thoại này không chỉ diễn ra giữa Hun Sen và Sam Rainsy. Nó liên quan tới tất cả các cấp của hai đảng và nó giúp quốc gia thoát khỏi nỗi sợ hãi.
Thời báo Khmer: Ông có nhìn thấy sự chuyển dịch nào trong chính sách của chính phủ hay không?
Rainsy: Còn quá sớm để nói điều gì. Nhưng tôi trông thấy, chẳng hạn, một sự khác biệt đáng chú ý trong vấn đề biên giới. Trước đây, chính sách của Campuchia cấm chúng tôi đến gần các cột mốc phân giới với Việt Nam khi chúng tôi muốn lên án các vấn đề phân giới cắm mốc. Hiện không còn vấn đề này. Trong một cuộc gặp với một quan chức của Ban Chấp hành Trung ương (Đảng Cộng sản Việt Nam), Hun Sen đã yêu cầu các nhà chức trách Việt Nam không gây ra vũ lực chống lại người dân Campuchia.[3] Đó là một hình thức của văn hóa đối thoại kéo dài đến biên giới.
Trong lĩnh vực xã hội, tôi đã đề nghị Thủ tướng rằng chúng ta sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật để điều tiết giá thuê nhà. Trong ngành may mặc, bạn biết là ngay sau khi một quyết định tăng lương được công bố, các chủ nhà trọ liền tăng giá thuê phòng, do đó công nhân không được hưởng lợi từ việc cải thiện tiền lương. Tôi đề nghị giữ nguyên giá thuê trong vòng hai năm kể từ khi ký hợp đồng thuê nhà để chủ nhà trọ không thể đuổi người thuê trọ. CPP và CNRP sẽ cùng soạn thảo tất cả những dự luật này. Theo một cách nào đó, đây sẽ là thành quả đầu tiên của nền văn hóa đối thoại. Tôi cũng sẽ đề xuất một dự luật nữa nhằm hạn chế lãi suất tín dụng nhỏ hiện đang bóp nghẹt nông dân. Chúng tôi sẽ xem liệu CPP có làm theo đề xuất này hay không.
Thời báo Khmer: Luật về tổ chức phi chính phủ (NGO) bị xã hội dân sự phản đối mạnh mẽ. Thái độ của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia sẽ là gì?
Rainsy: Văn hóa đối thoại không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ đồng tình với tất cả các quan điểm của CPP. Chúng tôi có các nguyên tắc và chúng tôi sẽ bảo vệ chúng. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ phản đối dự luật về các tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi phản đối tất cả các sự kiểm soát được đề xuất trong văn bản này, tất cả các quy định cầu kỳ chỉ là những cái cớ để ngăn chặn nhiều điều khác. Chúng tôi sẽ ủng hộ các nhu cầu của xã hội dân sự. Chúng tôi sẽ thảo luận nghiêm túc và cứng rắn với CPP.
Thời báo Khmer: Và ông có nghĩ rằng nền văn hóa đối thoại có thể giúp tìm ra một giải pháp?
Rainsy: Nền văn hóa đối thoại này không phải mà một thứ thuốc chữa bách bệnh và sẽ không giải quyết được mọi vấn đề ngay lập tức. Nó là một tiến trình nhằm giải quyết các vấn đề theo phương thức hòa bình và dân chủ. Văn hóa độc đoán của CPP sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ kiên định lập trường cứng rắn (we will stick to our guns). Cuối cùng, chính người dân sẽ quyết định vào năm 2018. Từ đây tới các cuộc bầu cử tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định về một số nguyên tắc liên quan tới nhân quyền, các quyền tự do cơ bản, sự minh bạch, cuộc chiến chống nạn tham nhũng, nền quản trị tốt, công bằng xã hội và các nguyên tắc bảo vệ lợi ích người dân. Văn hóa đối thoại là một hình thức cam kết loại trừ sự thỏa hiệp (vô nguyên tắc).
———————
[1] Cuộc họp đã diễn ra ngày 20/6/2015. Hun Sen đã được bầu làm chủ tịch đảng để thay cho Chea Sim đã qua đời ngày 8/6. Cuộc họp cũng bầu Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum làm đồng phó chủ tịch đảng (NHĐ).
[2] Chính phủ bóng (shadow government) hay nội các bóng (shadow cabinet) là nội các của phe đối lập, với các vị trí bộ trưởng tương ứng với phe cầm quyền, nhằm giám sát, phản biện và đưa ra các chương trình hành động thay thế khác với các chương trình của chính phủ cầm quyền. Thông thường khi phe đối lập thắng cử, các vị trí trong nội các bóng sẽ được giao nắm các vị trí chính thức trong nội các cầm quyền mới (NHĐ).
[3] Ý Rainsy muốn nói đến cuộc gặp giữa Hunsen và ông Lê Hồng Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét