VEPR tính toán, các tổ chức quần chúng công
mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng mỗi năm, ước bằng
1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà
nước khoảng 14.023 tỷ đồng.
>> Tổng Liên đoàn Lao động nói gì về 82 chiếc ô tô dư thừa ?
>> Từ chối “đặc thù” định mức xe công cho Liên đoàn lao động Hà Nội và TP HCM
>> Tổng Liên đoàn lao động dư thừa 82 chiếc xe công
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam” cho biết, tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người.
Nhóm các tổ chức này bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội, còn gọi là đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh), cùng 28 hội đặc thù. Các nhóm tổ chức này, do mang tính quần chúng rộng lớn và có bản chất chính trị gắn với nhà nước, được Nhà nước hỗ trợ toàn phần hay một phần kinh phí hoạt động.
VEPR tính toán, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công dao động trong khoảng 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản tiêu tốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.
Riêng nguồn ngân sách Trung ương dự toán dành cho Trung ương hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và năm tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2014 là trên 1.200 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2006, khoản ngân sách này tăng hơn gấp đôi (từ khoảng 530 tỷ đồng).
Trong đó, bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận được phân bổ ngân sách (dự toán) nhiều nhất trong năm 2014 là Hội Nông dân Việt Nam (hơn 401 tỷ đồng), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (khoảng 360 tỷ đồng), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (hơn 270 tỷ đồng) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (gần 155 tỷ đồng).
Xét theo số ngân sách quyết toán, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức có mức tăng ngân sách nhanh nhất, gấp 4,5 lần trong vòng 6 năm (2006 - 2012), từ khoảng 76 tỷ đồng năm 2006 lên gần 344 tỷ đồng năm 2012 (GDP của Việt Nam trong giai đoạn này tăng gấp 2,3 lần).
Cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chi phí của ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương tăng mạnh trong giai đoạn 2006 - 2014. Cụ thể, nếu khoản ngân sách dành cho nhóm này năm 2004 là 249 tỷ đồng, thì nó đã tăng gần gấp bốn lần và đạt đỉnh vào năm 2010 với 936 tỷ đồng; dự toán đạt hơn 638 tỷ đồng vào năm 2014.
Trong giai đoạn 2006 - 2010, các hội đặc thù nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (80,7 tỷ đồng trong năm 2009), Hội Chữ thập đỏ (51,6 tỷ đồng trong năm 2009), Hội Nhà văn Việt Nam (24,3 tỷ đồng trong năm 2009), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (20,1 tỷ đồng trong năm 2009). Từ năm 2010 trở đi, quyết toán và dự toán ngân sách Nhà nước không ghi cụ thể tên từng hội, tổ chức đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho trung ương hội của các tổ chức quần chúng công trong giai đoạn 2006 - 2014 tăng từ hơn 781 tỷ đồng (2006) lên xấp xỉ 1.900 tỷ đồng (dự toán 2014) chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương trong năm 2014.
VEPR đánh giá, đây là khoản tiền tương đương với mức dự toán chi cho Bộ Kế hoạch Đầu tư (gần 1.900 tỷ đồng), bộ Khoa học Công nghệ (hơn 1.700 tỷ đồng), và Bộ Công Thương (hơn 1.900 tỷ đồng). Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là gần 2.200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VEPR, các tổ chức quần chúng công được phân bổ một lượng ngân sách Nhà nước và hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tuy vậy hiệu quả hoạt động của nhóm tổ chức này vẫn là một dấu hỏi.
Báo cáo đưa ra kiến nghị, cần bãi bỏ chính sách cấp ngân sách hoạt động cho hội đặc thù theo biên chế, chỉ cấp ngân sách Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có). Từng bước đưa các tổ chức này ra khỏi sự bao cấp của ngân sách nhà nước, hoạt động theo cơ chế tự nguyện như những tổ chức xã hội khác.
VEPR cũng đề xuất, cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong Luật về hội nói chung. Bên cạnh đó, cần các tổ chức này công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính trước ban giám sát và công chúng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét