Dân bốn huyện cùng nghe, người sáu làng
cùng thức
Một tiếng hò dô xô con đò dọc
Người trên bờ áo cùng đẫm mồ hôi
Động Tiên Sơn là một hang động nằm trong 29 ngọn của dãy Kim Sơn đã được sách xưa ghi lại.
Sau khi vượt qua động Kim Sơn với bức tranh sơn thủy hữu tình, thuyền rẽ sóng nhẹ lướt qua những hồ sen hoa nở từ hạ sang thu và bạt ngàn những bông hoa súng từ mặt nước nhô lên dập dờn trên sóng như một thảm hoa chào đón mỗi người qua. Khi còn ở trên thuyền ta đã nhận ra động Tiên Sơn với cửa hang cây chen đá. Thuyền trôi chậm lại rồi dừng hẳn, bước lên đi bộ khoảng 6-7 trăm mét là đến động.
Trước cửa động Tiên Sơn từng đám cây thị dại núi đá chen nhau mọc, khoác cho cảnh sắc nơi đây một mầu xanh mướt mắt. Vào mùa quả chín, từng đàn khỉ có đến hàng trăm con kéo nhau ra hái quả, chúng vô tư đùa vui và tranh nhau hái thị không lẫn tránh và sợ sệt trước sự hiện diện của con người. Không chỉ trong mùa qủa, có dịp đến đây vào sáng sớm tinh mơ hay lúc chiều tà bạn sẽ gặp những "Tôn Ngộ Không" treo mình trên vách đá, cành cây, vui đùa với nhau làm cho thiên nhiên thêm sinh động, xua đi cái sắc lạnh của núi đá dựng thành.
Động Tiên Sơn là một phòng điều hòa nhiệt độ khổng lổ, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Sau một chặng đường ngược dốc, leo qua mấy chục bậc thang dựng đứng, lên tới cửa động, nhìn ra xa, cả một vùng nước non thu vào tầm mắt. Kia là động Kim Sơn hồ nước long lanh bao bọc bởi một dãy núi đá nhô lên, núi tiếp núi chạy dài và dầm chân bên dòng sông Mã. Những cánh đồng bát ngát màu xanh của ruộng lúa, nương dâu, bãi mía... làm thanh thản lòng ta trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến mê lòng.
Theo sự hướng dẫn của người dẫn đường, dưới ánh sáng điện, bước vào động, hiện ra trước mắt ta là một cảnh trí hấp dẫn lạ kỳ. Thiên nhiên đã khéo léo bài trí khiến cho con người tới đây có cảm giác như được bay bỗng, trời đất quyện hòa là một như là cõi tiên, cõi Phật.
Một nhũ đá lớn tựa hình Phật Bà Quan Âm khoác trên mình chiếc áo cà sa trắng, cao độ 15 mét, Phật Bà an tọa trên đài sen cũng toàn màu trắng, khuôn mặt nhân từ khiến cho lòng ta thanh thản, ngỡ như lạc vào cõi Niết Bàn. Phía trên tượng Phật là một vòm trời rộng, đầy tinh tú do thạch nhũ của hang động tạo nên với muôn màu sắc, mỗi khi có ánh sáng mạnh chiếu vào thì từ nhũ đá hiện ra màu vàng, da cam, ngọc bích, trắng lung linh, óng ánh... Bước vào khu vực tiếp theo, lòng hang dần mở rộng và có nhiều lối dẫn đi muôn ngả. Chưa hết ngỡ ngàng trước một Quan Âm, ta lại bắt gặp một mâm phật thủ khổng lồ do nhũ đá kết thành dễ đến triệu năm. Phật thủ lớn, bé như có bàn tay tiên bày đặt khéo léo, quả to ở dưới, quả nhỏ ở trên không thể đếm xuể, xen lẫn nào chuối, nào hổng, mùa nào thức ấy thơm nức cõi thần tiên. Khen cho tạo hóa khéo bày đặt mâm ngũ quả cho thỏa ý nguyện của con người để muôn đời nơi động ngọc lễ vật dâng trời, cúng Phật không lúc nào thiếu.
Càng vào sâu, động tiên càng mở rộng tựa hồ cả phía trước là bầu trời cao lồng lộng. Ta choáng ngợp trước không gian kì vĩ. Không gian đó tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ mà những danh họa bậc thầy của dòng tranh này cũng không vẽ nổi trước sự diệu kỳ do tạo hóa tạo tác nên. "Bức tranh" ấy rộng đến hàng ngàn mét vuông với vòm hang cao vời và đáy sâu thăm thẳm. Đứng ở độ cao trung bình của động, trong ánh sáng điện lúc xa, lúc gần phóng tầm mắt xuyên thẳng bóng tối hư hư ảo ảo, trước mắt ta hiện ra cảnh núi sông, thiên nhiên hùng vĩ với muôn hình thù mà trí tưởng tượng của ta tha hồ phóng khoáng. Trong không gian tĩnh mạch, nghe có tiếng voi gầm, ngựa hí, họa mi hót lảnh lót, véo von, nghe như tiếng gió reo, sóng xô, thác đổ ngang trời. Một vùng hang động tựa hồ như sương, như khói...
Dù có đắm đuối, mê say trước bức tranh kỳ thú ấy đến đâu, cửa động rộng mở vẫn xui chân ta bước tiếp, với lòng thôi thúc khám phá ra những điều mà những người giàu trí tưởng tượng nhất vẫn không thể đoán biết trước.
Rồi bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy, rẽ phải và leo lên theo địa hình cao dần của động đá, bắt gặp bầy voi, đúng hơn nên gọi nơi này là "Động Voi", với hàng chục con lớn bé do nhũ đá tạo tác tới mức hoàn hảo. Voi đứng, voi ngồi, con phủ phục, con vươn vòi, con đùa nghịch... với nhiều động thế khác nhau, voi bố, voi mẹ, voi con hết lại thành bầy đàn, có con đứng riêng lẻ... khi đi qua ta có cảm giác như bầy voi thần đang huơ hàng trăm cái vòi xinh xắn đón chào khách tới thăm.
Từ động voi, ta đã nghe tiếng tí tách, thánh thót nhỏ giọt của nước từ nhũ đá trên vòm hang phát ra. Đã đến "Giếng Tiên" rồi đó. Giếng Tiên giống như chiếc vỏ ngao khổng lồ ánh lên muôn mầu sắc lấp lóa, tháng ngày hứng từng giọt nước trong suốt từ những nhũ đá tua tủa rót tràn miệng giếng, dâng nguồn nước thiêng mát lành chảy xuống nhân gian. Nếu không ngần ngại, bạn thử hớp một ngụm, nước mát làm cho ta tươi tỉnh và ngỡ như mình được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới từ Giếng Tiên này.
Cách đó không xa, du khách còn bắt gặp chốn phòng the của các nàng tiên. Những nhũ đá trong suốt, mỏng tang từ vòm hang rỏ xuống từng lớp, từng hàng, uốn lượn tựa hồ như những dải kim sa ánh lên muôn mầu sắc. Tưởng như đưa tay vén bức màn ấy lên ta sẽ gặp nàng tiên đang ngủ. Những tấm voan trắng muốt, xiêm áo còn đây, trâm vàng, vòng ngọc hãy còn để bàn vương vãi, rèm kia còn xao động, đong đưa... tiên nữ như vừa thức giấc, đi đâu đó khiến cho du khách ngẩn ngơ hồn.
Ở động này chính những dải kim sa buông xuống nơi phòng the tiên nữ lại là những thanh "đàn trời" làm bằng đá, mỗi khi ai đó vô tình chạm phải hoặc dùng vật gì đó gõ nhẹ, lập tức những âm thanh phát ra với nhiều cung bậc bổng trầm, du dương lúc gần, lúc xa tựa như bản hòa tấu nhã nhạc của chốn thiên đình.
Từ cõi trời, lần theo chiếc thang dài 12m, người hướng dẫn đưa ta đến một khu vực khác, nằm ở độ sâu so với cửa hang đến 20m, đó là động Thủy Cung. Động này rất rộng, càng đi xuống càng sâu thăm thẳm. Nơi đây có Thác Bạc lung linh, huyền ảo do nhũ đá tạo nên. Từ kẽ đá, nước tuôn trào sôi sục rồi êm ả, lặng lờ đổ vào các bổn tắm, chậu tắm do kết cấu của hang động hình thành. Những bồn tắm đó được thiên nhiên chạm khắc tinh xảo và tưởng như được đính những viên ngọc châu hoặc như nam bạc khiến ta liên tưởng tới bể tắm nước nóng, phòng xông hơi dành cho vua Thủy Tề và các quần thần ngự cõi Thủy Cung. Vẫn còn đây chiếc lọng lớn đường kính rộng 8 – 10 m được dát vàng bạc và kim tuyến óng ánh, những người hầu đợi cho vua tắm xong sẽ lập tức lên đường kinh lý đại dương, nơi có những lâu đài ốc và rừng san hô với đủ sắc mầu hiển hiện quanh đây. Dưới tán lọng khổng lồ là các quần thần như Ba Ba, Thuồng Luồng, Tôm Hùm, Cá Sấu... tiền hô, hậu ủng cùng đức Long Vương đang rẽ nước tiến vào biển cả mênh mông. Trên vòm trần của chốn Thủy Cung vẫn còn hằn lên gợn sóng của thủy triều lúc cuồn cuộn xô bờ, lúc hiền hòa êm ái. Những nhủ thạch với muôn hình, nghìn vẻ, lúc thì như áng mây trôi, khi mang hình vạn vật với các tư thế hoạt động vui đùa... làm cho chốn Long Cung trở nên sống động.
Từ Long Cung ngược trở lại quãng đường cũ rồi rẽ theo một lối đi khác men theo vách đá và vượt qua cái thang có độ cao hơn 10m, ta gặp một cây Bồ Đe bằng đá hoa cương mầu trắng tươi tốt, xum xuê. Dưới gốc cây là những tượng đá mang hình voi chầu, hổ phục, phượng múa, rồng bay và nhiều loại vật khác trên trời, dưới đất... tất thảy đều tụ họp về đây. Cách cây bồ đề 15m về phía Bắc là một quần thể các loài vật của chốn Đại Dương xanh. Đó là những con cá voi khổng lổ bay là là mặt nước, những con rùa biển khổng lồ nằm lim dim bên bờ cát trắng, từng bầy hải cẩu đùa nhau bên ghềnh đá, những con gấu biển bằng thạch nhũ trắng toát ngỡ như những tảng băng trôi. Ngước mắt nhìn lên gặp Phật Tổ Như Lai ung dung, tự tại ngồi thiền trên đài sen được thiên nhiên kiến tạo bởi một khối đá hoa cương màu hồng đổ sộ, cao chừng 9m, với đường kính 5 m. Vẻ thư thái, toát lên sự nhân từ, khoan dung, độ lương sẵn sàng cứu nhân, độ thế, đem đến cho chúng sinh sự bình yên, hạnh phúc.
Cách đó không xa, nơi Đức Phật từ bi an tọa, có dòng thác vàng tuôn chảy tưởng như không bao giờ cạn, dòng thác ấy ánh lên màu đỏ xen hồng lấp lánh tựa như vàng ròng từ cõi trời tuôn chảy thành thác, đem hạnh phúc, ấm no thỏa lòng mong ước của con người sống trên cõi trần gian.
Động Tiên Sơn còn mở ra muôn ngả, lên thiên cung, xuống địa giới…mà ta không đủ thời gian và phương tiện, thiết bị để khám phá hết. Song những gì tận mắt thấy cũng đã khiến du khách mẩn mê lòng trước vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên.
Tạm xa cõi tiên, trở ra cửa động, bóng chiều chậm chậm buông. Sau một ngày thăm động, ra về lòng như rũ sạch bụi trần, bâng khuâng lưu luyến trước cảnh thiên thai như mơ như thực.
Tiên Sơn là hang động đẹp cùng với 12 hang động trong dãy Kim Sơn làm cho Vĩnh Lộc đã nổi tiếng là vùng đất có nhiều danh thắng đẹp, giờ đây lai càng thêm nổi tiếng, hấp đẫn du khách. Ở Tiên Sơn, chúng ta còn bắt gặp những vết tích bãi gò, hang động in dấu Nhà Hồ dự định chọn đất này để xây dựng kinh đô của nhà nước phong kiến Đại Ngu. Còn hiển hiện nơi đây xưởng quân giới, chế tạo vũ khí thời chống Pháp, chống Mỹ, nơi có mỏ phốt pho mà người Pháp còn khai thác dở dang…Tiên Sơn - động tiên nằm trong hệ thống quần thể sơn - địa- giang kỳ thú.
Đến Vĩnh Lộc hôm nay không chỉ được thưởng ngọn những thắng cảnh đẹp với hệ thống hang động kỳ ảo, mà còn được thăm khu di tích khảo cổ Đa Bút, Cồn Hến…công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ có một không hai trên đất nước Việt Nam, đó là Thành Nhà Hồ, được ngắm nhìn những ngôi chùa và hàng trăm bức tượng, đồ thờ cổ bằng đá, bằng gỗ tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao như: Chùa Hoa Long, Du Anh, Chùa Thông, khu tượng đá Đa Bút, các con giống ở Nghè Vẹt, những văn bia với nét chữ tài hoa, rồng bay, phượng múa… Thăm làng văn Đông Biện, Bồng Báo, ngắm núi Tiến Sỹ, Tống Duy Tân…khiến du khách quyến luyến không muốn rời xa.
Đến những sản vật của miền đất này cũng trở nên nổi tiếng. Vùng đất Vĩnh An - Tiên Sơn có đặc sản cá chép vảy nàng, củ ấu, ốc nhồi, dê núi cùng với sâm báo, chè lam Phủ Quảng, bánh răng bừa…làm nên văn hóa ẩm thực của miền quê Vĩnh Lộc không trộn lẫn vào đâu được. Những đặc sản văn hóa ẩm thực ấy như giục, như mời khách muôn phương đến để không chỉ hiểu biết, trân trọng, tự hào với miền đất địa linh, nhân kiệt nổi tiếng này mà còn được thưởng thức những đặc sản quý hiếm không kém bất cứ nơi nào.
Tiên Sơn - cõi Tiên, cõi Phật chốn trần gian, bài viết này chưa thể nói hết một cách đầy đủ. Hãy đến Tioên Sơn, động Tiên, cửa Phật đang rộng mở chào đón bạn./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét