Ngày
01/06/2015 là ngày thứ hai đầu tuần, một số công sở của chính quyền trú đóng tại Hà Nội đã bắt đầu yêu cầu người dự chào cờ phải hát quốc ca thay vì chỉ nghe nhạc hiệu Quốc ca như mọi khi … Theo đó, thì những ca từ của bài Quốc ca đã được cất tiếng :
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta vững bền
Nguyên thủy, ca từ trên có nguồn gốc từ bài Tiến Quân Ca của nhạc sỹ Văn Cao viết từ năm 1944, khi ấy, toàn nhân loại đang chìm đắm trong những thờikhắc vô cùng khốc liệt, đẫm máu của cuộc chiến tranh thế giới lần II (1939-1945), mà theo dòng lịch sử, thì đây cũng là thời khắc đã xảy ra nhiều biến động chính trị, xã hội lớn ở Việt Nam, đỉnh điểm, là sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, cáo chung nền quân chủ đã từng tồn tại gần hết chiều dài lịch sử lập quốc ở Việt Nam, để từ đó khai sinh một nền cộng hòa mới mẻ.
Chỉ hai năm sau khi nhạc sỹ Văn Cao sáng tác Tiến Quân Ca, thì năm 1946, bài Tiến Quân Ca đã được chính thức trở thành Quốc Ca cho Việt Nam sau khi được điều chỉnh vài điểm cho phù hợp.
Bài
Quốc Ca có giai điệu trầm hùng, bi tráng, thể hiện thái độ sắt máu,
quyết liệt đối với quân thù, tạo cảm xúc giục giả, thôi thúc mọi người vươn lên, xốc đến … chiến tranh !
Nhưng chiến tranh đã là lịch sử sau nhiều thập kỷ. Trong thời bình, chúng ta có cần một Quốc Ca chiến tranh nữa hay không ?
“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”,
ngay từ lời ca từ đầu tiên, trong thời bình, thì cứu cánh của Quốc Ca đã chệch hướng và chệch đối tượng, vì “cứu quốc” đã không còn là cứu cánh của một quốc gia độc lập, và người dân chứ không phải “đoàn quân” mới là đối tượng chính của một quốc gia đang kiến quốc trong thời bình !
“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”,
lá cờ đỏ thắm của phe chiến thắng được tô son bằng máu là điều mà khi người cộng sản giành được chính quyền vào năm 1945 đã xác định rằng phải giữ sự chuyên chính đó bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng sinh mạng, bằng máu của … con dân Việt ! Thái độ sắt máu, quyết liệt rất rõ ràng từ ca từ bài Quốc Ca và điều đó cũng sẽ vẫn được duy trì trong thời bình bằng Hiến pháp 2013 khi vẫn công nhận Tiến Quân Ca là Quốc Ca.
“Đường vinh quang xây xác quân thù”
có thể đã là quan điểm phù hợp với thời chiến ! Nay trong thời bình
thì "xác quân thù" là chỉ thế lực nào ? Có phải là giặc lạ đang chễm chệ trong lãnh thổ, lãnh hải mà hàng ngày chúng ta còn không dám gọi đúng tên ? Giờ đã là 40 năm sau các cuộc chiến, trong thời bình, tại sao công dân Việt vẫn phải cất lời hát “Đường vinh quang (vẫn phải) xây (bằng) xác quân thù” một cách sắt máu và bạo tàn của tâm thế thời chiến ? Mà không là “đường vinh quang xây bằng những thành tựu về giáo dục ? về nhân phẩm ? về kinh tế ? hoặc bằng những sáng chế, phát minh khoa học cống hiến cho xứ sở, cho nhân loại ?”.
Và “Đường vinh quang” có còn vinh quang không khi mà “xác quân thù” không chỉ là ngoại nhân mà còn là hàng triệu triệu con dân Việt cùng dòng máu đỏ da vàng, cùng giòng giống Lạc Hồng đã mất mạng trong các cuộc chiến mệnh danh vinh quang ???
Và sẽ còn kinh sợ hơn khi ta biết từ nguyên thủy Tiến Quân Ca đã từng có lời ca từ "Thề phanh thây uống máu quân thù" trước khi được thay thế bằng “Đường vinh quang xây xác quân thù” như trong Quốc Ca hiện nay !!! Tác giả của những nhạc phẩm cực kỳ lãng mạn của "Bến Xuân", "Suối Mơ", "Thiên Thai" hay "Trương Chi" với ca từ "Bên rừng thu vắng, giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. Ngày chưa đi sao gió vương ? Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương ... trong Suối Mơ" hay"Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên ... trong
Thiên Thai" … đôi khi cũng sáng tác những ca từ thật sự "khác biệt" !
Hơnnữa, Quốc ca không chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức của chính quyền hát khi suy tôn quốc kỳ, mà là toàn thể dân chúng, bắt đầu từ các cháu học sinh ! Một Quốc Ca sắt máu của chiến tranh như chúng ta đang có sẽ chuyển thông điệp gì cho chúng ? Sẽ giáo dục điều gì cho chúng bên cạnh sự bạo lực hung tàn ?
“Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”,
lời ca từ như ứng với số phận dân tộc Việt là lịch sử được viết từ
những cuộc chiến đẫm máu liên miên trong suốt chiều dài lịch sử, từ những ngày lập nước, giữ nước đến mở mang bờ cõi xuống phía Nam, và tất nhiên, không thể thiếu cuộc chiến khốc liệt nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn của thế kỷ trước …
Như thế, Quốc ca có 10 câu hát thì đã có đến 8 câu hát đều mang nội dung, ý nghĩa cổ võ cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỷ 20 mà Việt Nam đã trải qua, đã để lại sau lưng cho lịch sử suốt từ nhiều thập kỷ qua ! "Cuộc chiến" trong Quốc Ca không dính gì đến “cuộc chiến” với nghèo nàn, lạc hậu, yếu đuối, tham nhũng, bất tín, bất công … là những "quân thù" mà xứ sở này đang phải vất vả đương đầu !
Rõ ràng, nội dung Quốc Ca với nguyên thủy từ nhạc phẩm Tiến Quân Ca do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác trong những năm tháng chiến tranh từ những thập kỷ 40 của thế kỷ trước đã trở nên quá lạc điệu, không còn thích hợp trong bối cảnh kiến quốc thời bình của xứ sở … Trước nay, ít người nhận biết ra vì thói quen chào cờ bằng tiếng nhạc hiệu, hôm nay, khi phải cất tiếng và nghe lại ca từ của bài hát, chắc không ít người đã phải ngạc nhiên !
Yêu cầu công dân phải hát quốc ca thay cho nghe nhạc hiệu quốc ca trong giờ suy tôn quốc kỳ là đúng đắn, nhưng với ca từ sắt máu, bạo tàn được sáng tác trong thời chiến nay được phục hồi và cất lên vô tình trùng vào đúng ngày đại lễ Phật Đản của Phật Giáo vốn là tín ngưỡng cổ súy cho nhân sinh quan từ bi, hỷ xả thì bổng trở nên lạc điệu một cách oái ăm, vừa bi lại vừa hài !
Một quốc ca như thế, bạn thử nghĩ, có cần thiết phải duy trì nữa không ?
Manh Dang
-----------------
* Xem thêm tại đây : https://www.facebook.com/manhdang001/notes
0 nhận xét:
Đăng nhận xét