Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016
Chính sách tiền tệ và Chính sách tài khoá là hai công cụ quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng
09:33
Hoàng Phong Nhã
No comments
Chính sách
tiền tệ và Chính sách tài khoá là hai công cụ quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng,
mỗi chính sách có mục tiêu riêng nhưng cùng theo đuổi mục tiêu chung là tăng
trưởng kinh tế bền vững và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính
sách tiền tệ là công cụ của Ngân hàng Trung ương để điều tiết quá trình cung
ứng tiền, lãi suât và tín dụng, kết quả là chi phối dòng chu chuyển tiền và
khối lượng tiền để đạt mục tiêu chính sách đề ra. Thực tế những năm gần đây,
quá trình toàn cầu hoá đã đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải nghiên cứu
những điểm mới của chính sách tiền tệ, thực hiện việc điều hành chính sách tiền
tệ một cách linh hoạt hơn, nhất là quan hệ với tỷ giá và cải cách tài chính
nhằm duy trì ổn định tỷ giá. Hơn nữa, gần đây sự phát triển của khủng hoảng nhà
ở và đổ vỡ của nhiều ngân hàng tại Mỹ đã cho thấy rủi ro lan truyền rất
nhanh. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ phải linh hoạt nhằm thích ứng với những
thay đổi về cơ cấu kinh tế và thực tế toàn cầu hoá thị trường tài chính.
Bắt đầu đi
vào hoạt động từ ngày 10/12/1942, vai trò, trách nhiệm và chức năng của BOT đã
được quy định cụ thể tại Bộ Luật Ngân hàng Trung ương B.E.2485 và được sửa đổi
tại Bộ Luật B.E.2008. Kể từ tháng 5 năm 2000, BOT đã áp dụng linh hoạt cơ chế
điều hành chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu. Định kỳ hàng năm, BOT
đưa ra mức lạm phát mục tiêu cụ thể và công bố ra công chúng. Lãi suất chính
sách được coi là công cụ hàng đầu trong việc điều hành chính sách tiền tệ của
BOT và luôn được công bố rõ ràng với vai trò là tín hiệu của chính sách và công
cụ định hướng thị trường.
Theo cơ
chế này, nhiệm vụ chủ yếu và mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là
ổn định giá cả, tức là kiềm chế lạm phát ở mức thấp và ổn định, việc hỗ trợ
tăng trưởng kinh tế chỉ là mục tiêu thứ yếu, không phải là nhiệm vụ và mục tiêu
trọng tâm của BOT. Các nội dụng này được ghi rõ trong Luật của BOT B.E.2485.
Mục tiêu
quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát
Xuất phát
từ quan điểm về vai trò của chính sách tiền tệ trong quản lý kinh tế vĩ mô, BOT
đã xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, kiềm chế lạm
phát mặc dù chính sách tiền tệ có thể được dùng để kích thích tăng trưởng kinh
tế trong ngắn hạn nhằm khắc phục những khó khăn tạm thời (ví dụ như giảm lãi
suất để giúp phục hồi kinh tế trong thời kỳ suy thoái kinh tế), nhưng chính
sách tiền tệ không thể trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn (nếu lãi
suất chính sách giảm không có nghĩa là sẽ mang lại tăng trưởng tốt hơn trong dài
hạn); chính sách tiền tệ chỉ có thể hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững trong dài
hạn thông qua việc duy trì sự ổn định về giá. Việc ổn định giá cả, tức là kiềm
chế lạm phát ở mức thấp và ổn định sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền
kinh tế ra các quyết định chi tiêu, tiêu dùng chính xác và lập các kế hoạch đầu
tư dài hạn.
Chính phủ
và công chúng cũng kỳ vọng BOT có những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ
thoát ly khỏi mục tiêu ổn định giá cả nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy
nhiên, BOT cho biết, trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, mục tiêu
quan trọng nhất của BOT là ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, với lý do các
công cụ điều hành chính sách tiền tệ của BOT chỉ có tác động đến tăng trưởng
trong ngắn hạn và tạo ra bước đệm chống đỡ các cú sốc còn việc ổn định giá cả
có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.
Đơn vị
chịu trách nhiệm ra quyết định về chính sách tiền tệ: Hội đồng chính sách tiền tệ (MPC) chịu trách nhiệm và
có quyền đưa ra quyết định về mức lạm phát mục tiêu, lãi suất, tỷ giá, giám sát
sự ổn định của các tổ chức tài chính.
Mức lạm
phát mục tiêu: Từ năm 2000 đến năm 2008, mức lạm
phát mục tiêu mà BOT đề ra là tốc độ tăng trưởng bình quân theo quý của lạm
phát cơ bản phải được giữ trong khoảng từ 0 – 3,5%. Tuy nhiên, kể từ năm 2009,
BOT đã điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên mức 0,5 – 3% nhằm tránh nguy cơ giảm
phát, đồng thời thu hẹp khoảng dao động của mục tiêu.
Về cách
tính lạm phát cơ bản: Lạm phát
cơ bản được BOT tính toán dựa trên giá của một số hàng hoá và dịch vụ trong rổ
CPI nhưng không bao gồm lương thực, thực phẩm thô tươi (ví dụ như gạo và các
sản phẩm ngũ cốc, thịt, gia cầm và cá, rau và hoa quả, các sản phẩm sữa và
trứng) và một số mặt hàng năng lượng (Benzene và diesel, ga đun nấu và điện,…) bởi
vì giá cả của những mặt hàng này rất dễ biến động trong ngắn hạn và sự biến
động đó vượt ngoài tầm kiểm soát của BOT.
Công cụ
chính sách: Công cụ chính sách mà BOT sử dụng để
điều tiết lạm phát, ổn định giá cả là lãi suất mua lại song phương 1 ngày còn gọi
là lãi suất chính sách. Lãi suất chính sách được sử dụng nhằm đưa ra một tín
hiệu chính sách tiền tệ rõ ràng, minh bạch, đồng thời cung cấp khuôn khổ cho
một cơ chế truyền dẫn hiệu quả hơn. Sau khi ra quyết định lãi suất chính sách,
trong cùng ngày, BOT sẽ dùng các nghiệp vụ thị trường mở để đưa lãi suất chính
sách về mức mong muốn, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ ở mức nhất
quán với lãi suất chính sách.
Về cơ chế
truyền dẫn và độ trễ của chính sách tiền tệ: Sự thay đổi về lãi suất chính sách
hoặc lượng tiền cung ứng sẽ ảnh hưởng đến 5 kênh truyền dẫn: Lãi
suất thị trường, tín dụng ngân hàng, giá tài sản, tỷ giá và kỳ vọng; từ đó làm
thay đổi tổng cầu trong và ngoài nước đối với hàng hoá và dịch vụ của Thái Lan,
ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong nước và từ đó tác động đến lạm phát.
Theo ước
tính của BOT, đối với Thái Lan, phải mất từ 4-8 quý chính sách tiền tệ mới phát
huy tác dụng đầy đủ lên nền kinh tế (do độ trễ chính sách tiền tệ). Do đó, việc
hoạch định chính sách tiền tệ cần phải có khả năng đi trước, đón đầu, dự báo
cao về triển vọng của nền kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ trong thời
gian tới.
Các điều
kiện then chốt để có thể áp dụng chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu
(theo đánh giá của BOT)
(i)
Theo dõi, giám sát chặt chẽ các điều kiện kinh tế trong nước, cũng như nền kinh
tế lớn và các nước trong khu vực. Mặt bằng giá cả trong nước phải có xu hướng
ổn định cao, nếu một nước có tình trạng lạm phát cao xảy ra thường xuyên thì
không áp dụng được;
(ii) Năng
lực nghiên cứu chuyên sâu ở trình độ cao, nhạy bén trong việc nhìn nhận về
tương lai thông qua các dự báo về kinh tế;
(iii) Đánh
giá các rủi ro, nguy cơ mất ổn định và kiến nghị các biện pháp chính sách với
MPC;
(iv) Công
bố số liệu và thông tin, chính sách thường xuyên, minh bạch, rõ ràng, kịp thời,
chính xác, nhất quán ra công chúng nhằm phát ra những tín hiệu rõ ràng về định
hướng chính sách và neo kỳ vọng lạm phát;
(v) Ngân
hàng Trung ương phải có trách nhiệm giải trình cao, có uy tín, tín nhiệm rất
cao đối với công chúng, có như vậy mới góp phần neo được kỳ vọng về lạm phát
của dân chúng. Chính sách phải dễ hiểu, rõ ràng, nhất quán, đáng tin cậy, đạt
được sự đồng thuận cao. Sự minh bạch của quá trình ra quyết định và trách nhiệm
giải trình về chính sách giúp gây dựng và củng cố uy tín và tín nhiệm của Ngân
hàng Trung ương.
Trong
trường hợp không đạt được mục tiêu lạm phát (mức lạm phát thực tế cao hoặc thấp
hơn so với mục tiêu), BOT cần phải đưa ra sự giải thích rõ ràng về lý do.
(vi) Chú
trọng công tác dự báo, có các mô hình dự báo và năng lực dự báo phát triển cao;
(vii) Ngân
hàng Trung ương phải độc lập với Chính phủ vì mục tiêu của Chính phủ là thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi đó mục tiêu chính của Ngân hàng Trung ương là
ổn định giá để kiềm chế lạm phát;
(viii)
Theo đuổi chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu tập trung chủ yếu vào
nhiệm vụ giữ ổn định giá cả, chống đầu cơ trong nước do vậy Ngân hàng Trung
ương phải bỏ qua một số mục tiêu khác như cố định tỷ giá
Có thể
nói, để thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia là “ổn định giá trị
đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát”, BOT đã thực hiện nghiêm túc và coi
đó mục tiêu quan trọng không thể tự ý thay đổi trong việc thực hiện chính sách
tiền tệ của mình. Đây có thể đựơc coi là một kinh nghiệm đối với Việt Nam trong
việc thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, từ việc thực
hiện khuôn khổ chính sách tiền tệ của BOT, Việt Nam cần cũng cần xem xét học
tập nhằm nâng cao tính độc lập tương đối cho Ngân hàng Trung ương, tách bạch rõ
vai trò, các giải pháp cũng như tác động của chính sách tiền tệ và chính sách
tài khoá đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở đó, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính
sách tài khoá, chính sách thương mại và đầu tư đến mục tiêu tổng thể là ổn định
kinh tế vĩ mô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét