Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Lịch sử bài học ISRAEL Phần I - DÂN TỘC DO THÁI

Chương 1 (A) Một xứ nhỏ xíu mà Kinh đô chia hai Sự thành lập quốc gia Israel quả lả một phép màu. Một dân tộc mất tổ quốc đã hai ngàn năm, phiêu bạt khắp thế giới, ăn nhờ ở đậu các dân tộc khác, tới đâu cũng bị hất hủi, nghi kỵ, chịu đủ những cảnh thảm nhục, tàn sát không sao tưởng tượng nổi; chính vì chịu những cảnh thảm nhục tàn sát dó mà trong sáu bảy chục thế hệ, bất kỳ ở đâu vẫn giữ được truyền thống tôn giảo, vẫn hướng về quê hương, sau cùng chỉ có một nhúm người, độ nửa triệu, mà anh dũng chống mấy chục triệu dân Ả Rập, chống cả với đế quốc Anh, lập lại được một quốc gia trên mảnh đất của tổ tiên và hai chục năm sau, quốc gia đó chẳng những hai lần củng cố được nền độc lập, mà còn thêm hùng cường, tân tiến, làm cho khắp thế giới phải ngạc nhiên, các nước Á Phi phải noi gương, muốn rút kinh nghiệm của họ trong sự chiến đấu với ngoại bang, nhất là với thiên nhiên.
Quốc gia đó - Israel - nằm trên bờ Địa Trung Hải, phía Bắc giáp Liban và Syrie, phía Đông giáp Jordanie, phía Tây Nam giáp Ai-cập, tóm lại là ba phía giáp các xứ Ả Rập, còn một phía là biển. Tuy phía cực Nam Israel thông với Hồng Hải, nhưng chỉ có một bờ biển độ mười cây số, bị ép giữa hai xứ Ai cập và Jordanie. Nhìn trên bản đồ, ta thấy Israel giống một lưỡi dao mũi nhọn chĩa xuống phía Nam, mẻ một miếng rất lớn ở giữa.
Diện tích được non 21.000 cây số vuông, nghĩa là chỉ lớn hơn diện tích chung ba tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên và An Xuyên của ta một chút. Dân số hồi mới lập quốc (năm 1948) được hơn một triệu người, một nửa là Do Thái, một nửa là Ả Rập, hiện nay con số đã lên tới 2.7000.000 mà chín phần mười là Do Thái từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về nói đủ các thứ tiếng, thuộc đủ các nền văn minh.
Tuy đất hẹp như vậy mà có nhiều miền khí hậu khác nhau, y như một lục địa con con vậy. Có đồi núi, cánh đồng, bờ biển và cả sa mạc nữa. Ở bờ biển khí hậu điều hoà, tương đối mát mẻ; ở trên núi phía Bắc, miền thượng Galilée, thời tiết rất lạnh; trong các thung lũng như thung lũng Jourdain, trời rất nóng; nóng nhất là trên sa mạc Neguev ở phía Nam.
Ở phía Bắc, là miền Galilée, đẹp nhất, phì nhiêu, trên là rừng núi, dưới thấp là thung lũng vả đầm lầy. Nhờ công việc tháo nước úng trong mười lăm năm nà mà xóm làng đông đúc. Châu thành lớn nhất là Haifa nằm trên bờ Địa Trung Hải, vừa là một hải cảng, vừa là một thành phố đại kỹ nghệ.
Ở miền Trung, dọc theo bờ biển là hai cánh đồng Chaon và Chefela (1). Trước khi quốc gia Israel thành lập, miền nầy nghèo vì đất bị nước mưa xối hết màu mỡ, hiện nay phát triển rất mạnh, diện tích chỉ bằng 17% diện tích toàn xứ mà dân số trên một triệu, hơn một phần ba dân số toàn xứ. Dải đất đó dải trên trăm cây số, rộng trung bình ba chục cây số trồng đủ các thứ cam, quít, chanh, bưởi. Thứ cam Jaffa (một tỉnh ở bờ biển, sát Tel Aviv) ngon nổi tiếng nhất, xuất cảng rất nhiều: Tới mùa thu, vườn cam trổ bông trắng, hương thơm ngào ngạt khắp đường phố châu thành Tel Aviv. Ở đây tụ tập các người Do Thái ở khắp thế giới; từ Do Thái Nga, Pháp, Đức tới Do Thái Yemen, Mã-lai, Trung-hoa, Chili… đủ các khuôn mặt, đủ các màu da, đủ các ngôn ngữ. Có kẻ đã tính ra được trên bảy chục giống người trà trộn nhau trong cái “nồi nấu kim thuộc” lạ lùng của thế giới đó.
Tel Aviv là châu thành lớn nhất, đông đúc nhất và có những kiến trúc mới mẻ nhất của Israel. Nó là thành “Paris của Tây Á” (2). Khắp thế giới không ở đâu người ta thấy nhiều báo như ở đây: 22 tờ nhật báo, 75 tờ tuần báo, 125 tờ bán nguyệt san, chưa kể hàng trăm tạp chí khác nữa tại một châu thành khoảng 400 ngàn người, cho một dân số 2.700.000 người! Những tờ báo đó xuất bản bằng mười hai thứ tiếng: già nửa bằng tiếng Hebreu (tiếng Do Thái cổ), còn thì bằng tiếng Anh, Pháp Đức, Tây Ban Nha, Ả Rập.
Phía Nam là miền Neguev, một sa mạc hình tam giác mà đỉnh cực nam nằm trên bờ Hồng Hải, đỉnh phía tây nằm trên Địa Trung Hải, đỉnh phía đông, trên bờ biển Từ Hải (Mer Morte). Toàn là những đồi khô cháy nứt nẻ. Ở trên cao nhìn xuống thấy lòi lõm như trên mặt trăng. Diện tích bằng già nửa diện tích toàn cõi Israel mà tới đầu thế chiến vừa rồi hoàn toàn hoang vu.
Từ khi quốc gia Israel thành lập, dân số tăng lên rất mau mà đất đai thì chật hẹp, nên chính phủ phải tìm cách khai phá miền sa mạc đó - một là để đủ nuôi dân - hai là để củng cố quốc phòng, không để một khoảnh đất rộng nào không có người ở mà kẻ thù luôn luôn rình ở chung quanh, có thể len lỏi vào được. Nghiên cứu kỹ đất đai, người ta thấy rằng dưới lớp cát khô cháy, có một lớp hoàng thổ (loess) rất phì nhiêu, y như ở lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Hoa; đào sâu hơn nữa, người ta tìm ra được mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ phốt phát, mỏ man-gan và cả mỏ dầu lửa, tuy không lấy gì làm phong phú (mỏ dầu lửa chỉ đủ cung cấp một phần hai mươi nhu cầu của Israel) nhưng cũng tạo được công việc làm ăn cho một số người, tiết kiệm được một số ngoại tệ. Thế là những người Do Thái mới hồi hương ùa nhau tới đó để khai phá, y như thế kỷ trước, người Mỹ ùa nhau qua miền Viễn Tây đi tìm vàng.
Người ta lập các đồn điền, đào vô số giếng và những con kinh dẫn nước từ phương Bắc xuống, dựng các nhà máy có những khí cụ tối tân để khai thác những nguồn lợi ở sâu dưới đất, nhất là những khoáng chất rút từ nước biển Tử Hải. Và người ta còn hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều mỏ nữa.
Chú thích:
1.Có sách viết là Sarin và Séphala
2. Chúng tôi dùng tiếng Tây Á để thay tiếng Cận Đông (Proche Orient) của người Pháp, Tây Á đối với Đông Á, cũng như Cận Đông đối với Viễn Đông. Người Âu dùng «cận»và «viễn» là phải; chúng ta nên dùng Tây Á và Đông Á cho rõ nghĩa hơn

Lịch sử Bài học Israel Chương 1 (B) Thánh địa Jerusalem

Nhìn trên bản đồ, độc giả đã nhận thấy cánh đồng Chefela có một thẻo đất như một mũi nhọn đâm qua phía Đông vào xứ Jordanie tới Jérusalem thì ngừng. Chính Jérusalem chứ không phải Tel Aviv mới là kinh đô của Israël, một kinh đô kỳ dị, nằm trên biên giới của hai quốc gia thù nghịch nhau: Israël và Jordanie.
Kinh đô đó chỉ chiếm nửa châu thành, vì Jérusalem cắt ra làm hai khu: Khu cổ gồm các thánh địa (Lieux Saints) thuộc về Jordanie; khu tân thời gồm nhà ga, các khách sạn, trung tâm thương mại thuộc về Israel (Jérusalem như lạc lõng giữa một miền hoang vu bi thảm vì ra khỏi châu thành ít cây số chỉ thấy toàn những đồi trọc xám xịt như là tro trộn với cứt sắt: không có một bụi cây một đám cỏ. Ở phía đông là Tử Hải, một biển đã chết, mà nước rất mặn, rất nặng, không sinh vật nào sống nổi… Biển bốn bề là lục địa, chỉ thông với hồ Tibériade ở phương bắc nhờ con sông lịch sử Jourdain. Có người đã coi cái hồ mênh mông này (dài hơn 20 cây số rộng 15 cây số) như một tử hải nữa, và bảo Palestine là xứ có bốn biển: hai sinh hải: Địa Trung Hải, Hồng Hải: hai tử hải: hồ Tibériade và Tử Hải.
Trên bờ Tử Hải còn lại di tích những châu thành cổ Sodome và Gomorrhe mà theo truyền thuyết đã bị Javé (Thượng đế) nổi giận, tàn phá bằng diêm sinh và lửa (nghĩa là cho hoả diệm sơn phun lửa) để tận diệt bọn dân quá truỵ lạc trong thành. Cũng ở gần biển đó mặt đất hõm xuống, thành một nơi thấp nhất thế giới “394 mét dưới mặt biển”. Nhưng miền Jérusalem còn là một miền có tính cách thiêng liêng nhất thế giới. Một thánh địa tại đó ba tôn giáo lớn của nhân loại đã gặp nhau: đạo Do Thái, đạo Ki-tô và đạo Hồi. Tại đó Chúa Javé của Do Thái đã hiện lên để giao ước với dân tộc Do Thái; tại đó Chúa Ki-tô đã bị đóng đinh trên thánh giá: và cũng tại đó Giáo chủ Mahomet đạo Hồi đã lại hành hương. Trải qua bao thế kỷ, tín đồ của ba tôn giáo cùng một gốc mà thù nghịch nhau để giành nhau chiếm trọn Thánh địa về mình. Cho nên khu đất rất hẹp từ mũi Mont des Oliviers (núi ô liu) tới đồi Golgotha không đầy năm trăm thước mà chứa biết bao nhiêu di tích thiêng liêng.
Mỗi phiến đá, mỗi thành giếng, mỗi khúc đường, mỗi ngôi mộ cổ đều gợi lên biết bao hình ảnh, biết bao hoàn cảnh: đây là giếng của Jacob, kia là chỗ Marie Madeleine rửa chân cho Chúa và xa hơn nữa là bức tường mà hồi xưa người Do Thái lại mỗi thứ sáu để khóc sự tàn phá của Jérusalem, một tiếng bò rống cũng đủ làm cho người ta giật minh nhớ lại ngày đản sinh của Chúa Ki-tô; một tiếng gà gáy cũng làm cho người ta rầu rầu, tưởng đâu như còn nghe văng vẳng bên tai lời thánh Pierre từ bỏ Chúa.
Theo một tài liệu trong lịch sử Ai Cập thì thành phố đó có từ 2000 năm trước công nguyên. Vào khoảng năm 1000 trước công nguyên, David lấy nơi đó làm trung tâm quốc gia Do Thái. Con của David là Salomon dựng ở đó đền đài thành quách và cung điện. Năm 587 trước công nguyên, đền bị dân tộc Assyrie đốt, năm chục năm sau dựng lại. Rồi thành bị dân tộc Ai Cập La Mã chiếm. Năm 29 hay 30 sau công nguyên; dưới sự cai trị của quan thái thú La Mã Ponce, Chúa Ki-tô bị xử tử ở đó. Bốn chục năm sau, Jérusalem bị Titus phá, rồi tới năm 131 lại bị Hadrien san phẳng. Constantin và các hoàng đế sau theo đạo Ki-tô xây dựng lại. Khi đế quốc Byzance suy tàn, Jerusalem bị Ba Tư rồi Ả Rập chiếm. Thế kỷ XI, thập tự quân từ châu Âu qua cố chiếm lại Jérusalem, mấy lần thắng, mấy lần bại, tới khi Ả Rập bị Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục thì Jérusalem lại thuộc về Thổ cho tới cuối thế chiến 1914-1918, Từ đó, Jérusalem thành kinh đô của xử Palestine đặt dưới sự uỷ trị của người Anh.
Hiện nay châu thành Jérusalem lớn hơn thời Chúa Ki-tô mà lòng thù lẫn nhau của dân chúng cũng mạnh hơn hồi xưa nhiều. Thành chia làm nhiều khu: khu Ki-tô, khu Do Thái, khu Hồi giáo, khu Arménie; mà tín đồ khu nào cũng thù tín đồ của các khu khác. Ngay những người cùng theo một đạo Ki-tô, như người Armenie và người Hi Lạp mà cũng ghét nhau. Không khí ở đây còn nghẹt thở hơn không khí ở Berlin ( Bá Linh) đến cả chục lần.
Trong chiến tranh Israel - Ả Rập năm 1967, quân đội Do Thái vào chiếm thành Jérusalem vả đóng luôn ở đó.
Nơi đông tây cổ kim hỗn hợp
Tóm lại, trên một khu đất chỉ rộng bằng ba tỉnh của Việt Nam, chúng ta thấy di tích lịch sử của cả chục dân tộc Âu, Á, Phi suốt mấy ngàn năm; dưới một vòm trời xanh, ánh nắng gay gắt, chúng ta thấy Đông và Tây, cổ đại và hiện đại chen vai sát cánh nhau: có những du mục Ả Rập từ sa mạc mới ra, áo quét đất và rộng thùng thình với những kỹ sư, bác sĩ từ New York, Berlin mới tới, vận sơ mi cụt tay và quần soọc. Có gia đình, đàn bà hoàn toàn bình đẳng với đàn ông mà lại có gia đình đàn bà không ra khỏi phòng the, đàn ông được cưới nhiều vợ. Có những nơi người ta đọc thánh kinh và làm lễ theo đúng nghi thức hai ngàn năm trước, lại có những nơi người ta nhảy những điệu bi bốp y như trong các vũ trường nhộn nhất của San Francisco. Cha mới mười mấy năm trước không được thấy một cái máy ảnh, mà con bây giờ học môn điện tử trong trường kỹ thuật tối tân nhất, học bằng tiếng Hebreu, ngôn ngữ mà cha dùng để đọc thánh kinh. Có những kẻ chở sữa tươi đi giao cho mỗi nhà buổi sáng, lại có những người đi sửa khoá, sửa đồng hồ dạo trong các làng xóm xa xôi. Có những máy cày tối tân, lại có những lưỡi cày bằng gỗ y hệt đời các Pharaon Ai Cập. Họ cách nhau mấy chục thế kỷ, mấy chục ngàn cây số mà đột nhiên sống chung nhau để chung sức xây dựng lại tổ quốc đã mất trên 2000 năm trước.

Muốn hiểu tại sao dân tộc Do Thái sau hai ngàn năm vong quốc, phiêu bạt khắp thế giới mà vẫn hướng về Jérusalem, hễ gặp nhau là chúc nhau “sang năm về Jérusalem”; muốn hiểu tại sao một nhóm người rời rạc, ngôn ngữ bất đồng, huyết thống cũng khác xa nhau, mà lại đoàn kết với nhau, chống lại khối Ả Rập, chống lại cả với Anh để tái lập quốc gia của họ trên một dải đất nhỏ xíu và nguy hiểm đó? Nguy hiểm vì Israel quay lưng ra biển mà đương đầu với ba phía Ả Rập. Muốn hiểu hết điều đó thì phải hiểu qua lịch sử của dân tộc Do Thái và những nỗi đau khổ, tủi nhục mà họ phải chịu trong hai ngàn năm nay. Xứ Israel, xưa tên là Canaan, có một vị tri rất quan trọng từ hồi thượng cổ. Nằm vào cái khớp giữa châu Á và châu Phi, quay mặt ra Địa Trung Hải và quay lưng vào sa mạc; Israel như một cửa sổ ngó qua châu Âu. Nó lại ở vào khoảng giữa Ai Cập và Mésopotamie, tức hai trung tâm của hai nền văn minh sớm nhất của nhân loại, cho nên các dân tộc du mục Á và Phi thường đi qua đó để trốn tránh kẻ xâm lăng hoặc bán buôn các thổ sản; mà những dân tộc trên sa mạc Ả Rập cũng lại đó tìm chỗ định cư. Họ chém giết nhau, tranh giành nhau những cao nguyên ở Judée miền thung lũng của con sông Jourdain và lần lần các nền văn minh chồng chất lên nhau trong khu vực nhỏ hẹp đó.
Trong thung lũng Betchean (có sách viết là Beit Shan), gần con sông Jourdain, người ta đã đào được di tích của mười tám thành phố xây chồng lên nhau. Cứ một dân tộc tới, cất nhà cửa, đền đài thành luỹ rồi bị cát vùi: ít lân sau một dân tộc khác, tới dựng châu thành trên đám cát đã lấp châu thành cũ đó. Mới đầu là dân tộc Sémite. Hồi đó, Ai Cập và Mésopotamie đương tranh giành nhau ảnh hưởng, miền Canaan chưa bị xâm chiếm và gồm nhiều tiểu quốc. Rồi sau dân tộc Philistin từ Crète tới, chiếm miền duyên hải và đặt tên cho miền đó là Palestine.
Dân tộc thứ ba tới định cư ở Canaan là dân tộc Hebreu, cũng thuộc giòng Sémite
***
Dân Hebreu và miền đất hứa
Theo thánh kinh thì cổ sử của dân tộc Hebreu đồng nhất với cổ sử thế giới. Nhưng lịch sử riêng của họ bắt đầu từ Abraham, được coi như thủy tổ của họ.
Abraham gốc gác ở thành Our, xứ Chaldée, ngày nay là Iraq, thân phụ của ông rời Our, theo một phong trào di cư của dân tộc Hebreu (Hebreu nghĩa là “ở phía bên kia” sông Euphrate) tiếng Trung Hoa phiên âm He1breu là Hi-Bá-lai) mà tiến qua phía Tây.
Gia đình Abraham đã tới Mésopotamie, muốn ngừng lại thì Thượng đế ra lệnh cho Abraham tiếp tục đi nữa. Thời đó Mésopotamie cũng như như các xứ khác đều theo đa thần giáo. Abraham có lẽ không chấp nhận tín ngưỡng của họ, ông lại tiếp tục đi, tới xứ Canaan thì lại nghe thấy Thượng Đế bảo: “Ta cho con cháu ngươi đất này”. Gia đình Abraham định cư ở Canaan và Abraham thành thủy tổ dân tộc Do Thái, đồng thời thành người sáng lập ra Do Thái giáo, một tôn giáo nhất thần, gốc của đạo Ki-tô và đạo Hồi sau này.
Vậy dân tộc Do Thái ngay từ thời thượng cổ đã tin rằng mình có một sứ mạng thực hiện ý chí của Thượng đế - mà họ gọi là Jahvé - ở trên thế giới, rằng Israel là đất mà Thượng đế hứa cho họ và giòng giõi họ.
Trong ba thế hệ đầu, lịch sử của dân tộc Do Thái chỉ là lịch sử của một họ, đúng hơn là của một chi trong họ: Abraham, một người con của Abraham là Isaac, và một người con của Isaac là Jacob; còn những chi khác không giữ truyền thống của gia đình. Tới đời thứ tư, mười hai người con trai của Jacob mới gây dựng “dân tộc” Do Thái.
Gọi là dân tộc, chứ thực ra chi là một bộ lạc, và khi bộ lạc đó theo Joseph (con của Jacob) qua Ai Cập vì Joseph được làm một vị thượng thư hay phó vương ở Ai Cập - thì cả thảy chỉ gồm có bảy chục người.
Họ sống yên ổn ở Ai Cập tới năm 1583 trướcTây lịch, một vị pha-ra-ông (vua Ai Cập), khác lên ngôi, nghi kỵ họ, đối đãi với họ tàn nhẫn, bắt họ phải làm nô lệ. Lúc đó họ mới đoàn kết với nhau, có ý thức thành lập một quốc gia.
Moïse là vị anh hùng cứu họ khỏi bị diệt chủng. Ông đứng vào hàng thân vương của Ai Cập nhưng thấy nỗi cơ cực, tủi nhục của đồng bào, ông bỏ địa vị cao sang, qua phe họ, bênh vực họ. Một hôm ông nghe được lời Thượng đế ra lệnh cho phải giải thoát đồng bào, dắt họ qua bờ bên kia Hồng Hải, tới núi Sinaï để nhận “luật” của Thượng đế. Thế là năm 1266 trước Tây lịch, ông cầm đầu đồng bào, đưa họ di cư về Đất hứa, rời núi Sinaï, họ sống đời lang thang cực khổ nhưng tự do của tổ tiên như vậy trong bốn chục năm.
Ở núi Sinaï: Moïse do Thượng đế khải thị mà đặt cơ sở cho Do Thái giáo. Abraham trước kia chỉ mới có một ý thức, về một tôn giáo nhất thần, nhờ Moïse tôn giáo đó mới thực là thành lập, thờ thần Jahvé, một vị thần vạn tri, vạn năng, chí công, chí nhân, tạo ta trời đất và là cha sinh ra muôn loài.
Theo thánh kinh của đạo đó, ông tổ loàỉ người bị một lỗi, nên loài người phải chịu khổ, nhưng một ngày kia, một vị cứu thế sẽ sinh trong dân tộc Do Thái và sẽ hòa giải Jahvé với nhân loại. Người trong đạo tin có linh hồn và linh hồn bất diệt khi thể xác tiêu tan. Từ đó phải theo đúng mười điều thập tự giới như: chỉ thờ một Chúa thôi, phải kính trọng cha mẹ, không được giết người, không được cướp của, không được nói dối, phải giữ linh hồn và thể xác cho trong sạch…
Vậy nhờ Moïse mà dân tộc Do Thái bắt đầu văn minh và thống nhất.
Tới đời sau, Josué, chiếm được xứ Canaan, Đất hứa của họ và các “con cái Israël” về đó định cư.
Về Canaan được một đời, dân tộc Do Thái mới nghĩ tới việc lập quốc vương (trước kia quyền hành ở trong tay các phán quan): Quốc vương đầu tiên là Saül, đánh đuổi được dân tộc Philistin ở Canaan, nhưng tử trận.
David lên nối ngôi, thắng mấy trận lớn, chiếm được toàn cõi Canaan, dựng đô ở Jérusalem. Tới đời con David là Salomon, quốc gia Israël thịnh nhất. Ông cho cất một ngôi đền đẹp đẽ, đền Jérusalem, nghĩa là đền Bình trị. Ông tổ chức hành chánh, tài chánh và quân đội, dùng một thứ lịch như âm lịch của Trung Hoa, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày và cứ hai, ba năm lại có một tháng nhuận.
Khi ông mất, vào khoảng 930 trước Tây lịch, nước chia làm hai tiểu quốc: Israel phương bắc, Judée ở phương nam: họ tranh giành nhau, do đó suy yếu dần. Phương bắc bị Assyrie chiếm năm 722 trước Tây lịch, phương nam bị Babylone chiếm năm 586 trước Tây lịch, thành Jérusalem bị phá, một số đông dân chúng bị đày qua Babylone.
Tới khi vua Ba tư là Cyrus chiếm Babylone, họ mới được về xứ, xây cất lại đền Jérusalem, dần dần gây dựng lại quốc gia và sống tạm yên trong khoảng hai trăm năm (538-333).
Đế quốc Ba Tư sụp đổ sau những trận tấn công như vũ bão của vua Hi Lạp - Đại đế Alexandre; và Israel lại đổi chủ, nhưng nhờ vậy mà học được văn minh của Hi Lạp. Năm 168 trước công Tây lịch, các vua Syrie đối xử với họ tàn nhẫn, họ nổi dậy, đánh đuổi người Syrie, chiếm lại được Jérusalem, sống yên ổn được một thế kỷ.
Tới năm 63 trước Tây lịch. La Mã chiếm xứ Judée. Chính trong thời Hérode làm vua ở Judée mà đức Ki-tô ra đời trong một chuồng bò ở gần Bethléem.
Lớn lên đức Ki-tô đi khắp xứ Galilée và Judée để giảng đạo, bị một môn phái của đạo Do Thái oán ghét, tìm cách hãm hại. (lúc đó người La Mã đã dùng một tên mới để gọi “con cháu Israel”, tên đó người Pháp gọi là Juif, có nghĩa là dân xứ Judée, người Trung Hoa phiên âm là Do Thái(1).
Bị đức Ki-tô vạch cái thói kiêu căng và giả dối, môn phái đó trả thù, xúi dân chúng nổi dậy, vu cho ông là phiến loạn, buộc nhà cầm quyền La Mã xử tội ông. Ông bị đóng đinh trên núi Golgotha cùng với hai tên cướp.
Sự cai trị của La Mã mỗi ngày một tàn khốc, dân tộc Do Thái nổi loạn nhiều lần và đền Jérusalem bị phá hại lần nữa. Người La Mã cấm họ xây lại đền ở nền cũ, lại đổi tên Jérusalem ra tên Aelia Capitolina, đổi tên Israel ra Palestine, tên cũ.
Từ đó dân tộc Do Thái mất quốc gia và phiêu bạt khắp thế giới. Khi đế quốc La Mã sụp đổ, Palestine dần dần nội thuộc Byzance, Damas và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đạo Do Thái thì vẫn còn. Nhờ giữ được tôn giáo mà dân tộc Do Thái lang thang non ngàn năm nay, mất ngôn ngữ, gần mất hẳn huyết thống vì pha trộn với đủ các giống người trong bao nhiêu thế hệ, mà vẫn giữ được một tinh thần riêng, vẫn được liên lạc với nhau, cùng hoài bão một mộng chung, mộng trở về Thánh địa để gây dựng lại tổ quốc. Dù gặp nhau ở chân trời góc bể nào, khi chia tay họ cũng chúc nhau: “Sang năm về Jérusalem”. Họ tin rằng Israel là đất Jahvé đã hứa cho họ, và thế nào cũng có ngày họ trở về đó. Họ là đứa con cưng của Jahvé thì không khi nào Jahvé bỏ họ.
Có một điều lạ là lời tiên tri chua xót này trong Thánh kinh cơ hồ như đúng: “Khi mà dân tộc “Israel” bị trục xuất ra khỏi xứ thì xứ sẽ bị hoang phế, không có dân cư”. Không hẳn là không có dân cư, nhưng từ khi dân tộc Do Thái thành “một dân tộc không có đất đai” thì xứ Israel cũng thành “một đất đai không có dân tộc”, nghĩa là bao nhiêu dân tộc tiếp tục nhau lại sống tại đó, không một dân tộc náo lập nghiệp một cách vĩnh viễn, tạo nên nổi một quốc gia.
Người La Mã, người Ba Tư, người Ả Rập, thay phiên nhau làm chủ, nhưng chỉ coi Palestine là một thuộc địa xa xôi không có ý khai hoá hay khai thác và khi Godefroy de Bouillon cầm đầu một đoàn thập tự quân, vô Jérusalem năm 1099, thì thấy một tình trạng rất hỗn loạn về chính trị cũng như về tôn giáo, không có ai làm chủ, quyền hành bị chia xẻ, người ta chống đối nhau, tranh giành nhau: mà dân chúng thì gồm đủ các giống người: Ả Rập du mục, Do Thái, Hi Lạp ở Syrie, rồi Pháp, Hung Gia Lợi, Anh, Nhật Nhĩ Mãn, Ấn Độ…
Tình trạng đó kéo dài, dưới sự đô hộ của Ả Rập (và trong một thời gian ngắn, của quân đội Mông Cổ nữa, do Titnourlenk hoặc Tamerlaa chỉ huy(2), và của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1517) mãi cho tới Thế chiến thứ nhất.
Chú thích:
1. Như vậy có ba tiếng để chỉ một dân tộc: Hebreu từ thời Abraham tới khi dân tộc Do Thái ở Ai Cập trở về Canaan; Israel từ thời lập quốc ở Canaan tới khi bị La Mã chiếm; và Juif từ khi bị La Mã chiếm cho tới 1948, năm quốc gia Israel thành lập. Ngày nay người ta dùng từ Israel, nhưng từ Juif vẫn chưa mất hẳn.
2. Theo David catarivas trong cuốn Israel (Petite Planète –Seuil – 1960)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét