Từ ngàn xưa, một trong những nơi thử thách bản lĩnh và trình độ của chính khách là nghị trường. Ở đó, những người đại diện cho cử tri đứng ra chất vấn các quan chức đứng đầu các cơ quan của chính phủ. Đây là tấm gương soi của nền dân chủ.
Khi các cuộc tranh luận tại nghị trường được thực hiện một cách thẳng thắn, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người tham gia tranh luận; khi vấn đề dược nêu ra chính xác cô đọng được trả lời bằng những lập luận trong sáng nói đúng trọng tâm, thì dù kết quả tranh luận như thế nào, người dân cũng thấy thỏa mãn; vì họ biết người đại diện cho họ đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn của mình; và người điều hành công việc của chính phủ cũng đã làm hết chức trách của viên chức nhà nước. Thế nhưng, gần đây, khi theo dõi những cuộc chất vấn thành viên Chính phủ tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, cử tri đã thấy có những luận cứ được đưa ra với lối lý luận khập khiễng và thiếu thuyết phục, hay nói cách khác, đã có hiện tượng 'hỏi một đường, trả lời một nẻo'.
Chúng ta hãy thử xem lại cách đặt vấn đề và cách xử lý. Về nguyên tắc tranh luận, người xử lý vấn đề phải luôn giữ được sự nhất quán trong quá trình chứng minh. Nếu không người ấy sẽ dễ rơi vào trường hợp "đánh tráo" khái niệm. Dưới đây là những sai lệch thường gặp:
Thứ nhất: Thay đổi hay đưa ra những điều kiện khác để né tránh luận điểm ban đầu.
Ví dụ: Với luận đề: "Có nên vay tiền làm đường sắt cao tốc không? Tổng nợ quốc gia đã chiến 42% GDP, nhu cầu vốn cho ngành giao thông vận tải đã là 160 tỷ USD, chi phí cho đường sắt cao tốc lại lên đến 56 tỷ USD, tính ra gần 35,6 triệu USD/km. Vay thêm tiền làm đường sắt cao tốc sẽ làm tăng tổng nợ quốc gia"; đã có câu trả lời: "Không tăng nợ, vì không chỉ vay nước ngoài, mà còn vay trong nước, vay doanh nghiệp, vay trong nhiều năm...". Trả lời như thế không đáp ứng trọng tâm luận điểm của người đặt câu hỏi. Vì vay kiểu nào cũng là vay, không phân biệt trong hay ngoài nước. Trả lời như thế chỉ có thể chấp nhận được nếu vay mà không phải trả!
Thứ hai: Lẫn lộn luận điểm đưa ra với người có liên quan đến luận điểm.
Ví dụ: Để trả lời câu hỏi "Làm sao đảm bảo tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm quản lý ngân sách trong thu chi tài chính công", một quan chức đã trả lời: "Chúng tôi không sờ mó đồng nào ở đây cả". Người ta không hỏi ông có "dính dấp" gì không đến chuyện tiền nong mà muốn hỏi quý ông quản lý thu chi ngân sách cả nước như thế nào.
Thứ ba: Đặt luận điểm người chất vấn dưới lăng kính hệ quả, suy diễn ý định của người hỏi, đánh tráo nguyên nhân và kết quả.
Ví dụ, trả lời câu hỏi "Làm sao gìn giữ tính nghiêm minh của pháp luật, xây dựng đội ngũ công chức đề cao kỷ luật hành chính, kỷ cương phép nước, cần kiệm liêm chính...", một vị có trách nhiệm trả lời: "Nếu cách chức hết lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo lý, cứ dẹp đi là bầu không kịp". Rồi vị quan ấy lại cho rằng trong mười việc thì có thể sai hai ba việc...
Nếu chỉ vì "bầu không kịp" thì ... còn nhớ có lần, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời phỏng vấn tại hành lang Quốc hội sau khi dự một phiên chất vấn mà báo chí dạo ấy đã đưa tin: "Bộ trưởng tốt nhưng bên dưới tan nát thì 'nghỉ đi' ".
Nếu chỉ vì "có thể sai vài việc" thì... Thủ tướng Nhật gần đây không phải từ chức chỉ vì một lời hứa là "chuyển căn cứ quân sự Mỹ" đi đã không làm được. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng không phải từ chức vì câu nói "Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki là cách không thể tránh khỏi để kết thúc chiến tranh". Trước khi từ nhiệm ông này đã tuyên bố rằng: "Tôi đã làm người dân Nagasaki phiền lòng... Tôi xin từ chức để nhận trách nhiệm này". Và còn nhiều ví dụ nữa như trường hợp của Tổng thống Đức hoặc Chủ tịch World Bank là những người chỉ làm sai "MỘT" việc hay chỉ sơ sảy một câu nói.
Thứ tư: Cố ý vận dụng tam đoạn luận (Syllogism)
Nguyên
văn: Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài
tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm...
Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị
phải xây!
ĐBQH Trần Tiến Cảnh (Hà Nam)
|
Những nước có IQ cao đều có đường sắt cao tốc. Chúng ta chắc là có IQ cao. Chúng ta phải có đường sắt cao tốc.
Hoặc lý luận ngược lại:
Chúng ta sắp có đường sắt cao tốc. Nên IQ chúng ta sắp... cao.
Hay có ngài còn liều lĩnh ví von:
Việc khó nhất là đánh thắng đế quốc. Chúng ta đã đánh thắng chúng. Chúng ta chắc chắn phải làm được đường sắt cao tốc.
Với lối suy diễn ấy thì chúng ta làm gì mà chẳng được, từ vô địch World Cup đến phóng hỏa tiễn vào không gian hoặc lên sao Hỏa trong nay mai. Với lối suy luận ấy, như người ta thường nói, chúng ta có thể nhét cả Paris vào trong một cái hũ, hoặc hơn thế nữa, còn có thể cứu cả thế giới này khỏi thiên tai, dịch bệnh.
Thứ năm: Dự báo không cần cơ sở, chỉ cần... đại ngôn.
Có những vị phát biểu không cần chứng minh vì những lời nói ra đều là... định đề, xem như tất yếu. Có vị mạnh dạn phán "Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay 1.200 USD nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD và lần lượt tăng đến 6.000 USD, lên 12.000 USD và đạt 20.000 USD năm 2050 (?). Ai có thể biết được kinh tế thế giới còn khủng hoảng đến bao giờ? Ai có thể biết được rằng mất bao nhiêu năm mà Nam Hàn vẫn chưa đạt tới 20.000 USD/ đầu người và còn bao nhiêu nước phát triển ở châu Âu đang trầy trật đối phó với nợ nần, khủng hoảng tài chính. Trên cơ sở nào để một nước có GDP hàng năm chỉ phát triển xấp xỉ 7% có thể tăng thu nhập 20 lần trong vòng 40 năm tới thì có lẽ chưa một nhà kinh tế học nào có thể chỉ ra được. Đó là chưa kể các tác động bên ngoài như tài nguyên suy giảm, thiên tai dịch bệnh...
Là những người mang tâm niệm "Bình sinh độc bão tiên ưu niệm" (Suốt đời ôm mãi lòng lo trước, Nguyễn Trãi trong Bảo Kính cảnh giới), các nghị sĩ lấy công việc quốc gia làm trọng, lấy điều lo của muôn dân làm nỗi lo của mình, lẽ ra không thể thỏa mãn trước kiểu trả lời lấy... được, thiếu thẳng thắn và nghiêm túc với trách nhiệm trước muôn dân. Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, quý vị chỉ cần lên mạng, dùng Google tìm thì sẽ gặp cơ man tư liệu về những khó khăn mà các cường quốc đang gặp phải như trường hợp Nhật Bản với hệ thống xe lửa cao tốc Shinkansen hay trường hợp Pháp với hệ thống xe lửa cao tốc TGV.
Thất diệt tránh pháp
Vào mùa hạ thứ chín, sau khi thành đạo, khi đang ở vương quốc Vamsa, nhân chuyện tranh luận giữa chư Tăng thuộc hai nhóm Kinh sư và Luật sư, Phật đã dạy "Hai bên phải bình tâm lắng nghe, đừng có thành kiến, đừng nghe một chiều, phải trầm tĩnh xét đoán". Sau đó, Người truyền dạy bảy phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó chúng ta có thể kể đến Ức niệm tỳ-ni nghĩa là phải trình bày đầu đuôi câu chuyện với những bằng chứng cụ thể; và Tự ngôn tỳ-ni nghĩa là phải nhận biết rằng ý kiến của mình dù cố gắng vô tư vẫn là chủ quan do đó chưa thể hiện được sự chính xác vô tư, nói cách khác, tự mình phải công nhận sự vụng về khiếm khuyết của mình.
Biện luận là công cụ của một xã hội dân chủ và, quan trọng hơn, nó giúp cho người lãnh đạo có những quyết sách đúng. Nếu không có sự biện luận đúng nghĩa, tương lai và tiền đồ đất nước có thể bị tổn hại với những quyết sách vội vã chưa được kiểm nghiệm bởi lòng dân. Quyết nghị (resolution) hay đề nghị (proposition) đều cần phải được tranh luận. Không thể dung dưỡng tình trạng lạm dụng quyền lực, bất chấp dư luận. Như Einstein đã từng cảnh báo "Kẻ thù lớn nhất của chân lý là sự ngạo mạn của quyền uy". Nhưng luận lý nào cũng phải xuất phát từ trái tim trong sáng của người tham gia tranh luận. Vì dân phải luôn là điểm quy chiếu cho mọi tranh biện và được lòng dân phải là điều kiện tiên quyết muôn đời của một nền chính trị vị dân sinh, là nguyên lý sống và hành động của từng chính khách dù thuộc hành pháp hay lập pháp. Tranh luận, nếu chỉ là một trò chơi quyền lực trả giá bằng tài nguyên đất nước hay xương máu của nhân dân, sẽ chỉ làm tốn thời gian, và công sức của những người tham dự mà quyết nghị đưa ra sẽ có những hậu quả khôn lường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét