|
|
Tháng 10-2014,Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp chính phủ đã tiết lộ
là nợ xấu bằng 17% vào năm 2012 đã giảm xuống còn 5,4%, trong khi trước
đó vào năm 2012, Thanh tra NHNN tuyên bố rằng nợ xấu chỉ có 8,8%. Ảnh TL |
(TBKTSG) - Kinh tế Việt Nam có thể nói là đã hết đà phát triển, và để
đẩy cao tốc độ tăng trưởng GDP (không hẳn là phát triển), đổi mới thể
chế nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia lành mạnh là một trong nhiều yêu
cầu bức thiết để kinh tế phát triển hữu hiệu, và là yêu cầu quan trọng
nhất.
Nền tài chính giống như mạch máu trong cơ thể, không có nền tài chính
lành mạnh không thể có một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Hiện nay,
nền tài chính bị nhóm lợi ích tài chính sử dụng nhằm mục đích chính là
đầu cơ tài sản từ địa ốc, chứng khoán và đến cả sản xuất ảo. Lạm phát,
nợ tăng quá mức, và nợ xấu là hệ quả, đưa đến tình trạng một số người
giàu nhanh chóng còn đại đa số vẫn rất khó khăn.
Nói một cách rất đơn giản ở một nền kinh tế không có lạm phát, nếu nợ
là 100 ngang bằng với GDP với lãi suất năm là 5% thì GDP tăng 5% chỉ đủ
để trả lãi. Hiện nay tỷ lệ nợ của Việt Nam đã bằng 164% GDP thì GDP tăng
5% chỉ đủ để trả 60% lãi, như thế phải tăng đến 8% mới có thể trả được
lãi.
Tất nhiên thực tế có khác một chút vì một tỷ lệ không nhỏ nợ nước ngoài
có được trong quá khứ là nợ ưu đãi với lãi suất thấp, nhưng việc tăng
nợ ở mức hiện nay với lãi suất cao là điều không thể kéo dài. Lạm phát
chính là biện pháp hay chính sách để người vay không phải trả nợ vì giá
trị thật của nợ giảm. Một chính quyền cổ vũ cho tăng tín dụng, đẩy lạm
phát là một chính quyền của giới đầu cơ.
Chính sách phát triển kinh tế: dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng
Cho đến mới đây, đổi mới là cởi trói nông dân, là mở cửa thị trường cho
đầu tư nước ngoài, là mở rộng cho tư nhân lập doanh nghiệp, nhưng tác
động tích cực của chúng dần dần bị chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp
quốc doanh làm tổn thương nặng nề. Chính sách phát triển của Việt Nam
dựa vào sự “bùng nổ” ngân hàng, vốn không chỉ được tung ra cho doanh
nghiệp nhà nước (DNNN) mà còn cho các doanh nghiệp tư nhân sân sau của
nhiều quan chức.
Khi kinh tế thoái trào nợ xấu tăng lên là đương nhiên. Không ai biết
chính xác nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu và không biết là ai nợ ai, vì
cho đến nay không có một bản báo cáo chi tiết nào được công bố.
Tuy thế, thật lạ là mới đây (10-2014) chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
tại cuộc họp chính phủ đã tiết lộ là nợ xấu bằng 17% vào năm 2012 đã
giảm xuống còn 5,4% và sẽ giảm xuống 3% vào năm 2015 (1). Trong khi
trước đó vào năm 2012, Thanh tra NHNN tuyên bố rằng nợ xấu chỉ có 8,8%
(2). Tuy nhiên, không thể tin vào lời tuyên bố chung chung nếu thông
tin cụ thể và có hệ thống không được trưng ra.
Tình hình tài chính tín dụng ở Việt Nam
Chính sách ưu tiên cho DNNN và tạo cơ hội cho nhóm lợi ích này được xem
là chính sách “tay không bắt giặc”, làm giàu không cần vốn, mà chỉ cần
tăng cung tiền và vay mượn nước ngoài. Chính việc tăng cung tiền, đẩy
tín dụng từ 69% GDP năm 2006 lên mức 125% GDP vào năm 2010 đã tạo ra lạm
phát. Có người đặt vấn đề là tại sao một số nước như Thái Lan, Malaysia
có tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng cao gần như Việt Nam nhưng lạm phát lại
thấp? Đây là vấn đề cần tìm hiểu sâu về mặt lý thuyết kinh tế, nhưng rõ
ràng ở đây không chỉ là mức độ tiền tệ hóa nền kinh tế (qua tỷ lệ cao)
mà là việc tăng tốc độ cung ứng tiền ở Việt Nam (gấp 3,5 lần) trong một
thời gian rất ngắn (bốn năm) nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao. Thực tế lạm
phát cao nhưng tốc độ tăng GDP lại giảm từ năm 2006 đến nay.
Chính sách dồn lực vào phát triển tập đoàn nhà nước với việc cho phép
mở rộng hoạt động ngoài ngành, thí dụ như tập đoàn đóng tàu, tập đoàn
bưu chính viễn thông, tập đoàn dầu khí... lại có thể mở các công ty sân
sau như ngân hàng, địa ốc, chứng khoán, quĩ đầu tư mạo hiểm, bảo hiểm và
các công ty khác nữa đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Rất nhiều các công ty sân sau này là nửa tư nửa công nhưng lại lấy danh
nghĩa công để có thể thu hồi đất từ nông dân, vay mượn ngân hàng thoải
mái, và lại có thể dùng tiền vay ngân hàng để lao vào các cuộc phiêu lưu
có hại cho nền kinh tế nhưng có lợi cho những người quản lý doanh
nghiệp và các quan chức liên quan đến sự ra đời và kiểm soát công ty.
Tập đoàn nhà nước trở nên rất thiếu hiệu quả là vì thế. Theo báo cáo
của nhà nước, tổng nợ của các tập đoàn vào cuối năm 2014 là 1,5 triệu tỉ
đồng (71,4 tỉ đô la Mỹ). Đây chỉ là báo cáo về tập đoàn và tổng công ty
gồm 786 doanh nghiệp trong tổng số hơn 3.265 DNNN. Nếu tính đủ, số nợ
của DNNN cao hơn nhiều.
Tổng thể bức tranh nợ của nền kinh tế: tín dụng và các khoản vay nợ khác
Bảng
1, bảng 2 và bảng 3 và Phụ lục chi tiết về nợ cho thấy toàn cảnh vấn đề
nợ của Việt Nam từ năm 2006 đến 2014. Gọi là toàn cảnh nhưng phần nợ
trong bóng tối không thông qua ngân hàng đã không được người
viết thống kê vì không có số liệu. Nợ này bao gồm nợ qua tín dụng ngân
hàng, nợ qua phát hành trái phiếu trong nước, và nợ nước ngoài qua vay
ngân hàng hay phát hành trái phiếu.
Có thể tóm gọn như sau:
1. Toàn bộ nợ cho đến năm 2014 là 303 tỉ đô la, bằng 164% GDP. Số nợ tăng rất mạnh sau năm 2006, lúc đó chỉ bằng 98% GDP.
2. Tín dụng vài năm gần đây tăng chậm nhưng đã tăng trở lại từ năm
2013. Dù sao, để thay thế, nợ bằng trái phiếu trong nội bộ nền kinh tế
đã tăng mạnh, từ 5% tổng số nợ lên 11% năm 2013. Về số tuyệt đối, trái
phiếu tăng từ 4 tỉ đô la năm 2006 lên 38 tỉ năm 2014. Nợ nước ngoài vẫn
tiếp tục tăng, từ 25,6 tỉ đô la năm 2006 lên hơn gấp đôi, ít nhất là 56
tỉ năm 2014.
3. Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam chỉ gồm nợ của chính phủ và
chính phủ bảo lãnh năm 2014 theo ước tính là 112 tỉ đô la Mỹ, bằng 37%
tổng số nợ của nền kinh tế, và con số chính xác năm 2013 là 90 tỉ đô la
Mỹ, bằng 35% tổng số nợ.
4. Nợ công hay có thể gọi là nợ của khu vực kinh tế nhà nước phải tính
cả phần nợ của doanh nghiệp nhà nước (chỉ có thể tính thêm phần nợ của
tập đoàn vì không nắm được nợ của DNNN khác). Số liệu chính xác từ Bộ
Tài chính khi tổng hợp lại cho thấy năm 2013, nợ công gồm cả nợ của DNNN
là 143,6 tỉ đô la (cao hơn con số 90 tỉ theo cách tính của chính phủ)
và bằng 53% tổng nợ của cả nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực kinh tế
nhà nước chỉ sản xuất ra 32% GDP.
5. Nguyên nhân gây ra nợ công lớn không chỉ vì chính sách xây dựng hạ
tầng cơ sở mà còn vì chính sách chi tiêu cho tập đoàn DNNN, tưởng là có
thể đẩy mạnh tốc độ tăng GDP, và khi chúng thiếu hiệu quả gây khủng
hoảng kinh tế thì lại có cớ tăng chi kích cầu. Kết quả là nợ nhà nước
phình to, chiếm tỷ lệ rất lớn của GDP nhưng cuối cùng chỉ là giúp tìm
việc cho nhóm lợi ích và giúp cho giới đầu cơ làm giàu.
Nhìn vào ngân sách quốc gia có thể thấy tỷ lệ thiếu hụt ngân sách so
với GDP rất lớn và không có dấu hiệu giảm (bảng 4). Bình thường thiếu
hụt so với GDP ở mức 3% đã được coi là nghiêm trọng, đòi hỏi điều chỉnh
chính sách chi tiêu của nhà nước. Năm 2010-2011 thiếu hụt tương đối thấp
vì phải đối phó với lạm phát cao. Và cũng chính vì lý do này, biện pháp
bán trái phiếu thay vì chỉ phát hành tiền đã xuất hiện từ năm 2010. Tất
nhiên về mặt tài chính, đây là biện pháp khôn ngoan hơn, thậm chí cần
khuyến khích thay vì tăng cung tiền. Nhưng nếu lạm dụng thì việc trả nợ
sẽ lại là vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối phó trong tương lai
gần.
Nhìn chung, nợ đang ở mức rất cao và còn đang tăng mạnh, do đó khả năng trả nợ trong tương lai cần phải đặt thành vấn đề.
Đề nghị cải cách cơ bản: viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh nghiệp
Chỉ
nói cơ cấu lại nền kinh tế như tăng chỗ này, giảm chỗ kia thì không có
nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là xây dựng được một nền tài chính lành
mạnh làm cơ sở để nền kinh tế phát triển lành mạnh. Viết lại Luật Tín
dụng là yêu cầu cơ bản. Việc viết lại này không đòi hỏi phải thay đổi
Hiến pháp hiện nay.
1. Luật các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Luật Tín dụng) hiện nay cho
phép sở hữu chéo, giữa các ngân hàng và giữa ngân hàng với công ty đầu
tư tài chính và doanh nghiệp phi tài chính. Chính điều này đã tạo ra cơ
sở để tư bản thân hữu nảy nở. Chính điều này đã đẩy mạnh tín dụng, đưa
đến nợ xấu, làm suy yếu kinh tế. Luật Tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà
nước cũng không làm rõ trách nhiệm trước pháp lý về nghĩa vụ công bố
thông tin.
2. Cần viết lại Luật Tín dụng cấm không cho phép doanh nghiệp phi tài
chính làm chủ ngân hàng, và cấm không cho ngân hàng làm chủ doanh nghiệp
phi tài chính và đầu tư rủi ro. Chính việc xóa bỏ ranh giới giữa ngân
hàng và đầu tư tài chính, kể cả đầu tư rủi ro ở Luật Mỹ thời Clinton, mà
Việt Nam sao chép, đã đưa đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ và việc viết
lại luật ở Mỹ sau đó. Hơn nữa ở Việt Nam còn cho phép sở hữu chéo giữa
doanh nghiệp phi tài chính và tài chính, biến ngân hàng thành hòm tiền
cho doanh nghiệp sử dụng và không chịu sự đánh giá nghiêm túc về khả
năng làm lời.
Mỹ đã thay đổi, còn Việt Nam thì sao? Mới đây, có quyết định của chính
phủ cấm tập đoàn Dầu khí không được góp vốn ngoài ngành chính, hay kinh
doanh bất động sản, mở hay mua cổ phần ngân hàng hay công ty bảo hiểm,
quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, không được góp vốn vào công
ty khác nếu mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của
doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của
thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc và kế toán
trưởng Công ty mẹ. Đây là một bước tiến mới, nhưng rất tiếc lại có câu
nối đuôi là “trừ trường hợp được phép của Thủ tướng”(3). Như vậy nó
không phải là luật. Đã là luật thì không có ngoại trừ. Và đã là luật thì
nó sẽ phải áp dụng cho mọi loại doanh nghiệp. Luật trừ này sẽ tạo ra
một chuỗi tham nhũng.
3. Cần viết rõ trong Luật Tín dụng và cả Luật NHNN đòi hỏi mọi doanh
nghiệp dù công hay tư phải công bố báo cáo tài chính có kiểm toán hàng
quí và hàng năm, đòi hỏi NHNN phải công bố trên mạng toàn diện và đầy đủ
các thông tin cần thiết về hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia theo
tiêu chuẩn mà IMF hay Bank for International Settlement khuyến nghị. Mọi
công dân đều có quyền yêu cầu doanh nghiệp và NHNN chia sẻ thông tin
theo luật định.
4. Lành mạnh hóa nền tài chính bằng cách viết lại luật chỉ là một điều
kiện cần để kinh tế có thể hoạt động hữu hiệu. Các điều kiện khác vẫn là
nền kinh tế phải có tính cạnh tranh, không ưu tiên do đó cần xóa bỏ dần
DNNN, trước mắt cần tăng tính hữu hiệu của chúng bằng cách thay thế các
thành phần quản lý thiếu khả năng, và điều kiện để đánh giá khả năng
chính là việc công bố kế toán tài chính có kiểm toán.
Đối với các DNNN độc quyền như sản xuất điện, cần nghiêm cấm đầu tư
ngoài hoạt động mà DNNN được độc quyền. Cũng cần viết lại Luật Doanh
nghiệp để bảo đảm rằng chính quyền chỉ có thể thiết lập một DNNN mới nếu
nó nhằm mục đích phục vụ lợi ích công, và nhất thiết phải được Quốc hội
thông qua nếu là doanh nghiệp trung ương hoặc Hội đồng Nhân dân tỉnh
hay thành phố thông qua nếu là doanh nghiệp địa phương.
Đề nghị trước mắt về giải quyết nợ xấu
1. Cần công bố một cách minh bạch ai nợ ai và nợ bao nhiêu.
2. Thực hiện luật phá sản đối với ngân hàng và doanh nghiệp rơi vào nợ
nần quá sâu, không thể cứu nếu không chi một lượng tiền quá lớn. Để
tránh lạm dụng, tỷ lệ nợ xấu trên tài sản có thể phát mãi là thước đo
cần được xác định. Trong trường hợp này, các ngân hàng khác có quyền
được mua lại.
3. Trong biện pháp cứu các ngân hàng có nợ xấu cao nhưng có tiềm năng,
nếu không có ngân hàng nào mua lại, biện pháp cơ bản là việc Bộ Tài
chính xác định giá trị của ngân hàng và mua lại cổ phiếu ở mức kiểm soát
được ngân hàng, thay thế hệ thống quản lý nhằm tổ chức lại. Nhà nước sẽ
bán đi khi ngân hàng đã có thể hoạt động hữu hiệu trở lại.
(1)
http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/tu-nam-2012-den-thang-102014-ty-le-no-xau-da-giam-tu-17-xuong-con-543-201410292008472831.chn
(2)
http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Thuc-trang-no-xau-tai-cac-ngan-hang-Viet-Nam-va-giai-phap-thao-go/16290.tctc
(3) http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/van-ban-chinh-sach-moi.aspx?ItemID=5912
|
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét