Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Thư pháp và mỹ học Thư pháp

THỌ NHÂN
Thư pháp chỉ cách thức dùng bút lông viết chữ Hán, một nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông có sử dụng chữ Hán.
Về mặt kỹ thuật, thư pháp chú trọng cách cầm bút, cách điều khiển ngọn bút, cũng như cách điểm hoạch, kết cấu, bố cục và vấn đề thần vận. Như về cách cầm bút (chấp bút), năm ngón tay phải chắc, cùng hiệp sức, nhưng bàn tay thì hoàn toàn để tự nhiên, tức “chỉ thực, chưởng hư”. Về cách điều khiển ngọn bút (vận bút), phải có nét chính để làm cốt lõi, nét lệch để tạo thần thái, nét kín để giữ khí thế, nét hở để phát tinh thần. Ngoài ra còn có nét xuôi, nét ngược, nét vuông, nét tròn, mỗi loại nét như thế đều có ý nghĩa riêng của nó. ở đây còn chú ý cả đến phương hướng và các động tác khi điều khiển ngọn bút. Về điểm hoạch, thường nói đến tròn, chìm lắng, cứng cáp, già giặn… Về kết cấu (kết thể, kết tự), thường nói đến sự ngay thẳng, thăng bằng, cân đối, biến hóa, sinh động, thống nhất, nghiêm cẩn, chênh vênh… Về phân bố (chương pháp), thường nói đến bố cục của một tác phẩm thư pháp, trong đó có mối quan hệ giữa chữ này với chữ kia, dòng này với dòng nọ. Về thần vận, thường nói đến linh hồn của một tác phẩm thư pháp được tạo nên bởi phong độ, thần thái, khí vận, tinh thần… của nó.
Các thể thư pháp gồm Minh văn đời Ân, Tiểu triện đời Tần, Lệ thư đời Lưỡng Hán, Thảo thư đời Đông Tấn, Khải thư và Cuồng thảo đời Đường, Hành thảo các đời Tống – Nguyên – Minh – Thanh, trong đó, đáng chú ý nhất là Khải thư, Lệ thư, Hành thư và Tiểu triện.
Khải thư còn gọi là “Chân thư” hay “Chính thư“, do Lệ thưChương thảo diễn biến mà thành, còn được gọi là “Khải lệ” hoặc “Kim lệ“. Tương truyền Khải thư do Vương Thứ Trọng đời Đông Hán sáng tạo ra, bằng cách sửa đổi cách viết chữ Lệ ra cách viết chữ Khải. Khải thư tuy ra đời vào cuối thời Hán, nhưng phải sang đến đời Đường mới thoát khỏi mọi ảnh hưởng và tàn tích của Lệ thư để chính thức trở thành một thể thư pháp độc lập, với tất cả các đặc điểm riêng của nó.
Lệ thư xuất hiện sớm nhất vào đời Tần, giữa lúc Triện thư đang độ cực thịnh. Nhưng hồi này Lệ thư còn thô kệch và mang nhiều dấu vết của Triện thư. Lệ thư sở dĩ ra đời là do nhu cầu viết nhanh và tiện lợi khi sử dụng, không nhiêu khê như Tiểu triện. Quá trình Tiểu triện chuyển hóa thành Lệ thư có thể phác ra như sau:
Tiểu Triện —> Thảo Tiểu triện —> Thảo lệ
Thảo lệ” là do các viên thư lại đời Tần tạo ra, cốt xử lý kịp thời đống công văn bề bộn viết bằng chữ Triện hồi bấy giờ mà họ có trách nhiệm giải quyết, và đây là tiền thân của Lệ thư chính thức được nhìn nhận vào đời Lưỡng Hán sau đó.
Hành thư xuất hiện sớm nhất vào đời Đông Hán, cũng là do nhu cầu viết sao cho nhanh chóng, tiện lợi. Một mặt, Hành thư giảm bớt nét so với Khải thư và như vậy là thoát khỏi sự gò bó của Khải thư; mặt khác, nó tiếp thu cách viết bay bướm của Thảo thư, nhưng không quá phóng túng đến nỗi khó đọc, khó nhận diện như Thảo thư. Nghĩa là nó vừa giản dị, vừa năng động. Nếu ví Khải thư như người đang đứng, Thảo thư như người đang chạy, thì Hành thư như người đang đi vậy. Tương truyền kiểu chữ này do Lưu Đức Thăng tạo ra, đến thời Đông Tấn đã có người sử dụng thành thạo, trở nên nổi tiếng như hai cha con Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi, và Từ Tống, Nguyên về sau, cách viết Thảo thư ngày càng phổ biến.
Tiểu triện có nguồn gốc từ Đại triệu (chỉ các lối chữ xuất hiện trước Tiểu triện, gồm Kim văn, Thạch cổ văn v.v.), nhưng nét bút từ chỗ cong queo của Đại triện đã được cải tiến thành thông thoáng, uyển chuyển, lại có nhiều nét thẳng thớm, thanh mảnh. Văn bản Tiểu triện được viết thành hàng dọc từ phải sang trái, không còn viết tùy tiện, thiếu cố định như ở Giáp cốt văn hay Kim văn. Từ Giáp cốt văn, Kim văn … đến Tiểu triện, cũng tức là từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 2 TCN, trong khoảng 1200 năm ấy, hình thức thư pháp đều thuộc hệ thống Triệu thư, cho nên gọi đây là thời đại Triệu thư. Tiểu triện được coi như sự phát triển tột đỉnh của Triện thư, và đến đây trở nên định hình.
Mỹ học thư pháp cũng tức là cái đẹp thể hiện trong nghệ thuật thư pháp. Giống với nhiều loại hình nghệ thuật khác, bản chất cái đẹp của thư pháp là ở chỗ phản ánh được cái đẹp của khách thể (sự vật khách quan) cùng với cái đẹp tinh thần của chủ thể (nhà thư pháp).
Về nội dung cái đẹp của thư pháp, có thể xem bảng Sơ đồ cấu thành mỹ học thư pháp của nhà nghiên cứu thư pháp Trung Quốc Thiên Bạch sau đây:
nhan321 Thư pháp và mỹ học Thư pháp
Một số nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc
  1. Vương Hy Chi (303-361): tên chữ là Dật Thiếu, làm quan tới chức Hữu quân Tướng quân, nên còn được gọi là Vương Hữu quân. Người Lang Nha (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông). Hầu hết các thể chữ đều giỏi, nhưng nổi tiếng nhất là Chính, Hành và Thảo. Tác phẩm nổi tiếng có Lan Đình tự thiếp và Thập thất thiếp.
  2. Vương Hiến Chi (344-386): tên chữ là Tử Kính, làm quan đến Trung thư lệnh, nên còn được gọi là Vương Đại lệnh. Ông là con thứ bảy của Vương Hy Chi, cùng nổi tiếng về thư pháp với cha, đời bấy giờ gọi hai cha con là Nhị Vương. Sở trường của ông là Hành và Thảo.
  3. Ngu Thế Nam (558- 638): tên chữ là Bá Thi, do được phong làm Vĩnh Hưng huyện tử, nên còn được gọi là Ngu Vĩnh Hưng. Người Dư Diêu, Việt Châu (nay là Dư Diêu, Chiết Giang). Nổi tiếng về chữ khắc bia. Tác phẩm truyền lại, được nhiều người nhắc tới, là Khổng Tử miếu đường bi.
  4. Âu Dương Tuân (557-641): tên chữ là Tín Bản, làm quan đến chức Thái tử Suất canh lệnh, nên còn được gọi là Âu Dương Suất canh. Người Lâm Tượng, Đàm Châu (nay là Trường Sa, Hồ Nam). Một trong số 4 nhà Khải thư lớn của Trung Quốc.
  5. Chử Toại Lương (596 – 658 ?): tên chữ là Đăng Thiện, do được phong Hà Nam Quận công, nên còn được gọi là Chử Hà Nam. Nổi tiếng về Khải thư.
  6. Lý Ung (678 – 747): tên chữ là Thái Hòa. Vì có làm Thái thú Bắc Hải, nên còn được gọi là Lý Bắc Hải. Người Giang Đô, Dương Châu (nay thuộc Giang Tô). Thành tích chính ở Hành thư.
  7. Tôn Quá Đình (? – ?): không rõ quê quán. Ông nổi tiếng về Thảo thư, đồng thời là nhà lý luận về thư pháp đời Sơ Đường.
  8. Trương Húc (? – ?): tên chữ là Bá Cao. Vì làm quan đến Kim ngô Trưởng sử, nên còn được gọi là Trương Trưởng sử. Lại vì cuồng ngông, thích rượu, nên có tên là Trương Điên. Người Tô Châu, Giang Tô. Nổi tiếng về Cuồng thảo, từng được gọi là Thảo thánh.
  9. Nhan Chân Khanh (709 – 785): tên chữ là Thanh Thần, từng làm Thái thú ở Bình Nguyên nên còn được gọi là Nhan Bình Nguyên. Là một trong số 4 nhà Khải thư lớn của Trung Quốc.
  10. Hoài Tố (725 – 785): tên chữ là Tàng Châu, còn được gọi là Tuý Tăng hay Túy Tố. Ông đi tu từ nhỏ. Người Trường Sa (thuộc Hồ Nam). Nổi tiếng về Cuồng thảo.
  11. Liễu Công Quyền (778 – 865): tên chữ là Thành Huyền, người Hoa Nguyên, Kinh Triệu (nay là Diệu Huyện, Thiểm Tây). Là một trong số 4 nhà Khải thư lớn của Trung Quốc.
  12. Dương Ngưng Thức (873 -954): tên chữ là Cảnh Độ, hiệu Hư Bạch, người đời gọi ông là Dương Phong Tử. Người Hoa Âm (Thiểm Tây). Có thành tựu lớn về thư pháp.
  13. Sái Tương (1012 – 1067): tên chữ là Quân Mạc, từng làm Đoan Minh điện Học sĩ, thụy hiệu là Trung Huệ, nên còn được gọi là Thái Trung Huệ. Ông là một trong số 4 nhà thư pháp lớn đời Tống. Giỏi về Chính, Hành, Thảo.
  14. Tô Thức (1037 – 1101): tên chữ là Tử Chiêm, hiệu Đông Pha Cư Sĩ. Do có tên thụy là Văn Trung, nên người ta còn gọi ông là Tô Văn Trung. Người My Sơn, My Châu (nay thuộc Tứ Xuyên). Tác phẩm thư pháp nổi tiếng của ông, có Phong lạc đình ký.
  15. Hoàng Đình Kiên (1045 – 1105): tên chữ là Lỗ Trực, hiệu Bồi Ông, hoặc Sơn Cốc Đạo Nhân, Sơn Cốc Lão Nhân. Người Phân Ninh, Hồng Châu (nay là Tu thuỷ, Giang Tây). Nổi tiếng về Hành thư và Cuồng thảo. Tác phẩm thư pháp nổi tiếng có U lan phú.
  16. Mễ Phất (1051 – 1107): tên chữ là Nguyên Chương, hiệu Hải Nhạc Ngoại Sử, Lộc Môn Cư Sĩ v.v. Tính cuồng phóng, nên ông cũng được gọi là Mễ Điên. Người Thái Nguyên, Sơn Tây, sau dời đến Tương Dương nên còn được gọi là Mễ Tương Dương. Các thể thư pháp đều giỏi, đặc biệt là Hành thảo.
  17. Triệu Cát (1082-1135), tức Tống Huy Tông, tự xưng là Giáo Chủ Đạo Quân Hoàng Đế. Giỏi cả thư lẫn hoa, đặc biệt là Chính, Hành, Thảo.
  18. Triệu Mạnh Phủ (1254-1322): tên chữ là Tử Ngang, hiệu Tùng Tuyết Đạo Nhân v.v. Người Hồ Châu (nay là Ngô Hưng, Chiết Giang). Giỏi cả các thể thư pháp, nhất là Chính khải, Hành thư và Tiểu khải. Tác phẩm thư pháp nổi tiếng, có Diệu Nghiêm tự ký…
  19. Tiên Vu Khu (1256 – 1301): tên chữ là Bá Cơ, hiệu Khốn Học Sơn dân… Người Ngư Dương, Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Giỏi về Chính, Hành, Thảo, đặc biệt là Hành và Thảo.
  20. Khang Lý Quỳ Quỳ (1295 -1345): tên chữ là Tử Sơn, hiệu Thứ Tẩu, người Mông Cổ, sinh ra ở Khang Lý (Tân Cương). Giỏi về các thể Chính, Hành, Thảo, đặc biệt là Thảo thư.
  21. Chúc Doãn Minh (1460-1526): tên chữ là Hy Triết, hiệu Chi Sơn. Người Trường Châu (nay là Tô Châu, Giang Tô). Nổi tiếng về Cuồng thảo.
  22. Văn Trưng Minh(1470-1559): tên chữ là Trưng Minh, sau đổi là Trưng Trọng, hiệu Hành Sơn Cư Sĩ. Từng giữ chức Hàn lâm viện Đãi chiếu, nên còn được gọi là Văn Đãi chiếu. Người Trường Châu (nay là Tô Châu, Giang Tô). Nổi tiếng về Tiểu khải và Hành thảo.
  23. Đổng Kỳ Xương (1555 -1636): tên chữ là Huyền Tể, hiệu Tư Bạch hoặc Hương Quang Cư Sĩ. Người Hoa Đình, Tùng Giang (nay là Tùng Giang, Thượng Hải). Nổi tiếng về Hành thảo.
  24. Trương Thụy Đồ (? – 1644): tên chữ là Trường Công, hiệu Nhị Thủy. Người Tấn Giang (nay là Tuyền Châu, Phúc Kiến). Giỏi về Hành thảo.
  25. Vương Đạc (1592 – 1652): tên chữ là Giác Tư, hiệu Tung Tiều. Người Mạnh Tân (nay thuộc Hồ Nam). Là nhà thư pháp có nhiều ảnh hưởng vào giai đoạn cuối Minh đầu Thanh. Giỏi cả các thể chữ, đặc biệt là Hành và Thảo.
  26. Trịnh Nhiếp (1693 – 1765): tên chữ là Khắc Nhu, hiệu Bản Kiều. Người Hưng Hóa, Giang Tô (nay thuộc Dương Châu). Là một trong “Bát quái” (8 nhân vật, quái kiệt về thư pháp) của Dương Châu. Nổi tiếng cả về Khải, Lệ, Hành viết lẫn lộn cùng nhau. Có người đương thời từng bình luận: “Trịnh Bản Kiều đem Triện, Lệ, Hành, Thảo đúc chung trong một lò, thật không thể giải thích được”:.
  27. Lưu Dung (1719 – 1804): tên chữ là Sùng Như, hiệu Thạch Âm (gần đây, trong một bộ phim nhiều tập của Trung Quốc, ông được gọi bằng Lưu La Oa, ta dịch là Lưu Gù). Người Chư Thành, Sơn Đông. Ông nổi tiếng về Hành thư.
  28. Hà Thiệu Cơ (1799 – 1873): tên chữ là Tử Trinh, hiệu Đông Châu. Người Đạo Châu (nay là Đạo Huyện, Hồ Nam). Là nhà thư pháp nổi tiếng về Hành thư vào cuối đời nhà Thanh.
Sách Tham khảo chính
1. Thiên Bạch: Thư pháp mỹ. Ninh Hạ Nhân dân xuất bản xã 1990.
2. Chu Nhân Phu: Trung Quốc cổ đại thư pháp sử. Bắc Kinh Đại học xuất bản xã. 1992.
3. Nhiều tác giả: Tứ thể thư pháp khái luận. Giang Tô cổ tịch xuất bản xã 1992.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét