Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Chính sách xoay trục sang Đông Á của Mỹ: Về phương diện hải quân



Nguồn: Christian Le Mière (2012). “America’s Pivot to East Asia: The Naval Dimension”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 54, No. 3, pp. 81-94.
Biên dịch & Hiệu đính: Vương Tuấn Hưng
Công bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vào đầu tháng 1 năm 2012 về việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng đã khẳng định rằng Mỹ đang hướng sự chú ý tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi mà các cam kết tiến hành chiến tranh ở Trung Đông và Trung Á lắng xuống. Trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc vào ngày 5 tháng 1, Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã đề cập đến văn bản hướng dẫn chiến lược mới “Duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ: Những ưu tiên trong chiến lược quốc phòng thế kỷ 21”. Là sản phẩm của một quá trình rà soát lại những ưu tiên quốc phòng của Mỹ “trong thời điểm quá độ”, văn bản này cho biết Mỹ sẽ “cần phải tái cân bằng sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.1 Chính sách xoay trục về châu Á cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập tới trong một bài trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 11 năm 2011, trong đó bà nhấn mạnh rằng “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong thập niên tới sẽ là thực hiện một khoản đầu tư gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chiến lược,… vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.2
Tuy tài liệu “Duy trì vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ” không đề cập chi tiết về việc chuyển trọng tâm sang châu Á, một vài chi tiết trong số đó đã dần được nhận thấy một cách rõ ràng, đặc biệt là đối với lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến. Sau công bố của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert Gates tại đối thoại Shangri-La ở Singapore vào hồi tháng 6 năm 2011,3 trong một bài viết trên tạp chí Proceedings vào tháng 12 cùng năm, đô đốc Jonathan Greenart, Tư lệnh Hải quân mới của Mỹ, cho biết Hải quân Mỹ sẽ “triển khai một số tàu chiến gần bờ mới nhất đến cơ sở Hải quân của Singapore”. Ông Greenart cũng đưa ra khả năng là cho đến năm 2025 Mỹ sẽ lần lượt điều động máy bay chống ngầm P-8A Poseidon hoặc “các khí cụ bay giám sát hàng hải không người lái phạm vi rộng” có thể được triển khai đến Philippines hoặc Thái Lan để “giúp những quốc gia này giám sát vùng biển”.4
Đây không phải là chi tiết đầu tiên được công bố trong chính sách phòng thủ của Mỹ ở châu Á. Vào tháng 11, Tổng thống Obama tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Australia cho phép đến 2.500 lính thủy đánh bộ đồn trú luân phiên 6 tháng một lần ở khu vực Lãnh thổ Phía Bắc nước này.5 200 lính thủy đánh bộ đầu tiên đã đến đây vào đầu tháng 4, cùng lúc 2 nước vẫn đang bàn luận về việc tăng thêm số tàu chiến của Hải quân Mỹ quá cảnh các căn cứ của Australia, đặc biệt là căn cứ HMAS Stirling.
Những cam kết chưa được triển khai cũng đã bắt đầu lộ diện và được ủng hộ trong năm qua. Cũng trong tháng 11, Ngoại trưởng Hillary Clinton, bằng việc ký “Tuyên bố Manila” với Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosaria nhằm kỷ niệm 60 năm Hiệp ước phòng thủ chung 1951, đã một lần nữa tái khẳng định liên minh giữa Mỹ và Philippines. Sau khi ký tuyên bố trong một buổi lễ mang tính biểu tượng cao trên khoang tàu khu trục USS Fitzgerald ở Vịnh Manila, bà Hillary nói: “Chúng ta đang đảm bảo rằng năng lực phòng thủ chung và cơ sở vật chất thông tin liên lạc có thể hoạt động hiệu quả để răn đe những động thái khiêu khích”.6 Sau sự kiện này, Hải quân Philippine đã được Washington tặng một tàu chủ lực mới, tên là BRP Gregorio del Pilar, vốn là một tàu lớp Hamilton của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Dự kiến Philippine sẽ có thêm một tàu chiến thứ 2 vào tháng 5. Trong khi đó, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu các hoạt động tăng cường quan hệ giữa hai quân đội thông qua các chương trình huấn luyện phi tác chiến trong tháng 7 năm 2011.
Tuy loạt công bố và sự kiện vừa rồi có thể gây ấn tượng rằng Mỹ đang tăng cường cam kết và sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng thực chất những diễn biến này bắt nguồn từ nỗ lực của Mỹ trong cả một thập niên qua nhằm phân tán bớt một phần lớn lực lượng đồn trú lâu dài ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ đó có thể thấy rằng Mỹ đang ra sức thực hiện một chiến lược kép ở châu Á thông qua việc củng cố những cam kết quân sự khác nhau, đồng thời tránh chọc giận Trung Quốc bằng những động thái triển khai quân được coi như hiếu chiến ở gần biên giới. Mục tiêu của Washington là duy trì sự hiện diện phô trương ở châu Á – Thái Bình Dương để vừa răn đe vừa xoa dịu Trung Quốc, tránh những cuộc đối đầu trực diện.
Cùng thời điểm này, Trung Quốc, do có lực lượng hải quân yếu thế hơn so với Hải quân Mỹ, đã áp dụng một dạng chiến lược khá tương đồng với khái niệm “hạm đội hiện hữu” (“fleet-in-being”) được Bá tước thứ nhất xứ Torrington, Đô đốc Arthur Herbert của Hải quân Anh đưa ra vào thế kỷ 17. Cụ thể hơn, Torrington đã sử dụng sự có mặt một hạm đội của liên quân Anh-Hà Lan dù không có khả năng chiến thắng nhưng có thể gây thiệt hại đáng kể để răn đe không cho quân Pháp tấn công.[1] Cũng giống như vậy, trong khi cố gắng che giấu những điểm yếu của mình, Trung Quốc đang muốn cho Mỹ thấy rằng họ có khả năng đáp trả bất cứ động thái gây gổ nào mà Mỹ có thể đưa ra.
Hai chiến lược của Mỹ và Trung Quốc đã tạo nên một mẫu hình đặc biệt về hành vi hải quân mang tính căng thẳng, phô trương, khi mà cả hai quốc gia đang phô diễn ý định và khả năng răn đe sự gây hấn của đối phương, nhưng đồng thời cũng cố gắng tránh đụng độ trực tiếp. Lo ngại về phía Trung Quốc là việc sử dụng chiến lược như vậy sẽ khiến Mỹ coi Trung Quốc như mối đe dọa an ninh chủ chốt và do đó sẽ tập hợp thêm lực lượng để đề phòng. Còn về phía Mỹ, việc phân tán lực lượng ra nhiều địa điểm để đối phó với chiến lược của Trung Quốc sẽ làm giảm khả năng của các lực lượng Mỹ trong việc tiến hành những trận đánh mang  tính quyết định. Ngoài ra, cách tiếp cận của Mỹ tạo ra một không gian chiến lược “dễ thở” cho Trung Quốc ở khu vực cận ngoại vi, do đó có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân trở nên khinh địch, dẫn đến những tính toán sai lầm.
Chiến lược “hạm đội hiện hữu” của Trung Quốc
“Hạm đội hiện hữu” là một khái niệm thường dùng để chỉ chiến thuật được sử dụng bởi một lực lượng hải quân yếu thế hơn nhằm răn đe không cho đối phương tấn công hoặc làm suy yếu lực lượng địch qua những đợt tấn công nhỏ lẻ và liên tục thẳng vào lực lượng hải quân địch hoặc vào các con đường giao thông trên biển. Bắt nguồn từ nỗ lực của Đô đốc Torrington nhằm tránh một cuộc quyết chiến với một hạm đội mạnh hơn nhiều của Pháp vào năm 1690 (trận chiến mà cuối cùng ông cũng không thể tránh khỏi, dẫn đến thất bại của quân Anh-Hà Lan tại Beachy Head), mục đích ban đầu của “hạm đội hiện hữu” là nhằm duy trì một sự hiện diện hải quân có thể quan sát được để hư trương thanh thế, khiến đối phương lo sợ phải chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu trực diện, từ đó làm đối phương mất đi nhuệ khí tấn công. Như vậy, “hạm đội hiện hữu” sử dụng trong chiến thuật truyền thống này không thể tấn công do yếu thế hơn, nhưng cũng sẽ không rút khỏi vị trí chiến lược của mình mà ngược lại, giữ vững vị trí đó để ngăn chặn những cuộc tấn công vào chính nó hay vào lãnh thổ chủ quyền (mà nó đang phòng thủ).
Kể từ sau sự kiện Torrington, thuật ngữ “hạm đội hiện hữu” đã được dùng để chỉ những hành động của một hạm đội yếu thế nhằm làm suy yếu đối thủ mạnh hơn mà không phải thông qua các trận đánh quyết định, thay vào đó là những đợt tấn công hạn chế hoặc làm gián đoạn nguồn tiếp tế, hay thậm chí là chỉ bằng chính sự có mặt của nó. Theo Geoffrey Till, chiến thuật này thường có 4 mục tiêu: đạt được một mức độ kiểm soát nhất định trên biển theo đường vòng bằng cách tránh những trận đánh quyết định; đạt được lợi ích chiến lược… bằng những hành động có ích (chẳng hạn như đánh vào thương mại hay bờ biển của đối phương) mà không kỳ vọng vào việc đánh bại lực lượng chủ lực của địch; bằng cách liên tục quấy rối và tránh né, ngăn không cho đối phương hưởng lợi thế của lực lượng vượt trội; và cuối cùng là đảm bảo cho hạm đội yếu thế của mình sống sót đến cùng.7
Có nhiều ví dụ trên thực tế minh họa cho chiến lược “hạm đội hiện hữu”, có thể kể đến cuộc chiến ở Peloponnesse, “hạm đội bất khả chiến bại” Armada của Tây Ban Nha hay chiến tranh Nga-Nhật, nhưng có lẽ dẫn chứng tiêu biểu nhất phải là Thuyết Rủi ro (Risikogedanke) được đưa ra bởi Đô đốc hải quân Đức Alfred von Tirpitz trong một bản ghi nhớ bí mật vào tháng 6 năm 1897.8 Đô đốc Tirpitz cho rằng nước Đức không nên đụng độ với tất cả các mối đe dọa về hải quân, mà thay vào đó chỉ tập trung vào một đối thủ chính (tuy ông không nhắc đến tên của đối thủ này, nhưng có thể hiểu rằng đó chính là Hải quân Hoàng gia Anh). Do đó ông đề xuất sử dụng một hạm đội có kích thước và sức mạnh vừa đủ để gây thiệt hại đáng kể cho Đại Hạm đội của Hải quân Hoàng gia Anh, qua đó làm suy yếu vị thế chiến lược và đe dọa sự thống trị của hạm đội này trong bối cảnh Đức còn phải đối đầu với các quốc gia khác như Pháp và Nga. Nhìn chung hạm đội này của Đức vẫn yếu thế hơn, nhưng vẫn sẽ khiến hạm đội Anh mất đi ý chí tấn công. Sau đó hàng loạt đạo luật hải quân đã được ban hành, trong đó đáng kể nhất là Đạo luật liên quan đến hạm đội Đức ngày 14 tháng 6 năm 1900, theo đó số tàu chiến trong hạm đội phải tăng gấp đôi thành 38 tàu. Với kích cỡ như vậy, hạm đội này sẽ tạo ra một lượng rủi ro đủ lớn để Hải quân Anh cảm thấy mối nguy hiểm từ những hiểm họa tiềm tàng khác, dẫn đến không còn muốn chạm trán với Đức.
Cũng như vậy, được đặt theo tên của Đô đốc Tirpitz, một tàu chiến lớp Bismarck đã được hạ thủy vào năm 1941, tạo nên một ví dụ hoàn hảo cho chiến lược “hạm đội hiện hữu” áp dụng trong thời chiến, cụ thể là vào Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chỉ dùng sự hiện diện của mình, cùng với sự bao bọc tuyệt vời của những vùng vịnh hẹp ở Na Uy, tàu Tirpitz cùng đoàn hộ tống đã trở thành một mối đe dọa giao thông hàng hải cho Liên Xô, buộc Hạm đội chủ lực của Hải quân Hoàng gia Anh “Home Fleet” phải có mặt và bị cầm chân ở khu vực này. Theo thư của Thủ tướng Anh Winston Churchill gửi cho Thứ trưởng thứ nhất Hải quân Dudley Pound vào tháng 8 năm 1941, con tàu này “tạo ra một nỗi sợ mơ hồ, đe dọa tất cả các điểm cùng một lúc. Nó thoắt ẩn thoắt hiện gây phản ứng trực tiếp và nhiễu loạn cho đối phương.”9
Chiến thuật cố tình tránh những trận chiến quyết định này có thể coi như hoàn toàn trái ngược với học thuyết của Alfred Thayer Mahan vốn đôi khi được Hải quân Mỹ áp dụng rộng rãi: tập trung vào trận đánh của hạm đội chủ lực. Tuy nhiên, Chính Mahan cũng hiểu được lợi ích của chiến lược “hạm đội hiện hữu” trong trường hợp một lực lượng yếu thế phải đối mặt với kẻ địch mạnh hơn:
Mục tiêu của bên yếu hơn là phải giữ được vùng biển càng nhiều càng tốt; không được tách rời lực lượng tàu chiến, mà phải tập trung lại; phải sử dụng tính lưu động, ít xuất hiện để tạo ra tin đồn tăng lên theo cấp số nhân, từ đó tạo ra đe dọa ở nhiều hướng, khiến cho đối phương phải phân tán lực lượng, tóm lại là phải khiến đối phương, theo như Daveluy gọi, phải “di dời binh lực” một cách không thuận lợi.10
Những hoạt động hiện tại của Hải quân Trung Quốc rất giống với các yếu tố của chiến lược “hạm đội hiện hữu”, đặc biệt là Thuyết Rủi ro của Tirpitz. Đây là một phần trong chiến lược “phong tỏa biển” (tạm dịch từ “sea-denial”), đối nghịch với chiến lược “kiểm soát biển” (“sea-control”). Hạm đội được sử dụng không nhắm đến quyền kiểm soát vùng biển mà nhìn chung để cho đối thủ mạnh hơn kiểm soát, nhưng đồng thời cũng ngăn không cho đối phương ngự trị các vùng biển trong một số thời điểm nhất định bằng cách sử dụng sự hiện diện và mối đe dọa đến từ hạm đội này.
Khả năng phong tỏa và chống xâm nhập được ca ngợi rất cao của Trung Quốc, bao gồm một hạm đội tàu ngầm lớn, tên lửa đạn đạo chống tàu và những chiến hạm lưu động được trang bị tên lửa chống tàu, là công cụ chính để Trung Quốc theo đuổi chiến lược “hạm đội hiện hữu”. Đây là nền tảng để họ cho Mỹ thấy rằng bất cứ nhóm đặc nhiệm hải quân nào được cử đi đối đầu với Trung Quốc đều sẽ phải chịu thiệt hại khôn lường. Thay vì thống trị vùng biển hay triển khai sức mạnh vượt ra ngoài biên giới, trong vài chục năm gần đây Trung Quốc đã áp dụng chiến lược phát triển công nghệ tàng hình và tốc độ để trở nên khó theo dõi và đối phó. Những công nghệ như tên lửa đạn đạo chống tàu (thường được gọi là “sát thủ tàu sân bay”) được dùng để răn đe không cho Hải quân Mỹ điều động những chiến hạm cỡ lớn, tức là nhắm vào chính những lợi thế của Mỹ mà Hải quân Trung Quốc không có. Những cuộc tập trận thường xuyên và những ngày đặc biệt như kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hạm đội vào tháng 4 năm 2009 là dịp để Trung Quốc có thể phô diễn những sức mạnh trên. Những cuộc tập trận này tuân theo đúng gợi ý của Julian Corbett rằng chiến thuật “hạm đội hiện hữu” đòi hỏi “hạm đội phải hiện hữu một cách tích cực, không đơn thuần chỉ là tồn tại mà phải hoạt động và đầy sức sống”.11
Chắc chắn chiến lược của Trung Quốc có thể còn tiến hóa cùng sự phát triển lớn hơn trong khả năng triển khai sức mạnh của nước này. Hiện tại Trung Quốc đã có sẵn một chương trình phát triển tàu sân bay, 3 tàu tấn công lưỡng cư loại 071 và một hạm đội ngày càng được mở rộng gồm những chiến hạm mạnh và hiện đại. Mặc dù vậy, trong tương lai Hải quân Trung Quốc vẫn là bên yếu thế hơn trên chiến trường Thái Bình Dương, do vậy họ vẫn sẽ áp dụng chính sách răn đe qua các hành động phô diễn sức mạnh có thể gây cho bất kỳ đối phương nào các thiệt hại không nhỏ.
Chiến lược “hạm đội phân tán” của Mỹ
Trớ trêu thay, một vài khía cạnh trong chiến lược hải quân hiện tại của Mỹ ở Đông Á lại khá giống với chiến lược “hạm đội hiện hữu” của Trung Quốc. Tuy đang ở vị thế đứng đầu khu vực, nhưng lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng đang tránh đụng độ trực tiếp và cùng lúc đó có những hành động răn đe các động thái gây hấn của Trung Quốc. Tóm lại, Mỹ, lực lượng hải quân với ưu thế vượt trội, đang cố tình giữ khoảng cách để tránh xung đột và cũng để phòng bị tốt hơn trước những loạt tên lửa của đối thủ, nhưng đồng thời duy trì đủ lực lượng tấn công để tạo áp lực và răn đe. Chiến lược này có thể được gọi là “fleet-in-dispersal”, hay “hạm đội phân tán”.
Bằng chứng cho thấy Mỹ đang áp dụng chiến lược này nằm ở những thông báo gần đây về việc hướng lại sự chú ý về phía châu Á và ở những thay đổi lực lượng trên thực tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 10 năm trở lại đây. Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh những thông báo gần đây về sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Do Mỹ đang duy trì hiệp ước phòng thủ với 5 nước châu Á-Thái Bình Dương, sẽ là khôn khéo về mặt ngoại giao nếu Mỹ đề cao việc triển khai quân diễn ra gần đây như là nhằm duy trì cam kết giữ gìn ổn định và tự do hàng hải qua các vùng biển chung của khu vực. Sự bảo đảm này có thể nói là ngày càng cần thiết trong hoàn cảnh quan hệ của các bên tranh chấp ở Biển Đông gần đây đã trở nên xấu đi, xung đột ngoại giao xảy ra đều đặn ở vùng biển Hoa Đông, quan điểm ngoại giao của Bắc Kinh trong 2 năm gần đây được coi là trở nên cứng rắn hơn, và cuối cùng là mối đe dọa nhận thấy được ở tiềm lực hải quân gia tăng của Trung Quốc (kết hợp với mối lo tiềm ẩn về chủ nghĩa sô vanh Trung Quốc). Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á IISS, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra vào tháng 6 năm 2011, một trong những chủ đề chính là mong muốn một tín hiệu rõ ràng trong việc Mỹ kéo dài các cam kết của mình.12
Khó khăn đối với Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, đặc biệt là Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, chính là phải đưa ra được lời đảm bảo cho các nước châu Á mà vẫn tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc, vốn đang lo ngại sự bao vây của Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời tin rằng các đối thủ đang theo đuổi chính sách siết chặt Trung Quốc trong “chuỗi đảo thứ nhất” (kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan, Philippines và Biển Đông).
Do vậy, có thể nói việc điều quân của Mỹ sẽ có 2 tác động chính. Tác động thứ nhất có thể thấy ở việc triển khai tàu chiến gần bờ đến Singapore trong thời gian gần đây, cho thấy rõ ý định hỗ trợ đồng minh và đảm bảo tự do lưu thông hàng hải trong khu vực. Đảo quốc này không chỉ là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Nam Á mà còn là một trung tâm hàng hải quốc tế, nằm trên một trong những tuyến đường giao thông trên biển tấp nập nhất thế giới. Năm 2003, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chính thức thừa nhận rằng quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu lưu thông qua eo biển này (90% sản phẩm năng lượng vận chuyển bằng đường biển đi qua eo biển hẹp này), lần đầu tiên nêu ra tình thế mà người Trung Quốc gọi là “thế lưỡng nan Malacca”.13 Trong bối cảnh đó, việc Mỹ triển khai thêm sức mạnh ở Singapore có thể ẩn chứa một mối đe dọa cho Trung Quốc.14 Nếu chiến sự nổ ra giữa hai nước thì lực lượng Mỹ đã được bố trí sẵn để kiểm soát toàn bộ lưu thông qua eo biển này và siết chặt Trung Quốc bằng một cuộc phong tỏa. Cũng như cách Trung Quốc sử dụng chiến lược “hạm đội hiện hữu” để vô hiệu hóa sức mạnh của Hải quân Mỹ, việc Mỹ điều quân đến Singapore cũng nhắm vào điểm yếu chiến lược của Trung Quốc – sự phụ thuộc của họ vào eo biển Malacca.
……


[1] Robert D. Kaplan đưa ra một cách giải thích khác về khái niệm “fleet-in-being”. Xem bài “Yếu tố địa lý của quyền lực của Trung Quốc” (http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2013/06/nghiencuuquocte-net-24-yeu-to-dia-ly-cua-quyen-luc-tq1.pdf) , trang 16 (chú thích của người biên tập).
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2013/08/29/us-pivot-east-asia-naval-dimension/#sthash.PbiN5yPm.dpuf

0 nhận xét:

Đăng nhận xét