Bởi vậy mới có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Vào ngày này, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành
cho bản thân và gia đình. Việc cúng rằm tại nhà cũng được hết sức chú
trọng. Tuy nhiên nghi lễ này thực hiện sao cho đúng thì không phải ai
cũng tường tận.
“Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”
Theo Đại đức Thích Thanh Phương,
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là
thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên,
bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng
Mười). Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng là một lễ lớn theo tín
ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu
của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm
lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm
mùa màng bội thu.
|
Cúng rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh người Việt. |
Theo Phật giáo thì ngày mồng Một và ngày
rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi
lễ chùa. Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy
đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử, lại
thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo
hơn. Bởi vậy mới nói: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Đây còn là ngày vía thiên quan, người ta đến chùa nhương sao để xin
giải trừ tai ách. Còn theo Nho học thì xưa ngày này là Tết Trạng
Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn
thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa,
làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã
đem lại thái bình thịnh trị.
Từ đó về sau, lễ hội Tết Nguyên Tiêu đã được lưu truyền rộng rãi
trong dân. Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng ông
bà thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm
lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có
gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng...
Nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha
mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả. Số gia
đình theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng
rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào...
Với những ý nghĩa trọng đại đó, các chùa đồng loạt tổ chức lễ cúng
rằm tháng Giêng nguyện cầu cho quốc thái dân an, xã hội an bình, nhà nhà
an vui. Tại các chùa theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy thường kỷ
niệm sự kiện trọng đại này bằng cách thọ hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm,
thức trọn đêm; hoăc cúng đèn, hay cúng dường đặt bát đến chư Tăng cầu
phúc đầu năm. Đối với Phật giáo Đại Thừa, các chùa trong những ngày Rằm
đều tổ chức những nghi thức cầu an cho đại chúng, có chùa còn làm lễ Quy
y, tạo điều kiện để những người có duyên với Phật giáo được chính thức
công nhận và học tập theo những điều Phật dạy.
Nghi thức cúng tại gia
Ngoài việc tới chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe đầu năm trong
dịp rằm tháng Giêng, người Việt cũng rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Để
đón rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm hai lễ: một là cúng Phật,
thần linh và hai là lễ cúng gia tiên vào giờ Ngọ.
Cúng Phật: Là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến.
Cúng gia tiên: Là mâm lễ mặn với các món ăn ngày tết đầy đủ, tinh
khiết. Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau,
rượu. Bánh trôi được nhiều gia đình dâng cúng rằm tháng Giêng để mong
mọi việc trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Nếu là Phật tử thì có thể tới chùa hoặc ngồi trước bàn thờ Phật
(tại gia) tụng kinh Phổ Môn hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo
và đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật như sau:
Tán Phật
“Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy
Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại chân như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang”
Văn khấn Tết Nguyên Tiêu tại nhà
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:
........................................................................
Ngụ tại:
........................................................................
Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín
chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước
án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài
bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch,
Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm
trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỉ, chư vị hương linh gia
tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của
con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ
vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được
vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
|
Đại đức Thích Thanh Phương. |
Hiểu đúng về cúng sao giải hạn
Đại đức Thích Thanh Phương cho biết, cúng sao giải hạn không phải
là một nghi thức Phật giáo mà nguyên thuỷ của nó từ Lão giáo ở Trung
Hoa. Sao hạn được tính theo học thuyết ngũ hành xung khắc.
Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng
hợp với tuổi của từng người. Còn hạn là ách nạn, là cách thức riêng ứng
với sao chiếu mạng tốt hay xấu. Theo đó, có chín ngôi sao (có sách nói
là bảy sao) phát sáng trên trời, đó là: Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa
Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách
thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín ngôi sao này còn gọi là Cửu
Diệu, là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và
ngũ hành. Hàng năm, mỗi tuổi chịu ảnh hưởng của một ngôi sao, gọi nôm na
là sao “chiếu mạng”.
Do đó, có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Sao La Hầu và Kế Đô
là sao xấu, là loại ám hư tinh, vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.
Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa nhưng tập tục này lại ăn sâu vào
quan niệm của người dân Việt, rồi dần dà theo thời gian trở thành một
tập tục lâu đời của người Việt. Qua quá trình giao thoa văn hóa, không
biết từ bao giờ, nó nghiễm nhiên trở thành tục lệ Phật giáo.
Theo quan điểm của Phật giáo, không có ngôi sao nào chiếu vào con
người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa, bởi vì tất cả đều do
nhân quả của chính người ấy làm nên. Đức Phật dạy, không có quả nào từ
trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua
thân, khẩu và ý của con người tạo ra. Mọi sự thành công hay thất bại
của mỗi người trong đời chẳng phải do ai ban phát cho, mà do những hành
động hoặc lời nói đã tạo từ trước (nhân), cộng với các yếu tố trong hiện
tại (duyên), khi nhân duyên đầy đủ thì lãnh thọ quả báo (quả).
Tuy nhiên, cúng sao giải hạn là một trong những hình thức phương
tiện các chùa Phật giáo vận dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật
pháp. Khi vận dụng nghi thức cúng sao giải hạn của Lão giáo, các thầy
chủ lễ không sử dụng nghi thức Lão giáo mà thay vào đó là tụng kinh, sử
dụng các nghi thức của Phật giáo, để cho những ai chưa phải Phật tử được
nghe lời kinh mà thức tỉnh. Những ai đã là Phật tử rồi, có dịp ôn lại
lời kinh để việc học Phật, tu Phật càng vững chãi hơn, tinh tấn hơn.
Hơn nữa, qua việc cúng bái đó, Tăng Ni có cơ hội tiếp cận, gần gũi
và giúp đỡ quần chúng; khuyên họ làm lành lánh dữ, đi chùa tụng kinh lạy
Phật, bố thí cúng dường... Tuy nhiên một số nơi khi cử hành nghi thức
cúng sao hạn nặng nề, phiền phức, mang vẻ âm u huyền bí, làm mất sự
trong sáng của nền tín ngưỡng Phật giáo và bản chất của phong tục. Chính
điều đó đã biến phong tục ngày càng mang màu sắc mê tín trầm trọng, kèm
theo những đánh giá không tốt về Phật giáo.
Theo Việt Hà
Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét