Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Nga và Mỹ tại Giải Oscar

Nguồn: Nina L. Khrushcheva. “Russia and America at the Oscars,” Project Syndicate, Feb. 24, 2015. Nguyễn Huy Hoàng dịch. oscars Oscar đã xướng tên. Cả Leviathan (Quái vật thời Putin), bộ phim Nga đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, và American Sniper (Lính bắn tỉa Mỹ), đề cử giải Oscar cho phim hay nhất, đều không thắng. Nhưng cả hai, từ góc độ nhất định, đều là những bộ phim tiêu biểu nhất năm khi chúng nắm bắt được bản chất của lí do tại sao Nga và Mỹ giờ đây có vẻ cam chịu để tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Sau cuộc xâm lược Ukraina của Nga, Leviathan phải đối mặt với một trận chiến quan hệ công chúng khó khăn. Nhưng bộ mặt ảm đạm của Leviathan về cuộc sống Nga đương đại thực ra đã xác nhận nhiều lí do tại sao người Mỹ phần lớn lại hoài nghi về khả năng cải cách của Nga sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Mối nghi ngờ đó được phản ánh trong văn hóa đại chúng. Từ năm 1991, Hollywood đã ghi lại những ngờ vực của người Mỹ về Nga hậu Xô Viết trong một loạt phim, chẳng hạn, The Saint, Airforce One, The Golden Compass (2006), Salt, và The November Man. Chính sách đối ngoại côn đồ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng minh những Russophobes (thái độ/tình cảm bài Nga) này là đúng, bộ phim được đề cử Leviathan cũng thế, sinh thiết tuyệt vời của chế độ Putin, có vẻ đã đúng. Và, dù Oscar đã không xướng tên Leviathan, bộ phim xứng đáng với mọi giải thưởng nó đã được nhận. Đạo diễn bởi Andrey Zvyagintsev trong một phong cách kỳ lạ mà người ta có thể gọi là “chủ nghĩa hiện thực của nỗi tuyệt vọng,” bộ phim có sắc thái vừa sử thi vừa sâu sắc. Nhan đề có nguồn gốc từ Book of Job (một trong những Ketuvim của Kinh thánh Hebrew) và gợi nhớ lại tác phẩm Moby Dick của nhà văn Herman Melville. Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ bên bờ Biển Barents, Leviathan chỉ ra không có lối thoát, thậm chí theo hướng Bắc Cực, từ đất nước có thủ đô là Moskva và doppelgänger (bản sao) đạo đức giả của nó, Giáo hội Chính thống. Bộ xương khổng lồ của con cá voi – cũng có thể là chính Leviathan – mắc cạn trên bờ biển, bên cạnh xác tàu cũ, dưới bầu trời xám xịt thể hiện một khung cảnh con người với lạm dụng chính trị, ngoại tình, vô pháp, và sự hoài nghi về những linh mục toàn năng. Câu chuyện, tương tự như kiệt tác đầy tham vọng năm 1962 của Alexander Solzhenitsyn có nhan đề One Day in the Life of Ivan Denisovich (Một ngày trong đời của Ivan Denisovich), liên tục lên án sự mục ruỗng của quyền lực nhà nước – thứ quyền lực luôn sẵn sàng giết người và liên kết chính nó với thứ quyền lực thậm chí còn mục ruỗng hơn là Giáo hội Chính thống. Như chủ nghĩa cộng sản từng hứa ân xá cho những tội ác dã man nhất để đổi lấy lòng trung thành, tôn giáo nhà nước hiện tại của Nga cho phép, thậm chí còn khuyến khích lỗi lầm, bao gồm cả sát nhân, miễn là người đó trung thành với Chúa. Nikolai, nhân vật chính nóng nảy của Leviathan, thấy cuộc sống của ông bị lãng phí với những cuộc chiến để giữ gìn tài sản bên bờ biển khỏi tay thị trưởng thị trấn. “Tôi sẽ giết hắn nếu hắn xây cung điện ở đây,” Nikolai hét, ám chỉ xu hướng cho dựng những tượng đài sặc sỡ của các nhà lãnh đạo Nga hiện tại cho vẻ tráng lệ cá nhân của họ: chẳng hạn, cung điện Italianate của Putin bên bờ Biển Đen, được cho là tiêu tốn hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Vào cuối cuộc đấu tranh của mình, cuộc đời Nikolai bị hủy hoại. Vợ ông bị sát hại, còn ông bị cáo buộc giết vợ mình vì cuộc tình ngắn ngủi bà có với bạn ông. Cuối cùng, chúng ta biết Nikolai đã bị bức hại để lấy chỗ cho nhà thờ, chứ không phải cho cung điện của thị trưởng. Ngay cả những thứ sáo rỗng (clichés) kiểu Nga – bi kịch bắt nguồn từ sức mạnh tự phụ, vodka, chửi thề, bắn súng, và la hét – cũng chỉ nhấn mạnh thêm nét khắc họa xuất sắc của bộ phim về những tác động địa phương của các thế lực tàn phá và xa xôi. Đó là điểm hèn hạ nhất của chính trị Nga. Trong thời Stalin, những kiệt tác của Boris Pasternak hay Dmitri Shostakovich được giao phó nhiệm vụ mang tiếng nói nghệ thuật cho một xã hội dân sự câm lặng. Thế nên thật mỉa mai khi Leviathan được tài trợ một phần từ Bộ Văn hóa Nga và khi nói các nhà chức trách Nga không quan tâm gì đến chiến thắng của nó tại giải Oscar. Thật ra, Bộ trưởng Văn hóa Nga Vladimir Medinsky gần đây đã chỉ trích bộ phim vì tính bi quan và u ám của nó. American Sniper, do Clint Eastwood đạo diễn, phản ánh chất Mỹ cũng nhiều như Leviathan phản ánh Zeitgeist (tư tưởng thời đại) Nga hiện tại. Nhưng trong khi Leviathan dò xét nước Nga của Putin với con mắt thản nhiên của một bác sĩ phẫu thuật, American Sniper đơn thuần xướng lên những giá trị quốc gia mà không cần cân nhắc những tác động của chúng trên thế giới. Trong bốn chuyến đi tới Iraq trong vai trò người lính/người truyền giáo, Chris Kyle (do Bradley Cooper thủ vai), lớn lên tại Texas, được biết đến với biệt danh “Legend” (Huyền thoại), một kẻ giết người với phức cảm cứu tinh. American Sniper, mơ hồ dựa trên hồi ký của Kyle, thể hiện tâm lý nơi biên giới – một bộ phim tân cao bồi được làm ra bởi một cựu ngôi sao phim cao bồi. Cũng như Leviathan cho thấy một nước Nga quằn quại trong cơn ác mộng chính trị, American Sniper thể hiện một quốc gia mắc kẹt trong huyền thoại anh hùng – thứ được định nghĩa trong vô số bộ phim phương Tây – của chủ nghĩa cá nhân táo bạo trong nước và bảo vệ tự do và trật tự bên ngoài. Nhưng thế giới đã thay đổi,  nhiều người không còn xem vai trò toàn cầu của Mỹ như một biểu hiện của sự ngây thơ và thánh thiện độc đáo của nó. Với tất cả những gì chúng ta học được từ Chiến tranh Iraq – những tuyên bố sai lầm về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, mối liên kết không tồn tại giữa Saddam Hussein và Al Qaeda, và vân vân – bộ phim của hãng Eastwood xuất hiện như một công việc tiếp thị, không suy tư và chiêm nghiệm. Eastwood chỉ đơn thuần là cập nhật các bộ phim cũ – như The Outlaw Josey Wales hay Pale Rider – với niềm tin vững chắc của họ rằng vị thần công chính của nước Mỹ phải thắng thế. Tóm lại, American Sniper thất bại nơi Levitathan thành công. Như George Orwell giải thích ngắn gọn: “Mọi lời tuyên truyền đều là dối trá ngay cả khi nó đang nói thật.” Nina L. Khrushcheva là giáo sư giảng dạy Chương trình sau đại học về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York, và là thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới, nơi bà phụ trách Dự án nghiên cứu về Nga. Trước đó, bà đã giảng dạy tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics và The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét