Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Tại sao nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ?


Nguồn: Charles Wyplosz, “Why Russia’s Economy Will Not Collapse,” Project Syndicate, 27/01/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cơn sụt giá chóng vánh của đồng rúp bất chấp nỗ lực tăng mạnh lãi suất đến dường như tuyệt vọng giữa đêm khuya[1] của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hồi tháng trước đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998. Quả thật, phương Tây đã tìm cách làm sống lại bóng ma đó trong cuộc đối đầu đang tiếp diễn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng dù nền kinh tế Nga chắc chắc đang gặp rắc rối, khả năng nó sụp đổ hoàn toàn lại rất thấp.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga; phần còn lại là các hàng hóa cơ bản khác. Do đó, sự sụt giảm giá dầu thế giới gần đây rõ ràng là một cú sốc đủ lớn – khi kết hợp với tác động của các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt khe của phương Tây – để châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng đáng kể.
Tệ hơn, giá cả hàng hóa cơ bản được dự đoán là sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp một thời gian. Trong trường hợp đó, tổn thất về mặt thu nhập sẽ không chỉ đơn giản là thách thức tạm thời.
Nhưng nền kinh tế Nga không phải là không có lối thoát – ít nhất là vào lúc này. Tình hình hiện nay rất khác so với tình hình năm 1998, khi đó Nga vừa bị thâm hụt tài khoản vãng lai , vừa bị thâm hụt ngân sách. Nga cần vay nợ và nó đã vay rất nhiều ngoại tệ. Tức là khi đồng rúp mất giá, các khoản nợ của Nga tăng lên. Cuối cùng, vỡ nợ là không thể tránh khỏi. Ngược lại, trong những năm gần đây, Nga đạt được thặng dư ngân sách khá lớn, và nợ công ở mức dưới 20% GDP. Đúng là thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, vốn chiếm phần lớn thu ngân sách của chính phủ, đã giảm đi một nửa nếu tính bằng đồng đô la. Nhưng đồng rúp cũng rớt giá với mức phần trăm tương tự, tức là thu nhập của chính phủ tính bằng đồng rúp không có nhiều thay đổi.
Tương tự, cán cân tài khoản vãng lai của Nga chủ yếu ở mức thặng dư trong những năm gần đây. Tổng nợ công và nợ tư ngoài nước ở mức dưới 40% GDP, đa phần tính bằng đồng rúp. Sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu đang thay đổi tình hình nhanh chóng, nhưng xuất phát điểm của Nga khá thuận lợi. Việc lo sợ (bây giờ) sẽ là quá sớm.
Giá đồng rúp rơi tự do chủ yếu là do luồng vốn chảy ra. Giới đầu sỏ chính trị nổi tiếng của Nga đã cất giữ hầu hết tài sản của họ ở nước ngoài, nhưng giữ lại khoản tiết kiệm đáng kể trong nước. Khi tình hình kinh tế và chính trị suy giảm, nhiều khả năng họ sẽ rút thêm tiền ra. Các khoản tiết kiệm nhỏ cũng có đủ mọi lý do để chuyển sang ngoại tệ.
Điều này đặt CBR vào vị trí đầy thách thức. Đồng rúp mất giá chắc chắn làm tăng lạm phát, vốn đang ở khoảng 11%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% của CBR. Trong bối cảnh đó, việc tăng mạnh lãi suất là hết sức hợp lý, và các quan chức có thể hi vọng điều đó sẽ ngăn nguồn vốn chảy ra ngoài – bất chấp rủi ro rằng nếu quyết định tăng lãi suất bị hiểu nhầm là nhằm bảo vệ đồng rúp (khỏi bị sụp đổ), có thể nó sẽ có tác dụng ngược.
Vấn đề là lãi suất cao sẽ có khả năng khiến cơn suy thoái kinh tế của Nga thêm trầm trọng, dễ biến CBR trở thành kẻ giơ đầu chịu báng. Dù ngân hàng trung ương không phải là kẻ gây ra những rắc rối của Nga – như đồng rúp rớt giá, suy thoái kinh tế, lạm phát bùng nổ – và chuyện lấy lãi suất để ngăn chặn luồng vốn chảy ra luôn thất bại, nhưng những chính trị gia đang nguy khốn vẫn có thể đổ lỗi cho CBR.
Mối đe dọa đối với Pitun là rõ ràng. Ông có nguy cơ chịu chung số phận như người tiền nhiệm Boris Yeltsin, cũng giữ chức tổng thống trong giai đoạn giá dầu thấp bất thường. Đến giờ Putin vẫn may mắn khi lên nắm quyền lúc giá dầu mới bắt đầu tăng. Hầu hết người dân Nga đều cho việc mức sống tăng trong hai thập niên sau suốt nhiều năm suy thoái là công lao của ông.
Việc Putin quyết định không thực hiện những cải cách vốn có thể tạo nên một ngành xuất khẩu phi dầu lửa vững mạnh nhưng không được lòng dân có thể gây hại cho nền kinh tế về lâu về dài, nhưng nó cho phép ông duy trì sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Vận may kinh tế của ông cùng việc sẵn lòng đứng lên đối đầu phương Tây đã tạo nên một ấn tượng sai lầm ở nước Nga rằng nước này, một lần nữa, lại là cường quốc thế giới.
Nhiều người ở Mỹ và châu Âu tin rằng siết chặt áp lực kinh tế sẽ hạ gục được Putin. Đây là một canh bạc vô cùng nguy hiểm. Khi mức sống Nga suy giảm, chiến lược khả thi duy nhất của Putin để có thể tiếp tục nắm quyền sẽ là một vị thế quốc tế hiếu chiến. Nói cho cùng, các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài là hấp dẫn nhất khi mặt trận trong nước đang gặp rắc rối.
Nói thế không có nghĩa là phương Tây nên cúi đầu và từ bỏ những nguyên tắc của mình. Nhưng thực sự đã đến lúc tìm một giải pháp ngoại giao không phụ thuộc vào giả định rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ.
Charles Wyplosz là Giáo sư Kinh tế Quốc tế và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Tiền tệ và Ngân hàng tại Viện sau Đại học về Nghiên cứu Quốc tế (Graduate Institute of International Studies), Geneva.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét