Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Nghiên cứu khoa học ngành kinh tế ở VN: èo uột


Mới đọc một bài phỏng vấn Gs Lê Văn Cường (Pháp) bàn về việc lập một đại học kinh tế ở VN (1), mà theo cách nói, tôi đoán là kiểu London School of Economics (?) Bài phỏng vấn có nhiều nhận xét tôi thấy đáng chú ý về trình độ nghiên cứu sinh ở trong nước.



Gs LVCường cho biết rằng rất nhiều công trình nghiên cứu của giảng viên các đại học kinh tế ở VN chỉ "ngang tầm những công trình của một sinh viên vừa tốt nghiệp năm thứ nhất (M1), hay năm thứ hai (M2) Master của các đại học kinh tế ở châu Âu." Qua khảo sát các website của trường đại học ông đi đến nhận xét rằng "Số giảng viên làm nghiên cứu có bài đăng tạp chí quốc tế tốt rất nhỏ bé so với số lượng giảng viên những trường ấy. Như thế làm sao có thể đào tạo được nhiều nghiên cứu sinh tốt?"

Đây là vấn đề chưa bao giờ cũ ở VN. Trước đây, Gs Trần Văn Thọ cũng đã vài lần chỉ ra rằng nhiều luận án tiến sĩ kinh tế ở VN không thể xem là “tiến sĩ”, bởi vì phẩm chất khoa học còn kém quá. Đề tài nghiên cứu chẳng có cái mới. Tính khoa học cũng không cao, vì đề tài nghiên cứu chỉ xoay quanh những “giải pháp” mang tính đối phó và cấp địa phương. Hôm nọ, trong một hội thảo ở Sài Gòn, tôi có nghe một báo cáo của một anh phụ trách đào tạo thuộc một đại học lớn ngoài Hà Nội mà trong đó anh cho biết có gần 70% nghiên cứu sinh tiến sĩ là quan chức, kể cả quan chức cấp tỉnh! Anh ấy còn kể nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn như anh ấy kể rằng một hôm anh lên trình bày với hiệu trưởng là phải chấn chỉnh lại chương trình đào tạo tiến sĩ, hạn chế mấy ông quan, anh hiệu trưởng nhìn anh rồi nói: P à, anh muốn trường mình bị đóng cửa hay sao chứ? Mình cần họ lắm đó, vì trong tương lai họ sẽ lên Bộ và mình làm ăn dễ hơn. Anh P lắc đầu ngao ngán và nhận ra rằng con đường cải cách còn rất gian nan.

Tôi nghĩ ngành khác, ví dụ như ngành y, thì cũng như Gs LVCường và Gs Trần Văn Thọ nói thôi. Trước đây, tôi cũng có chỉ ra rằng nhiều luận án tiến sĩ y khoa ở VN không thể xem là tiến sĩ, bởi vì đề tài nghiên cứu thiếu cái mới, phương pháp hoặc là sai hoặc là chưa đạt chuẩn khoa học, qui mô thì quá nhỏ và đơn giản, nói chung là phẩm chất khoa học kém quá. Cho dù người ta có tạo ra những qui trình và thủ tục rườm rà (làm như rất chặt chẽ) thì vẫn không thể nào khoả lấp được cái khoảng trống về khoa học.

Ngành y còn có một vấn đề khác nữa: đó là khi họ đã lên bậc thầy cô thì họ bận lo phòng mạch, làm kinh tế, giảng dạy chỉ là phụ, và nghiên cứu thì chỉ là chuyện bên lề. Do đó, nghiên cứu y khoa của VN, cũng như ngành kinh tế, còn rất yếu. Những nghiên cứu công bố trên các tập san trong nước nhìn chung có phẩm chất khoa học rất thấp, đến nỗi chính thầy cô cũng không tin và không dùng những nghiên cứu đó dù chính họ làm hướng dẫn. Phải nói là một tình trạng rất trớ trêu!

Cũng may phước là trong ngành y đang hình thành một số nhóm nhỏ đang có nỗ lực xoay chuyển tình thế. Những nhóm này làm nghiên cứu thật, và có công bố quốc tế đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi là họ ít khi nào được hỗ trợ thích đáng từ các cơ quan tài trợ Nhà nước. Họ cũng chẳng được ai ghi nhận, vì các trường/viện họ chạy theo danh xưng "Chiến sĩ thi đua" chứ chẳng ai quan tâm đến nghiên cứu khoa học thứ thiệt và công bố quốc tế. Do đó, tôi phải mở ngoặc ở đây để khen -- phải nói là khen – Hội HOSREM đã có sáng kiến trao giải thưởng cho các nhà nghiên cứu nghiêm chỉnh. Ước gì các hiệp hội lớn có sáng kiến như Hosrem để góp phần vực dậy nền khoa học. Sắp tới, ĐH Tôn Đức Thắng cũng sẽ lập giải thưởng danh giá cho nhà khoa học tài ba theo tiêu chuẩn quốc tế.

Quay lại câu chuyện ngành kinh tế, còn nghiên cứu sinh VN ngành kinh tế ra nước ngoài học thì sao? Gs LVCường tỏ ra thất vọng, và cho biết có nhiều người sang Pháp học về tay trắng (vì học không nổi), hoặc phải học Master thôi. Tại sao? Tại vì, theo Gs Cường: ""rất nhiều người không có đầy đủ kiến thức kinh tế để làm luận án, kiến thức toán yếu, tiếng Anh lẫn tiếng Pháp cũng kém." Tôi nghĩ "toán" ở đây chính là "thống kê học". Nói tóm lại là vấn đề kiến thức, phương pháp nghiên cứu, và kĩ năng mềm. Đó là những kĩ năng mà sinh viên VN nói chung rất yếu so với đồng môn nước ngoài.

Tôi và vài bạn đang cố gắng giúp để nâng cao các kĩ năng đó trong nhiều năm qua. Sẵn dịp, tôi phải nhắc lại là khoa học về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội (kể cả kinh tế) do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức sắp hết hạn đăng kí. Hôm qua tôi hỏi về con số đăng kí thì biết là người ta gọi điện hỏi thăm thì nhiều, còn đăng kí thì nói … chờ đến gần ngày. Xin nói thêm là đến ngày 20/5 thì khoá sổ, và cũng như lần trước, ban tổ chức sẽ không xét thêm, không nhân nhượng, không "tại, bị, do, bởi, vì" (mấy lí do này nghe quen quá), không đăng kí thêm. Nói như thế không có nghĩa là lớp học thiếu người đâu (đừng nghĩ như thế mà lầm to), mà là tôi sẽ không làm lớp thứ hai trong nhiều năm. Trước đây, Viện Khoa học Xã hội và ĐHQGHN có đề nghị mở lớp học như thế này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có động đậy gì, nên tôi nghĩ chắc họ không cần. Dạo này, có tuổi rồi, giảng một lượt vài chục bài là thấm mệt (hồi xưa thì không sao), nên tôi phải hạn chế lớp học và tận dụng công sức để lo cho nhóm nghiên cứu ở trong nước. Cũng không có thu hình như nhiều bạn đề nghị vì Trường không có người làm. Chi tiết lớp học ở đây:


====

(1) http://vietnamnet.vn/…/giao-su-danh-tieng-de-xuat-cai-to-da…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét