Nguồn: Zachary Abuza (2001). “The debates over Democratization and Legalization”, in Z. Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam (London: Lynne Rienner Publisher), pp. 75-130.
Biên dịch: Nguyễn Duy Hưng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Quốc hội
Hầu hết những người bất đồng quan điểm và các tiếng nói phê bình trong nội bộ Đảng yêu cầu vai trò lớn hơn dành cho các trí thức không phải đảng viên trong hoạch định chính sách và cởi mở hơn đối với các quan điểm kinh tế và chính trị. Chỉ một ít quan điểm cho rằng cần phải thiết lập một hệ thống chính trị đa đảng, và thậm chí còn ít người hơn kêu gọi nên giải tán Đảng. Mô hình Hungary, theo đó các đảng đối lập hình thành từ trong nội bộ đảng và đảng cộng sản giữ lại vai trò lãnh đạo về chính trị và điều hành đất nước, thu hút được sự ủng hộ của nhiều người. Nhưng hầu hết các nhà bất đồng chính kiến chỉ muốn một diễn đàn phi chính trị mà tại đó các chuyên gia và dân chúng với những quan điểm khác nhau có thể công khai tranh luận về những ý kiến và chính sách quốc gia. Đối với họ, địa điểm như vậy chính là Quốc Hội. Về mặt pháp lý, các cá nhân có thể trở thành đảng viên; vì vậy Đảng có thể vẫn thống lĩnh tại một diễn đàn mở mà không phải tranh đấu với các đảng phái khác ở cấp quốc gia.
Đứa trẻ chết yểu: Quốc hội thời kỳ trước Đổi mới
Như đã chỉ ra ở Chương 2, một trong những quan ngại chính của những ngưởi bất đồng chính kiến trong những năm 1950 là sự bất lực của Quốc hội. Mặc dù trên giấy tờ nó là cơ quan nhà nước tối cao, trên thực tế nó chỉ có vai trò trò phê chuẩn các chính sách của Đảng Lao động. Quả thực, Quốc hội không có vai trò gì vào thời kỳ khóa I năm 1949 và khóa II, được tổ chức 11 năm sau vào năm 1960, trong khi cơ quan xây dựng pháp luật khác của chính phủ, Bộ Tư pháp, bị đóng cửa năm 1961 và vẫn ngừng hoạt động cho đến năm 1981. Trong thời kỳ này, Đảng chỉ đạo qua chính phủ và quản lý bằng chỉ thị và nghị định, không qua luật pháp. Như Carol Rose đã lưu ý:
Trong số 1.747 văn kiện pháp lý được công bố từ 1945 đến 1954, chỉ duy nhất có một văn kiện thực sự là luật. Luật duy nhất được thông qua là Luật Cải cách ruộng đất năm 1953. Còn lại đều là những “văn bản dưới luật,” bao gồm 621 lệnh của chủ tịch nước, 656 nghị định chính phủ, 413 thông tư cấp bộ. Trong giai đoạn 1955-86, Việt Nam đã ban hành tổng cộng 7.167 các văn kiện pháp lý, trong đó chỉ có 61 văn kiện luật hoặc sắc lệnh, còn lại là văn bản “dưới luật”, như nghị quyết chính phủ và thông tư hướng dẫn thực hiện cấp bộ.[1]Sau khi đất nước tái thống nhất, Quốc hội tiếp tục vai trò đơn thuần là cơ quan phê chuẩn những quyết định của Đảng tại các ký họp kéo dài một tháng được tổ chức hai lần một năm. Gareth lưu ý rằng Quốc hội là một tổ chức không có hiệu quả đến nỗi vào năm 1980, Ủy ban luật pháp của chính phủ tổ chức một hội nghị về những nhiệm vụ pháp lý trong năm mà không có sự tham gia của bất kỳ đại biểu quốc hội nào- vốn là cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia, và là cơ quan chịu trách nhiệm về mặt hiến pháp ban hành pháp luật.[2] Thậm chí trong các phiên họp của quốc hội trong thời kỳ này, nó vẫn thể hiện rõ là cơ quan nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Việc chọn lựa những ứng cử viên, theo một thông tư ban hành tháng 1 năm 1984, phải được thực hiện “dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của “đảng ủy các cấp.”[3]
Nguyễn Văn Linh và Quốc hội
Với sự kiện quan trọng Đổi Mới tại Đại hội VI, yêu cầu bức thiết là phải có Luật để điều tiết việc thị trường hóa nền kinh tế. Quốc hội đảm nhận nhiệm vụ quan trọng mới, và một số cải cách, như bỏ phiếu kín và cho phép báo chí tường thuật đã được thực hiện để làm cho nó trở thành một cơ quan hiệu quả hơn. Tổng Bí thư khẳng định rằng “chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa quan liêu“của những khóa quốc hội trước đây phải được xóa bỏ và ông cũng quyết tâm để Quốc hội không còn là một cơ quan không có thực quyền nữa: Nó phải thực sự là nơi tranh luận và chất vấn các chính sách.[4] Các đại biểu quốc hội được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ cho biết “từ giờ trở đi, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội là thông qua việc thuyết phục các đảng viên trong Quốc hội – tức là Đảng không còn áp đặt quan điểm lên tất cả các đại biểu quốc hội.”[5] Đồng thời, ông Thọ cũng tuyên bố sẽ cho phép bỏ phiếu kín lần đầu tiên. Quốc hội đã có thực quyền nhiều hơn và ngay lập tức lên tiếng phê phán mạnh mẽ sự quản lý nền kinh tế của Đảng với hậu quả là lạm phát ở mức ba con số. Tháng 12 năm 1988, dưới sức ép của ông Linh, Đảng tuyên bố đặt ra đường lối chung nhưng cho Quốc hội quyền lập pháp mà không can thiệp trực tiếp.[6] Quốc hội đã phát triển mạnh nhờ được tự do hơn: năm 1988 nó đã phê phán nỗ lực cứu đói của chính phủ và yêu cầu có những phiên họp bất thường bởi vì những tranh luận gay gắt xung quanh dự thảo hiến pháp. Tháng 6 năm 1988, 168 trong số 464 đại biểu Quốc hội (36%, một tỉ lệ chưa từng có tiền lệ) đã thách thức Đảng với việc bỏ phiếu cho Võ Văn Kiệt thay vì Đỗ Mười, ứng cử viên chức thủ tướng được Đảng chọn lựa. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ cũng tuyên bố Đảng sẽ chấm dứt việc “giới thiệu“những ứng cử viên “ứng cử“vào chính phủ.[7] Tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa có đủ sự độc lập cần thiết.
Như những người bất đồng chính kiến những năm 1950, những người chỉ trích đường lối của Đảng tin rằng Quốc hội là diễn đàn phù hợp cho những tranh luận về chính trị, kinh tế, và xã hội, và do vậy họ yêu cầu Quốc hội phải có vai trò lớn hơn và Đảng nên tránh can thiệp vào vai trò của Quốc hội. Đây là điều căn bản, như một người bất đồng chính kiến đã viết:
Quốc hội hiện nay không thể thực hiện nhiệm vụ giám sát chính phủ. Nó cũng không thể thực thi nhiệm vụ “quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia.”Thay vào đó, nó thường bị chính phủ qua mặt. Quốc hội ban hành luật nhưng luật có ích gì khi có nhiều người thường chống lại luật. Quốc hội không thể làm gì được bởi vì nó không có quyền can thiệp. Thành tích làm luật mới cũng coi như bằng không.[8]Quả thực, cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tất cả các đại biểu quốc hội là đảng viên hoặc do Đảng lựa chọn. Đây là điểm gây bức xúc cho các nhà bất đồng chính kiến. Như Hoàng Minh Chính đã chỉ ra:
Không có một chút tự do và dân chủ nào trong nước ta. Ông ta (một thẩm phán) hỏi tôi dựa vào đâu mà có kết luận như vậy. Tôi trả lời rằng trong số 75 triệu người Việt Nam chỉ có 2 triệu người là đảng viên. Và trong số vài trăm đại biểu Quốc hội thì 93 đến 97% là đảng viên. Quốc hội vì vậy không thuộc về nhân dân mà thuộc về Đảng. Đảng thậm chí soạn sẵn danh sách các ứng cử viên và nhân dân buộc phải bỏ phiếu cho họ. Họ gõ cửa từng nhà và bảo dân phải bỏ phiếu theo danh sách của Đảng. Với câu trả lời như vậy, vị quan tòa không thể bác bỏ được.[9]Lã Văn Lâm (?) cũng có cùng quan điểm, “Tôi muốn nhắc lại rằng 95% đại biểu quốc hội là đảng viên. Vì vậy không thể nói chính quyền là của dân, do dân và vì dân với tỉ lệ này. Mối đe dọa đối với dân chủ, tự do và hạnh phúc chính là ở đây.”[10]
Thậm chí người đảng viên trung kiên và là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ cũng bức xúc khi phát biểu tại hội nghị thường niên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó ông chỉ trích việc Đảng hay can thiệp vào các các cuộc bầu cử quốc hội. “Mặt trận tổ quốc, như đã quy định trong luật, có quyền giới thiệu các ứng cử viên. Nhưng từ nhiều năm nay, chúng ta đã mù quáng tuân theo những chỉ thị của Đảng để cử danh sách các quan chức gửi cho chúng ta. Tại sao Mặt trận Tổ quốc, vốn được coi là cơ quan của nhân dân, lại cứ phải thực hiện những chỉ thị của Đảng, thay vì đấu tranh để nguyện vọng của nhân dân được lắng nghe?”[11]
Cải cách và các hạn chế
Với chính sách Đổi Mới, Quốc hội đã đảm nhận vai trò lớn hơn và đã cố gắng rũ bỏ hình ảnh là công cụ của Đảng, đặc biệt là kể từ Quốc hội khóa IX năm 1997.[12] Về mặt thể chế, vai trò của nó được tăng cường với việc công bố Hiến pháp sửa đổi lần 4 năm 1992.[13] Tại Đại hội Đảng lần thứ VII, chính sách đổi mới được mở rộng sang cải cách pháp luật. Ban chấp hành trung ương cụ thể là đã kêu gọi Quốc hội sửa đổi hiến pháp năm 1980 và “nâng cao kỹ năng của các nhà làm luật trong công bố và tổ chức thực hiện luật.” Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định “phải thay đổi triệt để từ quản lý quan liêu sang điều hành đất nước bằng pháp luật.”[14]
Nhưng nhìn chung, vai trò của Quốc hội được tăng cường bởi vì sự bức thiết phải thành lập khung pháp lý nhằm giám sát thời kỳ quá độ chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế theo định hướng thị trường hơn. Quốc hội khẳng định vai trò của mình với việc thông qua một số luật cần cho tiến trình cải cách và tranh luận về những chính sách của Đảng. Lấy ví dụ, Quốc hội đã thông qua khoảng 20.000 trang văn bản luật và nghị quyết trong thập niên vừa qua, bao gồm Bộ luật Dân sự đầy đủ với 834 điều vào tháng 10 năm 1995, dự kiến hàng năm sẽ “thông qua từ 20 đến 30 luật mới từ giờ cho đến năm 2000.”[15] Quốc hội khóa IX thậm chí từ chối chấp thuận một người do Đảng đề cử vào vị trí bộ trưởng và buộc một số bộ trưởng phải từ chức.
Theo một quan chức chính phủ, Quốc hội đang trở thành một “đối tác đối thoại” của Đảng.[16]Trong bối cảnh một xã hôi mà Đảng luôn giữ độc quyền hoạch định chính sách, một quốc hội với nhiều quyền lực hơn được hoan nghênh. Theo một cuộc thăm dò trên bình diện quốc gia về quốc hội, “57% những người được hỏi cho rằng Quốc hội khóa vừa rồi đã thực hiện khá ổn thỏa chức năng cơ quan lập pháp.”[17] Nhưng chỉ có “một tỉ lệ nhỏ” không nêu cụ thể cảm thấy rằng nó thực hiện tốt vai trò “giám sát chính phủ.”[18] Đa số vẫn cho rằng nó vẫn chỉ là cơ quan hữu danh vô thực và ngay cả các đại biểu cũng muốn thấy Quốc hội có nhiều quyền lực hơn. Những người phê phán chính phủ mong muốn rằng Quốc hội nên đóng vai trò là cơ quan lập pháp nhiều hơn nữa; hiện tại Ủy ban thường vụ Quốc hội mới chỉ soạn thảo Luật Ngân sách nhà nước.[19] Những người bất đồng chính kiến như Nguyễn Hộ cho rằng Quốc hội vẫn phải mạnh mẽ hơn và “phải giám sát chặt chẽ và đưa ra các quyết sách.” Các đại biểu quốc hội cũng đang bước đầu xác lập vị trí của mình tại cấp địa phương với việc thực hiện những phương sách của Đảng như những chuyến đi kiểm tra để tìm hiểu những băn khoăn của cử tri và xem liệu những chính sách đã ban hành có được thực thi hiệu quả hay không.[20]
Cũng đã có những thay đổi trong luật bầu cử để cho phép sự tham gia rộng rãi hơn đối với những người không phải là đảng viên và những ứng viên độc lập. Luật bầu cử tháng 4 năm 1992 lần đầu tiên cho phép những ứng cử viên độc lập ứng cử vào Quốc hội. Sau đó vào tháng 4 năm 1997, Quốc hội sắp mãn nhiệm đã thông qua luật bầu cử mới cho phép những người tự ứng cử và những ứng viên độc lập có nhiều thời gian hơn để vận động tranh cử. Tuy nhiên rất khó để bất ngờ xảy ra. Ngoài định mức chặt chẽ về tỉ lệ nam nữ, trí thức, công nhân, lực lượng vũ trang, và nông dân, số lượng đại biểu không phải là đảng viên cũng được xác định trước. Lấy ví dụ, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX, 30 trong số 32 ứng viên đã bị loại vì lý do kỹ thuật. Không ai trong số 2 ứng viên còn lại trúng cử. Bất kể người đề cử họ là ai, tất cả những ứng viên đại biểu Quốc hội phải được chính thức phê chuẩn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội do Đảng kiểm soát, quản lý các cuộc bầu cử Quốc hội và giám sát ba vòng sàng lọc ứng viên. Ở vòng 1, các tổ chức, các bộ, và các cơ quan Đảng và nhà nước khác nộp danh sách các ứng viên đề cử của họ và quan trọng là “tổ chức hiệp thương và vận động hành lang để đảm bảo ghế tại quốc hội.”[21] Đa số các ứng viên được đề cử tại địa phương, nhưng có 96 và 141 đại biểu do trung ương đề cử lần lượt tại Quốc hội các khóa IX và X. Tại vòng 2, các ứng viên phải được cử tri nơi công tác và nơi cư trú chấp thuận. Đến vòng 3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiến hành xác minh lý lịch để “loại bỏ những ứng viên có vấn đề về tư cách đạo đức và chính trị.”[22] Và sau đó bầu cử diễn ra. Những ứng viên có chút thời gian để “vận động“ và gặp gỡ cử tri địa phương khoảng 1 tháng trước bầu cử. Và năm 1992, Luật Bầu cử yêu cầu mỗi đơn vị bầu cử phải đưa ra ít nhất 2 ứng viên cho một vị trí.
Vẫn có nhiều cách để Đảng kiểm soát quá trình đề cử ứng viên. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Nguyễn Thanh Giang, một nhà địa vật lý nổi tiếng, người làm việc tại Cục Bản đồ địa chất của chính phủ. Ông bị các “đồng nghiệp“ “loại bỏ”. Mặc dù nhận được 96% tổng số phiếu nơi cư trú, ông chỉ nhận được 30% số phiếu tại nơi làm việc. Mặc dù cơ quan có 300 nhân viên, chỉ có 16 người đa phần là đảng viên tại các chi bộ trong Cục và đại diện công đoàn hay của đoàn thanh niên được mời tham dự cuộc họp và được phép bỏ phiếu.[23]
Ngay cả khi các ứng cử viên độc lập dù có vượt qua ba vòng sàng lọc, họ vẫn còn phải được Mặt trận Tổ quốc chính thức “đề cử”. “Những người tự ứng cử cũng phải được Mặt trận Tổ quốc đề cử cho nên danh sách ứng viên cuối cùng không ghi là tự ứng cử hay không,” Nguyễn Sĩ Dũng, một quan chức của Văn phòng Quốc hội cho biết.[24]Lý do thực sự có lẽ là do Đảng lo ngại những ứng viên độc lập sẽ giành thắng lợi áp đảo, như vậy sẽ gây khó dễ cho Đảng. Điều này khiến cho một công dân trẻ tuổi tại Hà Nội phàn nàn rằng “Tất cả các ứng cử viên với tôi đều như nhau. Tôi chỉ xem danh sách, nhìn vào ngày sinh các ứng viên và chọn ra người trẻ nhất.”[25]
Hơn nữa, các ứng viên cũng không được phép vận động tranh cử tự do vì cử tri sẽ biết được nhiều hơn về năng lực của các ứng viên độc lập. Luật Bầu cử năm 1997 cho phép những ứng cử viên được nói chuyện với cử tri thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ giới hạn trong các cuộc gặp mặt do Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức. Trong một tuyên bố có thể dự đoán trước, Chủ tịch Quốc hội và ủy viên Bộ Chính trị Nông Đức Mạnh xác nhận “chúng ta không sử dụng cụm từ ‘tranh cử quốc hội.’ Bởi vì chúng ta không cạnh tranh với nhau trong các cuộc bầu cử. Tôi cũng cho là các ứng viên này không nên nói xấu về các ứng viên khác.”[26]
Yêu cầu cải cách hơn nữa
Bất chấp các cải cách thì các đại biểu quốc hội vẫn chủ yếu là các đảng viên. Ví dụ, trong số 663 ứng viên đại biểu quốc hội khóa X thì 112 (25%) người không phải là đảng viên mặc dù số ứng viên này đã tăng hơn hai lần so với quốc hội khóa IX (63 trong số 601 ứng viên).
Trong số 112 người này, có 11 người là tự ứng cử. Người phát ngôn của Văn phòng Quốc hội, Vũ Mão, “đã dự đoán” là số ghế dành cho những người không phải đảng viên sẽ tăng từ 8% tại Quốc hội khóa IX lên 20% trong khóa X, và Đảng đã chỉ ra rằng 20% là số lượng chấp nhận được đối với các đại biểu không phải là đảng viên trong tương lai.[27] Rốt cuộc họ chỉ giành được 67 ghế tức 15% và chỉ có 3 trong số 11 ứng viên tự đề cử trúng cử.[28] Mặc dù có một thực tế là số ghế đại biểu không phải là đảng viên đã tăng gấp đôi từ Quốc hội khóa IX, 15% vẫn là con số không thể chấp nhận được và các nhà chỉ trích tiếp tục đòi hỏi phải có nhiều ghế hơn giành cho các ứng viên độc lập. Quả thực, tờ Tuổi Trẻ, một tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã lên tiếng trong một bài xã luận thẳng thắn rằng “quan điểm [của các đại biểu Quốc hội] sẽ có trọng lượng hơn nếu những ý kiến mới mẻ được bày tỏ, và nếu đây là kết quả của sự kết tinh trí tuệ và sáng kiến của nhiều người.”[29] Ngay cả ông Vũ Mão cũng bày tỏ quan ngại: “Chúng ta đang cố gắng tạo ra một môi trường dân chủ, chúng ta có quan điểm là những người không nằm trong Đảng cũng có thể tốt.”[30]
Đảng dường như không thể vượt qua được e ngại rằng cho phép nhiều hơn những ứng viên độc lập sẽ làm mất đi sự kiểm soát của Đảng với Quốc hội. Với tâm lý đó, Đảng tiếp tục kiểm soát quá trình bầu cử, lựa chọn những đảng viên trung thành hơn là những ứng viên có năng lực. Và điều này đã gây tức giận cho giới bất đồng chính kiến. Các nhà phê bình đã công khai cảnh báo về sự bất tài và bất lực của các đại biểu quốc hội. Một lý do là hầu hết các đại biểu đều làm với chức danh kiêm nhiệm. Chỉ có những ủy viên thường vụ quốc hội là những đại biểu chuyên trách về các vấn đề lập pháp, rõ ràng là không đủ để giải quyết số lượng ngày càng tăng của những luật phức tạp cần được ban hành để điều tiết một hệ thống đa dạng hơn về kinh tế và xã hội. Như vậy, quyền hành lại tập trung quá nhiều vào tay Ủy ban thường vụ, đồng nghĩa với Đảng, và vào tay ông Nông Đức Mạnh, ủy viên cao cấp của Bộ Chính trị và là chủ tịch Ủy ban.
Để giải quyết vấn đề này, Quốc hội khóa X đã tăng số đại biểu với hy vọng sẽ có nhiều đại biểu chuyên trách hơn nhằm giải quyết những dự luật tồn đọng.[31] Tuy nhiên, số đại biểu chuyên trách tăng lên cũng không thể che đậy sự thật là họ cũng do Đảng lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn chính trị chứ không phải chuyên môn. Nguyễn Thanh Giang, trong bài viết không được xuất bản “Bàn về dự thảo hiến pháp năm 1980,” nêu lên vấn đề này lần đầu tiên. Trong đó, ông chủ trương sự độc lập của cơ quan tư pháp và phải chấm dứt thực trạng đại biểu Quốc hội “hai mang”. Mặc dù một số ý kiến của ông được các quan chức ghi nhận và áp dụng, ông bị Ban Nội chính Trung ương coi là phần tử có khả năng gây rối và bị bắt giữ tháng 3 năm 1999 vì ủng hộ các cải cách như vậy.
Đảng đã có một số nhượng bộ. Những đại biểu trúng cử Quốc hội khóa X có độ tuổi trẻ hơn (độ tuổi trung bình là 49), học vấn cao hơn (trên 91% có ít nhất một bằng cử nhân, so với 49% quốc hội khóa trước), và có nhiều kinh nghiệm thương trường hơn (Trong số 633 ứng viên có 100 người là doanh nhân hoặc nhà quản lý.)[32] Nhưng cải cách vẫn chỉ đơn thuần như hàng bày trong tủ kính. Trong vai trò là nhà bất đồng chính kiến cao cấp nhất, tướng Trần Độ đã viết cho Bộ chính trị:
Về [quyền nắm giữ ]quyền lực, trong tất cả những văn kiện chính thức, quyền lực chính trị quốc gia được chỉ ra là “của dân, do dân, và vì dân” và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiển tra,” nhưng thực tế không phải như vậy. Mọi thứ đều được quyết định bởi Đảng, hay đúng hơn là những đảng viên nắm giữ những cương vị chủ chốt. Việc bầu những đại diện của nhân dân vào các tổ chức chính phủ, bao gồm những chức vụ cao nhất, tiếp tục đi theo lối mòn “Đảng cử, dân bầu” với một vài “biến thể”. Và những tổ chức này chỉ có nhiệm vụ thông thường là “thể chế hóa các quyết định của Đảng đối với chính phủ.” Cơ cấu của Đảng từ trên xuống dưới có quyền hành tuyệt đối và không chịu sự quản lý của bất kỳ luật nào. Kết quả không gì khác hơn là “đảng trị” trong một chế độ toàn trị.[33]Trong phần phụ lục của lá thư, Trần Độ cẩn thận đưa ra những khuyến nghị cải cách để làm cho Quốc hội trở thành một cơ quan lập pháp thực thụ có thể vừa đóng vai trò thông qua luật, vừa giám sát trách nhiệm của Đảng và chính phủ trước dân. Cải cách đầu tiên là chuyển việc soạn danh sách ứng viên từ tay Đảng sang 2 vòng “giới thiệu hiệp thương”. Bất kỳ ai cũng có thể đủ tư cách ứng cử nếu cá nhân đó thu thập đủ chữ ký ủng hộ, như tất cả các ứng viên được giới thiệu khác. Thứ hai, phải có những “yêu cầu tối thiểu” đặt ra cho các ứng viên, bao gồm tư cách đạo đức, chuyên môn, học vấn, kinh nghiệm trong công tác chuyên môn. Nhưng ông Độ khẳng định rằng các ứng viên nên có “quan điểm chính trị phù hợp về nhiệm vụ của mình” và ông cho rằng độ tuổi tối thiểu của đại biểu quốc hội là tuổi 40. Mặc cho tầm quan trọng của chuyển giao thế hệ lãnh đạo, ông phản đối việc “cơcấu những ứng viên độ tuổi 20” như là “một hình thức trẻ hóa máy móc.”[34]
Một cách ngắn gọn, bất kỳ một cải cách chính trị, tự do hóa hay phi tập trung hóa nào cũng sẽ giúp tăng cường vai trò của Quốc hội. Kể từ năm 1986, nó đã trở thành một cơ quan độc lập và có nhiều tiếng nói hơn, phản biện chính phủ và đòi hỏi có nhiều quyền tự chủ và giám sát hơn. Nó đảm nhận vai trò lớn hơn trong tiến trình cải cách vì chức năng lập pháp của nó; chỉ riêng với cải cách kinh tế, Quốc hội đã thông qua rất nhiều luật nhằm điều tiết thị trường. Quốc hội đã trở thành một cơ quan độc lập đáng kể với chính phủ. Sau khi phòng trào nông dân biểu tình nổ ra, Quốc hội đã sửa đổi Luật Đất đai và thông qua Luật Khiếu nại Tố cáo để giải quyết những tranh chấp và hợp pháp hóa các kênh để công dân gửi các khiếu kiện và kiến nghị, cũng như để trừng phạt các quan chức tham nhũng.[35] Tại kỳ họp quốc hội mùa thu năm 1998, các đại biểu đã đấu tranh mạnh mẽ đòi chi ngân sách nhiều hơn cho nông nghiệp, đặc biệt là thủy lợi, đường sá, và tạo công ăn việc làm tại 1.715 xã “nghèo”.[36] Quốc hội cũng thảo luận “Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân,” cũng như Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân. Quốc hội cũng đã cố gắng nâng cao tính minh bạch trong chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, ngân sách chính phủ không còn nằm trong hạng mục bí mật quốc gia và luật mới yêu cầu phải công khai hoàn toàn ngân sách cấp địa phương.[37]
Tại kỳ họp quốc hội vào tháng 6 năm 2000 đã xuất hiện rất nhiều chỉ trích nhằm vào chính phủ và cách thức chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Các đại biểu đã phê phán chính quyền trung ương về những chính sách (hoặc thiếu vắng những chính sách) mà họ cho là đã dẫn đến đầu tư nước ngoài giảm 65% kẻ từ năm 1996. Khủng hoảng kinh tế kéo dài rõ ràng khiến cho các đại biểu mạnh mẽ hơn khi chất vấn và giám sát chính phủ và những chính sách của nó: sự quyết đoán của Quốc hội và một số văn bản pháp lý quan trọng đã giúp cải thiện chất lượng của quá trình lập pháp. Quốc hội rõ ràng là đã trở nên chủ động hơn rất nhiều, và đáng được ghi nhận khi đòi hỏi có vai trò lớn hơn trong quá trình hoạch định chính sách. Mặc dù vẫn còn chưa đạt đến lý tưởng lập hiến, chúng ta nên kỳ vọng nhiều hơn vào cơ quan này trong tương lai; nó giữ vai trò trọng yếu trong cải cách chính trị ở Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thực tế đã có một số nhà bất đồng chính kiến kêu gọi hệ thống đa đảng, mục tiêu trước mắt của họ là thuyết phục Đảng chia sẻ quyền lực với giới trí thức. Có người còn ủng hộ mạnh mẽ mô hình các đảng phái chính trị cạnh tranh quyền lực nghị viện theo kiểu Anh quốc. Một số tìm kiếm diễn đàn để mọi người có thể tham gia tranh luận. Trong bài phát biểu ngày 12 tháng 12 năm 1997, “Về nhu cầu tiếp tục cải cách trong thời kỳ hiện nay,” Phan Đình Diệu không đưa ra đề xuất một hệ thống đa đảng nhưng đã kêu gọi lập ra một diễn đàn độc lập tại đó các trí thức có thể gặp gỡ và bàn luận về dân chủ hóa. Bảo Cự, một nhà bất đồng chính kiến khác đã chỉ ra trong một thư ngỏ rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội do Đảng kiểm soát, là một địa điểm thích hợp như vậy. Như đã ghi trong các văn bản dưới luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “một liên minh chính trị rộng lớn, một liên hiệp tự nguyện các tổ chức, các nhóm, các đại diện của mọi tầng lớp xã hội, các nhóm sắc tộc thiểu số, tôn giáo, và người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đại diện cho nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.” Hơn nữa, bởi vì ông Diệu vẫn nằm trong đoàn chủ tịch mặt trận tổ quốc nên mặc dù ông có chỉ trích Đảng, nó vẫn là nơi thích hợp để thảo luận về dân chủ.[38]
Sự vận động để có một hội nghị bàn về dân chủ dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc là một động thái khôn ngoan. Những gì mà các nhà bất đồng chính kiến đang cố gắng chuyển tải là vì dân chủ có thể tồn tại ngay trong hệ thống các thể chế chính trị hiện tại nên không cần phải có cách mạng triệt để hay thực hiện hệ thống nghị viện đa đảng để có dân chủ. Đã có khung pháp lý. Suy cho cùng, theo quan điểm của Đảng, Mặt trận Tổ quốc về mặt pháp lý là “một liên minh chính trị xã hội rộng lớn trong hệ thống chính trj của Việt Nam có vai trò giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân.”[39] Đề xuất trên chắc chắn sẽ không được chấp thuận. Trước tiên, hầu hết mọi người biết rằng Mặt trận Tổ quốc hiếm khi thực thi theo những lý tưởng cao đẹp được quy định trong hiến chương của nó. Như Bảo Cự đã chỉ ra, Mặt trận Tổ quốc đơn giản chỉ là một “mặt trận” của Đảng với các thành viên đều là đảng viên, chức năng chỉ là “tuyên truyền những định hướng và các chính sách của Đảng.”[40] Hơn nữa, hầu hết các nhà bất đồng chính kiến đều biết rằng dân chủ hóa thực sự, mặc cho Đảng cam kết, không đến một cách dễ dàng hay nhanh chóng. Nó sẽ đến một cách chậm rãi và qua những con đường gián tiếp. Thuyết phục Đảng cho phép có tranh luận công khai đơn giản chỉ là bước quan trọng đầu tiên nhưng còn lâu mới có kết quả. Giữa năm 1999, Quốc hội khóa X đã thông qua luật mới điều chỉnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc, quy định cụ thể “vai trò và địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan nhân dân khác” để những người bất đồng quan điểm không còn cơ hội sử dụng Mặt trận Tổ quốc làm nơi để biểu thị quan điểm chống lại đường lối của Đảng.
Pháp quyền hóa nhà nước
Lời kêu gọi của Lữ Phương đặt Đảng “xuống dưới pháp luật và bình đẳng với các tổ chức khác” là mong muốn chung của các nhà bất đồng chính kiến. Thay vì kêu gọi đa nguyên chính trị, hầu hết trong số họ chỉ muốn có sự tôn trọng triệt để pháp luật hiện hành. Có một vài khía cạnh liên quan đến vấn đề này. Trước hết, như đã thảo luận ở trên, đó là phải trao cho Quốc hội sự độc lập được ghi trong hiến pháp. Thứ hai, bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992 cho phép Đảng đứng trên pháp luật. Thứ ba, đổi mới pháp luật để cơ quan tư pháp có thể đóng vai trò là cơ quan phân xử pháp lý độc lập.
Gốc rễ của cuộc tranh luận là điều 4 hiến pháp năm 1992 mà nhiều người coi là sự hợp thức hóa quyền cai trị độc tôn của Đảng. Điều 4 gây tranh cãi ngay trong nội bộ Đảng: trong quá trình dự thảo hiến pháp năm 1992, đã có tranh luận xem liệu có nên thay đổi từ ngữ của điều này trong hiến pháp năm 1980 vốn quy định Đảng cộng sản là “lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Điều 4 của hiến pháp hiện hành quy định Đảng cộng sản “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội,” nhưng không ai nghĩ rằng nó có nghĩa là Đảng từ bỏ quyền lực độc tôn. Điều 4 này tiếp tục là đối tượng đả kích của các nhà bất đồng chính kiến. Ví dụ, Hoàng Minh Chính đã khẳng định rằng “gốc rễ của tất cả những đau khổ của đất nước và dân tộc Việt Nam là điều 4 của Hiến pháp. Nó tuyên bố quyền cai trị tuyệt đối của Đảng. Đảng như vậy đứng trên tổ quốc, đất nước, và hết thảy mọi thứ.”[41] Hầu hết các nhà bất đồng chính kiến khác cũng đồng ý. Trong bức thư gửi Ban Chấp hành Trung ương ngày 3 tháng 10 năm 1993, nhà văn Bùi Minh Quốc yêu cầu Ban Chấp hành “bỏ điều 4 Hiến pháp và ban hành luật mới về hoạt động của Đảng” nhằm đặt Đảng xuống vị trí bình đẳng pháp lý với xã hội.
Khía cạnh cuối cùng là tăng cường vai trò của ngành luật. Đã có một số tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng vẫn còn trở ngại về mặt cơ cấu. Lấy ví dụ, 30 đến 40% thẩm phán và các cán bộ tư pháp tại Việt Nam không có bằng luật và không được đào tạo về nghiệp vụ nhưng lại là những quan chức được Đảng bổ nhiệm. Và hệ thống pháp lý của Việt Nam không được trang bị đúng mức để khắc phục lỗ hổng này. Trường luật đầu tiên mới được thành lập năm 1979, và đến năm 1993, Đoàn luật sư Hà nội chỉ có 50 thành viên. Theo đánh giá của Đoàn luật sư Hà nội thì do nền kinh tế thị trường làm gia tăng nhu cầu đối với hệ thống pháp lý, Việt Nam hiện cần khoảng 500 đến 1.000 luật sư.[42] Do không có đủ luật sư nên rất ít bị cáo có luật sư bào chữa một cách thỏa đáng; luật sư của họ đơn giản chỉ làm sao thân chủ bị kết án nhẹ hơn.[43] Hơn nữa, do Bộ Tư pháp hoàn toàn không hoạt động từ 1961 đến 1981 nên đã dẫn đến những mất mát về kinh nghiệm thực tế không thể sửa chữa được. Từ năm 1981 đến 1990, do không có đủ nhân viên nên Bộ Tư pháp luôn gặp khó khăn khi phải soạn thảo các đạo luật và pháp lệnh (?) mới, bao gồm Bộ luật Hình sự năm 1985. Mặc dù Đảng cũng ngày một cởi mở hơn về một xã hội dựa trên pháp luật, những trở ngại về cấu trúc đã ngăn cản quá trình phát triển này.
Liên quan đến vấn đề này là sự chồng chéo giữa các ban bệ theo đó tại mỗi cấp chính quyền đều có một cấp đảng ủy tương đương. Đây là một thực tiễn phổ biến trong các chính thể cộng sản. Đã có những nỗ lực của Đảng nhằm giải quyết vấn đề này: thực tế, một trong những mục tiêu chính của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991 ) là xóa bỏ sự chồng chéo của các ban bệ vốn phổ biến trong Đảng. Gareth Porter lưu ý rằng “Mặc dù Đảng có nhiệm vụ ‘lãnh đạo nhà nước, nhưng không thay thế nhà nước,’ sự nhập nhằng về chức năng giữa Đảng và nhà nước là vấn đề căn bản của hệ thống chính trị Việt Nam ngay từ đầu.”[44] Điều quan trọng với ông Linh là cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, trong các vấn đề trong nước lẫn đối ngoại.
Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, năm 1989, những tranh luận chủ yếu về chính trị tập trung vào mối quan hệ Đảng – Nhà nước.[45] Tờ nhật báo Nhân Dân của Đảng, để thể hiện sự ủng hộ với ông Linh, cho rằng Đảng đã “can thiệp quá sâu vào sự quản lý của nhà nước, làm giảm tính hiệu quả của quản lý nhà nước, do vậy đã làm giảm vai trò lãnh đạo của nó.”[46] Hiến pháp năm 1992 đã quy định cụ thể sự tách bạch giữa Đảng và Nhà nước: Mặc dù Đảng vẫn duy trì vai trò “định hướng”, “song sẽ không can thiệp vào vào sự điều hành hàng ngày của chính phủ hay hoạt động ngoài quy định của pháp luật.”[47] Nhìn chung, đã có những nỗ lực để chính phủ có quyền tự chủ hơn, nhưng Đảng vẫn đặt ra đường lối và phê chuẩn những chính sách quan trọng. Mặc dù các chuyên gia của chính phủ sẽ được tham khảo nhiều hơn, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bộ trưởng có chân trong Bộ Chính trị và các quan chức cấp cao khác của Đảng. Ví dụ tiêu biểu là câu chuyện về một vị đại sứ của một nước châu Á được triệu tập đến gặp Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào tháng 12 năm 1199. Ông Phiêu đã chỉ trích mạnh mẽ vị đại sứ này vì nêu quan ngại về môi trường đầu tư với chính phủ và yêu cầu ông đại sứ nói trực tiếp với ông bởi vì “chính tôi là người hoạch định chính sách.”[48]
Sự can thiệp của Đảng bắt nguồn từ sự chồng chéo giữa các ban bệ đã ngăn cản sự đổi mới. Bởi vì các nhà quản lý và các chuyên gia có vị trí thấp hơn bí thư đảng ủy của họ, nên họ có khó thể đưa ra những quyết định hợp lý về kinh tế mà thường buộc phải đưa ra những quyết định dựa trên những cân nhắc về mặt chính trị đơn thuần. Điều này đã báo động những người cải cách trong Đảng và trong chính phủ cũng như các nhà bất đồng chính kiến. Nhưng vấn đề lại trở nên trầm trọng hơn.
Bởi vì Đảng không có quyền lập pháp, vốn thuộc về Quốc hội, cho nên nó quản lý bằng nghị quyết. Bởi vì những nghị quyết của Đảng được thực hiện và thực thi tại chi bộ Đảng tại tất cả các cấp của tất cả các tổ chức, như vậy chúng không thể bị chất vấn và bãi bỏ, và điều này được ghi trang trọng trong điều 4 hiến pháp. Như tướng Trần Độ than phiền, “Quốc hội tạo ra luật, nhưng luật có ích gì khi nhiều người thường xuyên làm trái pháp luật. Quốc hội đành bất lực vì nó không có quyền can thiệp.” Tương tự như vậy, Phan Đình Diệu lên tiếng rằng:
Đảng, hay nói chính xác hơn là một bộ phận nhỏ kiểm soát Đảng, tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với nhà nước và xã hội; đưa ra những nghị quyết, quy định của Đảng chỉ đạo Quốc hội, chính phủ, tòa án, thanh tra chính phủ, và các tổ chức cơ sở; như vậy đã biến toàn bộ hệ thống chính phủ thành thành những cơ quan thực thi các nghị quyết từ một nhóm quyền lực trong Đảng. Dân chủ và pháp luật cũng bị biến thành những công cụ thực thi những nghị quyết này.[49]Bùi Minh Quốc đi thẳng vào bản chất vấn đề trong cuốn hồi ký của mình “nếu Đảng thực sự mong muốn xây dựng một chính phủ hành pháp, các nhà lãnh đạo của Đảng phải có thiện chí bằng cách xóa bỏ ngay thực trạng kết án người dân bằng chỉ thị của Đảng.”[50] Bùi Tín viết rằng đây là quy trình điều hành chuẩn (standard operating procedure) của chế độ. Thay vì xét xử bằng trình tự tố tụng dân sự, Đảng đơn giản “gán cho” người dân là “những phần tử phản động” và tùy tiện xét xử người dân bằng bộ máy kỷ luật nội bộ.
Sau vụ Nhân Văn- Giai Phẩm và các các trường hợp tương tự, những “phẩn tử phản động chính trị” như vậy bị xử lý bí mật. Không có phán quyết của tòa và không được đề cập trên báo chí hay đài phát thanh. Chỉ có giới lãnh đạo cấp cao được thông báo nội bộ trong Đảng. Các tổ chức an ninh, đặc biệt là các tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ Đảng và quân đội được phép hành động tự do không cần luật pháp.[51]Nhưng Đảng tiếp tục sử dụng pháp luật để duy trì quyền lực độc tôn của mình. Đảng từ chối tách bạch quyền lực giữa Đảng, Nhà nước và cơ quan tư pháp. Không có ngành tư pháp độc lập ở Việt Nam, và đối với những người bất đồng chính kiến như Nguyễn Thanh Giang, đây là khía cạnh khó hiểu nhất của sự cai trị của Đảng. Ông Giang muốn rằng “nhất định phải phân chia quyền lực và trao quyền đầy đủ cho mỗi thể chế chính phủ trong quan hệ với nhau để thực thi nhiệm vụ của mình,” và rằng “không một nhánh nào trong ba nhánh của chính quyền có thể được cho phép áp đảo hai nhánh còn lại.”[52]Một trong những vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập rõ ràng nhất là nghị quyết 3 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII chỉ đạo các quan chức của Đảng can thiệp vào hệ thống pháp luật: ”Đối với những vụ kiện cáo lớn mà có thể có những hệ lụy chính trị lan rộng, hay liên quan đến quốc phòng, an ninh, và ngoại giao hoặc những cán bộ chịu sự quản lý của cấp ủy địa phương, bí thư đảng ủy địa phương phải đưa ra quan điểm chính trị và chỉ đạo việc xét xử và tuyên án.”[53]
….
[1] Carol V.Rose, “The ’New’ Law and Development Movement in the Post-Cold War Era: A Vietnam Case Study,” Law and Society Review 32 (1998),97, note 10; Cũng tham khảo Hoàng Thị Liên, “On the Legal System of Vietnam,” Vietnam Law and Legal Forum (Tháng 9 năm 1994), 34; Mark Sidel, “The Re-emergence of Legal Discourse in Vietnam,” International and Comparative Law Quarterly 43 (tháng 1 năm 1994): 163-174.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét