(Trước Khi Khép Lại)
MỘT:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên án các tội ác của Mỹ trong chiến tranh VN
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã phát biểu như vậy hôm nay tại buổi lễ đánh dấu ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam ở Sài Gòn.Trong bài phát biểu, ông Dũng nói rằng, 40 năm trước, “đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ” và “gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta”.
Ông cũng cũng ngỏ lời “chân thành cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa nhất là Liên Xô, Trung Quốc” đã giúp chính quyền Hà Nội trong Chiến tranh Việt Nam.
Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Việt Nam cũng nêu lên cuộc chiến “bảo vệ biên giới phía bắc”, và “biên giới phía tây nam”, nhưng tránh nhắc tới Trung Quốc.
(Theo BBC và RFA)
HAI:
Xem pháo hoa với bữa ăn tôm hùm 10 triệu
Để ngắm pháo hoa ở vị trí đắc địa nhất hồ Gươm tối 30/4, một gia đình đã lên tầng 5 Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) đặt bữa tối với tôm hùm Canada, giá niêm yết là 10 triệu đồng
Một nhà hàng tại tầng 5 Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) có bữa tối với tôm hùm Canada và xem pháo hoa tầm cao ngay cạnh Bưu điện Hà Nội. Tôm ở đây có giá 3 triệu đồng/kg. Tổng chi phí cho bữa ăn với 2,5 kg tôm hùm này là 10 triệu đồng (bao gồm cả phí phục vụ). cho một người.(Theo BizLive)
BA:
GS Nguyễn Văn Tuấn: Hào Nhoáng Việt Nam
Hôm nay là ngày 30/4 rồi. Sáng nay, nhâm nhi cà phê và đọc được bài viết dưới đây (đăng trên bbc) tôi thấy đáng để chúng ta suy ngẫm trong ngày lịch sử này. Cái câu trong bài này làm ám ảnh tôi là:
“Đàng sau cái hào nhoáng bên ngoài của những thay đổi vừa nói là một sự thật còn đáng sợ hơn: Chủ nghĩa Tư bản Đỏ, một sự liên kết tuyệt hảo giữa nền độc tài chuyên chế của CNCS và sự bóc lột ghê sợ của CNTB sơ khai tạo nên một môi trường tuyệt vời cho tầng lớp cầm quyền.”
Ai cũng thấy điều này. Tôi cũng thấy. Những người giàu nhất ngày nay là con cháu của ai thì chúng ta đã thấy. Người dân bỏ ra 20 năm hi sinh xương máu để 40 năm sau đem lại giàu có cho một nhúm nhỏ hoàng tử công chúa Đỏ.
Câu đó làm tôi nhớ đến bài nói chuyện hôm qua của một ông giáo sư tên là MF Good (dân Queensland), rất nổi tiếng trong lĩnh vực vaccine. Ông được Viện mời đến khai mạc một hội nghị, và sẵn dịp nói về công việc nghiên cứu vaccine của ông. Vào bài giảng, ông hỏi diễn đàn là: các bạn nghĩ rằng Úc là nước thuộc thế giới “developed countries” hay là “developing countries”. Trước một câu hỏi lắt léo như thế, cử toạ ngần ngại trả lời, nhưng ông nói “Thôi, để tôi trả lời”. Và, ông trả lời bằng cách trưng bày một bức hình rất “ngon lành” trong một khách sạn sang trọng ở Sydney; sau đó, ông trình bày hàng loạt bức hình mà người thổ dân ở Queensland sống khổ cực ra sao, nhìn cái nhà bếp mà phát ghê, trẻ con thì ngơ ngác cứ như là bên … Việt Nam. Thật ra, những bức hình đó – nếu không biết chụp ở đâu – người ta sẽ thấy sao mà giống Việt Nam thế! Ông kết luận rằng đừng có nghĩ những cái hào nhoáng ở Sydney, Melbourne, Brisbane, v.v. mà nghĩ rằng mình là thuộc thế giới “developed countries”. Sau đó, ông mới vào nội dung chính của bài giảng (tức là vaccine).
Thành ra, khi đọc câu trên của tác giả Đoàn Xuân Tuấn, tôi liên tưởng ngay đến lời khuyên của ông MF Good ngày hôm qua. Đừng có nhìn cái hào nhoáng bề ngoài của Việt Nam mà nghĩ rằng nước mình đã thoát nghèo. Những cửa hàng LV, Herme, Rolex, Gucci, Chanel, v.v. ở trung tâm Quận 1 không thể nào che dấu được những cái ổ chuột chỉ cách đó vài trăm mét. Chỉ cần đi ra ngoài các quận thì sẽ thấy cuộc sống thật của người dân còn khốn khổ ra sao. Ngay tại khu Quận 7, chỉ cần đi ra vài km là thấy ngay một thế giới khác, thế giới của những người nghèo sống trong những căn chòi lụp xụp, với thu nập 2USD/ngày. Tôi không biết những quan chức, những người lái xe BMW, Mercedes, Audi, v.v. có chạnh lòng khi đi ngang qua những khu đó.
Mà, chẳng phải chỉ ở Sài Gòn mới có 2 thế giới như thế. Ở Nha Trang cũng thế. Tôi từng lang thang ở Nha Trang cả 2 tuần, và nghiệm ra một điều là có 2 Nha Trang trong Nha Trang: một bên mặt tiền là những khách sạn 4-5 sao sang trọng, hàng quán đắt tiền dành cho người Nga và Tây; và phía bên trong là nơi luộm thuộm, thiếu trật tự, hơi dơ dấy và chủ yếu là nơi sinh hoạt của người địa phương. Nhìn bề ngoài thì phồn vinh đấy, nhưng nhìn sâu hơn thì sẽ cho ra một bức tranh hoàn toàn khác. Nơi đây chính là phản chiếu của một Việt Nam thu nhỏ.Thật ra, bất cứ chỗ nào tôi đi qua, từ Nam chí Bắc, đều có 2 thế giới: một thế giới của hào nhoáng, và một thế giới của nghèo khổ. Cái hào nhoáng nó không đủ bóng để che lấp cái nghèo khổ.
Trước 1975 thì người ta còn có lí do để đổ thừa cho bọn Mĩ Nguỵ chúng nó tạo nên cái hào nhoáng bề ngoài. Trong thực tế, cái khái niệm (tôi nâng tầm) “hào nhoáng bề ngoài” là chiêu tuyên truyền được giới tuyên truyền ngoài Bắc ưa chuộng. Nó không sai, đúng là có hào nhoáng bên ngoài. Nhưng nó sai ở chỗ là thời đó, người dân sống tương đối ấm no hơn bây giờ. Nhưng cái hào nhoáng đó sau một thời gian nằm im thì nay đã sống lại và còn ghê gớm hơn xưa. Người giàu là các thái tử đỏ. Người nghèo đói thì muôn đời vẫn là dân đen. Đói đến nỗi phải đi làm thuê, thậm chí bán thân, ở nước ngoài và bỏ mạng. Làm thuê và bán thân ở những nước mà trước đây họ thấp kém hơn ta. Phải nói đó là một nỗi quốc nhục.
Câu hỏi đụng chạm là: Ai phải chịu trách nhiệm cho nỗi quốc nhục đó. Nói chuyện với các quan chức thì họ đổ thừa cho chiến tranh, cho việc Mĩ và thế giới cô lập, cho lí do “khách quan”, vân vân. Nhưng tất cả những lí do đó không thuyết phục. Mĩ Nguỵ không còn nữa. Chiến tranh đã chấm dứt 40 năm rồi. Đất nước đã thống nhất rồi. Tài nguyên đã và đang được khai thác tối đa, gần cạn kiệt rồi. Nước ngoài họ cho vay liên tục. Không thể đổ thừa cho Mĩ Nguỵ, chẳng thể đổ thừa cho chiến tranh, càng không thể nói vì chúng ta không có tài nguyên. Nhìn sang các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan, hay xa hơn chút là Nhật, người ta chỉ cần 20-30 năm để hoán chuyển đất nước từ nghèo thành giàu. Còn VN thì đã 40 năm, mà xu hướng nghèo vẫn chưa có dấu hiệu cải tiến.
Cụ Nguyễn Du có một câu cũng hay “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Tôi muốn hiểu theo “nghĩa hiện đại” là đã mang cái gông/nghiệp chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản vào thân, thì đừng trách ai làm cho mình nghèo. Chính mình làm cho mình nghèo. Nhà văn người Nga Fyodor Dostoievsky (thuộc hàng “favorite” của tôi) có một câu rất hay và tôi hay lấy ra làm châm ngôn là “We are all responsible for everyone else” (chúng ta chịu trách nhiệm cho mọi người khác). Tôi nghĩ câu đó rất đúng cho những người đang cầm quyền.
—
PS. Kể thêm chuyện vui ngày hôm qua về ông Good và câu chuyện với con ông. Ông kể rằng một hôm, đứa con trai 22 tuổi của ông mới xong cử nhân thương mại hỏi: Ba nghiên cứu vaccine bao lâu rồi. Ông trả lời là trên 20 năm rồi. Ba tìm ra vaccine nào chưa? Chưa. Vậy thì hoặc là ba kém quá, hoặc là ba nên tìm việc gì khác để làm đi, chứ trong doanh nghiệp không có ai đầu tư suốt 20 năm cho ba như vậy đâu. Ông nói lúc đầu mới nghe, ông cũng nóng lắm, nhưng nghĩ lại thì không nên đối thoại với bọn làm kinh tế này được. Nhưng ông nói từ đó ông làm việc nhiều hơn, và mãi đến 2 năm trước mới làm được một vaccine sốt rét, nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu. Câu chuyện của ông làm tôi tự hỏi không hiểu sao ở VN người ta nói là làm ra vaccine hoài. Chắc là các nhà khoa học vaccine ở VN tài giỏi hơn các nhà khoa học Úc?
====
BỐN:
Chờ nhìn quê hương Việt Nam sáng chói
Đoàn Xuân Tuấn (Theo BBC)
Không nhớ rõ năm nào của đầu thập niên 80 thế kỷ trước, với cây guitar, tôi hát bài này trước lớp trong môt giờ họp với thầy chủ nhiệm.
Thầy không biết tôi sẽ hát bài gì, đến khi tôi bắt đầu hát bài “Chờ nhìn quê hương sáng chói” của Trịnh Công Sơn thì đột nhiên thầy tỏ ra e ngại thấy rõ. Hát vừa xong cũng là lúc thầy nhẹ nhàng bảo: “lần sau em không được hát những bài nhạc phản động như thế nữa”.
Thật sự không giận thầy vì biết rằng nhạc miền Nam, dù là nhạc “phản chiến” của Trịnh Công Sơn mà khi chính quyền chưa cho phép thì cũng là nhạc phản động. Dù vậy chẳng hiểu sao mình vẫn mang cái cảm giác ấm ức sau chừng ấy năm mỗi khi nhớ lại.
Cái mong chờ của Trịnh Công Sơn, theo nhiều người, dường như đã đến và đã qua đi được 40 năm.
Cũng trong những ngày đó, chính Trịnh Công Sơn là người hân hoan lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” để chào mừng cái ngày ông hằng chờ mong. Và bây giờ, như một điệp khúc tồi tệ, 30/4 lại về.
Chỉ một tờ lịch mà có đủ khả năng khơi dậy bao loại cảm giác cho bao nhiêu triệu con người Việt Nam của cả hai phía thắng thua. Giữa bao cảm xúc, giữa bao câu chuyện của những người trong thế hệ trực tiếp ảnh hưởng bởi ngày này là những câu hỏi chen lẫn những tiếng kêu gọi Hòa hợp Hòa giải dân tộc. Nên chăng và đến bao giờ?
Tôi nhớ lại cái cảm giác xúc động và mừng vui khi được xem TV chiếu trực tiếp cảnh dân chúng đạp đổ bức tường Berlin tháng 11 năm 1989.
Là người vừa thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam chưa đầy một năm trước đó và đã từng được theo dõi cuộc tàn sát đẫm máu sinh viên Trung quốc bởi chính quân đội “nhân dân” Trung quốc trong sự kiện Thiên An Môn tháng Tư 1989, lẽ đương nhiên tôi cảm thấy phấn khích trước một điều dường như không tưởng vào thời điểm đó: ngày cáo chung của Chủ nghĩa CS đã bắt đầu.
Không ai có thể nghĩ rằng Liên xô và khối XHCN lại có thể sụp đổ, sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn với rất ít máu rơi như thế. Và lẽ đương nhiên, tôi liên tưởng và hy vọng cho một Việt Nam. Tôi chờ, lại chờ…!
Nước Đức và Việt Nam
25 năm sau, tôi được đặt chân tới Berlin. Tới phần còn lại của bức tường lịch sử, tới Checkpoint Charlie, đi ngang nơi lá cờ cuối cùng của Kremlin vẫn còn được treo và được thăm nhiều nơi khác trong thành phố nổi tiếng này. Và niềm xúc động của ngày xưa lại về dù lần này mùi vị có hơi khác trước. Tôi may mắn có dịp đi đến nhiều nơi trong nước Đức và tôi thực sự ngưỡng mộ và ganh tỵ với dân tộc này.
25 năm thống nhất Đông Tây, nước Đức đã trở thành một quốc gia với nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, một thiên nhiên tuyệt đẹp, một môi trường trong lành. Tôi chưa hề nghe ở nước Đức có sự phân biệt giữa Đông và Tây, giữa những người “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc”.
Bà Angela Merkel, xuất thân là một người Đông Đức và từng là thành viên của Đoàn Thanh Niên CS, thành viên của Đảng CS, bây giờ là vị Thủ tướng xuất sắc của nước Đức thống nhất.
Và tôi tự hỏi, nếu như đổi lại lịch sử, một nước Đức thống nhất nhưng “Bên Thắng Cuộc” là nước Đức Cộng sản thì sẽ thế nào. Sẽ có bao nhiêu ngàn người đi cải tạo? Bao nhiêu ngàn gia đình ly tán, bao nhiêu người trẻ sẽ phải lớn lên trong sự dối trá, thờ ơ, trong sự e sợ trấn áp, hù dọa của chính quyền, bao nhiêu cái đầu non nớt sẽ bị tẩy rửa… như Việt Nam của tôi sau ngày “Thống nhất”?
Không diễu binh, không tuần hành, không cờ quạt, không đổ tiền vào những “hội thảo cấp nhà nước” để “đào sâu thêm ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất”, vị Thủ Tướng Đức chỉ có một bài diễn văn ngắn gọn mà cảm động: “…It was a day that showed us the yearning for freedom cannot be forever suppressed – Đó là một ngày cho chúng ta thấy niềm khát vọng cho tự do không thể bị đè bẹp mãi mãi”.
Chính phủ Việt Nam, với bao nhiêu công văn, nghị định… về “chủ trương Hòa Hợp Hòa Giải” đã thực sự đi đến đâu sau 40 năm?
Sẽ chẳng đến đâu khi lời nói không đi đôi với việc làm, khi cứ tiếp tục mang cái vênh vang của kẻ chiến thắng gí vào mặt những người mà cuộc đời đã bị tù đày, ly tán, bị hoàn toàn đảo ngược sau cuộc chiến?
Và nếu như có những tiếng nói phản đối thì lại khoác cho họ cái áo choàng của lòng thù hận, của “thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam”, của “bọn chống cộng”…
Những người lính của 40 năm trước nay đã mất đi nhiều, trong số đó có ba tôi, dượng tôi. Phần lớn những ngưòi còn sống thì họ cũng đã già đi nhiều và cùng với tuổi già thì hầu như ai cũng sẽ khoan dung hơn.
Nếu nói rằng họ mang niềm thù hận cho cái biến cố năm 1975 thì có lẽ rất ít trong số họ còn mang cái nỗi niềm đó trong đời lưu vong ở xứ người. Cứ cho rằng họ chống đối vì thù hận thua cuộc là một nhận định cũ rích cho ta thấy Chính quyền Việt Nam mới là kẻ sống trong quá khứ.
Vì sao? Vì họ quên hoặc cố tình lờ đi rằng cái vấn đề chính là sự khác biệt trong ý thức hệ. Họ không nhìn ra được những sự thay đổi của cả hai phía sau thời gian 40 năm.
Năm 1975, dưới chiêu bài “giải phóng thống nhất đất nước”, họ đã thắng và mục đích thật sự là đem CNCS bao trùm toàn cõi Việt Nam để xây dựng một “thiên đường XHCN”. 40 năm qua, họ xây dựng cái thiên đường này như thế nào?
Họ đem cả một dân tộc đi thí nghiệm ra làm sao? Nhìn vào Việt Nam bây giờ, ta không thể phủ nhận rằng nhiều thứ đã thay đổi: nhà cửa, đường sá, cầu cống, sức ăn sức nhậu… Không thay đổi sao được khi nguồn tài nguyên của một đất nước từng tự hào là“rừng vàng biển bạc” đang bên bờ cạn kiệt chỉ sau bấy nhiêu năm?
Không khá lên sao được khi nguồn viện trợ của “những kẻ chống phá đất nước” hàng năm lên đến 12 tỷ đô-la trong lúc chính quyền VNCH chỉ cần có 350 triệu đô trong những năm tháng cuối để giữ vững cuộc chiến mà bị Mỹ từ chối?
Đàng sau cái hào nhoáng bên ngoài của những thay đổi vừa nói là một sự thật còn đáng sợ hơn: Chủ nghĩa Tư bản Đỏ, một sự liên kết tuyệt hảo giữa nền độc tài chuyên chế của CNCS và sự bóc lột ghê sợ của CNTB sơ khai tạo nên một môi trường tuyệt vời cho tầng lớp cầm quyền.
Về mặt Tư bản, họ tha hồ làm giàu, bóc lột tài nguyên và con người một cách bất chính mà không phải e sợ luật pháp vì họ ở bên trên luật pháp, bao che bởi luât pháp.
Về mặt Đỏ: Chính thể chuyên chế thì bịt miệng, gieo rắc sợ hãi, cầm tù ngược đãi mọi tiếng nói phản đối. Việt Nam sau 40 năm đang hướng đến mô hình của nước Nga Putin.
Xã hội lý tưởng
Những người Việt ở Hải ngoại thì sao? Bao nhiêu năm trước họ dùng xương máu đấu tranh cho một nền công hòa non trẻ.
Thất trận, họ bỏ xứ ra đi bằng nhiều cách và phần lớn đến sống ở những nước Tư bản dân chủ. Nếu như xưa kia họ đấu tranh cho một lý tưởng còn khá mơ hồ thì bây giờ họ được sống ngay trong chính cái xã hội lý tưởng đó.
Một xã hội dù đương nhiên là không hoàn hảo nhưng vẫn đủ để họ ước mơ và muốn đấu tranh cho những người còn ở lại trên quê hương cũng được sống trong một xã hội tôn trọng quyền con người như vậy.
Trong những người tôi quen biết, không một ai mong về Việt Nam làm ông nọ bà kia.
Con cái, tương lai họ ở đây. Họ lên tiếng không phải thuần túy do thù hận mà vì họ là những người còn biết thao thức, lo lắng cho quê hương và lẽ ra Việt Nam phải cảm ơn họ vì chí ít họ còn biết quan tâm đến quê hương đất nước.
Hãy nên lo lắng về cái ngày không xa trong tương lai, khi mà thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại không biết gì về quê hương. Khi đó, có lẽ tiếng nói chống đối từ bên này sẽ tắt vì Việt Nam là một đất nước xa lạ với chúng.
Khi đó, cái “indifference”, cái sự thờ ơ sẽ thế chỗ và cùng với nó là sự cạn kiệt của món tiền 12 tỷ/năm cộng với khối chất xám khổng lồ.
Vì thế, bao giờ còn chưa có Dân chủ ở Việt Nam, chừng nào những tiếng nói phản biện ở Việt Nam còn bị đặt vào cảnh lưu vong ngay trên chính quê hương mình thì chừng đó chuyện Hòa Hợp Hòa Giải còn là điều viễn vông.
Viết đến đây chợt nghĩ lại: xưa thầy la mình hát bài hát “phản động” là đúng. Bức tường Berlin không tự đổ sụp nếu dân Đức cũng cứ ngồi chờ. Thay đổi không tự nó đến và cái giá của Tự do không hề là miễn phí.
Nếu cả một dân tộc đều chỉ biết ngồi chờ, từ tôi, anh, người mẹ, anh lính, ngưòi tù… đều ngồi chờ thì cái ngày được nhìn quê hương sáng chói sẽ còn bao nhiêu lần của 40 năm?
Không thể cứ mãi ngồi chờ, Việt Nam!
NĂM:
TS Phạm Thăng Long: Nhìn Lại Quãng Đường Dài
(Tác giả gởi GNA)
Đã 40 năm từ ngày này ghi đậm nỗi đau xa quê hương. Cố gắng ban đầu viết một bài nhìn lại đất nước cũ–một Việt Nam Cộng Hoà, và những hoài vọng tương lai, đã không thành vì những emotions chưa từng có trong đời. Đành chỉ chép lại những ý nghĩ rời về một quãng đời dài của mình, và hy vọng của thế hệ lớn lên ở miền Nam 1955-1975, và cũng nhằm ghi lại vài nét chấm phá cho những bức ảnh lịch sử, tuy không tránh khỏi chủ quan.
Thế hệ đó nay thuộc vào giới la~o niên. Vì đã lớn lên trong chiến tranh ở miền Nam, thuở niên thiếu đã mang nặng hình ảnh và day dứt của cuộc chiến, không có được những bình yên trong ý nghĩ tuổi thơ hay cái hồn nhiên mê đá bóng đua xe như lớp thiếu niên cùng thành phố lớn lên sau này ở quê nhà. Những ám ảnh về cuộc chiến trở thành một hành trang nặng nề lúc ra đi sống ở nước ngoài trong một thời gian dài. Vì thế luôn ấp ủ chút kỷ niệm đẹp về tuổi thơ ở quê nhà, nâng niu từng hình ảnh với người thân trong gia đình và bạn bè bằng hữu lúc còn sống ở đó.
Ra đi và sống ở nhiều nước trên thế giới: Canada, Mỹ, Pháp.. Nhưng tâm tư vẫn luôn quay về chốn cũ, hoài niệm những tia nắng ấm quê hương trong cái giá buốt của tuyết lạnh Bắc Mỹ, nhớ lại những dòng sông nơi quê nhà mỗi lần đứng bên dòng Hudson ở New York hay dòng Potomac chảy qua Washington, D.C, ngay cả lúc sang đến tận Phi châu làm việc, chịu cơn nóng thiêu đốt vì thiếu mưa, vẫn còn bâng khuâng nhớ đến những cơn mưa dài của Sài Gòn thuở nào.
Đã ghi lại nhiều hình ảnh xứ người trong thời gian này, nhưng lại chủ ý ghi dấu tâm tư so sánh với quê nhà, tựu chung cũng là để “tìm lại khoảng thời gian đã mất”.
Thế hệ 1955-1975 tương phản với các thanh niên bây giờ ở quê nhà, sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến tranh Quốc Cộng. Những lớp trẻ mới này phần lớn không còn mang chút dấu vết gì về cuộc chiến, sống thuở thơ ấu vô tư của một đất nước thanh bình và trưởng thành trong một xã hội tương đối bắt đầu no đủ,…
X. X. X. X
Trừ những lúc có cơn mưa nặng hột và dài thường
xuyên đổ xuống xối xả, trời Saigon 1963 oi bức lạ thường hè năm đó, do
không khí chính trị ngột ngạt của miền Nam với biến cố Phật giáo và
những năm tháng cuối cùng của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Các trường trung
và đại học cùng tham gia vào không khí sôi nổi đó một cách bộc phát mà
không suy nghĩ sâu sa. Nhưng sau một đời người nhìn lại và đọc nhiều
sách lịch sửmới hiểu lúc đó mình chỉ là những con chốt.
|
Tuổi thanh thiếu niên lúc đó tràn đầy lý tưởng. Không khí học hành sôi nổi, các trường thi đua trong các kỳ thi tổ chức qui củ. Giấc mơ du học hình thành nơi một số nhỏ có khả năng hay điều kiện. Ý tưởng học xong trở về nước phục vụ còn ngút ngàn. Nền tảng tổ chức một xã hội công dân bắt đầu hình thành, cho thanh niên mới lớn giấc mơ giản dị là sẽ phục vụ đất nước bằng con đường học vấn, giống như bất cứ người trẻ nào trong các nước láng giềng. Mong ước xây dựng một Nam Việt Nam trù phú hùng cường, tương tự giấc mơ của Nam Hàn 3-4 thập niên sau, nung nấu tâm can những người trẻ, dù việc thực hiện giấc mơ đó được hay không sau này mới hiểu là do “thiên định”.
Những năm thay đổi sau 1975 đã cho Saigon một bộ mặt hào nhoáng hơn nhiều. Tiêu biểu là toà nhà có cà phê Givral ở góc Tự Do-Lê Lợi ngày nào đã được thay thế bằng một building sang trọng như ở Paris hay London. Nhưng, người biết rõ xã hội miền Nam ngày trước có mặt hôm nay, không thể không nói đến cái giá đắt phải trả.
Đất nước hôm nay chứng kiến sự băng hoại của cả một xã hội cũ trong cái hào nhoáng mới hình thành. Con người đã thay đổi quá nhiều, đức tính thành thật trong giao tiếp hàng ngày gần như đã mất. Các giá trị tinh thần được thay dần bằng các thước đo vật chất.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy lý tưởng thanh niên đang bị lung lay không có chỗ dựa. Người ta có thể vội vàng nhận xét nhóm người tuổi trẻ hôm nay chỉ sống vội, ồn ào, theo đuổi vật chất, và gần như vô cảm. Nhưng thật sự họ là những người cô đơn nhất. Một đất nước có thống kê chỉ rõ tuổi trung bình là 24, và 65% dân số dưới tuổi 35, nhưng lại ít chú ý chăm sóc giới trẻ nhiều tiềm năng đó qua giáo dục và phát triển tinh thần.
Hiện trạng của đất nước không tạo được cảm hứng hay nuôi dưỡng các ý tưởng phục vụ cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương lai với họ như thiếu chắc chắn, vì các giá trị dân chủ, công bằng và nhân ái cần thiết cho một xã hội hiện đại đều thiếu vắng. Ngay cả sự tiến bộ kinh tế, điểm sáng của hai mươi năm qua, cũng đang trở thành mong manh tạm bợ.
Tăng trưởng kinh te đã chậm lại rõ rệt từ vài năm nay do sự bế tắc chính sách. Đồng thời phẩm chất cuộc sống đi xuống, nhiễm độc môi trường và thức ăn trở thành mối đe dọa trực tiếp hàng ngày cho đời sống của mọi giai tầng xã hội. Trên tất cả, nền kinh tế bị đe dọa khi quả bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng có thể vỡ bất cứ lúc nào với mức nợ xấu quá mức chịu đựng, nếu không có các biện pháp, chính sách thích hợp cấp thời. Nợ xấu khổng lồ làm tê liệt hệ thống tín dụng ngân hàng và gánh nặng nợ công lớn không kém hình như đang được đẩy cho các thế hệ tương lai gánh chịu, với sự dồn món nợ công hiện tại thành những món nợ lớn tương lai qua giải pháp phát hành trái phiếu công dài hạn.
Nhiều người bàn đến các giải pháp kinh tế xã hội ngắn hạn. Nhưng trong con mắt chuyên viên, khó có thể có một ‘quick fix’ (sửa chữa nhanh) hay ‘a sugar high’ (một ảo tưởng), mà phải là những thay đổi thể chế và chính sách kinh tế cơ bản dài hạn, tái lập các giá trị nhân văn căn bản qua giáo dục và hướng dẫn cho tuổi trẻ.
Thế hệ trẻ không thể không biết và thờ ơ với viễn ảnh tương lai đó. Thiếu niềm tin, họ đang trả lời bằng sự chán chường những giá trị sống hiện tại, dồn đam mê đời sống vào các mác xe máy đắt tiền và những chiếc điện thoại smart thời trang, tỏ lộ hừng khí tuổi trẻ đơn giản bằng các cuộc đua xe tốc độ hay, khá hơn, diễn tả lòng yêu nước bằng cổ vũ chiến thắng đá bóng cuồng nhiệt…
Nhưng mùa hè Saigon 2015 chợt thành ngột ngạt thêm vì những biến cố thời cuộc, và sự sôi sục của cả thế hệ thanh niên muốn nói lên tiếng nói yêu nước của mình. Cùng lúc các ức chế xã hội cộng thêm những khó khăn về đời sống hàng ngày hình như đã góp phần gây thêm những tội phạm xã hội ngày càng cao hơn, cho các dấu hiệu của một xã hội đang trên đà xuống dốc trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, người viết chỉ còn biết tìm đến một dòng sông nhỏ, hay một chiều Sài Gòn đi dạo trời mưa dưới những hàng me lá đổ, vẫn còn cố tìm về quê hương cu~ trong tâm tưởng, dù thời gian có trôi qua và các khuôn mặt cũ đã khuất bóng. Và chợt cảm thấy hạnh phúc muốn dừng ở đó, vì các thay đổi lớn khác sẽ phải đến, những con người, những định chế cũng sẽ theo luật thời gian.
Nhưng quê hương vẫn còn đó, là dòng Cửu Long, là Hương giang, và ở đâu dòng nước đó vẫn lặng lờ trôi, lòng có thể tĩnh lặng nhận biết mình vẫn thuộc về nó: một quê hương VNCH không bao giờ mất, sẽ mãi trường tồn bên những biển Dâu…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét