Trong buổi hội luận, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng tự do báo chí đóng vai trò sống còn của một nền dân chủ. Những nhà báo phải có quyền cho người dân một nước biết sự thật về quốc gia của mình, về chính quyền của mình. Điều này sẽ giúp cho một quốc gia trở nên tốt đẹp hơn, và giúp cho người đứng đầu một đất nước như ông trở nên đáng tin cậy hơn. Thật là đáng buồn khi có nhiều nơi trên thế giới, quyền tự do báo chí bị tấn công bởi nhà cầm quyền vì họ muốn che dấu sự thật. Nhiều nhà báo bị sách nhiễu, thậm chí bị thủ tiêu. Những tiếng nói độc lập bị ngăn cản, những người bất đồng chính kiến bị buộc phải im lặng. Trong đó có Việt Nam, là quốc gia hiện đang bị thế giới và Hoa Kỳ lên án về tự do báo chí.
Cũng trong phần trình bày của mình, blogger Điếu Cày đã chia sẻ về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, sự bắt bớ, trù dập đối với những blogger, những cây bút tự do muốn nói lên chính kiến của mình. Ông cũng gởi đến Tổng thống Obama danh sách một số tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù.
Vào năm 2012, Tổng thống Obama cũng đã công khai nhắc đến blogger Điếu Cày nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Trong một bài phát biểu kêu gọi trả tự do ngay cho những nhà báo bị bắt giam trên thế giới, Tổng thống Obama đã kêu gọi mọi người "không được phép quên những người khác như blogger Điếu Cày, người bị bắt vào năm 2008 trong đợt trù dập rộng lớn đối với hoạt động báo chí công dân tại Việt Nam."
Vào tháng 10/2014. chính quyền Hoa Kỳ đã can thiệp, tạo sức ép lên chính quyền CSVN, buộc họ phải trả tự do, và trục xuất ông thẳng từ trại giam sang Mỹ.
Buổi gặp gỡ với Blogger Điếu Cày, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Việt Nam diễn ra trước chuyến viếng thăm của ông Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ vào năm nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét