Vũ Minh An |
Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn
Trước đó, Hội đồng Tư vấn khoa học Đặt và Đổi tên đường phố và các công trình công cộng Thủ đô đã trải qua hơn 10 phiên họp bàn ở nhiều cấp độ khác nhau.
Mặc dù được thông qua với sự có mặt của nhiều cơ quan nhà nước từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khoa học lịch sử quân sự đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch…, vẫn còn ý kiến phản đối như giới truyền thông loan tin: “… cũng có những ý kiến cho rằng, việc tôn vinh Mạc Thái Tổ, người đã từng quỳ gối, dâng đất (dù tượng trưng) cho ngoại bang vào lúc này là không đúng thời điểm… Quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là quan điểm của nhiều học giả, nhà khoa học. Theo đó, việc chỉ đặt tên đường Mạc Thái Tông là dấu mốc ghi nhận tính chính thống và những đóng góp của vương triều Mạc với đất nước. Còn với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, do tư liệu về ông vẫn còn nhiều “khoảng mờ” lịch sử cùng với bối cảnh chính trị, xã hội hiện tại chưa thích hợp nên tạm gác việc đặt tên phố Mạc Thái Tổ lại.”1 (chúng tôi nhấn mạnh bằng in nghiêng).
Dù ý kiến không đồng thuận chỉ là của một thành viên trong Hội đồng Tư vấn nhưng lý do của lá “phiếu chống” đó, chủ yếu liên quan đến “công” và “tội” của nhà Mạc, lại rất cần phải bàn thêm.
Về “công” và “tội” của hai vua họ Mạc - Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Thái Tông Mạc Đăng Doanh - cũng như của triều Mạc, những “sử quan” đương thời như Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật… đã khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu, thiết tưởng không cần bàn thêm. Ở đây chúng tôi chỉ muốn dẫn lại vài điều trong sử cũ được viết bởi các thần tử của nhà Lê - cừu thù của nhà Mạc:
- Đó là thời: “trong vài năm trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm lại” (Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử).
- Đó là thời: “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi” (Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông).
- Đó là thời: “cái đức chính của thời Minh Đức [niên hiệu của Mạc Thái Tổ] và Đại Chính [niên hiệu của Mạc Thái Tông] nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết...” (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút).
Có tác giả viết rằng, ngay cả thời thịnh trị của Lê Thánh Tông cũng chẳng bằng [những năm đầu nhà Mạc].
Về chuyện “quỳ gối, dâng đất (dù tượng trưng) cho ngoại bang”, nói đi rồi cũng phải nói lại, dù ngắn. Hai triều đại phong kiến Trung Hoa cuối cùng Minh - Thanh, văn thư ngoại giao chứa trong các kho lưu trữ thạch thất, kim quỹ, vẫn còn lại rất nhiều. Ví dụ: “Hồ sơ về chuyến đi sứ Thanh của Nguyễn Du được lưu giữ tại đây, không có dấu mối đục, dấu gián nhấm, chỉ màu giấy hơi ngả màu vàng, mới trông qua không ai nghĩ là những giấy tờ này cách nay đã 150 năm.”2 Hi vọng những hồ sơ đó sẽ sớm được công khai. Tuy nhiên, chỉ qua những phần đã công bố thì ngôn ngữ xin cầu phong của từ Lê Lợi - Nguyễn Trãi đến Quang Trung, chẳng khác gì Mạc Đăng Dung cả! Cũng dễ hiểu, với hoàn cảnh “trong đế ngoài vương” ngàn năm của nước ta, và thời đó, chưa có “bốn phương vô sản đều là anh em”! Bạn đọc quan tâm, tìm là có.
Tác giả của lá phiếu phản đối còn so sánh công lao của nhà Mạc với một triều đại có những tương đồng nhất định là nhà Hồ để làm rõ thêm lý do không đồng thuận của mình: “Dù quãng thời gian giữ triều ngắn ngủi, nhưng Hồ Quý Ly có vị trí rất quan trọng trong lịch sử. Công lao của nhà Hồ đã được giới sử học quan tâm, đánh giá, nhất là việc gần đây, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đã phần nào đó đánh giá về dấu ấn của nhà Hồ. Tôi nghĩ việc đặt tên nhà Hồ cho đường phố Thủ đô sẽ không gặp trở ngại gì.”3
Nhà Hồ và nhà Mạc đều là “ngụy triều” trong chính sử. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng việc đất nước và dân chúng Đại Việt lầm than suốt 21 năm Minh thuộc (1407-1427) cũng có phần do “nhân họ Hồ chính sự phiền hà”; trong khi đó “Mạc Đăng Dung đã cứu đất nước khỏi họa xâm lăng, đẩy lùi cuộc chiến tranh của nhà Minh năm 1540”4 (Phan Đăng Nhật). Vậy sao lại “trở ngại” cho việc đặt tên Mạc Thái Tổ? Nếu là vì nhà Mạc không có thành được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như nhà Hồ thì không đủ thuyết phục. Đành rằng “chớ đem thành bại luận anh hùng” nhưng trong việc này, người “thắng” lại “thua” người “bại” thì thật là… Xét việc Mạc Đăng Dung đã làm và làm được, không thể tách khỏi tương quan Việt-Hoa lúc bấy giờ. Hơn 2.000 năm trước, người Hy Lạp từng nói một điều đã trở thành ví dụ kinh điển cho chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế: “vấn đề công lý chỉ tồn tại giữa những bên ngang bằng nhau về sức mạnh, và rằng kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận.”5 Vậy nên, phải có những liên kết để luôn luôn “ngang bằng nhau về sức mạnh” với mọi đối thủ ở mọi nơi, mọi lúc.
Với một cái tên, bàn vậy cũng đã là nhiều. Giờ xin lạm bàn về cách đặt tên đường phố. Các thành phố của nước Việt Nam hiện đại là do người Pháp thiết lập, trong đó có Hà Nội, thủ đô Đông Dương thuộc Pháp từ năm 1902; chính bởi lý do đó, cách đặt tên đường phố nơi đây mang đậm dấu ấn của văn hóa Pháp. Thật vậy, nếu Hà Nội trước thời Pháp đô hộ, người ta chỉ nhớ tới 36 phố phường, là những phường nghề thì dưới thời Pháp thuộc, đường phố được đặt theo tên các danh nhân Pháp và một lượng đáng kể các khái niệm mang tính giáo dục hoặc đề cao nền cộng hòa như: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Từ tháng 3/1945, tên đường phố đã là nơi người dân Việt có thể khám phá lịch sử của đất nước.“Mỗi tên đường mang theo kỷ niệm và chuyển tải một thông điệp. Tên phố cho phép chúng ta được dạo chơi ngoài thời gian, trở về quá khứ. Tên phố cùng với những tấm biển đường trở thành một bức tranh rộng lớn giới thiệu văn hóa và những biểu tượng mà xã hội muốn đề cao.”6 Ngày nay, ở các thành phố Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đa số tên đường phố hoặc là địa danh (số ít hơn), hoặc mang tên các nhân vật chính diện trong lịch sử, nhưng đã có ý kiến của sử gia nghiêng về xu hướng “đặt tên theo địa danh cổ” (như: phố Trôi, đường Nhổn?) vì “danh nhân là có hạn, đường phố là vô hạn nên nếu cứ đặt tên đường theo danh nhân thì kho tên sẽ cạn”.3
Như vậy, rất cần thiết “đổi mới” tư duy về tên đường phố. Nhìn sang nước Mỹ, cách đặt tên đường phố ở đây, từng bị chê “vô hồn, nhạt từ cái tên phố” lại hóa ra “vô hồn nhưng khoa học”, thích hợp với… thời đại. Lấy thủ đô Washington D.C. làm ví dụ, thì đó là “Lấy tòa nhà Quốc hội làm trung tâm, các phố được đánh số thứ tự 1, 2, 3, theo hướng Đông - Tây và vần chữ cái A, B, C từ Nam lên Bắc. Các đường chéo là tên các bang đặt cho các đại lộ chính của thủ đô.”7
Trường hợp nước Mỹ chỉ là một trong nhiều ví dụ mà những người có trách nhiệm có thể tham khảo.
---
1 http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tranh-cai-co-nen-dat-ten-duong-mac-thai-to-mac-thai-tong-o-ha-noi-n20150612034210542.htm
2 http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4501-hoi-uc-chuyen-di-suu-tam-tai-lieu-nguyen-du-o-trung-quoc.aspx
3 http://www.ktdt.vn/van-hoa/tin-tuc/2015/07/8102d369/dat-ten-danh-nhan-cho-duong-pho-can-can-trong-va-thuan-y-dan/
4 Toàn bài xem: http://nghiencuulichsu.com/2012/09/29/mac-dang-dung-da-cuu-dat-nuoc-khoi-hoa-xam-lang-day-lui-cuoc-chien-tranh-cua-nha-minh-nam-1540/
5 Cuộc đối thoại ở Melos: http://nghiencuuquocte.net/2013/05/23/melian-dialogue/
6 Trần Thu Dung, Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp, TT VH & NN Đông Tây/nxb VHTT, Hà Nội, 2014, tr. 20.
7 Tên phố ở thủ đô Washington DC. http://hieuminh.org/2013/05/17/ten-pho-o-washington-dc/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét