Vũ Quang Ninh
Từ ít lâu nay, Bộ Chính Trị Cộng Sản Hà Nội đẩy mạnh việc học tập "tư
tưởng Hồ Chí Minh" trong dân chúng, nhất là trong hàng ngũ
quân đội và đảng viên các cấp. Trong Câu Chuyện Thời Sự đầu tuần, chúng
tôi xin được góp ý đôi điều về chiến dịch học tập toàn quân
toàn dân này.Trước hết chúng ta tìm hiểu bối cảnh và những lý do phát xuất cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh". Sau hơn 60 năm, kể từ khi thành lập, lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam không thấy nói đến "tư tưởng Hồ Chí Minh". Ngay cả sau khi Hồ Chí Minh đã qua đời đến 30 năm, nhóm chữ "tư tưởng Hồ Chí Minh" cũng chỉ được các lãnh tụ Cộng Sản sử dụng rất mờ nhạt trong báo cáo chính trị, diễn văn, các bài học tập về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh. Nhưng, đột nhiên Nghị Quyết của Đại Hội thứ VII tháng 06/1991 chỉ thị "phải học tập và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh". Thi hành nghị quyết này, các nhà lý luận Cộng sản, các Viện Mác- Lê và Nguyễn Ái Quốc, các Tạp chí của Đảng đua nhau ca tụng và thúc đẩy phong trào học tập "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Như vậy, tại sao mãi đến năm 1991 mới nảy sinh và nổi lên "tư tưởng Hồ Chí Minh"? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta tìm hiểu bối cảnh nội tình của "đảng Cộng Sản Mẹ Liên Xô" và các đảng anh em với Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Đông Âu.
Năm 1989 bức tường ô nhục Bá Linh bị phá sập, đánh dấu sự phá sản của chủ nghĩa và chế độ Mác- Lê tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và tại Đông Đức. Liên Xô là "tổ quốc" và "thành trì" của chủ nghĩa cũng như các chế độ, các đảng Cộng Sản trên thế giới. Bị sụp đổ, đế quốc Cộng Sản Liên Xô tan rã, đảng Cộng Sản Liên Xô bị giải thể. Đệ Tam Quốc Tế vô sản tự hủy và bài Quốc Tế Ca tắt tiếng.
Đứng trước sự băng hoại của chủ nghĩa Mác- Lê và sự sụp đổ quá nhanh của các chế độ Cộng Sản tại Đông Âu, Bộ Chính Trị và các đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam rất lo sợ. Hàng ngũ đảng viên giao động. Lúc đó bộ ba Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Đỗ Mười họp khẩn trương liên miên với Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng. Tình hình càng trở nên căng thẳng. Vì, sau khi duyệt bản Dự Thảo Cương Lĩnh của Đại hội lần thứ VII do đảng Cộng Sản Việt Nam đệ trình, Ban Tham Mưu của ông Gorbachev đã khuyến cáo Cộng Sản Việt Nam nên "thức thời", nên "phối hợp với thực tế hơn" và "tránh lập lại kinh nghiệm của Liên Xô". "Tránh lập lại kinh nghiệm của Liên Xô" có nghĩa là tránh con đường chủ nghĩa Mác Lê, tránh con đường chuyên chính kiểu Lênin – Stalin.
Nhưng làm sao Cộng Sản Việt Nam có thể bỏ chủ thuyết Mác- Lê mà họ đã nhập tâm, đã tuân theo và thi hành 60 năm qua. Bỏ chế độ Mác-Lê là bỏ căn bản quyền lực và quyền lợi. Cho nên họ xử dụng ma thuật. Mác-Lê có mất uy tín thì còn uy tín của Hồ Chí Minh mà họ xưng tụng là Bác Hồ. Núp sau Bác và lấy bóng ma Bác che phủ, họ chính thức ghép tên Bác vào chủ nghĩa Mác-Lê để không ai dám động tới "cái chủ thuyết đã bị vứt vào sọt rác lịch sử". Vì thế, cương lĩnh và nghị quyết của Đại Hội VII tháng 6/1991 đã đặt thành nguyên tắc và chỉ thị thi hành. Trong Đại Hội 7, bản báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương ghi rõ: "Cái mới trong các văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh." Bản báo cáo còn nhấn mạnh: " Đó là điều kiện cốt yếu để công việc đổi mới giữ được định hướng chủ nghĩa xã hội và đi đến thành công trong quá trình đổi mới". Như vậy, rõ ràng Đảng Cộng Sản Việt Nam đề xướng tư tưởng Hồ Chí Minh lúc đó và tiếp tục sau này cho đến nay, không những đối với họ là giải pháp tốt nhất mà còn là giải pháp duy nhất để họ không phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin mà họ vẫn tỏ ra đổi mới, đồng thời vẫn duy trì được quyền bính. Hơn nữa, họ vẫn còn chỗ dựa, vẫn còn nền tảng cho lý luận, tư duy và chế độ chuyên chính độc đảng của họ.
Tuy nhiên vấn đề căn bản được đặt ra tiếp, là định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Tư tưởng Hồ Chí Minh được lý luận và giải thích như thế nào? Đó là cái day dứt, đó chính là "khủng hoảng tư duy" của Bộ Chính Trị Trung Ương, của các cán bộ lý luận cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Thực ra, Hồ Chí Minh chẳng có tư tưởng gì đáng gọi là hệ tư tưởng, là chủ thuyết Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh đã nói rõ là cá nhân Ông, Ông không có cái mà Ông dám xưng là Tư Tưởng.
Theo ký giả Pháp Jean Lacouture, khi một người khách ngoại quốc hỏi ông Hồ: Sao Ông không viết sách như Mao Trạch Đông, ông ta trả lời: "Mao đã nói hết rồi, còn gì để nói nữa đâu". Theo ông Nguyễn Minh Cần, cựu đảng viên Cộng Sản, tại hội nghị cán bộ Việt Bắc năm 1949, ông Hồ tuyên bố "Các vị lãnh tụ thế giới Staline, Mao Trạch Đông thì không thể sai lầm, nghĩa là những gì cần nói và đáng nói họ đã nói hết rồi và nói đúng, thì mình còn gì nữa, nhất là điều mình nói có thể sai". Trả lời ông Nguyễn Văn Trấn, cũng là đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, khi ông Trấn đề cập đến tư tưởng chỉ đạo cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh trả lời: "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của ta. Chớ còn tư tưởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới và xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Ăng ghen, Lênin, chớ làm gì có tư tưởng ngoài triết học Mác".
Do đó, từ Bộ Chính Trị đến cán bộ gọi là những nhà tư tưởng gọi là "cao siêu" của Đảng như Đào Duy Tùng (Ban Bí Thư Đảng phụ trách văn hóa tư tưởng), Đặng Xuân Kỳ (viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác- Lênin Và Tư Tưởng Hồ Chí Minh), Song Thành (viện trưởng Viện Hồ Chí Minh), Ngô Phương Bá (Viện Sử Học), Lê Văn Tuấn (Viện Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học), Nguyễn Đình Cát (Viện Ngôn Ngữ Học), Phan Văn Các (Viện Nghiên Cứu Hán -Nôm), Hoàng Tùng (báo Nhân Dân), các tướng Đào Đình Luyện, Bùi Phan Kỳ…., kể cả Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hà Huy Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, tất cả đều lúng túng và chỉ lý luận ca tụng về sự nghiệp và cái gọi là đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh mà thôi, không ai đưa được ra hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, không ai tìm ra được định nghĩa "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Do đó, chúng ta có thể đi đến kết luận là "tư tưởng Hồ Chí Minh" là một nhóm chữ vô nghĩa. Chúng ta nhìn nhận có chủ trương Hồ Chí Minh, có đường lối Hồ Chí Minh, có sách lược Hồ Chí Minh, nhưng không hề có tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì nó không có nội dung. Nó không chỉ định một hiện thực nào cả. Nó chỉ được tạo ra một cách dối trá để lường gạt hàng ngũ Đảng Cộng Sản và dân chúng Việt Nam và dư luận thế giới. Ban lãnh đạo Cộng Sản đã biến cái không thành cái có, để làm bình phong che đậy âm mưu và chủ trương duy trì chế độ chuyên chính Mác-Lê. Trong khi chủ thuyết làm căn bản cho chế độ này đã bị hủy bỏ tại Đông Âu, tại Nga và bị lên án khắp thế giới.
(Viết theo tài liệu của ông Tôn Thất Thiện)
Vũ Quang Ninh
Tháng Mười Một 29, 2009
Nguồn: BÁO TỔ QUỐC
http://baotoquoc.com/2009/11/29/tư-tưởng-hồ-chi-minh/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét