Trong năm 2011, hiếm người Việt Nam nào không biết đến vụ án Lê Văn Luyện – thủ phạm của vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích. Dư luận sôi sục bất bình với mức độ tàn nhẫn của kẻ thủ ác ở độ tuổi 18. Nhiều người dùng những từ ngữ mang đầy tính căm phẫn để miêu tả Luyện, trong đó kí giả Phạm Thị Thảo Giang (2011) sau cuộc trò chuyện với Luyện đã nhận xét Luyện là “ một thằng điên”. Liệu có phải là Luyện “điên”?
Theo thống kê của WHO trong năm 2002, 1,6 triệu người chết vì bạo lực mỗi năm; khoảng 520.000 người bị giết trong năm 2000; mỗi phút lại có một người bị giết. Nếu như hầu hết các loài động vật sử dụng hình thức tiêu diệt lẫn nhau vì mục đích sinh tồn, số người gây án giết người vì tự vệ chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ. Tội phạm thường gây án với sự tính toán kĩ càng. Trong đó, nhiều trường hợp không tỏ ra hối hận mà còn tỏ ra thỏa mãn. Tại sao nhiều người thực hiện những việc dã man trái ngược với đạo đức xã hội? Nhiều nhà tâm lý học giải thích những hành vi này với định nghĩa về Hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder – ASPD).
Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần DSM-IV-TR (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, fourth edition – DSM-IV-TR) định nghĩa ASPD là một mẫu hành vi thể hiện rõ ràng sự thiếu tôn trọng và xâm phạm đến quyền của người khác. Các hành vi này bắt đầu từ tuổi thơ ấu hoặc vị thành niên và tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành. Bắt đầu từ 18 tuổi, những cá nhân bị chẩn đoán với ASPD thường có ba hoặc nhiều hơn trong số bảy dấu hiệu sau: phạm pháp, lừa đảo, thiếu tự chủ, xu hướng sử dụng vũ lực, liều lĩnh, vô trách nhiệm và thiếu ăn năn hối hận với những hành vi sai trái (Schacter, Gilbert và Wegner, 2009, trang 529).
Khái niệm về ASPD xuất hiện từ thời Hi Lạp cổ đại. Nhưng đến đầu thế kỷ 19 thì thuật ngữ “psychopathy” (tên gọi của ASPD cho đến năm 1980) mới được hình thành. Ngoài những dấu hiệu tâm thần, bệnh nhân ASPD còn có dấu hiệu bất thường về thể chất. Theo bác sĩ Stafford Clark, những người được chẩn đoán là ASPD có những đặc trưng trong não bộ cho thấy sự kém phát triển về chức năng thường chỉ thấy ở trẻ nhỏ (Psychiatry Today, 1952, trang 117). Cùng với đó, những người được chuẩn đoán ASPD thường có thêm một hoặc vài bệnh tâm thần khác – hiện tượng được gọi là “comorbidity”. Ví dụ, Ottis Toole, kẻ bị kết án với hàng trăm vụ giết người hàng loạt qua qua những thủ đoạn như chặt đầu ăn thịt người, nhiều khả năng là một bệnh nhân của chứng hoang tưởng (schizophrenia).
Điều đáng lưu ý là nhiều quốc gia không kết tội một người mắc bệnh tâm thần. ASPD được công nhận là một bệnh tâm thần (mental disorder) theo tiêu chuẩn DSM và ICD của WHO – tổ chức y tế thế giới. Ngày 21/11/1957, Ed Gein bị tố cáo với tội danh giết người. Đây chính là người thực hiện hành vi cướp mộ để may áo khoác da người – nguồn cảm hứng cho bộ phim Sự im lặng của bầy cừu (The silence of the lambs). Sau đó, Ed Gein kháng án, được chẩn đoán không đủ năng lực hành vi và được gửi đến viện tâm thần.
Từ nghiên cứu trên có thể kết luận nhiều người đã chẳng may sinh ra với ASPD như một dị tật bẩm sinh. Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra các biện pháp chữa trị ASPD. Vì vậy, chúng ta có nên kết tội những người thực hiện những hành vi mà bản thân họ không thể điều khiển? Có nên kết tội Luyện? Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
(Tên bài viết dựa trên tên tiểu thuyết của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky)
Linh P
Các bài viết khác liên quan:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét