Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

GS Michael Porter: Nước Mỹ cần một chiến lược kinh tế dài hạn (P1)

Bậc thầy trong lĩnh vực cạnh tranh tới từ Trường Kinh doanh Harvard – GS Michael Porter – sẽ cung cấp “đơn thuốc” giúp nền kinh tế Mỹ vực lại sự thịnh vượng lâu dài.

>> Tương lai của Chủ nghĩa Tư bản thị trường

>> Mời thầy “ngoại” đến dạy trò “nội”

Làm gì để giữ vững thế mạnh cạnh tranh?
GS Michael Porter được xem là nhà tư tưởng chiến lược xuất sắc hàng đầu của thế giới. Ông cũng là một trong những giáo sư lỗi lạc trong lịch sử của ĐH Harvard (Mỹ), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Cạnh tranh.
Là tác giả của 18 cuốn sách và trên 125 bài báo, trong đó có các cuốn Chiến lược cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranhLợi thế cạnh tranh quốc gia, được xem như là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 3 thập kỷ qua.
Năm 2005, GS. Michael Porter đã đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới theo bình chọn của Thinkers 50.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua đi cách đây không lâu, một vấn đề nhiều người quan tâm nhất chính là việc tân tổng thống đắc cử sẽ phải làm gì để giữ vững thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế?

Tại thời điểm khủng hoảng như hiện nay, Washington vẫn tập trung chủ yếu vào những giải pháp ngắn hạn, phần lớn mang tính tức thời. Và ngày càng nhiều mối lo ngại đang đặt ra: Thế mạnh cạnh tranh cốt yếu của Hoa Kỳ là gì trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay?
Và chúng ta cần làm gì để giữ vững thế mạnh đó trong khi các quốc gia khác cũng đang đạt được những tiến bộ vượt bậc với tốc độ nhanh chóng?
Một sự thật không thể chối cãi là hiện giờ Mỹ không còn những chiến lược kinh tế dài hạn – không còn hàng loạt các chính sách nhất quán để đảm bảo sự cạnh tranh trong một quá trình lâu dài nữa.
Một chiến lược đúng đắn nhất thiết phải vạch rõ được những ưu tiên phát triển dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về thế mạnh cần phát huy, cũng như những điểm yếu đe dọa tới sự thịnh vượng của nền kinh tế. Chiến lược đó phải vạch ra được những việc cần làm và những việc tuyệt đối tránh.
Trong quá trình xử lý khủng hoảng, trải nghiệm thực tế đã cho chúng ta một bài học đắt giá rằng những bước đi ngắn, tạm thời để giải quyết vấn đề cấp thiết trước mắt vẫn cần phải phù hợp và là trợ thủ đắc lực cho chiến lược phát triển lâu dài.
Hệ thống chính trị Hoa Kỳ không ngừng được cải cách trong nhiều năm trở lại đây, nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà đã làm lộ rõ sự thiếu tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo liên bang. Và cũng vì như vậy mới dẫn tới một thực tế là là các vị lãnh đạo chính phủ vừa rồi phản ứng với những biến cố lớn một cách rời rạc, từng phần thay vì phát triển một chiển lược dài hạn hé mở đã nhiều năm.
Quốc hội cũng như Cơ quan Hành Pháp[1] thực hiện vai trò điều hành thông qua các chính sách với từng phạm vi có đôi chút riêng biệt, chứ không phải vì mục tiêu chung là nâng cao tính cạnh tranh. Cũng không một ứng cử viên nào đề xuất được bất cứ điều gì liên quan mật thiết tới một chiến lược dài hạn; thay vào đó, họ đều diễn thuyết hàng loạt những chính sách không mấy liên quan tới nhau.
Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tiếp cận vấn đề với các lập trường chính trị hoặc hệ tư tưởng cũ rích mà nhiều trong số chúng đã tỏ ra không còn phù hợp với thực tế ngày nay nữa.
Hơn lúc nào hết, giờ chính là lúc nước Mỹ cần phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn này. Kinh tế Hoa Kỳ vẫn thể hiện quá trình vận hành tương đối ổn định, tuy nhiên tính cạnh tranh liên tục của chúng ta đã trở nên hết sức mong manh.
Hai thập niên trở lại đây, Mỹ luôn đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới với tỷ trọng 1/3 – một con số đáng kinh ngạc. Khi bị cuộc khủng hoảng tài chính tấn công, thì tính cạnh tranh của các khu vực còn lại của kinh tế Mỹ vẫn còn khá cao, với nhiều công ty hoạt động mạnh mẽ tại thị trường toàn cầu. Tăng trưởng năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ vượt xa hầu hết các nước tiên tiến khác, và xuất khẩu vẫn là bánh lái phát triển cho toàn bộ nền kinh tế.
Kỷ nguyên của những mối lo âu
Tuy nhiên, sự thành công của chúng ta luôn đi kèm với sự bấp bênh, bất ổn khó lường cho nhiều công dân Hoa Kỳ, thậm chí là nhiều năm trước cuộc khủng hoảng. Sự lớn mạnh của những quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ - những đối thủ toàn cầu thực sự mới nổi dậy - đã làm dấy lên những e ngại sâu sắc tới vấn đề tiền lương và việc làm tại Mỹ.
Mặc dù không mấy ai có thể phủ nhận rằng trong số những quốc gia phát triển, Mỹ vẫn là một thị trường dẫn đầu trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người dân, nhưng mức biến động công việc cao (hàng năm khoảng 30 triệu công việc bị mất đi do tái cơ cấu) làm nhiều công dân Hoa Kỳ tỏ ra lo lắng cho tương lai, tiền lương hưu, cũng như việc dịch vụ chăm sóc y tế của họ.
Mặc dù chất lượng cuộc sống của người dân ở tất cả các mức thu nhập đều có những cải thiện đáng kể trong vài thập niên trở lại đây; và mặc dù ở Mỹ vẫn tồn tại những mảnh đất - nơi những công dân có thu nhập thấp có được cơ hội tốt nhất để leo lên nấc thang kinh tế cao hơn; nhưng cùng với đó bất bình đẳng cũng ngày càng gia tăng. Chính điều này đã làm cho nhiều người dân Mỹ hoài nghi về toàn cầu hóa.
Nước Mỹ sẽ lại phải vạch ra được những chiến lược kinh tế dài hạn
Ảnh: wildmanandassociates.com
Để xoa dịu bối cảnh chứa nhiều mâu thuẫn này, việc phải đánh giá xem hiện tại Mỹ thực tế đang đứng ở vị thế nào là vô cùng cần thiết. Nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh như bấy lâu nay chính là nhờ quốc gia này may mắn được sở hữu một loạt những thế mạnh cạnh tranh độc nhất vô nhị.
Bảy thế mạnh cạnh tranh độc nhất vô nhị

Trước tiên,
phải kể đến môi trường thuận lợi không đâu sánh bằng của Mỹ dành cho các công ty mới thành lập, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Mỹ được hỗ trợ đắc lực bởi khoa học, công nghệ, những phát minh tiên tiến mà cho đến nay vẫn chưa nước nào theo kịp. Trong khi các quốc gia khác không ngừng tăng chi tiêu dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thì Hoa Kỳ lại tập trung phát huy thế mạnh trong việc thu hút những phát minh mà họ không nghiên cứu được, đồng thời nhanh chóng đưa những phát minh này ứng dụng vào việc sản xuất các sản phẩm thương mại.
Năm 2007, những nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đăng ký khoảng 80.000 bằng phát minh sáng chế tại hệ thống cấp bằng, trong đó hầu hết tất cả các công nghệ quan trọng - dù chúng được phát triển tại bất kì quốc gia nào - đều được đăng kí. Con số tám vạn bằng phát minh sáng chế được cấp này nhiều hơn tổng số bằng của tất cả các nước còn lại trên toàn cầu.
Thứ ba, Mỹ có được một hệ thống giáo dục đào tạo tốt vào bậc nhất thế giới, và những tổ chức đào tạo của Mỹ vẫn đang tiếp tục phát triển. Họ cung cấp cho sinh viên những kĩ năng cao cấp, và điều đó làm cho các tổ chức giáo dục nơi đây trở thành những cục nam châm thu hút nhân tài từ khắp toàn cầu tụ họp về đây.
Thứ tư, từ trước tới nay, Mỹ vẫn luôn là đất nước có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nhất với cạnh tranh và tự do hóa thị trường. Chính điều này đã nâng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động, tái cơ cấu và đổi mới cải cách tại Mỹ lên một cấp độ đáng kinh ngạc.
Thứ năm, nhiệm vụ thiết lập chính sách kinh tế và đưa chúng vào thực tiễn được phân cấp rõ rệt xuống tất cả các bang và khu vực.
Trên thực tế, không thực sự tồn tại một nền kinh tế Mỹ đơn lẻ, mà thay vào đó là một tập hợp thống nhất những nền kinh tế khu vực chuyên biệt – chỉ cần nghĩ tới thế giới giải trí tại Hollywood hay ngành sinh học tại Boston là có thể thấy rõ vấn đề. Mỗi một khu vực có những những cụm công nghiệp riêng, với những kĩ năng và tài sản riêng biệt.
Cũng như vậy, mỗi bang, mỗi vùng đều chủ động trong việc tự chịu trách nhiệm về tính cạnh tranh của mình cũng như trong việc giải quyết các vấn đề riêng của mình thay vì thụ động ngồi chờ Chính phủ. Có thể nói sự phân quyền này là thế mạnh cạnh tranh tiềm ẩn lớn nhất của Hoa Kỳ.
Thứ sáu, lịch sử phát triển đất nước cho thấy: từ trước tới nay, Mỹ vẫn luôn là nước có khả năng tốt nhất trong việc tận dụng lợi ích tối ưu từ những thị trường tư bản vốn hoạt động hiệu quả nhất của bất kì quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là vốn rủi ro.
Cũng chỉ có ở Mỹ mới có những bạn trẻ kiếm ra hàng triệu đô la, nhưng rồi có thể mất hết chúng trong một giây, và rồi lại bắt đầu trở lại với một khởi đầu mới bằng một công ty khác.
Cuối cùng, không thể không kể đến nguồn động lực sẵn có và một sức bật đáng nể mà Mỹ sở hữu và họ đang tiếp tục tận dụng, phát huy.
Thiện chí dành cho công cuộc tái thiết, sự sẵn sàng gánh lấy tổn thất và lòng hăng hái tiến lên phía trước sẽ là những nhân tố giúp chúng ta vượt qua sóng gió do cơn khủng hoảng gây ra; và chúng ta sẽ làm tốt hơn hầu hết các quốc gia khác.
Những giá trị bị xói mòn
Nước Mỹ có những thế mạnh cạnh tranh
riêng, nhưng hiện nay những điều đó
đang dần mất ưu thế
Ảnh: www.silver-fox-consultants.com
Tuy nhiên, những nguồn lực chắp cánh cho thành công của nước Mỹ cũng đang bắt đầu xói mòn. Những thế mạnh dần bị che mờ, thậm chí bị xóa bỏ bởi sự thất bại của hàng loạt các chính sách, trong khi đó tính cạnh tranh của những quốc gia khác lại đang ngày càng được nâng cao.
Nói như vậy không không có nghĩa là chỉ nhằm tập trung vào sự thật là các nước khác đang đe dọa tới Hoa Kỳ, mà thực ra chính là Hoa Kỳ đang thiếu một chính sách nhất quán, dài hạn để đối mặt và giải quyết những thách thức của chính mình.
Tỷ lệ tái đầu tư vào khoa học và công nghệ dưới mức cần thiết đang gây hại cho hệ thống đào tạo, nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu và phát triển (R&D) – với vai trò như một thành tố cấu thành GDP – đã thực sự giảm, cùng lúc đó, ở nhiều nước khác thì lại tăng lên. Những nhà hoạch định chính sách liên bang có nhận thấy vấn đề này, nhưng khi bắt tay vào giải quyết thì lại thất bại.
Niềm tin của người Mỹ vào sự cạnh tranh cũng đang bắt đầu suy yếu. Việc nới lỏng dần các quy định pháp lý về chống độc quyền đã tạo điều kiện cho những con kình ngư sau khi sáp nhập thống trị toàn bộ thị trường.
Mà trớ trêu thay, những vụ hợp nhất, sáp nhập này lại vẫn thường được biện minh bằng thuyết “thị trường tự do”. Và nước Mỹ đang can thiệp ngày càng nhiều vào sự cạnh tranh, cùng với đó là sự gia tăng các chế độ ưu đãi cùng với lập trường bảo hộ mậu dịch.
Rất ít công dân Hoa Kỳ biết được được rằng Mỹ chỉ xếp thứ 20 trong danh sách những nước có độ mở lớn nhất với dòng lưu chuyển tư bản, thứ 21 trong số các quốc gia có hàng rào thương mại thấp nhấp, và thứ 35 về nỗ lực làm giảm tình trạng thương mại bị bóp méo thông qua biện pháp thuế quan và trợ cấp (theo số liệu Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2008 – Global Competitive Report[2]). Chúng ta đang nhanh chóng biến thành một nước có diện mạo nền kinh tế bị bóp méo – nền kinh tế mà chúng ta bấy lâu nay vẫn kịch liệt phê phán.
Hoạt động giám sát, điều tiết thiếu chặt chẽ cùng với các yêu cầu về vốn thấp, trên danh nghĩa tự do hóa và những nỗ lực đầy thiện chí nhằm mở rộng tín dụng cho người dân với mức thu nhập thấp, đã làm xói mòn toàn bộ thị trường tài chính. Như vậy, liệu Hoa Kỳ của chúng ta có đang quản lý theo kiểu: nhất bên trọng, nhất bên khinh?
Các trường Đại học và Cao đẳng chính là những tài sản quý giá, mặc dù vậy, chúng ta lại chưa hề lên một kế hoạch nghiêm túc nào nhằm nâng cao khả năng giúp công dân của mình tiếp cận dễ dàng hơn với những tài sản này.
Hiện tại, hệ thống giáo dục cấp ba (tức là cấp đại học và sau đại học) dành cho nhóm những người từ 25 tới 34 tuổi của Mỹ đang khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 12 trên toàn thế giới. Suốt 30 năm qua, không giống như hầu hết các quốc gia khác, chúng ta vẫn chưa đạt được nhiều sự tiến triển nào trong lĩnh vực tối quan trọng này.
Đây là một xu hướng thực sự đáng lo ngại giữa bối cảnh một nền kinh tế nhất thiết đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định để đánh giá các kết quả một cách xứng đáng.
Thay vì tạo dựng một chương trình thiết thực, cụ thể mở rộng tiếp cận với giáo dục đại học, giống như chương trình GI. Bill[3] của Bộ Cựu chiến binh hay Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ[4] đã bắt đầu từ nhiều năm trước, Quốc hội của chúng ta lại quá tập trung vào việc tăng chi tiêu dưới hình thức cấp vốn cho những trường đại học danh tiếng bậc nhất.
Chính phủ liên bang cũng không mấy thành công trong việc nhìn nhận và có những hỗ trợ hiệu quả trong quá trình phân quyền và chuyên biệt hóa theo từng khu vực, những yếu tố mang tính chất chèo lái nền kinh tế của chúng ta. Washington vẫn thực hiện vai trò của mình như thể hoạt động của họ diễn ra ở nơi nào thì nơi ấy hoạt động vẫn ở tầm vĩ mô – tức ở cấp liên bang.
Những quan chức cấp cao có thể rót từ trên xuống dưới hàng nhiều tỷ đô la, chủ yếu dành cho những chương trình phát triển kinh tế của liên bang khá rời rạc. Dù vậy nhưng những đề án này lại không thể phác họa, làm rõ mục tiêu hỗ trợ từng khu vực cụ thể; cũng vì thế mà tiền của họ không tới được những nơi mà nó có tiềm năng phát huy ảnh hưởng lớn nhất.
Lấy ví dụ như các cộng đồng ở thành thị chẳng hạn, nơi đây là tập hợp của nhiều công dân Hoa Kỳ rơi vào cảnh bần cùng, cơ cực, nơi đây họ đang ngày ngày ngóng chờ sẽ có những khoản tiền cần thiết được rót xuống để phát triển thị trường việc làm. Tôi phải nhắc lại để các bạn nhớ: Chúng ta vẫn đang thiếu những tư duy chiến lược.
Vào một thời điểm khi mà sự bất ổn và những biến động về việc làm đang lên tới đỉnh điểm trong lịch sử, thì Mỹ lại rũ bỏ trách nhiệm của mình trong việc mang tới cho các công dân sự bảo vệ đáng tin cậy, giúp họ trải qua giai đoạn chuyển đổi khó khăn này.
Cũng chính vì thế mà chẳng có gì đáng nghi ngờ khi ngày càng nhiều người Mỹ trở thành những người theo trường phái dân túy hay phái bảo hộ mậu dịch trong nước; và càng ngày càng tỏ ra nhẫn nhịn, thậm chí là khoan dung, trước sự can thiệp tai hại từ phía cấp quản lý vào nền kinh tế nước nhà.
Hệ thống đào tạo việc làm thì gần như bị vô hiệu, mỗi năm đều nhận được ít nhiều hỗ trợ cấp vốn từ trên xuống. Sự đảm bảo an toàn cho tiền lương hưu cũng đang bị xói mòn, và biện pháp hiện hữu nhất để nâng cao an ninh xã hội - có lẽ là điều chỉnh từ từ theo hướng kéo dài tuổi về hưu – vẫn chưa được thực hiện.
Bất kì một người Mỹ nào cũng có mối quan tâm đặc biệt tới khả năng tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế chẳng hạn. Lẽ ra Washington có thể đưa ra một vài biện pháp hỗ trợ cơ bản như cân bằng các khoản khấu trừ thuế của loại hình bảo hiểm cá nhân để giúp đỡ những người chưa được ông chủ của mình mua bảo hiểm cho. Tuy nhiên, cho đến giờ, Chính phủ cũng đã thất bại trong việc này.


- Bài viết của Michael E. Porter trên tạp chí BusinessWeek, bài được điểm trên HBS In the New -
  • Tuyết Lan dịch

[1] Executive Branch – Cơ quan Hành pháp: Đứng đầu là Tổng thống, theo sau tổng thống là các bộ trưởng; là cơ quan có trách nhiệm điều hành đất nước dự trên những qui định của luật pháp.
[2] Báo cáo cạnh tranh toàn cầu là một bản tin hàng năm được xuất bản bởi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF - World Economic Forum) phát hành lần đầu vào năm 1979. Báo cáo này “nhằm đánh giá khả năng cung cấp mức độ thịnh vượng cao hay thấp đối với dân chúng ở mỗi quốc gia, trong đó có công bố “chỉ số cạnh tranh quốc gia” (GCI - Global Competitiveness Index) nhằm đo lường khuynh hướng của các thế chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời & những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế.
[3] "G.I. Bill" là một đạo luật mới, do Tổng thống Bush kí hồi tháng 6 cùng lúc với việc ban hành đạo luật ngân sách, trong đó kinh phí quốc phòng $162 tỷ gia tăng kinh phí dành cho quyền lợi giáo dục của những cựu chiến binh đã phục vụ từ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, mốc đánh dấu ngày nước Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố.
[4] Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (The US. National Science Foundation – NFS) là một cơ quan của Mỹ chuyên tài trợ cho các cho các công trình nghiên cứu phi y học; nguyên giám đốc thứ 12 của NFS là ngài Arden L. Bement.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét