Conaty đã từng phụ trách nhiều phòng ban với những nhiệm vụ quan trọng tại GE, liên quan tới việc hoạch định chính sách, quản trị nhân viên,…. Ông luôn chú trọng tới việc nuôi dưỡng các tài năng, tập trung không ngừng vào các kế hoạch phát triển năng lực lãnh đạo. Ngoài ra, Conaty còn là giữ vai trò là người trợ giúp quan trọng trong thời gian chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo của GE từ Jack Welch sang Jeffrey R. Immelt vào năm 2001. Không dừng lại ở đó, Conaty là một trong những nhân vật góp phần xây dựng nên một hình ảnh nhà lãnh đạo mới trên toàn cầu với những cá tính hiện đại như giàu trí tưởng tượng và biết quy tụ lòng người...
Ở tuổi 61, Conaty đang lên kế hoạch nghỉ hưu, song ông vẫn không dừng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết thành công của mình cho các nhà lãnh đạo trẻ ngày nay.
Theo quan điểm của Conaty, việc thường xuyên đánh giá và phân loại nhân viên sẽ tạo ra sức sống trong công việc cũng như nuôi dưỡng và phát triển những tài năng thực thụ. Các nhân viên phải luôn luôn được đánh giá, phân loại, khen thưởng hay kỷ luật trên cơ sở những hành động của họ trong công ty. Conaty luôn nhấn mạnh rằng chính sự khác biệt mới tạo ra thành công cho GE.
Việc đánh giá các đồng nghiệp cũng như bị các đồng nghiệp khác đánh giá để cải thiện hiệu quả công việc sẽ tạo ra cảm giác hồi hộp và đòi hỏi những kỹ năng nhất định. “Chúng tôi muốn tạo ra cảm giác lo lắng, hồi hộp trong tổ chức”, Conaty cho biết, “Là một nhà quản trị nhân sự, bạn cần biết rõ ai là người đang làm việc tồi nhất trong tập thể để đưa ra một vài đề xuất nào đó thích hợp nhất đối với họ”.
Sự không ngừng học tập được đề cao đến nỗi những khoá đào tạo tại GE được xem như một phần thưởng tuyệt vời cho các nhân viên. Việc được chỉ định tới Crotonville, trung tâm đào tạo các nhà lãnh đạo hàng đầu tại Mỹ với diện tích trên 53 mẫu vuông, là một dấu hiệu cho thấy ai đó sẽ được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.
“Crotonville là một trong những công cụ giá trị nhất mà chúng tôi có”, Conaty nói. Những chương trình đào tạo mở rộng của GE đã kích thích tinh thần làm việc của các nhân viên cũng như của nhà quản lý. Hơn thế nữa, GE sử dụng Crotonville và các trung tâm đào tạo khác trên toàn thế giới như một phương thức để nhận biết các khách hàng và những đối tác kinh doanh giá trị.
“Nếu ngày càng gần gũi hơn với các CEO, thì có nghĩa bạn đang tiến gần hơn đến sự thất bại. Nhà quản trị HR như bạn sẽ bị trói buộc trong vòng tay của CEO và hầu hết các nhân viên trong công ty sẽ nghĩ rằng bạn không còn đáng tin cậy và không thể là một người bạn tâm tình”, Conaty nói.
Các nhà lãnh đạo tài năng luôn tìm kiếm và đào tạo người “kế vị” cũng tài năng. Trong khi đó, một nhà lãnh đạo tầm tầm lại luôn lo lắng những người tài sẽ “lập đổ” mình. “Sẽ thất bại nếu một nhà quản trị nhân sự không muốn thừa nhận rằng có ai đó xung quanh có thể hoàn thành tốt công việc mà họ hiện đang làm. Khi đó, công ty sẽ phải nhìn lại các nhà quản lý khi họ ‘giết chết’ hai hay ba người kế vị có năng lực”, Conaty cho biết.
Tại GE, các nhà lãnh đạo được đánh giá trên cơ sở những điểm mạnh của các nhân viên dưới quyền họ và được trao thưởng vì đã đào tạo, hướng dẫn mọi người trong tập đoàn hiệu quả. Conaty luôn tự hào vì người kế vị của mình là người đã giúp đỡ ông rất nhiều trong việc quản trị nhân sự tại GE.
Tại bất kỳ công ty nào, luôn có khuynh hướng thiên vị một số nhân viên nào đó. Điều này có thể dẫn đến thất bại. Conaty đã nheo mày khi nhớ lại vụ thâu tóm hãng dược phẩm Borg-Warner năm 1988. “Chúng tôi xác định rằng đội ngũ bán hàng của họ không được tốt và tràn đầy sinh lực như các nhân viên của GE”, ông cho biết. Và thế là các công việc quản lý hàng đầu được giao cho các nhân viên của GE, tập thể quản lý cũ của Borg-Warner bị thu hẹp. “Kết quả là GE đánh mất phần lớn đội ngũ bán hàng nhiều kinh nghiệm tại Borg-Warner và mất cả nhiều đối tác kinh doanh nữa”.
Conaty luôn vạch ra các giới hạn. “Chúng tôi vẫn thận trọng xem xét vấn đề làm việc tại nhà, đặc biệt là vào ngày thứ Sáu cho các nhân viên”, ông nói”, “Chính sách này đang ngày một cởi mở và linh hoạt hơn bởi chúng tôi thấy rõ những kết quả mà nó đem lại”.
Những người xuất sắc nhất không bao giờ bị lạc hướng khi sức ép về thời gian ngày một lớn. “Tôi cho rằng có khoảng 70% các nhà lãnh đạo ngày nay giải quyết các khó khăn rất tốt, chỉ có khoảng 30% là rơi vào trạng thái bị động”, Conaty nói, “Nếu không có sự dẻo dai cùng khả năng hài hước vui nhộn, bạn không thể là một nhà quản trị nhân sự thành công. Ai cũng có lúc mắc sai lầm. Nhưng đó cũng là lúc mà họ sẽ trưởng thành hơn”.
Với Conaty, một công ty dù có nguồn tài chính phong phú đến đâu, thị trường tiềm năng đến đâu cũng không thể thành công mỹ mãn nếu không xây dựng được một hệ thống quản trị nhân sự hiệu quả. Chính công việc HR sẽ tạo ra bộ mặt, bầu không khí vui tươi phấn khởi hay căng thẳng, u ám trong công ty.
HR là một lĩnh vực phức tạp và khó khăn, bao gồm nhiều vấn đề về tâm-sinh lý, xã hội, đạo đức,… Đây là một công việc khoa học nhưng đồng thời cũng mang tính chất nghệ thuật - nghệ thuật quản trị con người, Conaty nhận định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét