Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Aleksandr Kolesnichenko - Những chiến sĩ trên mặt trận vô hình

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong cuộc Hội nghị Báo chí Thế giới diễn ra tuần này ở Moskva có hai loại diễn giả. Một số diễn giả phàn nàn về những áp chế mà báo chí nước họ hay báo chí trên toàn thế giới nói chung phải chịu; số khác nói về những công nghệ mới cho phép loan truyền bất cứ thông tin nào, đến bất kì đâu. Họ không nói về tự do ngôn luận vì tự do ngôn luận còn trốn đi đâu được nữa.


Theo lời ông Gavin O’Reilly, chủ tịch Hiệp hội Báo chí Thế giới, thì ở Nga không tồn tại một phương tiện thông tin đại chúng độc lập có ảnh hưởng nào. Nhà nước kiểm soát trực tiếp đài truyền hình trung ương, còn các tờ báo phát hành trên toàn quốc thì bị nhà nước kiểm soát gián tiếp thông qua việc kiểm soát các tổ hợp tài chính-công nghiệp là chủ sở hữu các tờ báo đó. Tại các địa phương thì các phương tiện thông tin đại chúng lại bị các viên chức địa phương và các trùm tài phiệt địa phương khống chế và vì vậy “tính khách quan của các bài bình luận và phân tích” là không thể có.

Vả lại, khởi kì thuỷ các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga được thành lập không phải vì tính khách quan của các bài bình luận và phân tích. Tờ báo đầu tiên ở nước Nga là tờ Vedomost không chỉ đơn thuần do nhà nước quản lí; Piotr Đệ nhất không chỉ biên tập mà còn viết xã luận cho tờ báo này. Trong nửa sau của thế kỉ XVIII, ông Nikolai Novikov, chủ bút tạp chí trào phúng Truten có ý định phân tích và bình luận trình độ tiếng Nga của nữ hoàng Ekaterine Đệ nhị thì bị đưa vào nghỉ trong nhà đá mấy năm liền. Hai thế kỉ sau, cô sinh viên ngoại ngữ tên là Valeria Novodvorskaya bị nhốt vào bệnh viện tâm thần một năm rưỡi chỉ vì viết và phát tán những bài bình luận và phân tích mang tính bài Xô viết. Nhân tiện xin nói thêm rằng theo tài liệu của tổ chức “Nhà báo không biên giới” thì ở Nga hiện không có nhà báo nào phải ngồi tù, trong khi ở các nước cộng sản như Trung Quốc và Cu Ba, cũng như nước Mĩ dân chủ đều có các nhà báo bị tù đày.

Tổng thống Vladimir Putin, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Báo chí Thế giới, đã công nhận rằng ở Nga đang diễn “cuộc đấu tranh giữa các quan chức, theo cách hiểu của họ về quyền lợi quốc gia, với giới báo chí”. Tổng thống còn nói thêm rằng cuộc đấu tranh như thế diễn ra tại tất cả các nước trên thế giới. Tổng thống hoàn toàn có lí khi nói như thế. Điểm đặc biệt của các quan chức là họ luôn coi quyền lợi của chính mình hoặc quyền lợi của cấp trên là quyền lợi quốc gia. Điểm đặc biệt của các nhà báo là họ không chịu hiểu tại sao lại không được nói về những cái đang hiện hữu và tại sao không dựa vào luật báo chí mà cứ phải nhìn trước ngó sau mỗi khi viết bài. Mỗi nước một khác, tại một số nước quan chức phải rút lui sau khi bị báo chí tố cáo, tại một số nước họ không rút lui, tại một số nước khác báo chí chỉ được đăng sau khi các nhân vật nói đến trong bài đã đồng ý.

Cuộc đấu tranh giành quyền tự do báo chí cũng mỗi nơi một khác. Một số chiến sĩ đấu tranh phải hi sinh con đường hoạn lộ và bị đe doạ tù đầy, thậm chí cả mạng sống. Số khác, ngược lại, không những không phải hi sinh mà còn thăng tiến và có tiền. Vì họ không viết những bài báo có tính tố cáo mà sáng chế ra các thiết bị làm cho mọi người dễ dàng tiếp cận với thông tin. Trong thế kỉ thứ XIX thì đấy là máy in hình trụ và thiết bị sắp chữ, nhờ đó mà báo chí trở thành sản phẩm sản xuất hàng loạt và khá rẻ, dân chúng thành những người biết đọc biết viết, chế độ nô lệ và nông nô bị bãi bỏ, một số nước chuyển sang chế độ dân chủ và bầu cử tự do. Trong thế kỉ XX vô tuyến truyền hình đã buộc chế độ Xô viết phải tỏ ra mềm dẻo hơn và cuối cùng là sụp đổ hẳn. Có người còn cho rằng nếu vô tuyến truyền hình xuất hiện sớm hơn độ vài chục năm thì sẽ không có Stalin, không có Hitler và cả Thế chiến thứ Hai nữa.

Bây giờ thế giới đã có Internet và mạng di động. Nghĩa là những người kĩ sư, không bị bất kì chế độ nào săn đuổi, những người sống một đời sống bình thường nhất đã thực hiện được cái điều mà nhân loại từng mơ ước: dù sống ở đâu người ta cũng có điều kiện tiếp cận tất cả mọi nguồn thông tin và có thể gửi thông tin cho bất kì ai, thậm chí cho toàn thể giới. Dù một nửa dân số thế giới do nghèo đói mà chưa được tiếp cận với Internet. Dù do hạn chế về tốc độ mà nhiều đường truyền chỉ có thể dùng để gửi và nhận văn bản chứ chưa thể chuyển tải được hình ảnh trong chế độ on-line. Tất cả đều là vấn đề thời gian và với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, có thể nói rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong một tương lai không xa.

Tại Hội nghị Báo chí Thế giới một số người đã phát biểu phê phán các chính phủ vì cố tình hạn chế tự do ngôn luận. Thí dụ, ông Andrei Dynko, tổng biên tập tờ Nasha Niva ở Bạch Nga nói rằng các tờ báo của chính phủ nhận được 60 triệu dollar tài trợ mỗi năm, trong khi báo chí đối lập không được tiếp cận với hệ thống phân phối. Bưu điện cũng như các quán bán báo đều không nhận phát hành. Các nhà in tại chỗ không chịu in, một số tờ báo phải đặt in ở Nga. Còn bà Irina Petrushova, giám đốc một nhà xuất bản ở Kazakstan, thì thông báo rằng người ta vừa đệ trình lên quốc hội nước bà một dự luật mới về các phương tiện thông tin đại chúng, theo đó mỗi tờ báo khi muốn đăng kí đều phải kí quĩ tại ngân hàng số tiền là 40 ngàn dollar để phòng trường hợp bị kiện tụng. Khi thay tổng biên tập hoặc khi ban biên tập chuyển địa điểm làm việc thì phải đăng kí lại và trong thời gian hoàn tất thủ tục, báo tạm thời bị đóng cửa. Ông Vladimir Ryzhkov, đại biểu hạ viện Nga thì nói rằng ông không được quyền tiếp xúc với đài phát thanh và vô tuyến truyền hình của nhà nước, gần đây người ta có mời ông phát biểu trên một kênh phát thanh của nhà nước nhưng lấy cớ là người dẫn chương trình bị ốm đột xuất và thế là chương trình bị huỷ.

Một số diễn giả không nói đến cuộc đấu tranh với chính quyền mà bàn về công nghệ. Ông Sania Trean, giám đốc chương trình Indiatimes kể về việc đưa nội dung báo chí vào các đường truyền băng thông rộng. Và thế là bây giờ độc giả của tờ báo mạng này không chỉ được đọc mà còn được xem các băng video nữa. Ông Vitali Chirkov, phó tổng biên tập tờ Ngày nay ở Ukraine thì kể rằng tất cả phóng viên của tờ báo này đã có máy ảnh kĩ thuật số và nay họ còn được phát cả máy quay video để đưa hình ảnh sống động lên mạng. Ông Eugen Russ, giám đốc nhà xuất bản Vorarlberger Medienhaus ở Áo thì nói rằng lâu nay họ vẫn nhận ảnh và băng video do độc giả gửi tới và sau đó đưa lên mạng, nhờ thế mà tờ báo trở thành nổi tiếng nhất trong khu vực. Một số diễn giả lại nói đến sự quay lưng của độc giả, họ cho rằng có thể thu hút độc giả bằng đối thoại và biến độc giả thành đồng tác giả. Không thấy ai nói đến tự do ngôn luận. Có lẽ mọi người đều không hiểu rằng ngôn luận là thứ có thể hạn chế được.

Đa số những người được giải “Ngòi bút vàng của tự do” của Hiệp hội Báo chí Thế giới đều đã từng phải vào tù ra khám. Ông Akbar Ganji, người được trao giải năm nay là một công dân Iran đã trải qua 6 năm tù tội. Còn nhà lập trình Bill Gates thì không chiến đấu với các chế độ toàn trị, không phải ngồi tù ngày nào mà chỉ phát minh, đầu tiên là Windows rồi sau là Internet Explorer. Hiện nay Bill Gates là người giàu nhất thế giới còn Internet là phương tiện truyền thông tự do nhất từ xưa đến nay. Chẳng bao lâu nữa, rồi sẽ đến lúc chúng ta không chỉ được tự do đọc mà còn được tự do nghe và xem trên Internet. Cứ để nhà nước kiểm soát vô tuyến truyền hình và các nhà tài phiệt kiểm soát các tờ báo của họ. Họ sẽ viết và chiếu những thứ mà chỉ có họ đọc và xem mà thôi.

Nguồn: http://www.russ.ru/comments/120275748?user_session=6427b13b80a9f3ee6834251224d77ce5 (08.6.2006)

Đã đăng trên  talawas

0 nhận xét:

Đăng nhận xét