Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Người biểu tình đã đánh bại Mubarak
18:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Hiếu Tân dịch
Phương Tây mất đi tay Bạo chúa được ưa chuộng của mình.
Cuối cùng, số phận của ông
ta đã được định đoạt vì những người biểu tình không chịu lùi bước. Nhân
dân trên các đường phố Ai Cập kiên quyết đòi Mubarak phải ra đi. Nhưng
Phương Tây đứng bên nhà lãnh đạo này gần như đến phút cuối cùng, bất
chấp cái sự thật là tên bạo chúa này đã biến đất nước của y thành một
nhà nước cảnh sát và cướp bóc nền kinh tế của nó.
Đúng vào 6 giờ chiều quyết định
đó được công bố. Trong một tuyên bố cụt ngủn, Phó Tổng thống Ai Cập Omar
Suleiman loan báo rằng Tổng thống Hosni Mubarak, vì “hoàn cảnh khó
khăn” trong nước, sẽ từ chức. Suleiman nói quyền lực lúc đầu sẽ được
chuyển giao cho quân đội Ai Cập.
Việc từ chức này là một thắng
lợi của những người chống đối. Những cuộc biểu tình lớn lên trong nhiều
tuần đã liên tục gia tăng áp lực lên Mubarak. Tổng thống đã ba lần ra
nói trước nhân dân. Ba lần ông ta nói ông ta không từ chức.
Mubarak, 82 tuổi, cai trị đất
nước ông ta đúng ba thập kỷ, nhưng cuối cùng, ngay cả ông ta cũng phải
nhận ra rằng ông ta không thể nào đương đầu với những cuộc biểu tình
quần chúng khổng lồ đã làm rung chuyển Ai Cập trong 18 ngày qua. Những
người biểu tình giản đơn là không chịu bỏ cuộc. Và ngay cả những người
từ lâu đứng bên Mubarak - như Tổng thống Mỹ Barak Obama; lãnh đạo các
nước châu Âu - cũng từ bỏ ông ta. Họ nói đây là lúc để cho lãnh đạo Ai
Cập mở đường cho một khởi đầu mới.
Hàng trăm nghìn người biểu tình
chào mừng bản thông cáo tối thứ Sáu trên quảng trường Tahrir - tâm địa
chấn của phong trào đòi dân chủ giữa trái tim của Cairo. Sau bài phát
biểu tối thứ Năm của Mubarak, trong đó ông ta nói ông ta sẽ ở lại cương
vị cho đến tháng Chín, nhiều người đã gần như mất niềm tin rằng họ có
thể đạt được yêu cầu chủ yếu của họ. Ngay từ đầu họ đã nói rằng Mubarak
phải ra đi.
Trong 30 năm, các đối tác của
Mubarak ở Phương Tây đã đứng bên cạnh ông ta khi ông ta cai trị Ai Cập
bằng bàn tay sắt. Được gọi là “con bò cười” trước khi lên lên nắm quyền,
cái biệt danh ông ta có được nhờ nụ cười toe toét ông thường phô ra khi
đứng cạnh nguyên tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat -- Mubarak nhanh
chóng trở thành lãnh tụ mạnh sau khi người tiền-nhiệm (al-Sadat) của ông
bị ám sát tháng Mười 1981. Ông trở thành đối tác đáng tin cậy của
Phương Tây - và cai trị nước ông bằng bạo lực.
Chân dung ông ta được treo trong
mọi văn phòng trong nước, ông được người ta hết lời ca ngợi trong các
diễn văn. Giới trẻ Ai Cập, chiếm quá nửa dân số, chưa hề biết một lãnh
tụ nào khác ngoài Mubarak. Thật ra, đối với họ, ông ta đã trở thành hiện
thân của tất cả những gì tồi tệ của đất nước này: ít cơ hội về kinh tế,
thiếu tự do và không có quyền cất lên tiếng nói phê phán.
Một chính sách an tòan đối với Phương Tây
Nhưng Mubarak có giá trị đối với
Phương Tây. Ông ta không bao giờ dao động trong việc duy trì thỏa thuận
hòa bình với Israel và đóng một vai trò quá cỡ ở Trung Đông. Ảnh hưởng
vươn xa của ông trong thế giới A rập cũng khiến ông trở thành tuyệt đối
không thể thiếu được. Các Tổng thống Hoa Kỳ, các nguyên thủ nước Pháp,
thủ tướng Anh, - tất cả đều giữ những mối quan hệ gần gũi với vị tổng
thống Ai Cập này.
Ông cũng là vị khách được chào
đón ở Đức, và đã gặp gỡ hầu hết các chính khách cao cấp nhất của Berlin.
Quả thật, Đức thậm chí đã hiến cho Mubarak một nơi cư trú khả dĩ trước
khi ông ta tính chuyện nghỉ ngơi.
Khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức
Hans-Dietrich Genscher thăm Cairo năm 1982, Mubarak đã “Nhân danh đức
Allah Nhân từ” ca ngợi chính khách này một cách quá lố, là “người anh em
thân thiết nhất của tôi.” Sau cuộc gặp gỡ đó, khi Genscher ca tụng sự
hào phóng của đối tác của ông ta, lãnh tụ Ai Cập đã làm đẹp lòng khách
bằng câu trả lời rằng những sự việc như thế chỉ là bình thường giữa
những người anh em với nhau.
Gia đình Mubarak rất được Đức
trọng vọng. Năm 2004, trường Đại học Stuttgart đã tặng danh hiệu “công
dân danh dự” của đại học này cho phu nhân tổng thống, Suzane Mubarak, vì
sự nghiệp xã hội của bà ta và sự tận tụy đấu tranh cho các quyền của
trẻ em và phụ nữ. Khi Tổng thống Ai Cập được điều trị thoát vị đĩa đệm ở
một bệnh viện Đức cùng năm ấy, ông đã được nhiều chính khách nổi bật
đến thăm, trong đó có Thống đốc bang Bavarian Edmund Stoiber, Bộ trưởng
Ngoại giao Joschka Fischer và Thủ tướng Gerhard Schröder. Schröder bào
chữa cho việc viếng thăm ấy bằng cách nói rằng, là một trong những chính
khách dày kinh nghiệm trong khu vực, Mubarak là “một cố vấn đặc biệt
quan trọng.”
Sự tán dương tài năng ngoại giao
của Mubarak cho đến gần đây vẫn còn cao như thế. Tháng Ba năm 2010, ông
ta được Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp ở Berlin, trước khi ông nhập
viện để giải phẫu túi mật ở Heidelberg. Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn
tiếp tục đề cập vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán với Mubarak.
Chẳng hạn, Bộ trường Ngoại giao Đức, Guido Westerwelle, nói rằng ông đã
đưa vấn đề này ra trong cuộc viếng thăm Cairo mùa xuân năm 2010.
Nhưng nó chưa bao giờ vượt xa
quá một cuộc đối thoại thận trọng, và Berlin chưa bao giờ đưa ra những
đòi hỏi cải cách thật sự. Ngược lại, Mubarak còn được coi như một con đê
chắn sóng trong cuộc đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan. Chính quyền của
Tổng thống George W. Bush cũng coi chế độ cứng rắn không khoan nhượng
của Ai Cập là có lợi trong cuộc đấu tranh chống những kẻ bị tình nghi là
khủng bố. Thí dụ ngoạn mục nhất của sự hợp tác của họ là vụ giáo sĩ Abu
Omar, bị CIA bắt cóc ở nơi công cộng tại Italia trước khi có tin ông bị
tra tấn ở Ai Cập. Mô tả của Abu Omar về việc ông bị giam giữ ở Ai Cập
cung cấp cho ta sự hiểu biết sâu sắc về những điều khủng khiếp trong
những ngục tối của Ai Cập
Mubarak đã biến thành một nhà độc tài như thế nào?
Ở Ai Cập, từ lâu Mubarak đã bị
coi là một tên bạo chúa. Đất nước thường xuyên ở trong tình trạng khẩn
cấp. Mubarak nắm chặt quyền lực bằng cách sử dụng các đạo luật chống
khủng bố và các cuộc bầu cử rõ ràng là gian lận. Ông ta biến nước mình
thành một nhà nước cảnh sát. Nghe nói có hơn một triệu chỉ điểm, nhân
viên mật vụ và sĩ quan cảnh sát để giám sát số dân hơn 80 triệu. Phe đối
lập bị ép cho nhỏ lại, và các phương tiện truyền thông phê phán chế độ
gặp khốn khó. Những người bất đồng chính kiến bị đưa vào những nhà tù
khét tiếng về tra tấn và nhiều người đơn giản biến mất mà không để lại
dấu vết gì.
Những vụ ám sát trong nhiều năm
mà Mubarak đã may mắn thoát được chứng tỏ tên bạo chúa này đã bị căm
ghét đến mức nào. Trường hợp gần cái chết nhất của ông ta là năm 1995,
trong chuyến đi thăm Addis Ababa, thủ đô Ethiopi. Lúc đó Mubarak đang
trên đường đến dự cuộc gặp cấp cao của Tổ chức Thống nhất Châu Phi, đoàn
hộ tống của ông ta bị những người Islamist Ai Cập tấn công. Chỉ có nhờ
lớp vỏ thép của chiếc xe do Đức chế tạo mà lần ấy ông ta thoát chết.
Mubarak chống lại sức ép quốc tế
đòi cho nhân dân ông ta nhiều quyền tự do hơn. Chịu sức ép của
Washington, ông ta đành chấp nhận những ứng cử viên khác ngoài bản thân
ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2005. Nhưng chế độ này rất ít cố
gắng trong việc làm cho các cuộc bầu cử thành dân chủ. Do những mánh
khóe rõ ràng, ứng cử viên đối lập Aiman Nur chỉ thu được 7 phần trăm
phiếu. Vì ra ứng cử mà cá nhân Nur phải trả giá đắt. Ngay sau cuộc bầu
cử, ông bị kết án năm năm tù bằng những lời buộc tội nghe có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, chính sự suy thoái
của kinh tế Ai cập đã đổ thêm dầu vào đám lửa giận dữ. Trong những năm
1970, nước này vẫn còn đọ được với những nền kinh tế như của Nam Triều
Tiên. Nhưng khi các nước châu Á bắt đầu vươn lên, thì Ai Cập không theo
kịp.
Nước Ai Cập của Mubarak cũng đã thất bại về kinh tế.
Sự thất bại của nền kinh tế kế
hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, giống như nhiều nước A rập khác đã áp dụng,
tất nhiên là một lý do. Nhưng chế độ của Mubarak còn chứng tỏ là mảnh
đất màu mỡ cho nạn tham nhũng và cai trị bằng cướp bóc. Một bài phóng sự
trên tờ báo Đức Die Tageszeitung đã nhắc đến một câu chuyện tiếu lâm mà
nhân dân Ai Cập thích lưu truyền. Alaa, con trai Mubarak được mời đến
đại lý hãng Mercedes ở Cairo. “Chỉ với 2€ ngài có thể nhận được chiếc xe
mui kín thượng hạng, thưa điện hạ.” đại lý Mercedes nói. Con trai tổng
thống liền rút ra tờ giấy bạc 10€. Khi người đại lý định ngăn lại, anh
ta nói: “Tôi sẽ chỉ lấy năm chiếc thôi.”
Những cuộc cải cách nhằm củng cố
ngân sách của đất nước nói chung chỉ làm lợi cho các giai cấp trung và
thượng lưu. Nỗi thống khổ của người nghèo chỉ tiếp tục tăng lên, và cùng
với nó là sự tức giận. Thông tin duy nhất về mức độ giầu có của nhà độc
tài thì chỉ là những tin đồn. Tuy vậy, chúng cũng đủ để đổ dầu vào ngọn
lửa căm hờn. Tài sản của gia đình Mubarak nghe nói trị giá khoảng 40 tỉ
đô la, khối tài sản này được tích lũy qua, chẳng hạn, tiền hoa hồng của
các hợp đồng quốc phòng. Truyền thông A rập cho biết khoản tiền đó đã
được đầu tư an toàn ra nước ngoài. Cho dù mất hết quyền lực, thì gia
đình Mubarak cũng sẽ không phải thiếu thốn. Tuy nhiên các chuyên gia
nghi ngờ những ước tính về gia sản của nhà độc tài này là sát thực tế.
Những mối quan hệ của Mubarak
với các nước khác trong thế giới A rập đã gặp rắc rối ngay từ đầu. Hiệp
định hòa bình riêng rẽ ký với Israel năm 1979 của người tiền nhiệm của
ông ta, Anwar Sadat, đã phá hủy nghiêm trọng vị trí của Ai Cập như một
sức mạnh chính trị chủ yếu với các nước A rập. Tuy nhiên, Mubarak quyết
định gắn với hiệp định gây tranh cãi này. Điều đó bảo đảm quan hệ của Ai
Cập với Phương Tây cũng như viện trợ nước ngoài từ Mỹ với số tiền 1,5
tỷ đô la, trong đó có 1,3 tỷ đô la viện trợ quân sự. Sau đó Mubarak
thành công trong việc khôi phục vị trí thành viên cho Ai Cập trong Liên
hiệp các nước A rập, nhờ đó đã chấm dứt sự cô lập của nước này trong khu
vực các nước A rập.
Tuy nhiên, nhiều người không bao
giờ tha thứ cho Mubarak vì ông ta đã đã tuyên bố rằng hòa bình giữa
Israel và các nước A rập là “sứ mệnh” của ông ta. Trong khắp thế giới A
rập, một số người vẫn còn miệt thị Mubarak như một kẻ “Zionist” (người
theo chủ nghĩa phục quốc Do thái) hay “đầy tớ của Phương Tây” cho đến
tận lúc ông ta từ chức. Những người Hồi giáo sùng đạo cũng coi ông ta là
kẻ thù của họ vì ông ta đã đàn áp tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim
Brotherhood) ở Ai Cập.
Cũng còn phải chờ xem việc
chuyển giao quyền lực có ý nghĩa gì. Liệu quân đội có giữ đúng kế hoạch
hiện nay là tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng Chín hay nó sẽ đưa đối lập
vào quá trình chuyển đổi sớm hơn nhiều. Vai trò tương lai của Phó Tổng
thống Suleiman - mới được chỉ định cách đây ít ngày vào vị trí này - vẫn
còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi cho những ngày sắp
tới.
Lúc này, người dân Ai Cập đang hân hoan chào mừng cuộc cách mạng của họ.
Nguồn: Florian Gathmann, Ulrike Putz và Severin Weiland, SPIEGEL, 11/02/2011
Đã đăng tên Văn Chương Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét