Trong hoạt động truyền thông, dùng những người nổi tiếng, những ca sĩ thành công đặc biệt, được công chúng biết đến, ngưỡng mộ, để minh chứng, thuyết phục cho một nội dung truyền thông nào đó, là một kỹ thuật quen thuộc trong hoạt động truyền thông. Những người làm việc trong lãnh vực truyền thông không thể xa lạ với kỹ thuật này.
Kỹ thuật nói trên được đưa vào hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo dưới dạng “lời chứng”. Nguyễn Huệ Nhật là một dạng lời chứng của hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo được tiến hành bởi đạo Tin Lành. Trong những trường hợp như Nguyễn Huệ Nhật, lời chứng về việc tin Chúa được trình bày rất vắn tắt, cô đọng, súc tích. Và thế là đủ. Còn điều cần phải nói nhiều là quá khứ và sự biến chuyển cải đạo, tin đạo, theo đạo mới, sự chịu ơn từ đức tin mới của anh ta. Lời tin chúa chỉ là kết luận, còn nội dung minh họa chính nằm ở trường hợp được lấy làm ví dụ minh họa. Vì vậy, sách “Từ áo cà sa đến thập tự giá” đi rất chi tiết vào quãng thời gian là tu sĩ Phật giáo của Huệ Nhật, để làm đối trọng so sánh với giai đoạn “đến thập tự giá” sau đó. Như vậy mới là lời chứng. Cái nội dung cụ thể của riêng người đó trải nghiệm mới có giá trị làm “chứng”, thuyết phục, khuyến dụ người khác.
Mới đây, các đơn vị truyền thông của Việt Nam nói nhiều đến chuyến thuyết giảng của Nick Vujicic tại Việt Nam. Đã có ý kiến nói ông ta truyền đạo (mà ở Việt Nam, nơi tín đồ Phật giáo chiếm đa số, là cải đạo). Vậy thực chất của việc này như thế nào? Nick Vujicic có làm việc đó không? Nếu có, thì đã làm ra sao?
Nếu chúng ta vào các trang web của Tin Lành thì sẽ thấy rõ ngay vấn đề. Nick Vujicic đang nói những lời chứng cho việc cải đạo.
Cải đạo: trên sân Mỹ Đình và sóng truyền hình quốc gia
Nếu muốn nói “lời chứng”, thì người nói lời chứng đó phải có những trải nghiệm cá nhân đặc biệt, đáng nói. Cuộc sống vượt qua thử thích tật nguyền một cách xuất sắc của Nick Vujicic là trải nghiệm cần có đó. Bây giờ, việc chỉ còn việc tạ ơn Chúa cho những thành công đó như vậy là thành lời chứng. Điều phải làm tiếp theo là loan báo lời chứng đó một cách rộng rãi đến với đông đảo công chúng, càng nhiều càng có lợi, bằng những cách thức được nghiên cứu, tính toán, thiết kế rất kỹ lưỡng bằng kỹ thuật truyền thông hiện đại.
Nick Vujicic đang làm điều đó, với sự giúp đỡ của cả một bộ máy truyền thông rất khéo léo, khôn ngoan, tinh vi.
Wikipedia tiếng Việt giới thiệu Nick Vujicic là một “người truyền bá phúc âm”, còn Wikipedia tiếng Anh dùng từ “envangelist”, trong diễn giải từ này có hoạt động cải đạo (“the pratice of relaying information about a partivcular set of belief to other with the object of conversion” - Wikipedia).
Như vậy, là một diễn giả, tất nhiên Nick Vujicic sẽ thực hiện nhiệm vụ hàng đầu và trên hết này. Và trong thực tế anh ta đã làm điều đó, chứng minh thành công của anh ta là kế hoạch của chúa (“God had plan for his life” - Wikipedia).
Kỹ thuật truyền thông nằm ở chỗ này. Nếu giới thiệu chỉ là “envangelist”, nhà truyền bá phúc âm, thì hoạt động này sẽ rất kém sự thu hút và hạn chế thuyết phục. Vì vậy, cần được giới thiệu bổ sung là “motivational speaker” nhà diễn thuyết truyền động lực. Tuy vậy, điều chính vẫn là nói về niềm tin Chúa: “He also speaks about his belief that God can use any willinf heart to do his work and thath God is big enough to overcome any and all disabilities”. Đây là nội dung diễn giảng trên hết.
Nhưng tùy theo trường hợp cụ thể, evangelist hay motivational speaker sẽ được nhấn mạnh. Cái hay chính là sự vận dụng linh hoạt này. Như ở Việt Nam, trên sân Mỹ Đình hay Thống Nhất, Nick Vujicic là motivational speaker còn ở Hội thánh Tin Lành Gia Định, thì là evangelist. Vì nếu là nhà truyền bá phúc âm, thì Nick Vujicic sẽ không thể nói “lời chứng” trên sân vận động 25.000 người và trực tiếp truyền hình toàn quốc đến hàng triệu khán giả Việt Nam, dù cùng là lời chứng đó.
Chúng tôi không nói motivational speaker là vỏ bọc của evangelist, tức không hẳn có sự nói dối. Cả 2 công việc được giới thiệu bên cạnh nhau. Nhưng cũng cần lưu ý, nội dung mà một evangelist trình bày được giới thiệu là từ motivational speaker, cũng vẫn là có điều “đánh lừa” đối với người tiếp nhận buổi diễn giảng, nhưng việc “đánh lừa” vị giác bằng cách thêm đường vào một thứ dung dịch khó uống. để người uống dễ dàng hơn. Nói đây là đánh lừa thì cũng chỉ là đánh lừa trong ngoặc kép.
Tuy nhiên, nếu đã xác định là evangelist, thì dù có làm đủ loại speaker, thì cuối cùng cũng để phục vụ cho nhiệm vụ của một evangelist. Không thấy điều này thì rõ là bị “đánh lừa”.
Trên sân Mỹ Đình và trên sóng trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam, Nick Vujicic vẫn là một evangelist.
Anh nói những lời chứng gì? Công thức là một cả cuộc đời anh và kết luận ơn Chúa. Cụ thể, dẫn theo RFI 25/5/2013:
- “Sự cầu nguyện là một điều rất lớn trong cuộc đời của anh và khi cầu nguyện thì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Và hãy giữ vững niềm tin”.
- “Các bạn có biết tại sao tôi yêu Đức Chúa Trời không? Bởi vì tôi biết thiên đàng là có thật. Ngày nào mà chúng ta được lên thiên đàng, chúng ta sẽ có đủ chân, đủ tay. Lúc đó, chúng ta sẽ chạy nhảy vui chơi và hai chú cháu mình sẽ chạy thi với nhau nhé”.
Các “kỹ thuật” truyền thông khác
Có một định nghĩa truyền thông đại chúng, đó là gởi thông điệp đến công chúng đông đảo, qua các phương tiện truyền thông, bằng các cách thức riêng của kỹ thuật truyền thông. Ở các cách thức riêng của kỹ thuật truyền thông, lại có sự đánh lừa, và lần này, không có dấu ngoặc kép!
Buổi diễn giảng của Nick Vujicic tại các sân vận động, sách của Nick Vujicic đã được quảng cáo dồn dập, ồ ạt trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng dưới dạng trá hình giới thiệu chương trình trực tiếp của VTV, dùng biểu tượng là chính thân thể Nick Vujicic.
Vì vậy mà sốt vé, và cũng vì vậy mà chính người đọc được thấy sách của Nick Vujicic được nhiều khách hàng mua cùng với sách chính trị tại nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật số 72 Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM sáng 25/3, vì lý do giải thích là vì VTV mới giới thiệu tác giả.
Cách quảng cáo trá hình, một kỹ thuật truyền thông như vậy, chỉ người làm truyền hình mới biết, thường dùng để đánh lừa khán giả, phòng tài vụ và ban giám đốc (vì Đài không thu được tiền quảng cáo nhưng lại đã quảng cáo gián tiếp liên tục). Mà ở đây là quảng cáo cho một evangelist. Hình Nick Vujicic đã được đưa lên trang bìa (tạp chí Truyền hình Việt Nam). Các mánh lới truyền thông được dùng đan xen, kết hợp khéo léo với nhau, tạo nên một hiệu quả truyền thông tối ưu. Hoạt động của một nhà bá phúc âm được truyền thông một cách rộng rãi nhất, có hiệu quả nhất, nhưng rẻ tiền nhất và dưới dạng dễ tiếp thu nhất (dưới hình thức diễn thuyết về đề tài khát vọng sống, vượt lên số phận, để rồi khéo léo dẫn vào Chúa và thiên đàng).
Bị “lừa” hay lừa?
Nick Vujicic là một người tốt. Đối tượng được nói đến ở đây không phải Nick Vujicic mà là những người làm truyền thông phía sau Nick Vujicic, là người chỉ đạo hoạt động của evangelist.
Giai đoạn 2 của hoạt động truyền thông này đã bắt đầu, là việc khai thác tối đa “lời chứng” của Nick Vujicic trên các phương tiện truyền thông Tin Lành, đặc biệt trên internet. Muốn nhận được dĩa hình thì liên lạc với hội thánh. Lúc này, không còn một loại speaker nào nữa hết, mà chỉ còn lại evangelist. Không phải dường như truyền đạo mà rõ ràng truyền đạo, duy nhất truyền đạo, mà ở Việt Nam là cải đạo.
Kỹ thuật truyền thông được dùng tinh vi như vậy, từ giới thiệu 2 nhiệm vụ, rồi nhấn mạnh một cương vị, trình bày minh họa dẫn vào kết luận, trở thành lời chứng, quảng cáo 2 mặt trá hình, khai thác tập trung lời chứng… chắc chắn sẽ “lừa” và lừa được một số đông người.
Trước tiên, người đứng ra tài trợ cho nhà truyền bá phúc âm (vai trò được giới thiệu rõ trên Wikipedia) lại là một Phật tử, từng được báo chí giới thiệu là thuần thành, tu bát chánh đạo, với số tiền kỷ lục ba mươi sáu tỷ đồng. Chương trình diễn thuyết được các trang web cải đạo lọc ra “lời chứng” để cải đạo Phật tử. Chắc số tiền tài trợ khổng lồ đó cũng là kỷ lục Phật giáo, Phật tử tài trợ cho… nhà truyền giáo.
- Đây cũng là kỷ lục diễn thuyết “lời chứng” có số người tham dự đông đảo nhất tại Việt Nam.
- Và là buổi diễn giảng lời chứng có Phật tử viết bài đánh giá cao.
Cải đạo, như vậy, đã vượt trên tầm nhận thức của Phật tử. Có thể nói theo phong cách Kim Cang: cải đạo mà không phải cải đạo, đó mới chính là cải đạo. Cải đạo thật sự là cải đạo mà người bị cải đạo không biết.
Ở đây, evangelist nhưng là motivational speaker, đó mới thực là evangelist.
Làm evangelist như Nick Vujicic làm, bằng minh họa bằng chính cuộc đời mình, là một evangelist rất có kết quả. Đó là khi số đông người quên mất vai trò evangelist ở Nick Vujicic, dù Nick Vujicic vẫn giới thiệu rõ, để rồi đưa lời chứng lên sóng truyền hình quốc gia.
Thời điểm Nick Vujicic diễn thuyết tại Việt Nam chính là thời điểm ngay lễ Phật đản, khi một buổi lễ Phật đản vài trăm, vài ngàn người trong chùa đã có Phật tử trầm trồ hoành tráng, tán thán “ngẩng cao đầu”, cũng là khi dễ đến hàng triệu Phật tử xem nghe lời chứng tại sân vận động quốc gia và trên sóng truyền hình quốc gia, Phật tử tài trợ kỷ lục mời nhà tài trợ kỷ lục mời nhà truyền bá phúc âm, Phật tử viết bài ca ngợi “thật thú vị”…
Bài viết này không có nội dung đố kỵ đối với một người tàn tật dũng cảm và chiến thắng số phận, mà tập trung chỉ rõ những vấn đề liên hệ đến việc truyền thông quanh sự kiện này, việc khai thác nó theo hướng là “lời chứng” để cải đạo tín đồ Phật giáo.
Đặc biệt là lời dự báo, nếu mức độ nhận thức việc cải đạo từ phía số đông Phật tử là như thế, nhẹ dạ và có phần hời hợt, nông cạn; ngơ ngác trước những ý đồ tinh vi, sâu xa, kỹ thuật truyền thông phức hợp muôn hình vạn trạng, thì sớm muộn gì, một số đông nữa sẽ cải đạo.
Sự kiện Nick Vujicic, đúng là hướng về nghĩ thiện, gieo nhân thiện, nhưng điều hướng về trên hết là thiên đàng, cầu nguyện, niềm tin vào Đức Chúa Trời, như lời Nick Vujicic nói. Những nội dung đó mới là phần hạt nhân trong các bài diễn thuyết của Nick Vujicic và đang được tiếp tục khai thác (thí dụ, xem hoithanh.com).
Bên cạnh cái nhìn bao dung, Phật tử trước hết phải có cái nhìn trí tuệ, “như thị tri kiến”, nhìn được toàn vẹn bản chất thực sự của sự việc, không bị một kỹ thuật, thủ đoạn nào đó đánh lừa, làm phiến diện, thiên lệch. Hoan hỷ trước một người vượt lên số phận, nhưng người ta tự giới thiệu và xác định trong thực tế là “nhà truyền bá phúc âm” thì vì lẽ gì lại không thấy?
Từ bi, nhưng thiếu nền tảng sáng suốt, cái nhìn toàn diện thấu triệt vấn đề, rốt lại chỉ là tình cảm trắc ấn dễ kích thích bằng kỹ thuật kỹ xảo chơi chữ, trình diễn, luồn lách ngôn từ, có thể đến mức bị “lừa” và lừa (có ngoặc kép và không có ngoặc kép).
Nói đến truyền thông là phải nói đến kết quả. Nick Vujicic được giới thiệu là evangelist và motvational speaker, thì kết quả diễn thuyết sẽ có 2 loại, người cải đạo (mục tiêu của evangelist) và người được truyền cảm động lực sống (mục tiêu của motivational). Đề cập chỉ một phía kết quả là chỉ nói một phần kết quả, vấn đề được nhìn một cách phiến diện.
Chia sẻ với tăng ni Phật tử
Trường hợp Nick Vujicic vừa phân tích ở trên chỉ là một ví dụ nhỏ trong các kỹ thuật cải đạo hết sức tinh vi đang được triển khai. Những người tổ chức sự kiện truyền thông, với sự kiện Nick Vujicic mà họ tổ chức, đã đưa hoạt động lời chứng tại Việt Nam lên đến một đỉnh điểm chưa từng thấy. Số người đến nghe trực tiếp tại 2 sân vận động ở Hà Nội và TPHCM là khoảng 65.000 người, hàng triệu người xem trực tiếp truyền hình qua sóng 2 kênh truyền hình quốc gia VTV1 và VTV6, chi phí 36 tỷ đồng do một người vốn được giới thiệu Phật tử tài trợ, ủng hộ.
Hoạt động cải đạo như vậy là đi đến một đỉnh cao mới
Ghi nhận như vậy không phải là một sự cố chấp, thiên lệch, vì chính Nick Vujicic đã được giới thiệu xác định là evangelist và những “lời chứng” đang tiếp tục khai thác truyền thông.
Ngoài kỹ thuật truyền thông tinh vi hiệu ứng truyền thông được ghi nhận quả là rất lớn. Một evangelist mới đây rất xa lạ với người Việt, đột ngột, bằng truyền thông một cách khéo léo, trở thành đối tượng ngưỡng mộ của rất đông người, có đến vài triệu người biết đến, chỉ trong một thời gian ngắn. Tác động tinh thần của việc này hẳn là lâu dài, vào số người ngưỡng mộ, trong đó, chắc chắn có rất đông Phật tử.
Nick Vujicic viết “tôi là sự sáng tạo để Chúa hiển lộ công việc của người qua tôi” (Wikipedia). Mục tiêu của Nick Vujicic, sử dụng tình trạng và cuộc sống đặc biệt của anh, làm lời chứng được xác định rõ ràng, dứt khoát, mạnh mẽ.
Đây là một dạng thức cải đạo mới, mà ở đó yếu tố tôn giáo được trình bày dẫn dắt hết sức khéo léo, tế nhị từ một gợi ý mang tính xúc cảm nhân đạo, nhưng lại được khai thác tổng lực theo hướng tôn giáo triệt để sau đó bằng truyền thông (sách, internet).
Và như vậy, việc gìn giữ đạo Phật tại Việt Nam cũng đi vào một giai đoạn mới, với mức độ phức tạp, đòi hỏi mức tập trung trí tuệ để phát hiện, ghi nhận, phân tích cũng như tìm đối sách cao hơn so với trước rất nhiều.
Những evangelist hôm nay đã đi từ những nhà truyền giáo xa cách, vận động từng tín đồ một, cải đạo từng trường hợp một, đến những nhóm tín hữu nhiệt thành, sử dụng âm nhạc điêu luyện mời gọi cải đạo, rồi bây giờ đến một motvational speaker có sức chinh phục, thu hút, tổ chức truyền thông. 65.000 người trên 2 sân vận động quốc gia, trực tiếp truyền hình 2 kênh quốc gia, đến hàng triệu người, tạo hình ảnh ấn tượng, rồi tiếp tục khai thác truyền thông lâu dài dạng “lời chứng”.
Đạo Phật cần được trình bày trước công chúng bằng những biểu hiện sinh động, thu hút, thuyết phục, đa dạng hình thức, nhiều màu vẻ, thay vì chỉ hình ảnh những ngôi chùa vắng lặng, những pho tượng tịch mịch, những tu sĩ nghiêm trang tụng niệm chuông mõ. Cách trình bày mới như thế về đạo Phật không chỉ là điều cần có, mà nay là điều bắt buộc phải có, vì mục tiêu gìn giữ đạo Phật, tạo một sức sống mới cho đạo Phật.
Hoàn cảnh mới cần ở tăng ni Phật tử trách nhiệm mới, cố gắng mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét