Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014
Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (2)
07:28
Hoàng Phong Nhã
No comments
Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Sau
khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc bưng bít hết mọi
nguồn thông tin từ nước ngoài, đồng thời phủ nhận toàn bộ những chuẩn
mực đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Chính phủ nắm độc quyền thông
tin nên cũng nắm độc quyền về chân lí. Là trung tâm quyền lực, Trung
ương Đảng cũng là trung tâm chân lí và thông tin. Tất cả các cơ quan
nghiên cứu khoa học xã hội cúc cung tận tụy xác nhận tính chính đáng của
chế độ cộng sản; mọi đoàn văn công nỗ lực hết mình ca tụng Đảng Cộng
sản Trung Quốc; tất cả các cơ quan truyền thông đưa tin đăng bài chứng
minh sự sáng suốt và sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ nhà trẻ
đến đại học, sứ mệnh chính là cấy thế giới quan cộng sản vào tâm trí của
học sinh, sinh viên các cấp. Các viện nghiên cứu khoa học xã hội, đoàn
văn công, cơ quan truyền thông và trường học tất thảy đều trở thành công
cụ cho sự độc quyền của Đảng về tư tưởng, tinh thần và quan điểm, và
tất cả các cơ quan này liên tục tham gia nhào nặn tâm hồn của thế hệ trẻ
Trung Quốc. Những người làm công việc này hãnh diện được gọi là ‘kĩ sư
tâm hồn’.
Trong
hoàn cảnh suy nghĩ và thông tin bị bưng bít như vậy, chính quyền trung
ương dùng bộ máy độc quyền của mình cho công tác lâu dài là làm cho mọi
người thấm nhuần các giá trị cộng sản đồng thời phê phán và bài trừ bất
cứ giá trị nào khác. Bằng cách này, tâm trí của giới trẻ hình thành
những cảm xúc rõ rệt và sâu sắc về đúng/sai và yêu/ghét, và những cảm
xúc đó hóa thành niềm khao khát mãnh liệt muốn biến các lí tưởng cộng
sản thành hiện thực. Lúc đó, bất cứ lời nói hay hành động nào phản đối
hay đi chệch khỏi những lí tưởng này sẽ bị toàn thể mọi người nhất loạt
đả kích.
Trong
công tác tuyên truyền cho thấm nhuần các giá trị [cộng sản], cơ cấu tổ
chức của Đảng thậm chí còn hữu hiệu hơn cả các viện nghiên cứu khoa học
xã hội, cơ quan truyền thông, đoàn văn công và trường học. Mỗi cấp ủy
Đảng có một bộ phận nòng cốt được hậu thuẫn của những đảng viên tích
cực, cấp trên quản lí cấp dưới, cấp dưới trung thành với cấp trên. Những
phong trào chính trị liên tiếp, hàng trăm hàng ngàn cuộc họp lớn nhỏ,
những buổi lễ tuyên dương và các buổi đấu tố, các phần thưởng và hình
phạt, tất thảy đều dùng để lôi kéo giới trẻ vào một quỹ đạo duy nhất.
Tất cả những quan điểm khác với các quan điểm của Đảng đều bị tiêu diệt
từ trong trứng nước.
Lúc
đó tôi thật lòng tin rằng một nước Trung Quốc yếu kém và nghèo đói,
từng bị bọn đế quốc áp bức trong gần 100 năm, có thể tiến lên chủ nghĩa
xã hội bằng con đường “Ba ngọn cờ hồng” và tiếp tục thực hiện lí tưởng
cao nhất của nhân loại – đó là chủ nghĩa cộng sản. So với lí tưởng cao
cả này, những khó khăn cỏn con tôi gặp phải thì nghĩa lí gì?
Tôi
tin tưởng chủ trương “Ba ngọn cờ hồng” không chỉ vì u mê ngu dốt, mà
còn vì áp lực chính trị kinh khủng đè nặng lên toàn xã hội, cái kiểu áp
lực không cho ai nghi ngờ. Bản thân tôi chứng kiến nhiều biến cố đau
lòng. Vạn Thượng Quân (萬尚君),
học cùng trường nhưng trên tôi một lớp, mất cơ hội thi đại học vì anh
ấy ca ngợi một bài diễn văn của Tito phê phán ‘phe xã hội chủ nghĩa’.
Anh ấy từng đỗ đầu trong kì thi vào trường cấp hai của huyện trước tôi
một năm, nên tôi biết rõ về anh. Anh là học sinh xuất sắc và chín chắn
nhưng lại mất hết triển vọng cho tương lai ở tuổi mười bảy vì anh suy
nghĩ quá độc lập. Trong một vụ khác xảy ra vào mùa Xuân năm 1959, có
người phát hiện dòng chữ ‘Đả đảo Mao’ viết nguệch ngoạc trên vách ngăn
cầu tiêu, và hoảng hốt đi báo lãnh đạo nhà trường. Trường vội vã báo lên
Sở Công an, và Sở nhanh chóng phá án. Hóa ra một anh học trên tôi một
lớp, đói quá hóa rồ, trong cơn tức giận đã viết dòng chữ đó. Tôi tận mắt
thấy anh bị cùm tay và tống vào tù.
Những
đợt phê bình không ngừng nghỉ của quần chúng cách mạng và những hình
phạt khắc nghiệt mà ta chứng kiến dần dần tiêm vào ta cảm giác kinh
hoàng. Nỗi kinh hoàng đó không phải là cảm giác khiếp sợ chợt đến khi ta
thấy rắn độc hay thú dữ, mà là nỗi ghê sợ ăn dần thấm dà vào thần kinh
ta, vào máu ta, để rồi trở thành một phần trong bản năng sinh tồn của
một con người. Người dân biết cách tránh hiểm họa chính trị như thể thấy
cháy nhà thì ráng chạy thoát thân.
Ở
một đất nước vốn từ xa xưa đã có tâm lí tôn vua kính chúa, ngay từ đầu
người dân đã xem chính quyền trung ương là tiếng nói quyền uy, và Đảng
dùng ‘sức mạnh diệu kỳ’ của chính quyền trung ương để khiến toàn dân
thấm nhuần các giá trị thống nhất. Giới trẻ ít kinh nghiệm thật lòng tin
tưởng những giáo điều này, còn cha mẹ của chúng tuy có nhiều kinh
nghiệm hơn chút ít nhưng vì lòng tin mù quáng vào ‘sức mạnh diệu kỳ’
hoặc vì sợ chế độ nên cố gắng hết sức để ngăn không cho con cái bộc lộ
bất cứ luồng tư tưởng nào khác với tư tưởng của chính quyền, buộc con
cái phải phục tùng và vâng lời.
Năm
1960 tôi thi đỗ vào Viện Đại học Thanh Hoa. Ngay sau khi nhập học, tôi
tham quan triển lãm “chống hữu phái” của trường và bắt đầu dấn thân vào
con đường giáo dục lòng trung thành của tôi. Tiếp đến là hơn năm mươi
ngày làm việc cực nhọc ở nông thôn để được giáo dục qua lao động và tập
tranh luận biện hộ cho “Ba ngọn cờ hồng”. Dù bụng đói sôi sùng sục,
chúng tôi cũng chưa bao giờ hoài nghi về “Ba ngọn cờ hồng”.
Trường
đại học này từng nổi tiếng về tính cởi mở của giới trí thức, nhưng hóa
ra lại hết sức hẹp hòi. Viện đại học Thanh Hoa từng có nhiều giáo sư
lừng danh, nhưng tôi chỉ biết đến Văn Nhất Đa (聞一多) và Chu Tự Thanh (朱自清) từ những trước tác của Mao Trạch Đông, và chưa hề nghe đến Trần Dần Khác (陳寅恪) hay Ngô Mật (吳宓)[i].
Thư viện của trường có sách nhiều đáng nể, nhưng những cuốn duy nhất
tôi có thể mượn được, ngoài những cuốn về khoa học kĩ thuật, đều liên
quan đến chủ nghĩa cộng sản. Hai cựu sinh viên của trường, Dương Chấn
Ninh (楊振宁) và Lý Chính Đạo (李政道), đã giành giải Nobel vật lí năm 1957,[ii] nhưng
trường lại giữ kín chuyện này. Trong những buổi họp cán bộ Đoàn Thanh
niên, trường thậm chí còn cảnh báo rằng hai người này là phần tử trí
thức phản động, và chúng tôi không nên đi theo con đường ‘tinh hoa chủ
nghĩa’ của họ.
Thời
đại học, tôi vẫn rất ngoan ngoãn phục tùng, suốt thời gian đó tôi làm
bí thư chi đoàn, rồi vào Đảng Cộng sản tháng 5 năm 1964. Thời đó, những
thanh niên như tôi được xem là rất ngây thơ và chân chất, và quả đúng
như vậy; đầu óc chúng tôi chỉ toàn những niềm tin do bộ máy tuyên truyền
tiêm vào, ngoài ra chẳng có gì cả. Bằng cách này Đảng uốn nắn thế hệ
đang lớn lên dưới chế độ mới thành những tông đồ trung thành. Nếu không
có những sự kiện lớn xảy ra trong những thập niên đó, và nếu chế độ đó
vẫn vững vàng tại vị, thế hệ chúng tôi có lẽ vẫn giữ những niềm tin đó
trong suốt cuộc đời mình.
Điều
dẫn đến thay đổi đầu tiên trong suy nghĩ của tôi là Cách mạng Văn hóa.
Lúc khởi đầu Cách mạng Văn hóa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở Viện Đại
học Thanh Hoa xuất hiện hàng ngàn “Đại tự báo” tố cáo cuộc sống hủ bại
và tinh thần đê hèn của những nhà cách mạng lão thành mà tôi kính nể từ
lâu. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1966, tôi và nhiều bạn cùng lớp đi đến
hơn 20 thành phố để ‘thiết lập quan hệ’, và ở những nơi đó chúng tôi
cũng thấy nhiều “Đại tự báo” tiết lộ sự tham nhũng và đặc quyền của
những cán bộ cấp cao. Tôi bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống công quyền,
và tôi chẳng còn tin những gì mình đọc trên báo. Tôi bắt đầu nghi ngờ
những huyền thoại mà Đảng đã khắc ghi trong tâm trí tôi suốt những năm
qua. Giống như hầu hết những người dân thường, tôi tham gia vào Cách
mạng Văn hóa chỉ vì phản đối đặc quyền của các quan chức. Và chính trong
thời kì Cách mạng Văn hóa, Trương Thể Học (張體學),
Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc, đã nói một điều làm tôi sửng sốt: trong ba năm
khốn khó ở tỉnh Hồ Bắc, khoảng 300.000 người đã chết đói! Chỉ khi ấy tôi
mới nhận ra rằng bi kịch của gia đình tôi không phải là đơn nhất.
Sau
khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công làm việc tại Tân Hoa Xã. Các
phóng viên Tân Hoa được gặp gỡ mọi tầng lớp xã hội mà những người khác
chẳng bao giờ có thể tiếp xúc. Tôi không chỉ biết nhiều sự thật mâu
thuẫn với những điều đã viết trong sách sử của Đảng, mà còn quan sát
cuộc sống vất vả của giới công nhân thành thị. Là phóng viên Tân Hoa,
tôi biết ‘tin tức’ đăng trên báo chí đã được chế tác ra sao, và tôi cũng
biết các cơ quan truyền thông đã thành cái loa của nhà cầm quyền như
thế nào.
Chủ
trương cải cách và mở cửa đã nới lỏng đáng kể những ràng buộc trước đây
bóp nghẹt giới trí thức của Trung Quốc, và một số sự thật lịch sử bắt
đầu hé lộ. Trong quá khứ, Đảng đã dạy chúng tôi rằng trong cuộc kháng
chiến chống Nhật, chỉ có người cộng sản đánh Nhật, còn Quốc dân Đảng
hoàn toàn đầu hàng và cộng tác với địch. Giờ đây chúng tôi biết rằng
khoảng hai trăm tướng lĩnh Quốc dân Đảng đã hi sinh tính mạng để duy trì
công cuộc kháng chiến. Trước kia, Đảng đã dạy chúng tôi rằng thiên tai
đã gây ra nạn đói ở một số ít vùng trên toàn quốc. Giờ đây chúng tôi
biết rằng đó hoàn toàn là nhân họa khiến hàng chục triệu người đói đến
chết. Tôi bắt đầu hiểu rằng lịch sử Đảng, và lịch sử một trăm năm gần
đây của Trung Quốc, đã bị xuyên tạc và biên tập cho phù hợp với nhu cầu
của Đảng.
Nhờ
nhận ra mình đã bị lừa dối trong suốt thời gian dài như vậy, tôi bỗng
có sức mạnh ghê gớm để rũ bỏ sự dối trá này. Chính quyền càng che giấu
sự thật, tôi càng quyết tâm theo đuổi sự thật. Tôi bắt đầu đọc hàng tập
tư liệu mới xuất bản, và trong công việc tường thuật tin tức tôi cố gắng
tìm hiểu sự thật của quá khứ. Kinh nghiệm cá nhân của tôi về cuộc biến
động ở Bắc Kinh năm 1989 (sự kiện Thiên An Môn – 天安門事件)
đã thức tỉnh tôi đáng kể: máu của những sinh viên trẻ tuổi đó đã rửa
sạch đầu óc của tôi, gột sạch tất cả những điều dối trá mà đầu óc tôi đã
chấp nhận trong mấy chục năm trước. Trong vai trò nhà báo, tôi phấn đấu
tường thuật và bàn luận đúng sự thật. Trong vai trò học giả, tôi cảm
thấy có trách nhiệm phục hồi lịch sử trở lại với đúng bản chất của nó,
và kể sự thật lịch sử cho những người đã từng bị lừa dối nghe.
Trong
nỗ lực phá bỏ sự lừa dối và theo đuổi sự thật, tôi dần dần hiểu được
bối cảnh xã hội lúc cha tôi mất. Dù mấy chục năm đã trôi qua, những hồi
tưởng của tôi về nguyên nhân khiến cha tôi chết và những điều tôi suy
nghĩ về ông ngày càng thấm thía. Đến thập niên 1980, dân làng ở quê tôi
bắt đầu có xu hướng dựng bia mộ cho những người đã khuất. Những người
làm cán bộ cao cấp ở nơi khác dựng bia mộ rất hoành tráng. Bạn bè và bà
con họ hàng động viên tôi dựng bia mộ cho cha tôi. Tôi nghĩ dù mình
chẳng phải là cán bộ cao cấp gì cho cam, tôi cũng sẽ dựng bia mộ cho cha
còn hoành tráng hơn bất cứ bia mộ nào khác. Nhưng tôi nhớ đến số phận
những bia mộ ở làng tôi vào năm 1958. Có bia mộ đã bị phá dỡ để dùng
trong các công trình thủy lợi lớn, hoặc dùng làm nền cho các lò luyện
kim trong chiến dịch sản xuất thép thời kì Đại Nhảy vọt; có bia mộ bị
dùng để lót đường cho hàng ngàn người đi qua. Bia mộ càng uy nghi thì
càng có khả năng bị phá bỏ. Bia mộ của cha tôi phải được dựng, nhưng
không phải trên đất, mà là dựng trong tim. Bia mộ trong tim chẳng bao
giờ bị phá dỡ hay bị thiên hạ giày xéo lên.
Tôi
quả thực đã dựng bia mộ cho cha trong tim tôi. Cuốn sách này viết nên
từ những chữ tôi khắc lên bia mộ đó. Ngay cả sau khi tôi nhắm mắt xuôi
tay, cảm xúc chân thành được thể hiện bằng những từ ngữ này sẽ vẫn lưu
lại trong các thư viện trên khắp thế giới.
II.
Tấn bi kịch xảy ra trong gia đình tôi cũng đồng thời ập xuống hơn mười triệu gia đình trên khắp đất nước Trung Quốc.
Trong
những chương nói về tổn thất dân số, người đọc sẽ thấy tôi tham khảo
nhiều loại tài liệu từ Trung Quốc và từ nước ngoài để khẳng định rằng
khoảng 36 triệu người đã chết vì đói ở Trung Quốc từ năm 1958 đến năm
1962. Vì nạn đói cũng làm giảm tỉ lệ sinh, trong những năm đó số trẻ ra
đời ước tính thấp hơn 40 triệu so với con số lẽ ra đã có trong hoàn cảnh
bình thường. Tính chung có tổng cộng 76 triệu mạng sống bị mất đi do
nạn đói trong bốn năm đó.
Ở các vùng Tín Dương (信陽, tỉnh Hà Nam), Thông Vị (通渭, tỉnh Cam Túc), Phụng Dương (鳳陽, tỉnh An Huy), Hào Châu (亳州, tỉnh An Huy), La Định (羅定, tỉnh Quảng Đông), Vô Vi (無為, tỉnh An Huy), Quán Đào (館陶, tỉnh Hà Bắc), Tế Ninh (濟宁,
tỉnh Sơn Đông) và nhiều vùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, gần như gia đình nào
cũng có ít nhất một người chết vì đói, và không ít gia đình bị xóa sổ
hoàn toàn. Trong một số trường hợp, cả làng không còn một người nào.
Cảnh tượng này giống như Mao Trạch Đông tả trong một bài thơ của ông: ‘Ngàn làng mạc mênh mông cỏ dại, người muôn người chết dần chết dà; Vạn ngôi nhà chỉ còn bóng ma lởn vởn hát ca’.[iii]
Hãy
khoan nói đến 40 triệu người chưa bao giờ ra đời, làm sao ta có thể
hình dung nổi 36 triệu người đang sống lại bị bỏ đói đến chết? Con số
này tương đương 450 lần số người chết vì bom nguyên tử thả xuống
Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.[iv] Như
thể có kẻ cho thả 450 quả bom nguyên tử xuống các làng mạc Trung Quốc.
Con số này gấp 150 lần số người chết trong trận động đất Đường Sơn (唐山, tỉnh Hà Bắc) vào ngày 28 tháng 7 năm 1976.[v]
Con số này lớn hơn số người chết trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Khoảng 10 triệu người chết trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hay
trung bình hai triệu người mỗi năm từ năm 1914 đến 1918. Chỉ trong năm
1960, 15 triệu người chết đói ở Trung Quốc. Mức độ tàn khốc của nạn đói
này ở Trung Quốc thậm chí vượt xa cảnh khốc liệt của Chiến tranh Thế
giới thứ hai với 40-50 triệu người thiệt mạng.[vi] Những
ca tử vong trong Chiến tranh Thế giới thứ hai trải ra trên khắp Châu
Âu, Châu Á và Châu Phi trong thời gian bảy hay tám năm; còn 36 triệu nạn
nhân của nạn đói ở Trung Quốc chết trong thời gian chỉ ba hay bốn năm,
và ở đa số vùng, số tử vong tập trung chỉ trong vòng sáu tháng.
Nạn
đói thời kì 1958-1961 khiến tất cả những nạn đói khác trong lịch sử
Trung Quốc trở nên mờ nhạt. Nạn đói trầm trọng nhất trước kia được ghi
lại trong sử Trung Quốc diễn ra trong những năm 1928–1930, trong thời
gian đó một thiên tai đã ảnh hưởng đến 22 tỉnh. Nạn đói đó phá vỡ mọi kỉ
lục có trước, nhưng tổng cộng chỉ có 10 triệu người chết. Trong 17 năm
từ 1920 đến 1936, nạn đói do mất mùa cướp đi sinh mạng của 18,36 triệu
người.[vii] Lý Văn Hải (李文海) và những đồng tác giả khác, trong các cuốn Những nạn đói gần đây ở Trung Quốc và 10 nạn đói lớn nhất gần đây của Trung Quốc,[viii] thực
sự tin rằng con số đó bị phóng đại, và số người chết trong nạn đói trầm
trọng nhất thời kì 1928–1930 không vượt quá 6 triệu, trong khi 140.000
người chết do những trận lụt sông Dương Tử năm 1931. Số người chết đói
từ năm 1958 đến 1962 gấp nhiều lần so với số người chết trong bất kì
thảm họa nào trước kia ở Trung Quốc.
Không
một tiếng kêu khóc thống thiết khẩn cầu trời đất, không còn đám tang
tẩm liệm đàng hoàng, không có tiếng pháo đì đùng và tiền âm phủ để tiễn
người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, không còn ai để thương cảm và
đau buồn, không một giọt nước mắt, cũng chẳng còn sửng sốt hay hoảng
loạn. Hàng chục triệu người rời bỏ trần gian trong một không khí hờ hững
câm lặng.
Một
số làng dùng xe tải chở xác đi chôn trong những nấm mồ tập thể ở ngoại
vi. Ở những làng mà người sống không đủ sức mai táng người chết cho đàng
hoàng, chân tay của người chết trồi lên mặt đất. Ở một số nơi, người
chết nằm ven đường khi họ gục xuống trong lúc đang vô vọng đi tìm thức
ăn. Không ít người bị bỏ lại tại nhà, để rồi lũ chuột gặm nhấm mũi và
tai họ.
Mùa Thu năm 1999, tôi đến Cao Du phường (高油坊) ở làng Phòng Hồ (防胡鄉) thuộc huyện Hoài Tân, thành phố Tín Dương, để tìm hiểu thêm về tình hình ở đây. Một ông lão trong làng, Dư Văn Hải (餘文海),
tuổi trạc thất tuần, dẫn tôi ra một đồng lúa ở rìa làng. Cụ vừa chỉ đám
cây mọc trên đồng vừa nói, ‘Chỗ mấy cái cây kia từng là hố chôn ít nhất
100 xác người’. Nếu cụ Dư với tư cách là nhân chứng của những sự kiện
đó không nhắc chuyện này, có lẽ đã chẳng ai biết đến bi kịch kinh khủng
chôn vùi dưới đám mạ xanh mơn mởn và những cái cây dáng vẻ oai nghiêm
kia.
Cơn
đói dằn vặt con người trước khi chết còn tàn khốc hơn chính cái chết.
Lúa gạo ngũ cốc không còn một hạt, cỏ cây dại đã ăn sạch, thậm chí vỏ
cây cũng tước ra ăn, rồi chuột, phân chim, và cả bông nhồi trong chăn,
tất thảy đều cho vào mồm hòng nhét đầy bao tử. Trên những đồng đất sét
cao lĩnh,[ix] những
người đói quay quắt vừa đào đất sét vừa nhai trệu trạo. Xác của những
người chết, của những nạn nhân từ các làng khác đến lánh nạn đói, và
thậm chí của chính người thân trong gia đình, trở thành thức ăn cho
những kẻ đang tuyệt vọng.
Chuyện
ăn thịt người không còn là cá biệt. Sách sử xưa thuật lại nhiều trường
hợp các gia đình đổi con cho nhau để ăn trong những nạn đói trầm trọng,
còn trong thời kì Nạn đói 1958-1961 này, một số gia đình chỉ còn biết ăn
con của chính mình. Ở một số huyện ở Tín Dương, ở Thông Vị, tỉnh Cam
Túc, và ở tỉnh Tứ Xuyên, người sống sót kể lại nhiều chuyện ăn thịt
người kinh hoàng. Tôi đích thân gặp nhiều người từng ăn thịt người và
nghe họ mô tả mùi vị của nó.
Qua
phân tích những bằng chứng đáng tin cậy mà tôi thu thập được, có thể
thấy có hàng ngàn vụ ăn thịt người trên khắp Trung Quốc trong thời gian
đó.[x] Tôi đã nêu chi tiết những trường hợp bi thảm này trong các chương liên quan đến từng tỉnh cụ thể.
Đây
là thảm kịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Trong một
thời kì có khí hậu bình thường, không có chiến tranh hay dịch bệnh mà
lại có đến hàng chục triệu người bị đói đến chết và thậm chí phải ăn cả
thịt người, thì quả là chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Trong
thời kì ấy và nhiều thập niên sau đó, sách báo và các văn bản chính
thức soạn ở Trung Quốc tích cực tránh né và che giấu thảm kịch khủng
khiếp này. Cán bộ ở mọi cấp chính quyền đều không hé môi về chủ đề người
dân đói dần đến chết. Cán bộ ở mọi cấp chính quyền giả mạo số liệu
thống kê về số người chết và cắt giảm số liệu bằng mọi phương tiện có
trong tầm tay. Để vĩnh viễn che giấu chuyện này, chính quyền đã ra lệnh
hủy toàn bộ dữ liệu ở tất cả những tỉnh báo cáo dân số giảm đi hàng chục
triệu người.
Những
người tị nạn lánh được sang Hương Cảng và thân nhân của Hoa kiều đã
xoay xở loan truyền được chút ít tin tức về thảm họa này, và dựa trên
thông tin này, một số cơ quan truyền thông phương Tây đã đưa tin về nạn
đói ở Trung Quốc. Những bản tin này tủn mủn, vụn vặt, nhưng chính phủ
Trung Quốc đã nhất quyết gọi đó là ‘những trò công kích ác ý’ và ‘những
tin đồn vu khống’.
Nhằm
đảo ngược dư luận quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã mời một số ‘người
bạn của Trung Quốc’ đến thăm và tận mắt chứng kiến, với hi vọng họ sẽ
viết bài ‘làm sáng tỏ các dữ kiện và sự thật’. Chính phủ Trung Quốc đã
chuẩn bị hết sức thấu đáo cho mỗi chuyến viếng thăm này, tỉ mỉ dàn xếp
từng chặng trong lộ trình của khách mời, bao gồm những nơi họ sẽ đến
thăm, những người họ có thể tiếp xúc, và những điều sẽ nói khi tiếp
khách. Trong những cuộc viếng thăm này, các vị khách nước ngoài bị tách
biệt hẳn với dân thường, và một số nơi thậm chí còn trưng ra những người
được ăn uống đầy đủ và áo quần chỉnh tề.
Phương Thực (方實),
lúc đó là Phó trưởng ban đối nội của Tân Hoa Xã, có lần được giao nhiệm
vụ tháp tùng các vị khách nước ngoài trong chuyến tham quan tỉnh An
Huy. Về già, ở tuổi 85, ông kể với tôi cách Tỉnh ủy An Huy lừa dối khách
nước ngoài như thế nào (được mô tả ở phần sau trong cuốn sách này).
Những vị khách bị lừa gạt này lúc về nước đăng những bài báo dựa trên
‘những điều mắt thấy tai nghe’ của họ, ca ngợi ‘những thành tựu vĩ đại’
của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc lúc đó không bị nạn đói và người dân
Trung Quốc đủ ăn đủ mặc.
Nhà báo Anh Felix Greene, trong tác phẩm nổi tiếng của ông về Trung Quốc in năm 1965, Tấm màn ngu tối (A
Curtain of Ignorance), viết rằng trong năm 1960 ông đã đi khắp Trung
Quốc trong thời kì mà ngũ cốc được chia khẩu phần rất eo hẹp, nhưng
chẳng hề thấy dấu hiệu nào của nạn đói đại trà. Nhà báo Mỹ Edgar Snow
(tên ông đã trở nên quen thuộc ở Trung Quốc) là một trong những người bị
Trung Quốc lừa gạt rồi truyền bá sự dối trá đó sang người khác. Tân Hoa
Xã dịch tất cả những bài báo nước ngoài này sang tiếng Trung như “hàng
xuất khẩu bán ở thị trường nội địa’ để phổ biến trong Tin tức tham khảo (參考消息) và Tư liệu tham khảo (参考資料) nhằm làm công cụ thống nhất dư luận và đàn áp những quan điểm khác trong nước.
Khoảng
20 năm sau những sự kiện này, một số học giả nước ngoài và người Hoa
sống bên ngoài đại lục bắt đầu nghiên cứu và báo cáo về thảm họa vô tiền
khoáng hậu này. Những nghiên cứu này có giá trị cao, nhưng vì các tác
giả không ở trong nước, họ không tiếp cận được những tư liệu nội bộ
trong các văn khố lưu trữ chính thức của Trung Quốc, nên kết quả nghiên
cứu của họ chưa đầy đủ.
Từ
đầu thập niên 1990, tôi tận dụng những chuyến công tác của mình để tham
khảo những tư liệu liên quan trên khắp đất nước và phỏng vấn những
người đã sống sót qua nạn đói đó. Tôi đi từ miền Tây Bắc xuống Tây Nam,
từ Hoa Bắc sang Hoa Đông, từ vùng Đông Bắc xuống Hoa Nam, tham khảo văn
khố lưu trữ ở hơn chục tỉnh và phỏng vấn hơn một trăm nhân chứng. Sau
mười năm nỗ lực, tôi đã tích lũy văn bản tổng cộng hàng triệu từ và mười
cuốn sổ ghi chép các cuộc phỏng vấn. Bằng cách này tôi có được hiểu
biết toàn diện và sâu sắc về những hoàn cảnh thực sự của Nạn đói
1958-1961.
Đối
mặt với những hậu quả trầm trọng của Nạn đói 1958-1961, Lưu Thiếu Kỳ có
lần nói với Mao Trạch Đông, ‘Lịch sử sẽ ghi lại vai trò của đồng chí và
tôi trong chuyện quá nhiều người dân bị đói, và nạn ăn thịt người cũng
sẽ được khắc ghi!’.[xi] Mùa Xuân năm 1962, trong một lần nói chuyện với Đặng Lực Quần (鄧力群),
Lưu Thiếu Kỳ một lần nữa lại nhắc rằng ‘những cái chết vì đói sẽ được
ghi lại trong sử sách’. Tuy nhiên, sau hơn bốn mươi năm, không có cuốn
sách nào như vậy về Nạn đói 1958-1961 được xuất bản ở Trung Hoa đại lục.
Điều đó không chỉ đáng tiếc từ góc độ lịch sử mà còn xúc phạm đến kí ức
về hàng chục triệu nạn nhân vô tội. Tôi đã dành nhiều năm trời để hoàn
tất cuốn sách này. Cuốn sách này có thể xem như bia mộ dành cho hàng
chục triệu linh hồn đói khát đó, và tôi hi vọng nó sẽ phần nào an ủi cho
họ.
Lưu
Thiếu Kỳ cũng từng nói rằng thảm họa này nên được khắc bia tưởng niệm
làm di tích ‘truyền lại cho con cháu chúng ta để một lỗi lầm như vậy sẽ
không bao giờ tái diễn’. Phải, nên dựng một đài tưởng niệm lớn cho một
sự kiện lịch sử trọng đại như vậy như một lời cảnh báo cho các thế hệ
tương lai. Tôi tin rằng chỉ một cuốn sách của tôi sẽ không đủ để khắc
ghi sâu trong tâm trí bài học lịch sử này. Đã có những đài tưởng niệm
cho nạn nhân trận động đất Đường Sơn, cho Hiroshima và Nagasaki, và cho
các nạn nhân của Chiến tranh Thế giới thứ hai trên khắp châu Âu. Trung
Quốc cũng nên dựng những đài tưởng niệm các nạn nhân của Nạn đói
1958-1961 ở những nơi tập trung số người chết nhiều nhất, ví dụ như Tín
Dương, Thông Vị, La Định, Hào Châu, Phụng Dương, Tuân Nghĩa (遵義, tỉnh Quý Châu), Kim Sa (金沙, tỉnh Quý Châu), huyện Bì (郫縣, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), huyện Vinh (榮縣, tỉnh Tứ Xuyên), Phong Đô (豐都, Trùng Khánh, Tứ Xuyên), Đại Ấp (大邑,
Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), Quán Đào, Tế Ninh, v.v… và ở tỉnh lị của
những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là Tứ Xuyên, An Huy, Quý Châu,
Hà Nam, Sơn Đông, Cam Túc và Thanh Hải, cũng như ở quảng trường Thiên An
Môn ở Bắc Kinh. Những đài tưởng niệm này sẽ không chỉ tưởng nhớ người
chết mà còn để nhắc nhở đến tai họa này, từ đó có thể rút ra bài học để
ngăn chặn sự tái diễn của một thảm kịch như vậy trong tương lai.
III.
Dù
đất canh tác giảm đi và dân số gia tăng 200 triệu trong thập niên 1980
và 1990, nguồn cung cấp ngũ cốc của Trung Quốc nay dồi dào hơn bao giờ
hết; giới trẻ không biết đói là gì, và nông dân thậm chí khó bán hết thu
hoạch vụ mùa của mình. Tất thảy những thành quả này đều nhờ những thay
đổi về hệ thống nông nghiệp của Trung Quốc kể từ khi Công xã Nhân dân
được thay thế bằng hệ thống trả công gắn với sản lượng, và điều đó chứng
tỏ ảnh hưởng quan trọng của một hệ thống đối với nạn đói.
Amartya Sen, người đoạt giải Nobel [Kinh tế] năm 1998 nhờ những nghiên cứu của ông về nạn đói, đã viết:
Trong
lịch sử khủng khiếp của những nạn đói trên thế giới, chưa có một nạn
đói lớn nào từng xảy ra ở một nước độc lập và dân chủ với nền báo chí
tương đối tự do. Bất kể tìm ở đâu, chúng ta không tìm được ngoại lệ cho
quy tắc này: những nạn đói gần đây ở Ethiopia, Somalia, hay những chế độ
độc tài khác; những nạn đói ở Liên Xô trong thập niên 1930; nạn đói
1958-1961 của Trung Quốc với thất bại của “Đại nhảy vọt”; hay thậm chí
xưa hơn nữa, những nạn đói ở Ái Nhĩ Lan hay Ấn Độ dưới ách đô hộ của
ngoại bang. Dù kinh tế về nhiều mặt khá hơn Ấn Độ, Trung Quốc (khác với
Ấn Độ) vẫn để xảy ra nạn đói, thực ra là nạn đói lớn nhất được ghi nhận
trong lịch sử thế giới: gần 30 triệu người chết trong nạn đói thời kì
1958–1961, trong khi những chính sách sai lầm của chính phủ vẫn không
được sửa đổi trong suốt ba năm đó. Những chính sách này không bị chỉ
trích vì không có đảng đối lập trong quốc hội, không có nền báo chí tự
do, và không có bầu cử đa đảng. Quả thực chính tình trạng thiếu phản
biện đã để cho những chính sách hết sức sai lầm này tiếp diễn mặc dù
chúng giết chết hàng triệu người mỗi năm.[xii]
Thực vậy, nguyên nhân cơ bản khiến hàng chục triệu người ở Trung Quốc chết đói là chế độ cực quyền (totalitarianism –
cũng còn gọi là chế độ toàn trị). Dĩ nhiên tôi không nói rằng chế độ
cực quyền tất yếu sẽ dẫn đến những tai họa trên quy mô lớn như vậy,
nhưng trong chế độ cực quyền những chính sách vô cùng khiếm khuyết sẽ dễ
xuất hiện hơn, và sau này muốn sửa đổi những chính sách đó sẽ khó hơn.
Một điều quan trọng hơn nữa là trong hệ thống này, chính phủ độc quyền
thâu tóm mọi sản phẩm và nguồn duy trì sự sống, để rồi một khi thảm họa
ập đến, người dân thường không có phương tiện tự cứu mình và chỉ còn
ngồi chờ chết.
Trong
lĩnh vực chính trị và tư tưởng, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng chế
độ chuyên chính vô sản toàn diện, đàn áp không thương tiếc bất cứ người
bất đồng chính kiến nào. Về mặt kinh tế, nước này thực hiện một nền
kinh tế kế hoạch tập trung hóa cao độ trong đó chính phủ nắm độc quyền
với tất cả mọi nguồn lực kinh tế. Về mặt ý thức hệ, nước này thực hiện
độc quyền nghiêm ngặt về thảo luận và suy nghĩ, và không cho phép bày tỏ
những quan điểm khác biệt. Bản thân Mao Trạch Đông mô tả đặc trưng của
hệ thống chính trị này là ‘Marx cộng với Tần Thủy Hoàng’. Hệ thống này
kết hợp kiểu chuyên quyền tập trung cao độ của Liên Xô với kiểu chuyên
chế mà hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã áp đặt hơn 2.000 năm trước,
và đã dần dần trở nên chặt chẽ hơn qua những triều đại kế tiếp. Kết quả
là sự lạm dụng quyền lực hành pháp trầm trọng hơn sự lạm dụng của Liên
Xô, hay của bất cứ hoàng đế nào của Trung Quốc. Đó là một hệ thống
chuyên chính đúng nghĩa.
Chế
độ chuyên chế Trung Quốc bắt đầu từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung
Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, và đã lưu lại nhiều dấu tích lịch
sử trong quá trình hơn hai nghìn năm. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kế
thừa hệ thống này một cách hiệu quả, và mặc dù sự cai trị của Đảng chỉ
là đoạn kết của chế độ chuyên chế phong kiến Trung Quốc, Đảng Cộng sản
Trung Quốc có được vũ khí, phương tiện giao thông vận tải, thông tin
liên lạc và những phương pháp tổ chức hiện đại, nên Đảng càng nắm quyền
kiểm soát vừa rộng vừa sâu đối với xã hội, hệ thống công quyền, và người
dân với mức độ chặt chẽ hơn và chi li hơn mà chế độ chuyên quyền phong
kiến trước kia chưa hề đạt đến. Cái thòng lọng này thắt chặt mọi cơ chế
hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và ý thức hệ của xã hội và mọi
khía cạnh đời sống thường nhật. Quyền lực cưỡng bức của chế độ độc tài
thâm nhập vào mọi ngóc ngách của thậm chí những làng mạc hẻo lánh nhất,
chạm đến từng thành viên trong từng gia đình, và len lỏi vào tâm can của
từng người. Gọi chế độ này là ‘cực quyền’ nghĩa là nói đến sự bành
trướng của quyền lực hành pháp đến mức cùng cực.
(Còn 1 kì)
Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ
___________________________
Lời cảm tạ: Chúng
tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ
vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt
thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến
xác đáng.
Lưu ý về chú thích:
- Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.
-
Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn
tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).
[i] TA:
Văn Nhất Đa (1899–1946), người phê phán chính phủ Quốc dân Đảng, đã
chết dưới tay Quốc dân Đảng. Chu Tự Thanh (1898–1948), một người chống
đế quốc, đã chết vì đói sau khi từ chối thực phẩm viện trợ của Mỹ. Ngược
lại, cả Trần Dần Khác (1890–1969) và Ngô Mật (1894–1978), là những học
giả văn hóa cổ truyền được đào tạo ở nước ngoài và cố giữ khoảng cách
với Đảng Cộng sản. Họ Ngô bị tra tấn trong Cách mạng Văn hóa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét