[1] Ủy ban Bảo vệ Công nhân, một tổ chức của Ba Lan tồn tại trước khi có sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết năm 1980. Sau đó nó được đổi tên thành KSS-KOR (Ủy ban Tự vệ Xã hội-KOR) để nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ các quyền dân sự cũng như sự ủng hộ của nó đối với các sáng kiến xã hội chống lại các thể chế của nhà nước toàn trị (Biên dịch).
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Václav Havel - Sức mạnh của thảo dân (Kì 3)
03:08
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
XI.
Trong
các xã hội thuộc hệ thống hậu toàn trị, mọi hoạt động chính trị theo
nghĩa truyền thống đều đã bị xoá sổ. Con người không có cơ hội thể hiện
quan điểm chính trị của mình ở chỗ công cộng chứ đừng nói đến hình thành
tổ chức chính trị. Khoảng trống được nghi thức mang tính ý thức hệ
choán chỗ. Trong hoàn cảnh như vậy, mối quan tâm của con người về các
vấn đề chính trị tự nhiên teo bị lại và tư tưởng chính trị độc lập, nếu
có chăng nữa, cũng bị số đông coi là không hiện thực, viển vông, coi là
một thú chơi, cách xa những lo lắng hàng ngày của họ; một cái gì đó đáng
tôn trọng, có thể như thế, nhưng vô bổ, bởi vì một mặt, nó là chuyện
hoàn toàn không tưởng, mặt khác, quá nguy hiểm, nếu xét đến sự tàn bạo
của những biện pháp mà chế độ áp dụng đối với bất kì sự vận động nào
theo hướng này.
Nhưng
ngay cả trong những xã hội như thế, vẫn tồn tại các cá nhân và các
nhóm, những người không từ bỏ chính trị vì đấy là thiên chức của họ, và
những người, bằng cách này hay cách khác, vẫn cố gắng tư duy một cách
độc lập, nhằm thể hiện mình, và trong một số trường hợp thậm chí còn
hình thành tổ chức chính trị, bởi vì đó là một phần trong nỗ lực sống
trong sự thật của họ.
Sự
kiện là những người như thế vẫn tồn tại và làm việc đã là vô cùng quan
trọng và rất có giá trị rồi. Thậm chí trong những thời điểm tồi tệ nhất,
họ vẫn duy trì sự liên tục của tư duy chính trị. Nếu một sung lực chính
trị thực sự nào đó xuất hiện từ những xung đột tiền-chính trị và được
liên kết với nhau một cách đúng đắn và kịp thời - vì thế mà làm tăng cơ
hội thành công - thì đấy thường là do công lao của những vị tướng không
có quân, những vị tướng đơn độc này. Bởi vì họ đã giữ được tính liên tục
của tư duy chính trị trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ có thể
cung cấp cho xung lực mới này thành quả tư duy chính trị của họ ngay khi
cần. Một lần nữa, lại có những thí dụ phong phú cho tiến trình này ở
Tiệp Khắc. Hầu như tất cả những người từng là tù chính trị hồi đầu những
năm 1970 - những người tưởng như đã bị hành hạ một cách vô ích vì những
hoạt động chính trị Đông-ki-sốt của họ bên cạnh một xã hội đã hoàn toàn
vô cảm và suy đồi đạo đức - chính là những người tham gia phong trào
Hiến chương năng nổ nhất. Trong Hiến chương 77, di sản đạo đức của những
hi sinh trước đây của họ được đánh giá cao, và họ đã cung cấp cho phong
trào kinh nghiệm và tư tưởng chính trị của mình.
Nhưng, tôi có cảm giác là tư duy và hành động của những người bạn đó của chúng ta -
tức là những người không bao giờ từ bỏ sự nghiệp chính trị trực tiếp,
và luôn luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chính trị trực tiếp - rất hay
mắc phải một sai lầm kinh niên: hiểu biết không đầy đủ về đặc thù mang
tính lịch sử của hệ thống hậu toàn trị như là một thực tế chính trị và
xã hội. Họ hiểu rất ít bản chất đặc thù của quyền lực tiêu biểu cho hệ
thống này, và vì thế họ đánh giá quá cao tầm quan trọng của hoạt động
chính trị trực tiếp theo nghĩa truyền thống. Hơn nữa, họ không đánh giá
được ý nghĩa chính trị của các sự kiện và quá trình “tiền-chính trị” đã
cung cấp dưỡng chất làm bung những thay đổi chính trị thực sự. Với tư
cách là những nhà hoạt động chính trị – hay, đúng hơn, như những người
có tham vọng chính trị – họ thường cố gắng bắt đầu ở nơi mà đời sống
chính trị tự nhiên đã ngừng lại. Họ vẫn giữ những cách hoạt động có thể
đã từng phù hợp với những hoàn cảnh chính trị bình thường hơn, và do đó,
vì không biết, họ đem những lối suy nghĩ lạc hậu, đem những thói quen,
những khái niệm, những phạm trù và quan niệm cũ áp đặt vào những hoàn
cảnh rất mới và khác biệt hoàn toàn, mà không suy nghĩ thấu đáo về ý
nghĩa và bản chất của những cái đó trong môi trường mới, không suy nghĩ
thấu đáo về ý nghĩa của chính trị trong giai đoạn hiện nay, không suy
nghĩ thấu đáo về những sự kiện có ảnh hưởng và có tiềm năng chính trị,
và nếu có thì theo cách nào. Vì những người như thế đã bị loại ra khỏi
những cơ cấu của quyền lực và không còn khả năng ảnh hưởng lên những cơ
cấu đó một cách trực tiếp (và vì họ vẫn trung thành với những khái niệm
truyền thống về chính trị, được xác lập ở những xã hội tương đối dân chủ
hay trong các chế độ chuyên chính truyền thống), họ - theo một nghĩa
nào đó - thường xuyên mất liên hệ với hiện thực. Tại sao phải thỏa hiệp
với thực tiễn, họ nói, khi mà tất cả những đề nghị của chúng ta sẽ chẳng
bao giờ được chấp nhận? Thế là, họ thấy mình đã rơi vào thế giới của tư
duy không tưởng.
Nhưng,
như tôi đã cố gắng chỉ ra, những sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng
rộng rãi thực sự trong hệ thống hậu toàn trị không xuất phát từ những
nguồn gốc và theo những cách giống như ở các nền dân chủ. Và nếu như đa
phần dân chúng thờ ơ, thậm chí nghi ngờ những mô hình và chương trình
chính trị thay thế, nghi ngờ cả các chính đảng đối lập, thì đó không chỉ
là vì người ta bàng quan với những vấn đề công cộng và không còn nghĩ
đến những trách nhiệm cao cả hơn, nói cách khác, nó không chỉ là hậu quả
của quá trình suy đồi đạo đức. Thái độ đó còn là một phần bản năng xã
hội lành mạnh nữa. Dường như quần chúng đã nhận thức được bằng trực giác
rằng “mọi thứ dường như đã không còn như cũ nữa”, và vì vậy mà từ nay
trở đi phải làm theo cách khác.
Nếu
một vài đợt bùng phát chính trị quan trọng nhất trong các nước thuộc
khối Xô Viết trong những năm gần đây đã xuất phát - trước khi gây ra
những cộng hưởng trên bình diện sức mạnh thực tế - chủ
yếu là từ các nhà toán học, triết học, vật lý học, nhà văn, nhà sử học,
những người công nhân bình thường.v..v.. chứ không phải từ các chính
trị gia; và nếu động lực đằng sau vô số những phong trào bất đồng chính
kiến này đều xuất phát từ rất nhiều người làm việc trong những nghề “phi
chính trị”, thì không phải vì những người này thông minh hơn những
người tự coi mình là chính trị gia. Đó là vì những người này - vì không
phải là chính trị gia - nên không bị trói buộc quá chặt vào tư duy chính
trị và thói quen chính trị truyền thống, và vì thế mới xảy ra hiện
tượng trái khoáy là họ nhận thức rõ hơn hiện thực chính trị, và nhạy cảm
hơn về những việc có thể và cần phải.
Không
thể tránh được: dù mô hình chính trị thay thế có đẹp đẽ đến đâu, nó
cũng không thể đối thoại được với “không gian bị che dấu”, không động
viên được quần chúng và xã hội, không khuấy động được hoạt động chính
trị. Không gian thực sự của phong trào chính trị tiềm tàng trong hệ
thống hậu toàn trị nằm ở chỗ khác: ở những căng thẳng thường xuyên và
nghiệt ngã giữa những đòi hỏi phức tạp của hệ thống và những mục tiêu
của cuộc sống, tức là, những nhu cầu căn bản của con người đòi được sống
- ít nhất là ở mức độ nào đó - hòa hợp với chính họ, tức là, sống theo
cách có thể chịu đựng được, không bị các quan chức và cấp trên xúc phạm,
không bị cảnh sát thường xuyên theo dõi, có thể tự do bộc lộ bản thân,
có thể tìm được không gian cho sự sáng tạo, an toàn về mặt pháp
luật.v.v.. Bất kì cái gì động chạm đến lĩnh này một cách cụ thể, bất kì
cái gì liên quan đến tình trạng căng thẳng cơ bản và phổ biến này chắc
chắn sẽ ảnh hưởng tới quần chúng. Những dự án trừu tượng về trật tự lí
tưởng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị sẽ không làm họ quan tâm đến
như thế, và đúng vậy – nhưng đấy không chỉ là vì tất cả đều biết chẳng
có mấy cơ hội thành công, mà còn vì ngày nay, con người cảm thấy rằng
các chính sách chính trị mà càng ít bắt nguồn từ cái “ở đây và bây giờ”,
rất con người và rất cụ thể, và nếu chúng càng tập trung vào một “ngày
nào đó” trừu tượng, thì họ càng dễ bị thoái hóa thành những dạng nô lệ
mới. Người
dân sống trong hệ thống hậu toàn trị hiểu rất rõ rằng câu hỏi liệu một
hay nhiều chính đảng cầm quyền, và các đảng này sẽ định nghĩa và gọi
mình như thế nào không quan trọng bằng vấn đề là liệu họ có được sống
như những con người hay không.
Trút
bỏ gánh nặng của những thói quen và tiêu chí chính trị truyền thống và
mở hết mình ra với thế giới hiện sinh của con người, và chỉ sau khi đã
phân tích nó mới đưa ra kết luận chính trị: đấy không chỉ hiện thực hơn
về mặt chính trị mà đồng thời,
từ quan điểm của “tình trạng lí tưởng”, cũng hứa hẹn hơn về mặt chính
trị nữa. Một sự thay đổi thực sự, sâu sắc và lâu dài theo hướng tốt lên –
như tôi sẽ cố gắng chứng minh – không còn có thể bắt nguồn từ những
chiến thắng (nếu những chiến thắng ấy là khả thi) của bất kì quan niệm
chính trị truyền thống cụ thể nào, tức là, một quan niệm có tính cấu
trúc hay hệ thống – đấy rốt cuộc vẫn chỉ là ngoại sinh. Hơn bao giờ hết,
sự thay đổi như thế sẽ phải bắt nguồn từ cuộc hiện sinh của con người,
từ việc sắp xếp lại một cách căn bản vị trí của con người trong thế
giới, sắp xếp lại mối quan hệ của họ với bản thân và giữa họ với nhau,
và với vũ trụ nữa. Nếu có thể tạo ra được một mô hình kinh tế và chính
trị tốt đẹp hơn thì có lẽ hơn bao giờ hết nó phải xuất phát từ những
thay đổi đạo đức và hiện sinh sâu sắc trong xã hội. Không thể thiết kế
và giới thiệu nó như thể thiết kế và giới thiệu một cái ô tô mới. Nếu
không muốn nó trở thành biến tướng của sự suy đồi xưa cũ thì trước hết
nó phải là biểu hiện của cuộc sống ngay trong quá trình chuyển hóa của
chính nó. Hệ thống tốt hơn không tự động bảo đảm cho người ta một cuộc
sống tốt đẹp hơn. Trên thực tế, ngược lại mới đúng: phải tạo ra một cuộc
sống tốt đẹp hơn thì một hệ thống tốt đẹp hơn mới có thể phát triển
được.
Xin
nhắc lại một lần nữa rằng tôi không đánh giá thấp tầm quan trọng của tư
duy chính trị và những tác phẩm viết về khái niệm chính trị. Ngược lại,
tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa có tư duy chính trị thực sự và cũng chưa
có những tác phẩm viết về chính trị theo đúng nghĩa của nó. Nhưng, khi
nói “thực sự” là tôi đang nghĩ về cách tư duy và tác phẩm mang tính khái
niệm đã được giải thoát khỏi tất cả những sơ đồ chính trị truyền thống,
được nhập khẩu, từ cái thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại nữa (nếu
trở lại thì nó cũng không cung cấp được giải pháp lâu dài cho những vấn
đề quan trọng nhất), vào hoàn cảnh của chúng ta.
Đệ
nhị và đệ tứ quốc tế, cũng như bao nhiêu tổ chức và quyền lực chính trị
khác, đương nhiên là có thể cung cấp những sự giúp đỡ đáng kể cho những
cố gắng khác nhau của chúng ta, nhưng không tổ chức nào có thể giải
quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta. Những tổ chức đó vận
hành trong một thế giới khác, và là sản phẩm của những môi trường khác.
Những khái niệm mang tính lí thuyết của họ có thể là thú vị và có tính
gợi ý đối với chúng ta, nhưng chắc chắn là: chúng ta không thể giải
quyết những vấn đề của mình bằng cách đồng nhất mình với những tổ chức
này. Và cố gắng nhằm đưa những việc chúng ta đang làm vào bối cảnh của
những cuộc thảo luận đang giữ thế thượng phong trong các xã hội dân chủ
dường như là việc làm vô cùng ngu dốt. Thí dụ, liệu có thể nói chuyện
một cách nghiêm túc về việc chúng ta cần thay đổi hệ thống hay là chỉ
cải cách nó? Trong những hoàn cảnh của chúng ta, đây là vấn đề giả tạo,
bởi vì trong thời buổi hiện nay chúng ta không thể thực hiện được bất kì
mục tiêu nào như thế hết. Chúng ta thậm chí còn chưa rõ cải cách sẽ
chấm dứt ở đâu còn thay đổi thì bắt đầu từ chỗ nào. Từ những kinh nghiệm
đau đớn, chúng ta biết rõ rằng cải cách hay thay đổi, tự thân nó đều
chẳng bảo đảm được bất cứ điều gì. Chúng ta biết rằng cuối cùng thì đối
với chúng ta, hệ thống mà chúng ta đang sống có thay đổi hay cải cách -
dưới ánh sáng của một học thuyết nào đó - cũng chẳng khác gì nhau. Mối
bận tâm của chúng ta là liệu ta có thể sống với phẩm giá trong hệ thống
đó hay không, liệu nó có phục vụ con người chứ không bắt con người phải
phục vụ nó hay không. Chúng ta đang đấu tranh để giành lấy điều này bằng
những phương tiện sẵn có, và bằng những phương tiện đáng được sử dụng.
Các nhà báo phương Tây, chìm đắm trong những câu chuyện tầm phào về
chính trị của xã hội của họ, có thể bảo rằng cách tiếp cận của chúng ta
là tuân thủ pháp luật một cách quá mức, hay quá mạo hiểm, xét lại, phản
cách mạng, tư sản, cộng sản hay quá tả hoặc quá hữu. Nhưng đấy không
phải là điều chúng ta quan tâm.
XII.
Khái
niệm đối lập luôn luôn gây ra ngộ nhận chủ yếu là vì nó được nhập khẩu
từ những hoàn cảnh khác hẳn với hoàn cảnh của chúng ta. Trong hệ thống
hậu toàn trị đối lập có nghĩa chính xác là gì?
Trong
các xã hội dân chủ, với hệ thống nghị viện truyền thống, đối lập chính
trị được hiểu như là một lực lượng chính trị trên bình diện quyền lực
thực sự (thường là một chính đảng hoặc liên minh các đảng phái) mà không
phải là một phần của chính phủ. Nó cung cấp cho người dân một cương
lĩnh chính trị để họ lựa chọn, nó có tham vọng chấp chính, và nó được
chính phủ đang cầm quyền thừa nhận và tôn trọng như là một thành tố tự
nhiên của đời sống chính trị của đất nước. Nó tìm cách mở rộng ảnh hưởng
bằng những biện pháp chính trị, và nó cạnh tranh nhằm giành quyền lực
trên cơ sở những quy định pháp luật đã được thừa nhận.
Bên
cạnh hình thức đối lập này, còn có hiện tượng “đối lập ngoài nghị
viện”, đấy cũng lại là những lực lượng có tổ chức – chặt chẽ hoặc lỏng
lẻo khác nhau - trên bình diện quyền lực thực sự, nhưng vận hành bên
ngoài những quy định do hệ thống tạo ra, và sử dụng những biện pháp khác
với những biện pháp thường được sử dụng trong khuôn khổ của hệ thống
nghị viện.
Trong
các chế độ chuyên chính cổ điển, khái niệm “đối lập” được dùng để chỉ
những lực lượng chính trị có cương lĩnh chính trị để cho người ta lựa
chọn. Họ hoạt động hoặc hơp pháp hoặc bên ngoài các giới hạn của tính
hợp pháp, nhưng không bao giờ có thể cạnh tranh để giành quyền lực trong
khuôn khổ của những qui tắc được thỏa thuận từ trước. Thuật ngữ “đối
lập” cũng có thể được áp dụng cho những lực lượng đang chuẩn bị cho một
cuộc đối đầu bằng bạo lực với chính quyền cai trị, hoặc áp dụng cho
những người tự cảm thấy đã ở trong tình trạng đối đối đầu như thế, thí
dụ như các nhóm du kích hoặc các phong trào giải phóng.
Đối
lập trong hệ thống hậu toàn trị không tồn tại theo những cách hiểu bên
trên. Vậy, thuật ngữ này có thể được dùng theo nghĩa nào?
1.
Đôi khi thuật ngữ “đối lập” được dùng – chủ yếu là các nhà báo phương
Tây – để chỉ những người hay những nhóm nằm trong cơ cấu quyền lực nhưng
lại cho rằng mình đang xung đột ngấm ngầm với những cơ quan quyền lực
cao nhất. Nguyên nhân của cuộc xung đột này có thể là cách hiểu khác
nhau (dĩ nhiên là không quá khác nhau) về bản chất của khái niệm, nhưng
thường thì chỉ là khao khát quyền lực hoặc là ác cảm cá nhân đối với
những người đang nắm quyền mà thôi.
2.
Đối lập ở đây cũng có thể được hiểu là bất kì thứ gì có hoặc có thể có
ảnh hưởng chính trị gián tiếp theo nghĩa đã nói bên trên, tức là bất kì
cái gì mà hệ thống hậu toàn trị cảm thấy là mối đe dọa, và trên thực tế
có nghĩa là tất cả những gì đe dọa hệ thống. Theo nghĩa này, đối lập là
mọi cố gắng sống trong sự thật, từ việc người bán rau quả không chịu đặt
khẩu hiệu trên cửa sổ cho đến một bài thơ viết một cách tự do; nói cách
khác, đấy là tất cả những thứ, trong đó mục đích của cuộc sống vượt ra
ngoài những giới hạn của mục đích mà hệ thống áp đặt.
3.
Nhưng, thường thì đối lập vẫn được hiểu - lại vẫn chủ yếu là các nhà
báo phương Tây - là những nhóm người công khai bày tỏ thái độ bất phục
tùng và quan điểm phê phán, những người không hề giấu giếm những suy
nghĩ độc lập của mình, và là những người – nhiều ít khác nhau – tự coi
mình là lực lượng chính trị. Theo nghĩa này, khái niệm đối lập ít nhiều
trùng với khái niệm bất đồng chính kiến, mặc dù dĩ nhiên là giữa những
người được người ta liệt kê vào nhóm này cũng có những khác biệt rất
lớn, tất cả phụ thuộc vào việc họ chấp nhận hay bác bỏ tên gọi như thế.
Nó phụ thuộc không chỉ vào việc những người này có coi mình là một lực
lượng chính trị trực tiếp hay không, và liệu họ có tham vọng tham gia
vào quyền lực thực sự hay không, mà còn phụ thuộc vào cách từng người
trong số họ hiểu khái “đối lập” là như thế nào.
Một
lần nữa, xin nêu một thí dụ: trong tuyên bố ban đầu, Hiến chương 77
nhấn mạnh rằng nó không phải là đối lập vì nó không có ý định trình bày
một cương lĩnh chính trị thay thế. Nó nhìn nhận sứ mệnh của mình là hoàn
toàn khác, vì nó đã không trình bày những cương lĩnh như thế. Trên thực
tế, nếu việc trình bày một cương lĩnh thay thế được coi là bản chất của
đối lập trong các nhà nước hậu toàn trị thì không thể coi Hiến chương
là đối lập được.
Nhưng
chính phủ Tiệp Khắc lại coi Hiến chương 77 như là một tổ chức đối lập
công nhiên ngay từ đầu, và đã đối xử với nó theo cách ấy. Điều này có
nghĩa là nhà nước – và dĩ nhiên là như thế –
hiểu thuật ngữ “đối lập” ít nhiều giống với định nghĩa ở điểm 2, tức
là, như là tất cả những cố gắng nhằm thoát khỏi sự thao túng một cách
toàn diện và vì thế mà phủ nhận nguyên tắc cho rằng hệ thống có quyền sở
hữu tuyệt đối các cá nhân.
Nếu
ta chấp nhận định nghĩa đó về đối lập thì tất nhiên chúng ta phải, cùng
với nhà nước, coi Hiến chương là đối lập thực sự, bởi vì nó đại diện
cho một thách thức nghiêm trọng đối với sự toàn vẹn của quyền lực hậu
toàn trị, tức là quyền được xây dựng trên “sống trong dối trá” như ta
đang thấy hiện nay.
Nhưng
nếu chúng ta xem xét những người hoạt động trong phong trào Hiến chương
77, coi xem họ là những người đối lập đến mức độ nào thì vấn đề sẽ
khác. Tôi có ấn tượng là đa số họ hiểu thuật ngữ “đối lập” theo nghĩa
truyền thống của từ này, bởi vì thuật ngữ đó có xuất xứ từ các xã hội
dân chủ (hay trong các chế độ chuyên chính cổ điển). Vì thế, họ cho rằng
đối lập - thậm chí cả ở Tiệp khắc nữa - là lực lượng được định danh về
mặt chính trị, mặc dù nó không hoạt động trên bình diện quyền lực thực
sự, và thậm chí trong khuôn khổ của các quy tắc được nhà nước tôn trọng
nó còn hiện diện ít hơn nữa, nó vẫn không từ bỏ cơ hội tham gia quyền
lực thực sự, bởi vì nó có một cương lĩnh chính trị thay thế, theo một
nghĩa nào đó, và những người đưa ra cương lĩnh này sẵn sàng chịu trách
nhiệm chính trị trực tiếp cho việc tham gia như thế. Với cách hiểu như
thế về đối lập, thì một số – tuyệt
đại đa số – những người hoạt động trong phong trào Hiến chương không
coi họ là đối lập. Một số khác - thiểu số – thì có, mặc dù họ hoàn toàn
tôn trọng sự kiện là Hiến chương 77 không dành chỗ cho những hoạt động
“đối lập” theo nghĩa này. Đồng thời, có thể mỗi người tham gia phong
trào Hiến chương đều biết rõ bản chất đặc thù của hệ thống hậu toàn trị
cho nên họ nhận thức rõ rằng không chỉ cuộc đấu tranh cho quyền con
người mới có sức mạnh chính trị, mà còn cả những hoạt động “vô hại” hơn
rất nhiều cũng có sức mạnh đó, và vì vậy có thể coi đấy là khía cạnh của
đối lập. Không có người tham gia phong trào Hiến chương nào có thể phản
đối việc coi họ là đối lập theo nghĩa này.
Nhưng,
một tình huống nữa, làm cho vấn đề còn phức tạp hơn. Đấy là, trong
nhiều thập kỉ, lực lượng cai trị xã hội trong các nước thuộc khối Xô
Viết đã dùng nhãn hiệu “đối lập” như là lời buộc tội ghê gớm nhất, đồng
nghĩa với từ “kẻ thù”. Dán cho ai đó cái nhãn “phần tử thuộc phe đối
lập” cũng ngang với việc nói rằng anh ta đang cố gắng lật đổ chính quyền
và tiêu diệt chủ nghĩa xã hội (tất nhiên được bọn đế quốc trả tiền). Có
thời cái nhãn đó đưa người ta thẳng tới giá treo cổ, và tất nhiên, vì
thế mà chẳng ai muốn dán lên mình cái nhãn ấy. Hơn nữa, đấy chỉ là một
từ, và việc làm bao giờ cũng quan trọng hơn là nhãn mác.
Lí
do do cuối cùng làm cho nhiều người bác bỏ thuật ngữ đó vì khái niệm
“đối lập” hàm chứa một cái gì đó có tính chất tiêu cực. Những người tự
coi mình là đối lập nghĩa là chống đối một quan điểm nào đó. Nói cách
khác, họ đặt mình trong mối quan hệ đặc biệt với quyền lực đang cai trị
xã hội, và qua đó mà định nghĩa mình, rút ra quan điểm của mình từ quan
điểm của chính quyền. Những người chỉ đơn giản là quyết định sống trong
sự thật, nói mà không cần nhìn ngang nhìn ngửa, tỏ lòng đoàn kết với
đồng bào của mình, sáng tạo theo ý mình, và chỉ đơn giản là sống hòa hợp
với cái Tôi tốt nhất đẹp của mình, dĩ nhiên là sẽ cảm thấy khó chịu khi
phải coi quan điểm độc đáo và có tính tích cực của mình là tiêu cực,
theo một nghĩa nào đó và coi mình là đang chống lại một cái gì đó chứ
không đơn giản là những người như họ vốn là.
Rõ
ràng là chỉ có một cách duy nhất để tránh hiểu nhầm là nói rõ – trước
khi người ta sử dụng – các thuật ngữ “đối lập” và “thành viên thuộc phe
đối lập” đang được sử dụng có nghĩa là gì và trong hoàn cảnh của chúng
ta, chúng thực sự có nghĩa là gì.
XIII.
Nếu
thuật ngữ “đối lập” đã được du nhập từ các xã hội dân chủ vào hệ thống
hậu toàn trị mà thiếu sự thống nhất về việc từ này có nghĩa là gì trong
những hoàn cảnh vốn rất khác nhau, thì ngược lại, thuật ngữ “bất đồng
chính kiến” lại được các nhà báo phương Tây chọn và bây giờ được nhiều
người coi là nhãn mác cho một hiện tượng đặc trưng cho hệ thống hậu toàn
trị và không bao giờ xảy ra - ít nhất là không ở trong hình thức như
thế – trong các xã hội dân chủ.
Những “người bất đồng chính kiến” này là ai?
Dường
như thuật ngữ này được áp dụng chủ yếu cho công dân các nước thuộc khối
Xô Viết, những người đã quyết định sống trong sự thật và thêm vào đó,
đáp ứng được những tiêu chí sau đây:
1.
Họ thể hiện quan điểm bất phục tùng và ý kiến phê phán một cách công
khai và có hệ thống, trong những giới hạn rất nghiêm ngặt dành cho họ và
vì vậy mà họ được phương Tây biết tới.
2.
Mặc dù không được xuất bản ở trong nước và mặc dù bị chính quyền ngược
đãi bằng đủ mọi cách, nhờ thái độ của mình, họ vẫn giành được sự kính
trọng nhất định, cả từ phía công chúng lẫn từ phía chính quyền, và do đó
mà họ thực sự có – dù mức độ rất hạn chế và thậm chí là lạ lùng nữa -
quyền lực gián tiếp trong môi trường của mình. Quyền lực đó đã bảo vệ họ
khỏi những hình thức ngược đãi tồi tệ nhất, hoặc ít nhất cũng đảm bảo
rằng nếu họ bị ngược đãi thì chính quyền sẽ gặp một số rắc rối chính trị
nhất định.
3.
Phạm vi phê phán và những cam kết của họ đã vượt ra ngoài khung cảnh
chật hẹp của môi trường xung quanh họ hay vượt ra ngoài những lợi ích
đặc thù, nó bao trùm lên những chủ đề thảo luận có tính bao quát hơn; và
do đó, về thực chất là có tính chính trị mặc dù mỗi người lại tự coi
mình – như một lực lượng chính trị - ở những mức độ rất khác nhau.
4.
Họ là những người nghiêng về việc tìm kiếm tri thức, có nghĩa là, họ là
những người “cầm bút”, những người mà ngôn từ được viết ra là phương
tiện trực tiếp – và thường là phương tiện duy nhất họ có thể điều khiển
được, và nhờ thế mà họ được sự chú ý, đặc biệt là từ nước ngoài. Những
cách sống trong sự thật khác thì hoặc là không được các nhà quan sát
nước ngoài chú ý tới vì nằm trong môi trường địa phương khó nắm bắt hoặc
– đấy là nói nếu chúng vượt qua được khuôn khổ địa phương – chỉ là
thành tố bổ xung cho những điều mà họ đã viết ra mà thôi.
5.
Dù nghề nghiệp của họ có là gì thì những người này cũng đã được nói tới
ở phương Tây, chủ yếu là vì những hoạt động của họ trong vai trò những
người công dân tận tụy hay khía cạnh chính trị, khía cạnh phê phán trong
các tác phẩm của họ chứ không phải là vì những công trình họ làm trong
lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng có
một lằn ranh vô hình mà nếu bạn vượt qua – mà thậm chí dù không muốn hay
không nhận ra – thì họ sẽ không còn coi bạn như là người cầm bút vô
tình trở thành một người công dân có quan tâm tới thời cuộc mà sẽ bắt
đầu nói về bạn như là một “người bất đồng chính kiến” tình cờ cũng thích
viết kịch (có thể là trong lúc trà dư tửu hậu?).
Không
nghi ngờ gì rằng có những người đạt được tất cả những tiêu chí này.
Điều cần thảo luận là liệu chúng ta có nên dùng một thuật ngữ riêng cho
một nhóm được định nghĩa một cách tình cờ như vậy không, và đặc biệt là
có nên gọi họ là những “người bất đồng chính kiến” hay không. Nhưng, rõ
ràng là, ta chẳng thể làm gì khác được. Đôi khi để dễ nói chuyện, thậm
chí tự bản thân chúng ta cũng dùng cái nhãn này, mặc dù không ưa, khá
hài hước và hầu như lúc nào cũng để trong ngoặc kép nữa.
Có
lẽ đã đến lúc liệt kê một vài lí do vì sao chính những “người bất đồng
chính kiến” lại không thích bị gọi như vậy. Trước hết, cách gọi này có
vấn đề về mặt từ nguyên. “Người bất đồng chính kiến”, như báo chí chúng
ta vẫn nói, cũng tương tự “kẻ phản bội” hay “tái phạm” vậy. Nhưng những
người bất đồng chính kiến không coi họ là phản bội, vì một lẽ đơn giản
là họ chẳng phủ định hay bác bỏ bất cứ điều gì. Ngược lại, họ đã và đang
cố gắng khẳng định bản sắc nhân văn của chính họ, và nếu họ có bác bỏ
cái gì đó, thì đó chỉ là những thứ sai lầm và vong thân trong cuộc đời
họ, tức là bác bỏ khía cạnh của “sống trong dối trá” mà thôi.
Nhưng
đấy không phải là điều quan trọng nhất. Thuật ngữ “người bất đồng chính
kiến” thường ám chỉ một nghề đặc biệt, như thể, cùng với những nghề
bình thường hơn, có một nghề đặc biệt nữa là cằn nhằn về tình trạng của
đời sống. Trên thực tế, một “người bất đồng chính kiến” chỉ đơn giản là
một nhà vật lí học, nhà xã hội học, một người công nhân hay một nhà thơ,
là những cá nhân đang làm những việc mà họ cảm thấy là cần phải làm, và
vì thế, họ thấy mình xung đột công khai với chế độ. Về phần họ, cuộc
xung đột này không xuất phát từ bất cứ mục đích hữu thức nào, mà xuất
phát từ logic nội tại của tư tưởng, hành vi hay tác phẩm của họ (thường
là xung đột với ngoại cảnh, nằm ngoài tầm kiểm soát của họ). Nói cách
khác, họ không cố tình trở một người bất mãn chuyên nghiệp, như người ta
quyết định trở thành chị thợ may hay anh thợ rèn.
Trên
thực tế, dĩ nhiên là họ thường không biết mình là những “người bất đồng
chính kiến” cho đến khi họ thực sự trở thành một người như thế. “Người
bất đồng chính kiến” xuất phát từ những động cơ khác hẳn với thói háo
danh và chức tước. Nói ngắn, họ không quyết định trở thành “người bất
đồng chính kiến”, và thậm chí nếu họ có dành hai bốn giờ một ngày cho
nó, nó vẫn không phải là một nghề, mà trước hết đấy là một thái độ sống.
Hơn nữa, thái độ đó hoàn toàn không phải là tài sản độc quyền của những
người xứng đáng với danh hiệu “người bất đồng chính kiến”, chỉ vì vô
tình mà họ đáp ứng được những điều kiện bên ngoài, đã nói đến bên trên.
Có hàng ngàn người không tên tuổi khác đang cố gắng sống trong sự thật,
và hàng triệu người muốn mà chưa thể, đơn giản vì có lẽ làm như thế
trong điều kiện của họ cần lòng can đảm lớn hơn mười lần lòng can đảm
của những người đã đi bước đầu tiên. Nếu vài chục người trong số đó được
chọn ra một cách ngẫu nhiên và được xếp vào loại đặc biệt thì nó sẽ làm
méo mó hoàn toàn bức tranh chung. Nó làm méo mó theo hai cách. Hoặc là
nó ngụ ý rằng những “người bất đồng chính kiến” là những người lỗi lạc,
như “những loài cần được bảo vệ”, tức là người được phép làm những việc
mà người khác không được làm, là những người mà chính phủ thậm chí còn
nuôi dưỡng để làm bằng chứng về lòng khoan dung của nó; hoặc là nó đánh
lừa người ta rằng đấy chỉ là một nhúm những kẻ bất mãn chẳng làm được
trò trống gì, tất cả những người khác đều cảm thấy hài lòng, bởi vì nếu
không thì họ đã là những “người bất đồng chính kiến” rồi.
Nhưng
đấy không phải là tất cả. Cách phân loại này vô tình đã tô đậm ấn tượng
rằng quan tâm chủ yếu của những “người bất đồng chính kiến” là quyền
lợi phe nhóm mà họ cùng chia sẻ, như thể toàn bộ cuộc tranh luận của họ
với nhà nước chỉ là xung đột trừu tượng giữa hai nhóm đối đầu nhau,
chẳng liên quan gì đến xã hội. Nhưng ấn tượng này mâu thuẫn sâu sắc với ý
nghĩa thực sự của thái độ “bất đồng chính kiến”, tức là lo lắng cho
quyền lợi của người khác, lo lắng trước những hiện tượng đang làm cho xã
hội nhức nhối, nói cách khác, lo lắng cho quyền lợi của những người
chưa dám lên tiếng. Nếu những “người bất đồng chính kiến” có một thứ uy
quyền nào đó, và nếu họ còn chưa bị tiêu diệt như những con côn trùng
ngoại lai có mặt không đúng chỗ, thì đấy không phải vì nhà nước muốn giữ
lại một nhóm đặc biệt này và tôn trọng tư tưởng đặc biệt của họ, mà vì
chính phủ hiểu rất rõ rằng sức mạnh chính trị tiềm tàng của “sống trong
sự thật” bắt rễ từ không gian bị che dấu, nó cũng nhận thức rõ thế giới,
nơi bất đồng chính kiến lớn lên và thế giới mà nó hướng tới: đấy là thế
giới của đời sống thường nhật, thế giới của mâu thuẫn hàng ngày giữa
những mục tiêu của cuộc đời với mục tiêu của hệ thống. (Khi Hiến chương
77 xuất hiện, chính quyền đã tung ra chiến dịch buộc toàn dân phải tuyên
bố rằng Hiến chương 77 là sai, còn có bằng chứng nào tốt hơn thế nữa?
Hàng triệu người buộc phải kí đã chứng minh, bên cạnh những điều khác,
rằng ngược lại mới đúng). Các tổ chức chính trị và cảnh sát không phí
nhiều thì giờ với những “người bất đồng chính kiến” - có thể tạo ra ấn
tượng là chính quyền sợ họ như thể sợ một nhóm quyền lực khác vậy – chỉ
vì họ thực sự là một nhóm quyền lực khác; mà bởi vì họ là những người
bình thường, với những lo lắng của người bình thường, họ chỉ khác với
những người kia ở chỗ họ nói lớn điều mà những người khác không thể nói
hoặc vì sợ mà không dám nói. Tôi đã từng nhắc đến ảnh hưởng chính trị
của Solzhenitsyn: nó không nằm trong sức mạnh chính trị riêng biệt mà
ông có với tư cách là một cá nhân, mà ở trải nghiệm của hàng triệu nạn
nhân Gulag, ông chỉ làm mỗi một việc là khuếch đại và nói lại cho hàng
triệu người có lương tri biết mà thôi.
Tách
ra một nhóm những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng hoặc lỗi lạc,
trên thực tế, cũng có nghĩa là phủ nhận khía cạnh đạo đức cốt lõi nhất
trong hoạt động của họ. Như ta đã thấy, phong trào “bất đồng chính kiến”
phát sinh từ nguyên tắc bình đẳng, dựa trên quan niệm rằng quyền con
người và quyền tự do là không chia tách được. Cuối cùng, chẳng phải là
những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng trong KOR[1] đã
đứng lên bảo vệ những người lao động không tên tuổi hay sao? Và chẳng
phải chính vì lí do này mà họ trở thành những “người bất đồng chính
kiến” nổi tiếng hay sao? Và chẳng phải là những “người bất đồng chính
kiến” nổi tiếng tập hợp lại trong Hiến chương 77, sau khi họ đã tập hợp
cùng nhau nhằm bảo vệ những nhạc sĩ vô danh và liên kết với họ, và chính
vì lẽ đó mà trở thành những “người bất đồng chính kiến nổi tiếng” hay
sao? Đúng là một nghịch lí tàn nhẫn: càng nhiều người đứng lên bảo vệ
những người khác, thì họ lại càng dễ bị gọi bằng một từ làm họ xa cách
với “các công dân khác”.
Tôi
hi vọng rằng cách giải thích này sẽ làm rõ ý nghĩa của các dấu ngoặc
kép mà tôi đặt cạnh từ “người bất đồng chính kiến” trong suốt tiểu luận
này.
XIV.
Trong
giai đoạn, khi những vùng đất Czech và Slovackia còn là một phần của Đế
chế Áo-Hung, và khi không có cả những điều kiện xã hội, tâm lí, chính
trị lẫn lịch sử cho phép người Czech và Slovak tìm kiếm bản sắc của mình
bên ngoài khuôn khổ của đế chế này, thì Tomáš Garrigue Masaryk đã đưa
ra cương lĩnh dân tộc Tiệp Khắc trên cơ sở khái niệm “công việc quy mô
nhỏ” (drobná práce). Ông ngụ ý những việc làm đầy trách nhiệm và trung
thực trong những lĩnh vực vô cùng khác nhau của đời sống bên trong trật
tự xã hội đương thời, những việc sẽ kích thích tính sáng tạo và lòng tự
tin của dân tộc. Dĩ nhiên là ông đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục tri
thức và khai minh, và quan tâm tới khía cạnh đạo đức và nhân văn của
đời sống. Masaryk tin rằng xuất phát điểm khả dĩ duy nhất chính là con
người, là tạo điều kiện cho một cuộc sống mang tính nhân văn hơn, đấy là
nói nếu dân tộc muốn được người ta tôn trọng hơn. Theo Masaryk thì cải
tạo địa vị của quốc gia phải bắt đầu từ việc cải tạo chính con người.
Khái
niệm “làm việc vì lợi ích dân tộc” bám rễ trong lòng xã hội Tiệp Khắc
và trên nhiều khía cạnh, nó đã thành công và còn tiếp tục tồn tại cho
đến ngày nay. Cùng với những người khai thác khái niệm này như là lời
biện hộ tinh tế cho việc hợp tác với chính quyền, vẫn còn nhiều người
khác, ngay cả ngày nay, vẫn ấp ủ lý tưởng và, ít nhất trong một số lĩnh
vực, có thể chỉ ra những thành quả không chối cãi được. Khó mà nói được
rằng sự thể sẽ còn tồi tệ đến đâu nếu không có những người làm việc cật
lực, những người chỉ đơn giản là không chịu từ bỏ và luôn luôn cố gắng
làm mọi việc mà họ có thể làm, trong khi phải trả một cái giá tối thiểu
không tránh được cho “sống trong dối trá” để có điều kiện làm những việc
tốt nhất cho nhu cầu chân chính của xã hội. Những người này đã nhận
thức một cách đúng đắn rằng mỗi một việc tốt đều là một lời phê phán
gián tiếp đối với chính sách sai lầm và có những hoàn cảnh buộc người ta
phải chọn con đường này, mặc dù như thế nghĩa là từ bỏ quyền tự nhiên
của mỗi người là phê phán một cách trực tiếp.
Nhưng,
hiện nay, thái độ sống như thế đã gặp những trở ngại rất rõ ràng, thậm
chí ngay cả khi so sánh với tình huống những năm 1960. Những người đang
cố gắng thực hiện phương châm “làm những việc nhỏ” càng ngày càng hay
gặp rắc rối với hệ thống hậu toàn trị và đứng trước thế tiến thoái lưỡng
nan: từ bỏ quan điểm, không còn trung thực, không còn trách nhiệm và
không còn kiên định, tức là từ bỏ những thứ vốn là nền tảng của quan
điểm của mình, và thích nghi với hoàn cảnh (như đa số đã làm), hoặc là
tiếp tục đi theo con đường đã chọn và chắc chắn là sẽ xung đột với chế
độ (như thiểu số đã làm).
Nếu
ý tưởng về “công việc quy mô nhỏ” không đòi hỏi phải bám lấy cơ cấu
chính trị và xã hội hiện hữu bằng bất cứ giá nào (trong trường hợp đó,
những người để cho người ta đẩy mình ra khỏi hệ thống tất nhiên sẽ không
thể “làm việc cho dân tộc” được nữa) – thì ngày nay ý tưởng đó thậm chí
càng ít giá trị hơn nữa. Không có mô hình ứng xử chung, tức là, không
có một phương pháp rõ ràng và có thể áp dụng chung cho tất cả mọi trường
hợp nhằm xác định giới hạn mà các “công việc quy mô nhỏ” không còn là
“có lợi cho dân tộc” và trở thành “có hại cho dân tộc”. Nhưng, cũng rõ
ràng là nguy cơ đổi chỗ lợi thành hại và hại thành lợi ngày càng gay gắt
hơn, và những công việc quy mô nhỏ ấy càng ngày càng chạm tới giới hạn
mà tránh xung đột có nghĩa là phản bội chính bản chất của nó.
Năm
1974 khi tôi được nhận vào làm ở nhà máy bia, thủ trưởng trực tiếp của
tôi là ông S, một người rất rành nghệ thuật làm bia. Ông tự hào về nghề
nghiệp của mình và ông muốn bia của nhà máy bao giờ cũng phải ngon. Ông
dành phần lớn thời gian cho công việc, không ngừng cải tiến, và ông
thường làm chúng tôi khó chịu vì ông nghĩ chúng tôi cũng thích nấu bia
như ông. Giữa khung cảnh thờ ơ với công việc mà chủ nghĩa xã hội đã tạo
ra, thật khó tưởng tượng một người lao động có tinh thần xây dựng hơn
ông.
Nhà
máy bia nằm dưới quyền cai quản của những người có hiểu biết công việc
ít hơn ông và cũng không yêu công việc bằng ông, nhưng lại là những
người có ảnh hưởng về chính trị hơn ông. Họ đã đưa nhà máy đến chỗ lụn
bại, họ không chỉ không đáp lại bất kì đề xuất nào của S, mà càng ngày
càng ghét ông và tìm mọi cách ngáng chân ông. Cuối cùng, tình hình trở
nên tồi tệ đến mức S buộc phải viết một lá thư khá dài cho cấp trên của
ban giám đốc, trong đó ông cố gắng trình bày rõ những khó khăn của nhà
máy. Ông giải thích lí do làm cho nó trở thành xí nghiệp kém cỏi nhất
huyện và chỉ ra những người phải chịu trách nhiệm.
Chẳng
ai thèm nghe ông. Giám đốc là người có quyền lực chính trị nhưng chẳng
biết gì về bia, ông ta là một người không ưa gì công nhân và đầy mưu mô,
đáng lẽ phải bị cách chức và đáng lẽ phải cải thiện điều kiện làm việc
của nhà máy theo những đề nghị của S. Nếu được như thế thì đấy sẽ trở
thành thí dụ hoàn hảo của “công việc quy mô nhỏ” trên thực tế. Đáng tiếc
là đã xảy ra chuyện hoàn toàn ngược lại: giám đốc nhà máy cũng là ủy
viên huyện ủy, có bạn bè ở các vị trí cao hơn và ông ta tìm cách làm cho
vụ này được giải quyết theo hướng có lợi cho mình. Bản tường trình của S
bị coi là “tài liệu vu khống” và S bị gán cho cái mũ: “phá hoại về mặt
chính trị”. Ông bị đuổi khỏi nhà máy bia và được chuyển sang làm một
nghề chẳng cần kĩ năng gì. Ở đây, khái niệm “công việc quy mô nhỏ” đã
đụng phải bức tường của hệ thống hậu toàn trị. Bắng cách nói lên sự
thật, S đã bước qua lằn ranh, đã phá vỡ luật chơi, đã loại mình ra, ông
trở thành công dân hạng hai và bị bêu riếu như kẻ thù. Bây giờ, ông có
thể nói bất kì điều gì, nhưng về nguyên tắc, ông sẽ không bao giờ nghĩ
rằng người ta sẽ nghe mình. Ông đã trở thành một “người bất đồng chính
kiến” của Nhà máy bia Đông Bohemia.
Tôi
cho rằng đây là trường hợp điển hình – đấy là nói từ một góc nhìn khác -
minh họa cho điều mà tôi đã nói bên trên: anh không trở thành một
“người bất đồng chính kiến” chỉ vì một ngày nào đó anh quyết định chọn
sự nghiệp bất bình thường nhất này. Mà anh bị ném vào trong đó vì anh
nhận thấy mình phải có trách nhiệm, có cả hoàn cảnh bên ngoài nữa. Anh
bị bật ra khỏi cơ cấu hiện hữu và bị đẩy vào vị trí đối lập với nó. Quá
trình này bắt đầu bằng cố gắng làm tốt công việc của anh, và kết thúc
bằng việc anh bị coi là kẻ thù của xã hội. Đấy là lí do vì sao không thể
đem hoàn cảnh của chúng ta so sánh với hoàn cảnh trong thời Đế chế
Áo-Hung, tức là so sánh với thời mà trong giai đoạn chuyên chế tối tệ
nhất, dân tộc Czech chỉ có mỗi một “người bất đồng chính kiến” thực sự
là Karel Havlícek, bị bỏ tù ở Brixen. Ngày nay, nếu không hợm hĩnh,
chúng ta buộc phải thừa nhận rằng góc phố nào cũng có những “người bất
đồng chính kiến”.
Phê
phán những “người bất đồng chính kiến” vì họ không làm “công việc quy
mô nhỏ” là vô lí. “Bất đồng chính kiến” không phải là lựa chọn thay thế
cho khái niệm của Masaryk, nó thường là kết quả tất yếu của khái niệm
ấy. Tôi nói “thường là” để nhấn mạnh rằng không phải lúc nào cũng như
thế. Tôi không tin rằng chỉ những người có trách nhiệm và tử tế mới cảm
thấy rằng mình là xa lạ và đối đầu với cơ cấu chính trị và xã hội hiện
hữu. Xét cho cùng, chuyên gia bia S có thể thắng. Lên án những người giữ
địa vị của họ chỉ vì họ đã và đang giữ vị trí ấy, hay nói cách khác, vì
họ không phải là “người bất đồng chính kiến” thì cũng vô lí như là dựng
họ lên thành những “người bất đồng chính kiến” vậy. Dù thế nào thì đánh
giá hành vi con người không như nó vốn là và nó tốt hay là không, mà
lại đánh giá theo hoàn cảnh sống của người ta thì điều đó cũng mâu thuẫn
với thái độ “bất đồng chính kiến” – tức là thái độ cố gắng sống trong
sự thật.
XV.
Cố
gắng sống trong sự thật của anh hàng rau có thể chỉ là không làm một số
việc nhất định. Anh quyết định không treo những lá cờ nhỏ trong cửa sổ
mà động cơ duy nhất chỉ là để không bị công an khu phố sách nhiễu; anh
không tham gia những kì bầu cử mà anh cho là giả tạo; anh không giấu
diếm ý kiến của mình với cấp trên. Nói cách khác, anh có thể không làm
gì ngoài việc không thực hiện một số yêu cấu nhất định của hệ thống (dĩ
nhiên đây không phải là một bước tiến nhỏ). Nhưng nó có thể biến thành
một cái gì đó to lớn hơn. Anh hàng rau có thể bắt đầu làm một cái gì đó
cụ thể, một cái gì đó vượt lên trên hành động tự vệ cá nhân nhằm chống
lại sự thao túng, làm một cái gì đó thể hiện được suy nghĩ mới của anh
về trách nhiệm cao cả hơn. Thí dụ, anh có thể tổ chức những người đồng
nghiệp cùng hành động để bảo vệ quyền lợi của mình. Anh có thể viết thư
cho các cơ quan, kêu gọi họ quan tâm tới những trường hợp lộn xộn và bất
công xảy ra xung quanh anh. Anh có thể tìm sách báo chui, in ra và cho
bạn bè mượn.
Nếu
điều tôi gọi là sống trong sự thật là xuất phát điểm mang tính hiện
sinh căn bản (và đương nhiên là mang tính chính trị tiềm tàng) cho mọi
phong trào như phong trào “sáng kiến của các công dân độc lập”, phong
trào “bất đồng chính kiến” hay phong trào “đối lập” thì đấy cũng không
có nghĩa là mọi cố gắng sống trong sự thật đều ngay lập tức thuộc về
những phong trào này. Ngược lại, trong ý nghĩa rộng nhất và nguyên bản
nhất của nó, sống trong sự thật bao trùm một lãnh địa rộng lớn, với ranh
giới rất mờ nhạt và khó vạch rõ, một lãnh địa chứa đầy những biểu hiện
khiêm tốn của ý hướng nhân văn, phần lớn những biểu hiện ấy là vô danh
và người ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hay mô tả được ảnh hưởng chính trị
của chúng một cách cụ thể hơn là bảo rằng đấy là một phần của bầu không
khí hay tâm trạng xã hội mà thôi. Hầu hết những biểu hiện này vẫn chỉ
là những sự nổi dậy sơ khai nằm chống lại sự thao túng: bạn chỉ đơn giản
là đứng thẳng lưng và sống với phẩm giá, như một cá nhân mà thôi.
Ở
một chỗ nào đó, nhờ cá tính, khả năng và nghề nghiệp của một số người,
cũng như nhờ một loạt biến số ngẫu nhiên (thí dụ các đặc điểm của khu
vực, bạn bè .v.v.) mà từ khu vực xa xôi hẻo lánh và bao la này bỗng nảy
ra một sáng kiến hữu hình và chặt chẽ hơn, một sáng kiến vượt lên trên
những “cuộc nổi loạn” cá nhân và chuyển hóa thành những công việc mang
tính tự giác, có tổ chức và có mục đích hơn. Đấy là lúc mà sống trong sự
thật không còn chỉ là phủ nhận sống trong dối trá nữa mà được hoạch
định theo một cách nhất định, là lúc hình thành nên một cái gì đó. Có
thể gọi đấy là “đời sống chính trị, xã hội và tinh thần độc lập của xã
hội”. Đời sống độc lập này không tách khỏi phần còn lại của cuộc sống
(“cuộc sống phụ thuộc”) bằng một ranh giới được phân định rõ ràng.
Thường thì cả hai cùng tồn tại trong một con người. Tuy thế, trọng tâm
là mức độ tự do nội tâm tương đối cao của nó. Nó bơi trên đại dương mênh
mông của đời sống bị thao túng như những chiếc thuyền con, bị sóng dập
vùi nhưng luôn luôn nhấp nhô như là sứ giả nhìn thấy được của sống trong
sự thật, như là người đưa tin về những mục tiêu đang bị vùi dập của
cuộc đời.
Đời
sống độc lập của xã hội là gì? Phạm vi biểu hiện và hoạt động của nó dĩ
nhiên là rất rộng. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ tự học và suy tư về
thế giới, thông qua những hoạt động sáng tạo tự do và chuyển tải những
sáng tác này tới người khác, đến những thái độ mang tinh thần công dân
tự do vô cùng phong phú, trong đó có những tổ chức xã hội độc lập, hình
thành một cách tự phát. Nói ngắn, nó là lĩnh vực mà sống trong sự thật
được chi tiết hóa và cụ thể hóa theo cách có thể nhìn thấy được.
Vì
thế, những hiện tượng mà sau này sẽ được coi là “sáng kiến của các công
dân”, “phong trào bất đồng chính kiến”, thậm chí “đối lập”, xuất hiện -
như người ta nói, chỉ là một phần mười tảng băng nhìn thấy trên mặt
nước - từ khu vực đó, tức là từ đời sống độc lập của xã hội. Nói cách
khác, giống như đời sống độc lập của xã hội bắt rễ từ sống trong sự thật
theo nghĩa rộng nhất của từ này, thì biểu hiện chi tiết và rõ ràng của
đời sống độc lập chính là “bất đồng chính kiến”. Tuy vậy, vẫn có một
khác biệt đáng kể: nếu đời sống độc lập của xã hội, ít nhất là bề ngoài
có thể được hiểu như là một dạng cao hơn của sống trong sự thật, thì các
phong trào “bất đồng chính kiến” không nhất thiết phải là hình thức cao
hơn của đời sống độc lập của xã hội. Các phong trào này chỉ là một biểu
hiện của nó, và mặc dù là biểu hiện rõ ràng nhất, và nhìn qua cũng thấy
là biểu hiện mang tính chính trị nhất (và chi tiết nhất) của nó, nhưng
như thế không có nghĩa đấy là biểu hiện chín muồi nhất hay thậm chí là
quan trọng nhất, không chỉ về mặt xã hội nói chung, mà thậm chí là về
ảnh hưởng chính trị trực tiếp nữa. Nói cho cùng, khi bị khoác lên mình
một tên gọi đặc biệt, “bất đồng chính kiến” đã bị bứt khỏi ngọn nguồn
của nó một cách giả tạo. Nhưng,
trên thực tế, không thể cho rằng nó đã bị tách biệt khỏi toàn bộ khung
cảnh xuất hiện và trưởng thành của nó, tách biệt khỏi khung cảnh mà nó
là một phần không thể tách rời và tách rời khỏi khung cảnh vốn là nguồn
sức mạnh cho nó. Dù sao mặc lòng, từ những điều đã trình bày ở trên về
những tính chất đặc biệt của hệ thống hậu toàn trị, rõ ràng là lực lượng
tưởng chừng như là
có tính chính trị nhất trong các lực lượng tại một thời điểm nhất định,
lực lượng vẫn tự nghĩ về mình theo lối ấy, trên thực tế lại không nhất
thiết là
một lực lượng như vậy. Nếu nó trở thành một lực lượng chính trị thực sự
thì đấy hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh tiền-chính trị của nó mà thôi.
Từ
những trình bày ở trên, có thể rút ra điều gì? Chỉ có thể như sau:
không thể nói về công việc mà những “người bất đồng chính kiến” đang làm
trên thực tế, và ảnh hưởng của nó mà trước đó lại không nói về việc làm
của tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào đời
sống độc lập của xã hội, những người hoàn toàn không nhất thiết phải là
“người bất đồng chính kiến”. Đấy có thể là các nhà văn viết theo ý mình
mà không quan tâm tới bộ máy kiểm duyệt hay đòi hỏi của chính quyền,
những người truyền bá tác phẩm của họ, dưới dạng samizdat, đấy là nói khi các nhà xuất bản của nhà nước không chịu in. Đấy
cũng có thể là các nhà triết học, sử học, xã hội học, hay tất cả những
nhà nghiên cứu độc lập – đấy là nói những người không thể làm việc với
các kênh chính thức hoặc bán chính thức - truyền bá tác phẩm của mình
dưới dạng samizdat,
hay những người tổ chức các cuộc thảo luận, giảng bài và hội thảo do tư
nhân tổ chức. Đấy có thể là các giáo viên, những người kín đáo dạy
thanh niên những điều vốn bị cấm kị trong các trường công, những linh
mục đang tại vị, hoặc đã bị phế truất, nhưng vẫn cố gắng thực hành đời
sống tôn giáo tự do; các họa sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ, những người đang lao
động nghệ thuật mặc dù bị các cơ quan của nhà nước theo dõi; và tất cả
những người, bằng mọi phương tiện sẵn có, cố gắng thể hiện và bảo vệ các
lợi ích xã hội thực sự của người lao động, trả lại ý nghĩa đích thực
cho các công đoàn, hay sáng lập các công đoàn độc lập; những người không
sợ hãi khi tìm cách buộc các quan chức phải lưu tâm tới những trường
hợp bất công và những người đấu tranh để buộc người ta phải tuân thủ
luật lệ; và những nhóm thanh
niên đang thoát ra khỏi những hàng động thao túng và sống theo cách của
mình, sống theo những giá trị mà mình tôn trọng. Không thể nào liệt kê
hết được.
Chắc
chẳng có mấy người nghĩ tới việc gọi tất cả những người này là “người
bất đồng chính kiến”. Và dù sao, những “người bất đồng chính kiến” nổi
tiếng cũng chỉ là người bình thường như họ hay sao? Chằng phải là những
“người bất đồng chính kiến” đang làm tất cả những việc đó hay sao? Chẳng
phải họ đã thực hiện những công trình nghiên cứu và công bố theo lối samizdat hay sao?
Họ không viết kịch, không viết tiểu thuyết và làm thơ hay sao? Chẳng
phải họ đã giảng cho sinh viên trong “những trường đại học” tư hay sao?
Chẳng phải họ cũng đang đấu tranh chống lại đủ thứ bất công và cố gắng
tìm hiểu và thể hiện những quyền lợi xã hội đích thực của những nhóm
quần chúng khác nhau hay sao?
Sau
khi đã cố gắng chỉ ra nguồn gốc, cơ cấu bên trong và một số khía cạnh
của thái độ “bất đồng chính kiến” như nó vốn là, tôi quay sang nghiên
cứu những việc mà những “người bất đồng chính kiến” thực sự làm, và cách
thể hiện những sáng kiến của họ cũng như những sáng kiến đó sẽ dẫn tới
đâu.
Kết
luận đầu tiên được rút ra là hoạt động căn bản và quan trọng nhất,
quyết định mọi hoạt động, là cố gắng tạo ra và hỗ trợ đời sống độc lập
của xã hội, đấy là biểu hiện cụ thể của “sống trong sự thật”. Nói cách
khác, là phụng sự sự thật một cách kiên định, có mục đích và cẩn trọng,
và tổ chức việc phụng sự này. Xét cho cùng, đấy là lẽ dĩ nhiên: nếu nó
chống lại áp lực tha hóa của hệ thống, nếu nó là cơ sở duy nhất có ý
nghĩa cho bất kì hành động chính trị nào, và nếu, cuối cùng, nó cũng là
nguồn sống sâu sắc nhất của thái độ “bất đồng chính kiến”, thì thật khó
tưởng tượng được rằng thậm chí phong trào “bất đồng chính kiến” công
khai cũng chẳng có cơ sở nào khác ngoài phụng sự sự thật, phụng sự đời
sống trung thực, cố gắng mở ra không gian cho những mục tiêu đích thực
của đời sống.
Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.
Nguồn: Power of Powerless.
Có tham khảo bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ talawas.org
và bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/3492/
[1] Ủy ban Bảo vệ Công nhân, một tổ chức của Ba Lan tồn tại trước khi có sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết năm 1980. Sau đó nó được đổi tên thành KSS-KOR (Ủy ban Tự vệ Xã hội-KOR) để nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ các quyền dân sự cũng như sự ủng hộ của nó đối với các sáng kiến xã hội chống lại các thể chế của nhà nước toàn trị (Biên dịch).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét