Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Yury Shvetsov - Những cuộc cách mạng màu kiểu mới
18:09
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Nước Nga đã bước vào chiến dịch
tranh cử. Hình dạng của nó còn chưa rõ, nhưng một số nguy cơ trong quá
trình vận động thì đã nổi lên một cách rõ ràng. Một số nguy cơ có vẻ hơi
bất thường và bất ngờ. Trước hết, xu hướng thay đổi chính phủ trong các
nước hậu-Xô Viết theo một kịch bản mới chưa từng có kể từ Cách mạng
Tháng mười là hiện tượng bất thường: đảo chính quân sự cùng với sự nổi
dậy của quần chúng . Trong hơn hai mươi năm qua – kể từ cuối những năm
80 – trong các nước hậu-Xô Viết quá trình thay đổi chính phủ, trừ một
vài trường hợp ngọai lệ, thường diễn ra theo một kiểu sau đây.
Chiến dịch dân chủ hóa với những
mục tiêu hạn chế được khởi động từ bên trên. Trong nước xuất hiện nhiều
nhiều phương tiện truyền thông độc lập, phê phán chính phủ từ quan điểm
của trường phái tự do cũng như dân tộc chủ nghĩa. Các luận điểm tự do
và các chính khách có quan điểm tự do giữ thế thượng phong trong xã hội.
Trong nước xuất hiện nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) của nước ngòai.
Các phương tiện truyền thông phương Tây và các nhà ngọai giao tìm được
các lãnh tụ đối lập và bắt đầu quảng bá cho họ. Việc tư hữu hóa và cuộc
đấu tranh nhằm phân chia lại tài sản và quyền lực trong những vị trí
lãnh đạo cao nhất của nhà nước gia tăng. Một bộ phận của bộ máy nhà nước
và doanh nghiệp lớn có quyền lợi gắn bó với các nước phương Tây. Chính
quyền yếu dần. Đến một lúc nào đó sẽ xảy ra một vụ bùng nổ: cuộc mít
tinh của những người chống đối “chế độ” diễn ra nhiều ngày trên quảng
trường trung tâm của thủ đô. Chính quyền quyết định không sử dụng bạo
lực vì sợ phản ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và các nhà
ngọai giao phương Tây. Sau đó sẽ diễn ra việc chuyển giao quyền lực một
cách tương đối hòa bình cho lực lượng mới bao gồm cả một số quan chức
cũ cũng như những người vừa được đường phố đưa lên.
Mô hình này thường gắn với chiến
dịch bầu cử khi mà lực lượng đối lập tuyên bố rằng kết quả bầu cử đã bị
làm giả. Sau khi nhận được sự ủng hộ của các phương tiện thông tin đại
chúng và giới ngọai giao phương Tây, phe đối lập bắt đầu gây áp lực, còn
chính phủ thì sợ sẽ phải chịu chung số phận với Miloshevik (Nam Tư -
ND) và nhương bộ. Kịch bản chuẩn này thường diễn ra một cách hòa bình.
Những cuộc xung đột mang tính phá họai hiếm khi xảy ra. Nhưng nhà nước
được xây dựng thông qua cơ chế như thế thường yếu ngay từ bên trong, và
không có khả năng động viên xã hội nhằm giải quyết những nhiệm vụ trên
bình diện quốc gia….
Năm ngóai chúng ta được chứng
kiến một sơ đồ mới. Ở Moldova, ở Kirgizia, ở Bạch Nga và vừa mới đây, ở
đất nước Tunisia, khá xa với không gian hậu-Xô viết, cách mạng đã diễn
ra hoặc súyt diễn ra theo một mô hình mới. Ở đấy đã không có những cuộc
mít tinh trong nhiều ngày, tức là không có những cuộc mít tinh nhằm huy
động lực lượng đối lập và góp phần làm lung lay chính quyến. Kịch bản
mới diễn ra như sau: đám đông tụ tập trên quảng trường trung tâm không
gắn với các cuộc bầu cử. Ở Kirgizia và Tunisia bầu cử đã diễn ra trước
đó một năm đến một năm rưỡi, tổng thống giành được đa số phiếu bầu. Nói
cho ngay, ở Bạch Nha việc nổi dậy của phe đối lập có liên quan tới các
cuộc bấu cử. Đám đông lập tức tấn công các tòa nhà quan trọng của chính
phủ. Đây đa phần là người dân thường, trước đó chưa từng tích cực họat
động chính trị. Nhưng hạt nhân của đám đông lại là những người dân tộc
chủ nghĩa, còn trong trường hợp Tunisia là những người Hồi giáo. Những
thành phần phi giai cấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Thành viên của
các NGO không phải là lực lượng chính của đám đông. Họ thường chỉ đóng
vai trò đại diện của “cách mạng” trước các phương tiện truyền thông
phương Tây và phương tiện truyền thông theo trường phái tự do Nga mà
thôi.
Trong quá trình tấn công bao giờ
cũng có nguy cơ xảy ra những cuộc tắm máu. Ở Kirgizia và Tunisia đã có
rất nhiều nạn nhân. Moldova và Bạch Nga may mắn hơn. Bị các phương tiện
truyền thông và giới ngọai giao phương Tây phê phán, chính quyền thường
nhượng bộ một cách nhanh chóng. Việc chiếm đọat quyền lực diễn ra ngay
lập tức. Nhưng chính quyền được dựng lên sau đó thường rất không ổn
định. Đất nước rơi vào tình trạng bất ổn: Moldova liên tục lâm vào khủng
hỏang chính trị. Còn ở Kirgizia thì xảy ra những vụ chém giết ở Oshe và
cảnh hỗn lọan thì như cơm bữa.
Biện pháp đảo chính như thế hóa
ra là rất hữu hiệu và chỉ không thành công ở Bạch Nga mà thôi. Đấy là do
chính quyền đàn áp quyết liệt và không có sự chia rẽ trong giới lãnh
đạo cấp cao. Nhưng bạo lọan với những mục tiêu xác định cũng đã xảy ra ở
cả Bạch Nga nữa.
Tại sao mô hình cách mạng màu đó lại thành công? Tại sao lãnh tụ đối lập thân phương Tây lại từ bỏ phương pháp cách mạng màu cũ?
Hiện nay chúng ta mới có một vài
trường hợp và xu hướng vẫn chưa thật rõ, nhưng cũng đã có thể thấy một
số nguyên nhân làm cho phương pháp mới thu được thắng lợi.
Thứ nhất, cách mạng xảy ra ở
những nước gần phương Tây nhất, nơi các giá trị của tự do có ảnh hưởng
khá mạnh, số lượng các NGO và phương tiện truyền thông đại chúng ngả
theo phương Tây cũng nhiều, chính quyền gắn bó quyền lợi kinh tế, chính
trị và tình cảm mật thiết với phương Tây. Trong giờ phút quyết định
chính quyền đã không sử dụng vũ lực nhằm chống trả cuộc tấn công các văn
phóng. Trong các nước này không có nhu cầu tập hợp lực lượng trong
những cuộc mít tinh kéo dài nhiều ngày đêm. Các phương tiện truyền thông
đại chúng phương Tây và giới chức ngọai giao đóng vai trò của những ủng
hộ viên đã được tập hợp. Chính quyền không dám chống cự. Nhiệm vụ chính
của cách mạng là bảo đảm được sự ủng hộ của giới truyền thông và ngọai
giao cũng như các NGO phương Tây. Việc thực hiện cuộc đảo chính diễn ra
cực kì thuận lợi. Chỉ còn việc động viên những đám đông phản đối nữa mà
thôi. Thường thì đấy là những người cấp tiến thuộc mọi xu hướng, thậm
chí cả các cổ động viên bóng đá, sinh viên, hay những tội phạm lặt vặt.
Tư tưởng không phải là điều quan trọng, chủ yếu là phải đưa được những
cuộc nổi dậy lên cách kênh thông tin trong tay những người tổ chức.
Thứ hai, chính quyền ở các nước
này không có hệ thống giá trị độc lập và không có hệ tư tưởng mang tầm
quốc gia, có ảnh hưởng đối với dân chúng. Nói chung đấy là những chính
quyền đã bị quan liêu hóa và có tính chất phe đảng. Bộ máy họat động
trong lĩnh vực tư tưởng chỉ có tính chất trang trí. Đấy là đảng cầm
quyền ở Tunisia, đấy là các đảng đã mất uy tín ở Kirgizia, các nhóm đảng
phái chỉ còn có ý nghĩa biểu tượng ở Moldova, sự suy yếu của bộ máy tư
tưởng của Bạch Nha sau khi đối thọai với phương Tây. Sùng bái cá nhân và
uy tín của tổng thống chính hệ hệ tư tưởng của quốc gia. Công tác tư
tưởng biến thành biện hộ cho sự ổn định. Tư tưởng đó không thể chống lại
được những phong trào viện dẫn đến các giá trị của châu Âu hay dân tộc
chủ nghĩa. Các cuộc tấn công vào hình ảnh của lãnh tụ do giới truyền
thông tiến hành kéo theo sự sụp đổ của chính hệ giá trị mà về mặt lí
thuyết là nhà nước phải bảo vệ nhắm chống lại những hành động quyết liệt
của những người cách mạng. Chính quyền không thể động viên được quần
chúng vì không có thời gian và cũng chẳng có mấy người ủng hộ. Ủng hộ
chính quyền lại thường là những người thụ động, đã giao việc bảo vệ
quyền lợi của mình cho chính phủ hiện hành và không sẵn sàng đấu tranh
để giành quyền lực.
Thứ ba, một bộ phận giới cầm
quyền thường cầm đầu và lợi dụng cuộc nổi dậy của các nhà cách mạng nhằm
đẩy những nhóm cạnh tranh với họ ra khỏi quyền lực. Ngay vào giờ phút
quyết định thì chính quyền lại lâm vào tình trạng chia rẽ. Chỉ có Bạch
Nga tránh được chuyện này. Nói chung những phe phái của bộ máy quan liêu
không có cả tư tưởng ổn định như những người lật đổ họ vì họ là sản
phẩm của hệ thống quyền lực đã chẳng còn tư tưởng gì. Không có những
cuộc tập hợp kéo dài và sự yếu kém của lực lượng đối lập dẫn đến kết quả
là không thể xây dựng một phong trào quần chúng có hệ tư tưởng mạnh từ
bên dưới. Vì vậy mà những nước trải qua những cuộc cách mạng như thế
thường nhận được kết quả là một chính quyền yếu kém và một xã hội bị
chia rẽ thành những nhóm đối địch với nhau.
Từ đây có thể nhận rõ kết quả mà
cũng là mục tiêu thật sự của các cuộc cách mạng đó: làm yếu, thậm chí
đẩy đất nước vào cảnh hỗn lọan nhằm sử dụng cho những cuộc chơi địa
chính trị tòan cầu lớn hơn. Đây không phải là những cuộc cách mạng màu
cổ điển trong những năm 80, 90 hay hai ngàn. Những cuộc cách mạng màu đó
có mục đích là thực hiện dự án chống lại hệ tư tưởng cộng sản, còn các
cuộc mạng mới, ngòai sự hỗn lọan, đã chẳng mang lại gì cho đất nước. Rõ
nhất là trường hợp Kirgizia.
Có lẽ đấy chính là sản phẩm của
thời đại mới, khi mà châu Âu và phương Tây nói chung đã hòan tòan giữ
thế thượng phong trong không gian hậu-Xô Viết và các nước ngọai vi khác.
Tính chính danh và sự ổn vững của chính quyền tại các nước này chủ yếu
dựa vào sự ủng hộ của các giới khác nhau ở Cộng đồng châu Âu và Mĩ.
Phương án đó có thể xảy ra ở Nga trong và ngay sau bầu cử không?
Đã có thể thấy một số tiền đề:
Thứ nhất, thái độ chống đối ở
thủ đô Moskva là khá cao, đủ sức giúp người huy động được đám đông hàng
ngàn người trên quảng trường Manezh. Trong hàng lọat trường hợp có thể
tạo ra vấn đề. Kinh nghiệm ở Bạch Nga cho thấy trong những giờ phút
quyết định của những cuộc biểu tình quần chúng, có thể lái thái độ chống
đối của những nhóm xã hội khác nhau vào cuộc đụng độ với chính quyền.
Những cuộc xuống đường của những nhóm người có thái độ chống đối nhưng
thụ động có thể trở thành đám đông của những nhóm có thái độ hung hăng.
Nếu đem qui luật ở Bạch Nga áp dụng cho Moskva, khi số người biểu tình
tăng gấp 10 lần so với những cuộc biểu tình phản đối trước đó thì ở
trung tâm Moskva có thể có đến 100.000 người xuống đường. Đám đông không
được chỉ đạo đông như thế lại có thêm những nhóm quá khích có thể gây
ra ở Moskva rất nhiều nạn nhân và đặt chính phủ Nga trước vấn đề tương
tự như những vấn đề mà Bakiev [Kirgizia] đã gặp vào tháng 4 năm ngóai.
Thứ hai, Nga có tất cả những
tiền đề làm cho chính quyền không thể đưa ra những hành động quyết liệt,
như chúng ta đã thấy trong tất cả các nước từng diễn ra những cuộc cách
mạng màu mới, ngọai trừ Bạch Nga. Đấy là thiếu vắng hệ tư tưởng. Thay
hệ tư tưởng bằng cách PR cho lãnh tụ. Một bộ phận giới tinh hoa có quyền
lợi ở phương Tây. Sợ xung đột với phương Tây. Phần lớn giới tinh hoa
không có hệ giá trị đủ sức chống lại áp lực của phương Tây. Chính quyền
kém hiệu quả. Trong những giờ phút quyết định một số giới chức và lực
lượng vũ trang có thể buông xuôi hay thậm chí ủng hộ cách mạng.
Thứ ba, đã có sự liên kết giữa
các nhóm có tinh thần dân tộc cấp tiến với các nhóm theo đường lối tự do
cấp tiến. Kinh nghiệm của các nước vừa trải qua cách mạng trong năm vừa
rồi cho thấy những người theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa cấp tiến là
thành phần chủ yếu của các đòan biểu tình, còn những người họat động
tích cực trong lĩnh vực truyền thông và NGO thì truyền tin cho các
phương tiện thông tin và giới ngọai giao phương Tây.
Cái chính là: Nga là xã hội gần
gũi với phương Tây và đặc biệt là với các nước EC. Khả năng động viên xã
hội nhằm chặn đứng những lực lượng mà phương Tây dùng làm bình phong là
quá thấp. Nói chung, tôi có thể nói rằng viễn cảnh xảy ra cuộc cách
mạng màu ở Nga là khá cao, công tác ngọai giao và sự khéo léo mà ngành
ngọai giao và giới lãnh đạo đang làm ở phương Tây, cũng như sự lo lắng
của một số người ở phương Tây trước sự sụp đổ của nước Nga nếu cách mạng
xảy ra hiện đã ngăn chặn được nó.
Nguồn: http://russ.ru/pole/Cvetnye-revolyucii-novogo-tipa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét