Cách nói chuyện bộc lộ cá tính


Trong khi hầu chuyện nếu chúng ta nhận thấy người đối thoại hiểu chúng ta rất nhanh, đó là do những chu kỳ tâm lý ở họ hoạt động rất mạnh. Và điểm này chứng chỉ văn hóa của họ khá cao, guồng máy trí thức của họ thường đặng vận dụng. Cũng có thể đoán: óc phán đoán họ rất tinh xác bởi họ ước lượng rất nhanh.

Khi chúng ta trình bày một vấn đề nào với người nào mà họ biết nhận định ngay vấn đề, rồi kết luận một cách đích xác, ta có thể đoán: họ có nhiều óc phán đoán.

Trái lại khi chúng ta nêu ra vấn đề cho người giàu óc tưởng tượng là họ thường tán rộng thêm, bước sang nhiều vấn đề khác lắm khi không ăn chịu với vấn đề chính. Nếu họ lại vừa có nhiều cảm xúc tính, họ có thể đi đến ảo tưởng. Còn nếu đồng thời họ lại bị kích thích nên nói rất hăng, nói huyên thuyên (vì quá nhiều hoạt động tính) điềm ấy chứng chỉ một đầu óc lộn xộn, vô tổ chức, thiếu phương pháp.

Người lĩnh hội chậm không hẳn là người kém óc phán đoán. Một trí khôn chậm lụt, lâu hiểu thường là do sức khỏe không dồi dào (toàn thân cảm giác không tốt) nên các chu kỳ tâm lý diễn ra rất chậm. Một người đi đến kết luận chậm nhưng biết kết luận chính xác vẫn là người biết phán đoán.

Nhưng cũng nên đề phòng chính mình. Lắm khi chúng ta đinh ninh rằng những ý kiến hoặc những vấn đề chúng ta nêu ra là hay là đúng mà người đối thoại với chúng ta lại không đồng ý. Ở trường hợp này không nên vội cho rằng người ấy thiếu phán đoán, rất có thể chính chúng ta sai lầm. Điều đáng cho chúng ta quan tâm không phải là việc họ có đồng quan điểm với chúng ta chăng mà phải xét xem cách lĩnh hội của họ, lẽ đương nhiên trước đó chúng ta phải biết trình bày vấn đề một cách minh bạch, đầy đủ.

Như chúng ta đã thấy, một cuộc đàm luận về công việc làm ăn là một cuộc tranh đấu giữa hai óc phán đoán. Nếu chúng ta phán đoán kém tất nhiên chúng ta sẽ nhận định sai làm về người đối thoại.

Người có óc phương pháp biết trình bày vấn đề cách rõ ràng, có lớp lang nhưng có vẻ máy móc, khô khan. Trong bài trần thuyết của họ có ba phần: khai đề; phụ diễn; kết luận. Nó rõ rệt, minh bạch nhưng cộc lốc, khô khan.

Trong khi trần thuật người có óc tinh nhệu trái lại biết đưa ra nhiều khía cạnh, những nét xuất sắc của vấn đề và cũng biết gia vị thêm chút thi vị hay trào lộng, hoặc đệm thêm chút màu sắc. Người có tinh nhệu đáng cho chúng ta “ngán” hơn người có óc kỹ hà là ở điểm đó. Họ có thể thâu phục chúng ta chỉ vì những tư tưởng, những ý kiến họ đưa ra gói ghém cách khéo léo, rất quyến rõ tuy rằng chưa ắt chính xác.

Người biết suy nghĩ không bao giờ thâu nhận một ý kiến mà không khảo xét lại. Luôn luôn họ biết nhận xét vấn đề ấy dưới mọi phương diện cho đến khi họ không còn tìm ra lý lẽ để chống đối. Lúc bấy giờ họ mới chịu thâu nhận. Nếu óc phán đoán họ chắc chắn họ có thể kết luận nhanh chóng.

Người nhút nhát ít khi dám quyết định ngay mặc dù không có lý do chính đáng họ vẫn dời lại mãi cái giờ phút quyết định, như thế là bởi óc phán đoán của họ không tinh xác hoặc giả họ có tính nhút nhát (kém hoạt động tính nhưng nhiều cảm xúc tính).

Một người tuy trong thâm tâm đã quyết từ chối điều gì đó nhưng vẫn ưỡm ờ không dám nói thẳng ra là người giả dối hoặc nhút nhát.

Người thành thật dù không tìm ra lý lẽ để từ khước vẫn nói thằng ý định của họ.

Người nhiều hoạt động và đa cảm xúc khi vớ đặng một ý kiến hoặc tư tưởng nào đó là họ vồ chụp lấy ngay một cách tin tưởng và nồng nhiệt dù họ chưa kịp suy nghĩ. Tuy nhiên, dù họ có quả quyết như thế nào chúng ta cũng đừng vội tin rằng họ đã chấp thuận tư tưởng ấy một cách vĩnh viễn.

Nhưng nếu người ấy có một óc phán đoán thượng đẳng rất có thể họ đã nhận định tất cả vấn đề. Vì thỉnh thoảng người ta cũng gặp một vài đầu óc siêu đẳng, có óc tổng hợp, óc tưởng tượng rất dồi dào lại có đủ hoạt động tính và cảm xúc tính. Những đầu óc ấy nhờ biết phán đoán tinh xác nên chỉ cần xét qua một lượt là có thể nhận định cách đúng đắn toàn khối vấn đề. Và rất có thể họ dám quyết định ngay. Song những bậc ưu tú ấy hiếm lắm.

Như chúng ta đã thấy, nếu biết áp dụng tâm lý học người ta có thể rút tỉa nhiều bài học khá hay trong những nhận xét nhỏ nhặt. Nếu để tách riêng ra những nhận xét ấy hình như không có giá trị là bao song nếu biết gom lại nó để nhận xét tổng quát nó có thể giúp chúng ta nhiều điều đáng biết về những người chúng ta cần biết.

Tóm lại khi muốn phán đoán về một người trước hết chúng ta phải xét xem những bẩm chất thiên nhiên của họ ở mực độ nào, nhiều hay ít. Song song theo đó chúng ta sẽ thử phác họa con người của họ, nhìn theo cá tính tập thành của họ mà vẽ lại.

Phối hợp hai phương diện quan sát ấy chúng ta sẽ có một nhận định tổng quát về cá tính của họ và do đó chúng ta sẽ biết cách ứng phó với họ khi cần.


Biết Người - Philippe Girardet
Dịch giả: Phạm Cao Tùng