Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Khuyết tật kinh tế nhìn từ góc độ xã hội

Gần đây, các nhà kinh tế học thường nói đến khái niệm "khuyết tật của nền kinh tế". Đã có thời chúng ta tránh nói đến những từ này. Thực ra khái niệm "khuyết tật kinh tế" không mới. Ngọc còn có vết. Đó là quy luật.
Từ khi có khái niệm "kinh tế" thì kinh tế đã có khuyết tật. Bất cứ nền kinh tế hay mô hình kinh tế nào cũng có những ưu việt và những khuyết tật của nó. Khuyết tật kinh tế mang tính lịch sử. Khuyết tật kinh tế là biểu hiện của mâu thuẫn nội tại cũng như mâu thuẫn có nguồn gốc ngoại lai của nền kinh tế. Giải quyết mâu thuẫn là động lực để phát triển. Vấn đề cần quan tâm đặc biệt là trong mỗi giai đoạn lịch sử, những khuyết tật đó có thể làm thay đổi những giá trị xã hội, làm nổi lên những cơn sóng gió kinh tế, gây đau thương cho nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động làm công ăn lương. Thậm chí nó làm lệch lạc tư duy của cả một bộ phận xã hội. Do đó, khuyết tật kinh tế luôn là một thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt - dù muốn hay không. Ngày nay, khi toàn cầu hóa thì khuyết tật kinh tế của một quốc gia mang tính quốc tế nên nó có thể lây lan ra toàn thế giới, nó đe dọa tất cả các quốc gia, đe dọa tất cả người dân, nó tấn công vào nền văn minh các quốc gia và văn minh nhân loại.

Trong xu thế đó, khuyết tật của nền kinh tế nước ta không nằm ngoài quy luật chung.


Không cần phải nhắc lại vai trò, vị trí của nền kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi mô hình kinh tế ở nước ta từng thời kỳ đều có mục tiêu cụ thể. Nếu như trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mô hình kinh tế nước ta nhằm mục đích tất cả cho tiền tuyến (thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người) thì trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, mô hình kinh tế là nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Chúng ta đi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp (phù hợp với thời kỳ chiến tranh) chuyển sang mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Do mục tiêu tất cả vì tiền tuyến nên khuyết tật kinh tế thời kỳ chiến tranh thường được bỏ qua. Nhưng trong thời kỳ hiện nay, khuyết tật kinh tế được thẳng thắn nhìn nhận, bởi lẽ nó tác động trực tiếp và sâu rộng đến đời sống, nó đe dọa mục tiêu cao cả mà Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu hướng tới.

Bên cạnh những ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, những khuyết tật kinh tế ở nước ta hiện nay cụ thể là những gì? Các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách đã "điểm danh" những khuyết tật này (đa số là những mặt trái của kinh tế thị trường), có thể tóm lược như sau: Gia tăng tình trạng tham nhũng; bội chi ngân sách; cạnh tranh gay gắt cá lớn nuốt cá bé; mâu thuẫn tổng cung và tổng cầu; khủng hoảng những mô hình kinh tế; gia tăng số lượng DN phá sản; gia tăng tình trạng thất nghiệp, lạm phát; bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo...

Nhìn từ góc độ xã hội, những khuyết tật kinh tế được thấy như thế nào ?

Trước hết, kinh tế thị trường coi trọng lợi ích cá nhân, xem lợi ích cá nhân là lợi ích trung tâm trong các mối quan hệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm ứng xử, quan niệm kinh doanh của các chủ DN và mọi người dân. Người ta tìm mọi cách cạnh tranh để có lợi nhuận cá nhân, đúng luật có, nhưng thường là lách luật, thậm chí vi phạm pháp luật. Sự tiêu xài (theo lối hưởng thụ gấp) vượt quá số đang có cũng như số làm ra, dẫn đến mất cân bằng của cải xã hội, từ đó tạo nên những "cuộc phá sản" từ cá nhân đến các tổ chức kinh tế. Chúng ta không thể không nói đến nạn hối lộ gia tăng ở nhiều nơi. DN hối lộ để được hưởng chính sách ưu đãi, hối lộ để thoát hiểm khi vi phạm pháp luật, hối lộ để có dự án, hợp đồng...

Tình trạng này phổ biến đến mức người ta kết luận rằng, không hối lộ (mà họ gọi là "chi phí cần thiết", hay "bôi trơn", dùng từ sang trọng là "chi phí cơ hội" - ngược lại với "Chi phí cơ hội" đúng nghĩa trong kinh tế học) thì DN dù lớn hay nhỏ đều không thể tồn tại và giàu có. Từ hối lộ, DN móc nối với công chức nhà nước để làm biến tướng chính sách nhằm hưởng lợi cao, dựa tiếng tăm, dựa quyền lực để đe nẹt người khác, để đi qua trót lọt các khung cửa hẹp. Để bảo đảm có chỗ dựa vững chắc hơn, không ít chủ DN tư nhân "đầu tư vào chính trị" như: móc nối để người quen thân của họ được tham gia vào hệ thống quyền lực nhà nước các cấp hoặc lợi dụng "cơ cấu" để trực tiếp leo vào hệ thống nhà nước với vai trò thành viên các tổ chức chính trị xã hội. Thời gian qua, số lượng các DN có tính chất phát minh sản phẩm mới để thay đổi chất lượng nền kinh tế chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng số lượng các DN dù là ngành nghề gì đi nữa vẫn tìm cách chiếm đất ngày càng gia tăng. Các chủ DN nhà nước, DN tư nhân tìm mọi cách có được những dự án bất động sản "khủng" nhất, ở những vị trí đắc địa nhất. Đất không thể đẻ ra thêm nhưng đất đẻ ra quyền lực kinh tế. Từ đó họ tạo ra một thị trường mới: thị trường của những nhà tài phiệt có trong tay hàng trăm, hàng ngàn héc ta đất, gây lũng đoạn và thay đổi sự cân bằng xã hội. Cũng từ quyền lực kinh tế của đất đai mà hình thành thị trường bất động sản bong bóng đến mức có thời điểm nhà nhà kinh doanh đất, người người kinh doanh đất. Thêm vào đó là sự vay mượn mô hình kinh doanh chứng khoán đã đẻ ra bi kịch của người nghèo. "Phong trào" thành lập ngân hàng, tổ chức tài chính, chứng khoán, kinh doanh ngoài ngành đã dẫn đến những hệ lụy xã hội to lớn. Nhiều DN lớn (có vốn hàng ngàn tỷ đồng) phá sản đã tác động rất xấu đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Không chỉ DN phá sản mà người nghèo cũng phá sản. Họ vay tiền đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản nên khi bị tác động xấu đã mất nhà cửa, tài sản khác, gia đình ly tán. Các phong trào kinh doanh bất chấp quy luật của nhiều DN và cá nhân làm cho tiền nhà nước bị thất thoát không có khả năng thu hồi, số người lao động thất nghiệp tăng lên, một số ngân hàng vốn được coi là mạnh thì lâm vào khủng hoảng vì mất vốn. Mà khi ngân hàng khủng hoảng thì dòng chảy vốn của nền kinh tế bị tắc nghẽn hoặc bị rò rỉ. Và nữa, một số mô hình DN vốn được coi là năng động, là tiêu biểu chuẩn, nay phá sản kéo theo những thiệt hại về tài chính, an toàn xã hội, thất nghiệp, mất cân đối ngành nghề (ví dụ như trường hợp Vinashin)...

Ở đây cũng cần thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của lực lượng quản lý kinh tế. Tư duy nhiệm kỳ của không ít các vị lãnh đạo kinh tế, của người đứng đầu DN nhà nước làm cho họ không có tầm nhìn xa. Cũng từ tư duy nhiệm kỳ, vì sự vị kỷ, sợ trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo nên tình trạng đùn đẩy, "đá" trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước về quản lý kinh tế diễn ra thường xuyên. Những chủ DN dù là của tư nhân hay của Nhà nước luôn tính đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hơn là lợi ích tổng thể. Lợi ích nhóm khi ở trong bối cảnh thiếu minh bạch về thông tin kinh tế đã ít nhiều chi phối khả năng dự báo, khả năng đối phó có tầm chiến lược cũng như tình huống cụ thể của hệ thống quản lý, điều hành. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính có tác dụng trong những trường hợp điều tiết mạnh mẽ, tức thời đối với những biểu hiện đe dọa tới tiềm lực nền kinh tế nước nhà, đe dọa sự ổn định xã hội, nhưng mặt khác, khi bị lạm dụng lại tạo nên những bất hợp lý và sự thiên lệch trong điều hành kinh tế. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang chấn chỉnh quyết liệt những hiện tượng lấy ngân sách để "cứu" một cách vô lối những DN làm ăn thua lỗ.

Những ưu việt hay khuyết tật của nền kinh tế luôn in dấu ấn lên đời sống xã hội từng thời kỳ và nó tạo nên những quan niệm vừa "hợp thời" nhưng cũng có những yếu tố lệch lạc về giá trị trong các tầng lớp xã hội.

Thời bao cấp, nam thanh nữ tú khi học hết phổ thông đua nhau thi vào các ngành thương nghiệp, ngành thực phẩm chỉ vì hình ảnh nhân viên bán hàng ở cửa hàng bách hóa, lương thực, thực phẩm như biểu tượng của sự no ấm. Biểu tượng đó ăn sâu trong quan niệm xã hội đến mức nhiều chàng trai ưu tú có tiêu chí là lấy vợ làm nhân viên ngành thực phẩm, thương nghiệp, lương thực. Quan niệm đó phổ cập đến nỗi các gia đình trở nên có vị thế trong làng, xã, khu phố khi có cô con dâu làm ở ngành thương nghiệp (!?). Khi kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường thì nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế. Ai có tí vốn thì dốc ra, ai không có thì đi vay để làm kinh tế. Những "cuộc đầu tư" vào trồng trọt, chăn nuôi, xuất nhập khẩu như cơn bão, có vốn nhỏ thì làm nhỏ, có vốn lớn thì làm lớn. Những thành công bước đầu mở ra, của cải xã hội tăng lên, đời sống con người nâng cao. Thời kỳ này, hình ảnh mới của người làm kinh tế xuất hiện như những người hùng. Đó là những ông giám đốc, cán bộ các công ty xuất nhập khẩu (các DN có tên gọi với đuôi là EX), là thủy thủ tàu viễn dương,... Họ có thu nhập cao, có nhà lầu, xe máy đã qua sử dụng, quạt cây, xe đạp Nhật, tủ lạnh Toshiba... Xã hội vì nể họ, lãnh đạo các địa phương trân trọng giám đốc các công ty làm ăn nhiều tiền. Và đương nhiên, nam thanh nữ tú đổ xô đi học thủy thủ, hàng hải, học các trường ngoại thương để hy vọng trở thành một trong số của đội ngũ "ưu tú" đó. Và rồi, cũng như một thời, thanh niên có phong trào lấy chồng là thủy thủ tàu viễn dương hoặc làm ở công ty xuất nhập khẩu. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhưng những bi kịch xã hội lại diễn ra. Khi kiểu làm ăn nhập hàng cũ của người thành hàng mới của mình, hay kiểu làm ăn chụp giật đã qua đi, đòi hỏi có nền tảng, có căn cốt thì bục ra những thua lỗ, chiếm đoạt. Các phiên tòa xét xử cả những người ngày nào là tấm gương điển hình của tỉnh, thành phố, thậm chí là Anh hùng Lao động..., trở nên nhức nhối. Bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, các DN nước ngoài vào Việt Nam làm ăn được trải thảm đỏ. Chúng ta có thêm vốn cho nền kinh tế, học hỏi được phong cách làm việc công nghiệp, trình độ quản lý kinh tế, công nghệ... Người làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài có lương cao, ăn mặc sang trọng, đi xe ô tô mang biển "LD", đã trở thành biểu tượng của sự phồn thịnh. Cũng như trước đây, trong xã hội lại có phong trào lấy vợ, lấy chồng là những nhân viên, cán bộ trong công ty liên doanh. Đầu tư nước ngoài có những tích cực của nó nhưng cũng có những khuyết tật. Thời kỳ đầu chỉ vì thu hút đầu tư bằng mọi giá, không sàng lọc kỹ nên bi kịch đã xảy ra: vốn nhà nước bị nước ngoài thôn tính, công nhân bị đánh đập, đặc biệt là môi trường bị xâm phạm nghiêm trọng... Ngày nay, khi Nhà nước tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, thì hình ảnh các chủ DN có hàng trăm héc ta đất, đi xe ô tô cả chục tỷ đồng, có những biệt thự hàng chục triệu USD, có máy bay riêng... lại trở thành hình ảnh của sự giàu có, hấp dẫn không ít người. Gần đây nhất, do nhiều lý do, không ít "đại gia" có tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng lâm vào nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản đang cận kề, lại làm cho những tiêu chí phồn thịnh của mỗi cá nhân thay đổi.

Nói những chuyện trên đây để thấy rằng, sự tác động của khuyết tật kinh tế đối với xã hội rất lớn, không chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định, không chỉ trong một tầng lớp xã hội mà nhiều khi kéo dài nhiều năm, tác động đến nhiều tầng lớp.

Như đã nói, do xu hướng toàn cầu hóa kinh tế nên hệ lụy của khuyết tật kinh tế cũng mang tính toàn cầu. Người ta đang nói đến việc bản đồ kinh tế thế giới đã được vẽ lại với những thay đổi vừa ngoạn mục vừa đau đớn: những mô hình kinh tế tưởng là chuẩn trong một thời gian dài nay lung lay và sụp đổ, những nền kinh tế mạnh nhất nhì toàn cầu đang bị đè nặng dưới gánh nợ khổng lồ, phải ngửa tay nhờ các nước khác vốn lép vế lâu nay giúp đỡ. Vì vậy mà lý luận về kinh tế nói chung cũng đang được thay đổi. Có nhiều học thuyết kinh tế đang tiếp tục được hoàn thiện nhưng cũng có nhiều học thuyết bị phá sản do thực tế diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Thể chế kinh tế và các học thuyết kinh tế cũng phải thay đổi, bộ môn kinh tế học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng phải thay đổi, nhằm điều chỉnh, hạn chế cũng như lý giải những khuyết tật kinh tế.

Đối với nước ta, dù là kinh tế có yếu tố thị trường thì vấn đề giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập chủ quyền, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phải là nhiệm vụ số một. Bởi vậy, việc khắc phục những khuyết tật kinh tế hiện nay là bắt buộc và cấp bách. Việc cần phải làm ngay là hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế kinh tế. Đồng thời với đó là phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, tạo những điểm nhấn, những khâu đột phá, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việc định vị lại các tập đoàn kinh tế nhà nước với chức năng cụ thể cùng với việc công khai, minh bạch, tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu ngân sách là việc cũng phải làm ngay. Do đó, 5 mục tiêu, 13 giải pháp mà Nhà nước đưa ra khi tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được xã hội đặc biệt quan tâm.

Bài học sâu sắc trong điều hành kinh tế là phát hiện sớm những khuyết tật kinh tế phát sinh để xử lý tình huống, đồng thời có tầm chiến lược để hoạch định tương đối chính xác xu hướng vận động của nền kinh tế. Nhà nước phải xử lý nhanh và kiên quyết những biểu hiện thôn tính vốn nhà nước cũng như những toan tính trục lợi của các nhóm lợi ích làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn, ổn định xã hội. Các "đại gia" có những đóng góp cho nền kinh tế nhưng không có nghĩa họ có thể lũng đoạn xã hội. Việc điều chỉnh hệ thống thể chế kinh tế không có nghĩa chỉ ưu tiên các chủ DN mà phải bảo đảm sự hài hòa lợi ích đất nước, người dân và lợi ích DN. Bài học Vinashin gióng lên tiếng chuông báo động về sự ảo tưởng siêu dự án, siêu đầu tư và siêu quyền lực kinh tế khi nằm trong tay một nhóm DN. Công bằng cho mọi DN trên cơ sở luật pháp không bao giờ thừa, vì nó hạn chế việc tạo ra những siêu quyền lực kinh tế, tránh được những hệ lụy về kinh tế cũng như về xã hội. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói đến là bài học về tư duy lãnh đạo kinh tế ở các cấp. Không thể có sự quá tin cậy đến mức giao khoán quyền lực kinh tế cho một cá nhân hay một nhóm, cũng không có chuyện buông lỏng quản lý, hoặc ngược lại là hành chính hóa quản lý kinh tế. Kinh tế có đặc thù của thị trường, có quy luật nhưng thực tế sự vận động kinh tế ngày nay cũng đã phá vỡ nhiều quy luật được đúc kết trước đó. Quản lý kinh tế có những nguyên tắc nhưng cũng năng động, có độ mở để điều chỉnh theo thực tế... Không có mô hình kinh tế nào chuẩn cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Quản lý kinh tế cũng vậy!
TÔ PHÁN (HÀ NỘI MỚI)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét