Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Bên trong cuộc kháng chiến chống lại Đức Quốc xã

bonhoeffer-silence-in-the-face
Tác giả: Peter Hoffmann | Biên dịch: Nguyễn Hoàng Minh
Khi Aldolf Hitler xâm lược Ba Lan vào năm 1939, người Châu Âu từ lâu đã có truyền thống kháng chiến vũ trang chống lại chính quyền. Ở những nước như Đan Mạch, Pháp và Ba Lan, những phong trào quan trọng đã nổi lên chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, trong nội bộ bản thân nước Đức, một cuộc kháng chiến nhỏ đã nỗ lực để có được động lực nhưng gần như không gây nên được một mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với sự thống trị của Hitler.
Hầu hết người Đức đều chủ yếu lo lắng cho sinh mạng của mình và do đó khi thông tin về việc trục xuất người Do Thái và sự lạm quyền của Đảng Quốc xã bắt đầu rò rỉ ra ngoài, họ đã tự lo cho bản thân mình trước. Rốt cuộc, đề cập đến những vấn đề như vậy có thể mang đến tội tử hình, tương tự những tội như nghe đài phát thanh nước ngoài và loan các tin đồn. Mối đe dọa của hình phạt hà khắc đã có tác dụng rộng rãi: Đảng Quốc xã đã bịt kín người Đức khỏi thông tin bên ngoài một cách hiệu quả, và bất cứ ai cố tìm hiểu sự thật sẽ phải trả giá đắt vì hành động như vậy. Một vài người dũng cảm tham gia kháng chiến đều đau đớn nhận thấy sự thiếu vắng trợ giúp từ trong lẫn ngoài, tuy nhiên điều này không quá bất ngờ với hầu hết bọn họ.
Tuy nhiên những lý giải về việc vì sao có rất ít người Đức dám đứng lên chống lại Hitler và vì sao rất nhiều người gắn bó với y đến cuối cùng hầu như không đề cập đến những câu chuyện của những người thực sự chống lại sự cai trị của Đức Quốc xã. Trong cuốn No Ordinary Men, Elisabeth Sifton và Fritz Stern đã giúp lấp vào khoảng trống này bằng cách ghi chép lại cuộc đời của 2 thủ lĩnh của cuộc kháng chiến: nhà thần học nổi tiếng Dietrich Bonhoeffer và người em vợ luật gia ít nổi tiếng hơn Hans von Dohnanyi. Khi kể các câu chuyện về Bonhoeffer và Dohnanyi, cuốn sách đề cập đến một bức chân dung hấp dẫn về một thế giới ngầm chống lại Đức Quốc xã. Trong số những điều ghi bên trong cuốn sách, có lẽ điều quan trọng nhất là dù những người chống lại Hitler thường có động lực chính trị và chiến lược không liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái của Đảng Quốc xã, nhưng họ vẫn được thúc đẩy chủ yếu (hoặc ít nhất là phần lớn) bởi sự đồng cảm đối với nỗi kinh hoàng trước việc người Do Thái bị thảm sát.
Ngăn chặn bánh xe tội ác
Cả Bonhoeffer and Dohnanyi đều chống lại chế độ Quốc xã ngay từ đầu, tuy nhiên mâu thuẫn của Bonhoeffer với Đức Quốc xã công khai hơn và do đó ngày nay được nhớ đến nhiều hơn. Sinh ra trong một gia đình Berlin nổi tiếng, Bonhoeffer đã quyết định trở thành mục sư khi mới chỉ 14 tuổi. Sifton và Stern chỉ ra rằng cùng với sự ảnh hưởng của bên ngoại (ông ngoại và cụ ngoại ông đều là mục sư), Bonhoeffer có lẽ đã bị hấp dẫn bởi một cuộc sống tu hành để đáp lại “sự mơ hồ về đạo đức” và “sự rối loạn tinh thần” điển hình của những năm sau Thế chiến thứ nhất. Sau đó, Bonhoeffer học tập 1 năm tại chủng viện Union Theological Seminary tại New York dưới sự hướng dẫn của nhà triết học Reinhold Niebuhr (người cũng là cha của Sifton).
Trước năm 1933, năm mà Hitler được chỉ định làm Thủ tướng Đức, Bonhoeffer đã là một mục sư nổi tiếng với các bài viết về thần học. Cùng thời gian đó, Giáo hội Luther tại Đức, nơi ông là thành viên, đã không có quan điểm thống nhất về Chủ nghĩa Quốc xã. Một phe phái mạnh trong Giáo hội, với những thành viên tự phong cho mình cái tên “Cơ đốc Đức”, ủng hộ cái họ coi là phiên bản Đức của Đạo Cơ đốc, tuyên bố khái niệm “Chúa Jesus của người Aryan” và ủng hộ Đảng Quốc xã bài trừ người Do Thái. Hầu hết các mục sư người Đức không phải là những người Quốc xã cực đoan, mà là những người theo chủ nghĩa dân tộc, trung thành với bất cứ chính phủ nào đương nhiệm. Bonhoeffer bác bỏ cả 2 tư tưởng này. Chỉ 2 ngày sau khi Hitler được bổ nhiệm, ông đã truyền đi một thông điệp radio cảnh báo rằng nếu một nhà lãnh đạo mạnh mẽ (Fuhrer) chẳng hạn như Hitler làm trái với niềm tin của dân tộc, người đó sẽ “có nguy cơ trở thành một kẻ mị dân vĩ đại” (Verfuhrer). Trong khi đó, Đảng Quốc xã đã triển khai một nỗ lực quan trọng để củng cố sự kiểm soát đối với việc điều hành Giáo hội và thanh trừng những tăng lữ không phải người Aryan.
Ngay sau thông điệp radio của mình, Bonhoeffer đã xuất bản bài viết “Giáo hội và Vấn đề người Do Thái,” lập luận rằng Giáo hội Đức có “một nghĩa vụ vô điều kiện đối với những nạn nhân thuộc bất cứ giai tầng nào trong xã hội.” Mặc dù vai trò của Giáo hội không phải “ca tụng hay phê bình những đạo luật của quốc gia,” ông viết, Giáo hội cũng nên đặt câu hỏi liệu những hành động của mình có đúng đắn hay không. Hơn nữa, Giáo hội có thể bị bắt buộc không chỉ “hàn gắn những vết thương của những người vấp ngã dưới bánh xe…mà đôi khi còn phải tự ngăn chặn chính bánh xe đó” bằng các động thái chính trị đúng đắn. Theo lời nhà thần học Thụy Sỹ Karl Barth, bài viết khiến Bonhoeffer trở thành mục sư đầu tiên và gần như duy nhất hiểu rõ và đề cập đến khía cạnh cốt lõi của vấn đề Judenfrage (vấn đề người Do Thái).” Không thể chịu đựng thêm sự hèn nhát của Giáo hội dòng Luther trước nỗ lực giành kiểm soát của Hitler, Bonhoeffer và mục sư Martin Niemaller đã lãnh đạo một nhóm gồm hơn 2.000 mục sư lập nên một tổ chức được gọi là Giáo hội Xưng tội (the Confessing Church).
Bonhoeffer đã sớm rời bỏ nhóm này bởi các thành viên cũng quá nhút nhát không dám phản kháng lại những người ủng hộ Đảng Quốc xã và những mật vụ luôn tìm cách để kiểm soát các nhà thờ tại Đức. Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã dường như đã tin tưởng vào Giáo hội Xưng tội tuy nhiên lại đe dọa và tống giam khoảng 800 thành viên vào năm 1937. Ba năm sau, Đảng Quốc xã đã cấm tuyệt đối Bonhoeffer thuyết giảng hay phát biểu trước công chúng.
Trong khi Bonhoeffer đang thử nghiệm những giới hạn của sự chống đối Đảng Quốc xã, Dohnanyi lại đang làm công việc ở tầng cao nhất trong bộ máy Quốc xã. Dohnanyi, con trai của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hungary Ernst von Dohnanyi (và là cha của nhạc trưởng nổi tiếng Christoph von Dohnanyi), đã lớn lên ở Berlin và biết về gia đình Bonhoeffer từ thời niên thiếu. Trong khi theo học bằng tiến sỹ luật tại Đại học Hamburg, Dohnanyi đã gặp và sau đó cưới Christine – chị của Bonhoeffer vào năm 1925. Bốn năm sau, vợ chồng họ trở về Berlin, nơi Dohnanyi vào làm việc tại Bộ Tư pháp và nắm giữ những chức vụ quan trọng. Năm 1933, ông trở thành trợ lý chính của Bộ trưởng Tư pháp Franz Gfirtner. Bất đồng sâu sắc với Đảng Quốc xã, Dohnanyi đã tận dụng vị trí đặc quyền của mình để ghi chép lại những hành vi phạm pháp của họ. Sau này ông đã nói với những người thẩm vấn của Đảng Quốc xã rằng chính “sự tùy tiện trong các vấn đề luật pháp và các quy trình của Đảng Quốc xã đối với người Do Thái và các vấn đề giáo hội” đã thúc đẩy ông phản kháng.
Tuy nhiên Dohnanyi cũng phải đối mặt với những nguy hiểm lớn bởi ông của ông là người Do Thái. Giống như mọi công chức khác, Dohnanyi bị yêu cầu cung cấp bằng chứng là dòng dõi người Aryan. Nhưng Gurtner đã thông báo với Hitler rằng trợ lý của ông (Dohnanyi) là một người quan trọng không thể thiếu, và Hitler đã ra sắc lệnh rằng Dohnanyi không phải “chịu bất kì điều bất lợi nào vì nguồn gốc Do Thái của mình.” Để đảm bảo hơn sự an toàn cho Dohnanyi, Gurtner đã bổ nhiệm ông vào vị trí thẩm phán tòa án tối cao Đức, đưa Dohnanyi thoát ra khỏi sự theo dõi trực tiếp của cơ quan mật vụ Đức Quốc xã.
Tuy vậy niềm tin của Đảng Quốc xã vào Dohnanyi là một sự sai lầm nghiêm trọng. Ngay đầu năm 1934, Dohnanyi đã bắt đầu hoạt động chống phá Đảng Quốc xã bằng cách bí mật trợ giúp những người Do Thái mà ông biết hay đã tiếp cận ông để ngầm thu thập các báo cáo và số liệu về những tội ác chính thức của Đảng Quốc xã. Vào năm 1939, Đô đốc Wilhelm Canaris, lãnh đạo của Abwehr, cơ quan phản gián của quân đội Đức, đã thu nhận Dohanyi làm một thành viên đặc biệt trong tổ chức của ông. Làm việc dưới trướng Canaris, cũng là một người bí mật chống đối Hitler, Dohnanyi đã có thể tiếp tục giúp đỡ người Do Thái, trong một vài trường hợp ông đã tác động để chuyển họ từ một trại tập trung đặc biệt sang một trại khác ít nguy hiểm hơn. Dohnanyi cũng đã sử dụng vị trí của mình để giúp kết nối những người chống đối ở khắp các quân đoàn Đức.
Trong khi đó, Dohnanyi đã thường xuyên tìm đến sự trấn an về mặt tâm linh của người anh rể Bonhoeffer. Việc Dohnanyi tiếp tục làm việc cho một chế độ phạm tội, dù đó chỉ là trên bề mặt, làm ông cảm thấy hết sức ray rứt. Nhưng tới năm 1939, cả 2 người đã cùng đi đến chung một quan điểm rằng: thay vì thể hiện rõ đức tin và bảy tỏ công khai sự bất bình với các chính sách của chế độ, thì họ nên giữ các chức vị có sức ảnh hưởng lớn nhất mà Đảng Quốc xã giao phó để có thể làm suy yếu chế độ ngay từ bên trong.
Chính Bonhoeffer cũng đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vào năm 1940, ông đã bị gọi nhập ngũ, và ông cảm thấy hết sức khó chịu trước ý nghĩ phải phụng sự các tội ác của Đảng Quốc xã trong bộ quân phục của mình. Tuy nhiên ông quan niệm rằng chống đối là hành động tự sát, bởi những người từ chối nhập ngũ sẽ bị hành hình. Sau khi lời đề nghị được làm giáo sĩ trong quân đội của Bonhoeffer bị từ chối, Dohnanyi và các đồng nghiệp đã bố trí để trì hoãn nghĩa vụ quân sự của Bonhoeffer bằng cách bổ niệm ông vào Abwehr làm liên lạc viên. Bonhoeffer sau đó đã trở thành một thành viên chủ chốt của một âm mưu chống Đảng Quốc xã ở Abwehr. Thành viên của hội bao gồm Canaris; Tướng Hans Oster, chỉ huy thứ hai của Abwehr; Ludwig Beck, Tổng tham mưu trưởng đã nghỉ hưu của Đức; và Helmuth James von Moltke, một chỉ huy khác của Abwehr và là hậu duệ của thống chế Helmuth von Moltke nổi tiếng dưới trướng tướng Bismarck – tất cả đều cảm thấy ghê tởm trước sự đối xử của Hitler đối với người Do Thái. Tuy nhiên giống với Bonhoeffer và Dohnanyi, họ tin tưởng rằng những cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Hitler tồn tại gần nhất ở các vị trí nhiều quyền lực, đòi hỏi sự vô tình đồng lõa với chế độ.
Có lẽ âm mưu quan trọng nhất mà Bonhoeffer và Dohnanyi đã ngầm dự định ở Abwehr là cố gắng lôi kéo sự trợ giúp từ Liên hiệp Anh để thực hiện một cuộc đảo chính. Vào tháng 5 năm 1942, Bonhoeffer hay tin George Bell, giám mục Chichester và là một thượng nghị sĩ Anh, đã đến Thụy Điển. Bonhoeffer biết Bell và đã bay tới Stockholm để gặp ông. Bonhoeffer kể với vị giám mục rằng một nhóm người chủ mưu ở Đức đã sẵn sang lật đổ chế độ Quốc xã. Và ông đề nghị chính phủ Anh nhìn nhận nghiêm túc cuộc đảo chính và kiềm chế không lợi dụng về mặt quân sự bất cứ sự bất ổn nào có thể xảy ra ở Đức nếu cuộc đảo chính thành công.
Bell đã chuyển thông điệp này tới Ngoại trưởng Anh Anthony Eden. Nhưng Eden đã từ chối đưa ra các cam kết giả định, và Bell cũng không thu được gì hơn với Thủ tướng Anh Winston Churchill. Nhóm kháng chiến người Đức cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ tương tự từ các chính phủ nước ngoài khác, với cùng một kết quả, do đó Bonhoeffer và Dohnanyi đã không còn hi vọng nào vào cơ hội thành công. Nhưng họ cảm nhận rằng họ phải cố gắng để giành được sự khích lệ nào đó, nếu không phải là sự giúp đỡ vật chất mà phe Đồng minh đang dành cho mọi cuộc kháng chiến ở châu Âu trừ ở Đức.
Do sự ủng hộ vững vàng mà công chúng Đức dành cho Hitler, Bonhoeffer và Dohnanyi cũng hiểu những nguy hiểm mà cuộc kháng chiến mang đến cho họ và gia đình. Theo như Sifton và Stern thì họ đã hi sinh “mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống riêng tư để chiến đấu với quỷ dữ vì lợi ích cộng đồng.”
Với tinh thần ấy Dohnanyi đã bí mật bố trí cuộc đào thoát cho 14 người Do Thái từ Berlin đến Thụy Sỹ vào năm 1942, ngụy trang họ như những mật vụ để có thể đi qua biên giới với sự chấp thuận của Heinrich Himmler, chỉ huy lực lượng mật vụ SS. Tuy nhiên, thành công bước đầu này cuối cùng đã làm hại Dohnanyi: vào tháng 4 năm 1943, Đảng Quốc xã đã bắt giữ Dohnanyi và Bonhoeffer với tội danh sai phạm tiền tệ liên quan đến vụ đưa người sang Thụy Sỹ.
Trong chương cuối của sách, Sifton và Stern mô tả giai đoạn 2 người bị cầm tù kéo dài gần 2 năm, nhấn mạnh vào sự kiên quyết từ chối nêu tên các đồng phạm của họ. Các tác giả mô tả việc dù đối mặt với các cuộc thẩm vấn tàn bạo, Bonhoeffer và Dohnanyi đã dựa vào các lập luận hùng hồn và kinh nghiệm pháp lý để bẻ lại các lời buộc tội, đe dọa và lăng mạ trong hành động phản kháng cuối cùng của họ như thế nào.  Cả hai đã bị treo cổ vào tháng 4 năm 1945 – chỉ vài tuần trước khi Hồng quân chiếm được Berlin.
Tiêu diệt Hitler
Chắc chắc rằng không phải mọi người Đức chống đối đều lấy sự ngược đãi người Do Thái làm động lực căn bản. Các tội ác khác của Đảng Quốc xã cũng không kém phần ghê tởm đối với họ: sự đình chỉ của Hiến pháp Dân chủ Đức, sự bài trừ các quyền dân sự, sự hi sinh vô lý của hàng triệu người lính, và sự thảm sát những tù binh chiến tranh Xô Viết. Trong suốt cuộc chiến tranh, Henning von Tresckow, một chỉ huy quân đội cấp cao, đã lập kế hoạch và cố gắng triển khai vài cuộc đảo chính, tất cả đều nhằm lấy mạng Hitler. Không nỗ  lực nào thành công, và sau khi chiến dịch “Operation Valkyrie” vào tháng 7 năm 1944 thất bại, Tresckow đã tự sát. Tuy nhiên một năm trước cái chết của mình, Tresckow đã nói rõ với người thư kí thân tín rằng chính sự thảm sát người Do Thái đã tạo động lực khiến ông và những người đồng mưu cố gắng tiêu diệt Hitler.
Claus von Stauffenberg, người Đại tá đã đặt bom với ý định giết chết Hitler tại Valkyrie, cũng dẫn ra sự tàn sát người Do Thái chính là động lực chủ yếu khiến ông làm vậy. Vào tháng 4 năm 1942, nói chuyện với một sỹ quan tại bộ chỉ huy cấp cao, Stauffenberg đã thể hiện sự tức giận trước việc  đối xử tàn bạo đối với thường dân ở những vùng đất của Nga bị Đức chiếm đóng, sự thảm sát người Do Thái, và việc bỏ đói những tù binh chiến tranh Xô Viết. Vào tháng 5, sau khi tận mắt chứng kiến việc mật vụ Quốc xã tập trung những người Do Thái ở một thị trấn Ukraina, buộc họ phải tự đào mộ cho mình, rồi sau đó bắn họ, Stauffenberg đã xác định rằng Hitler phải bị tiêu diệt. “Họ đang bắn rất nhiều người Do Thái,” ông kể lại với một sĩ quan khác sau đó. “Những tội ác này không thể được phép tiếp diễn.”
Tresckow và Stauffenberg đã không đơn độc: các tài liệu còn sót lại của Gestapo cho thấy 15 trong số hàng chục người phản kháng cố gắng giết Hitler vào tháng 7 năm 1944 đã khai với những người thẩm vấn họ rằng họ chống lại Đức Quốc xã bởi sự khủng bố và ngược đãi người Do Thái. Sau vài tháng thẩm vấn và tra tấn những người chủ mưu, Cơ quan mật vụ Đức đã kết luận rằng
toàn bộ sự tha hóa khỏi tư tưởng Quốc Xã tiêu biểu cho những kẻ âm mưu phản động thể hiện rõ hơn cả trong quan điểm của họ đối với Vấn đề người Do Thái… Họ cương quyết giữ quan điểm tự do về việc trao cho người Do Thái trên nguyên tắc sự bình đẳng địa vị như tất cả mọi người Đức.
Tại sao những nỗ lực ám sát Hitler từ năm 1938 đến 1944 lại đồng loạt thất bại? Một nguyên nhân chính là Đảng Quốc xã đã rất tàn nhẫn trong việc đàn áp những người chống đối ở Đức. Từ năm 1933 đến 1945, Đảng Quốc xã sử dụng những hình phạt chính thức để hành quyết khoảng 77.000 người Đức bất đồng quan điểm chính trị và giết hại vô số những người bất đồng chính kiến trong nước ở những trại tập trung mà không thông qua thủ tục xét xử nào. Các tòa án quân sự Đức đã hành quyết khoảng 25.000 binh sĩ Đức. (Để so sánh, các tòa án quân sự của phe Đồng minh liên quan đến Thế chiến thứ 2 chỉ tuyên khoảng 300 án tử hình.) Những kẻ chỉ điểm của mật vụ Đức thường xuyên đe dọa những nỗ lực tập hợp lực lượng. Đài radio hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ, khiến việc sao chép và phát tán tờ rơi bằng tay, một phương pháp kém hiệu quả, nhanh chóng bị phát hiện và dễ dàng ngăn chặn bởi cảnh sát.
Với việc phát tán tờ rơi phản đối Đảng Quốc xã đã là khó, việc lập kế hoạch ám sát Hitler còn khó hơn rất nhiều. Một vài kế hoạch đã gần thành công, tuy nhiên hầu hết bị ngăn chặn bởi sự đen đủi, lỗi kĩ thuật, hay sự thay đổi bất ngờ trong kế hoạch của Hitler. Vụ Valkyrie, xoay quanh việc cho nổ một cặp chứa bom, cũng không là ngoại lệ. Stauffenberg, người sau thời gian phục vụ ở Tunisia đã chỉ còn 1 mắt và 3 ngón tay trên một bàn tay, là người chủ mưu chính của kế hoạch. Vào sáng 20 tháng 7, ông đã đến tổng hành dinh Wolf’s Lair của Hitler tại mặt trận phía Đông, và bắt đầu kích hoạt các cầu chì của 2 gói chất nổ 1.000 gram – một kế hoạch đã bị ngăn chặn bởi một lính liên lạc, người đã đề nghị Stauffenberg khẩn trương đến cuộc họp trong ngày với Hitler lúc đó đã bắt đầu tiến hành. Trước mối đe dọa bị phát hiện, Stauffenberg đã không kích hoạt hết số cầu chì và đi đến buổi họp với chỉ một nửa lượng thuốc nổ ông dự định sử dụng. Quả bom đã nổ, và Hitler có thể đã bị giết nếu chiếc cặp của Stauffenberg được đặt hoặc nằm đủ gần chỗ Hitler. Tuy nhiên Stauffenberg đã rời buổi họp (để lại chiếc cặp) để bay về Berlin, nơi ông là người chủ mưu duy nhất sẵn sàng và có thể điều hành bước tiếp theo của kế hoạch đảo chính.
Điều này chỉ ra sự thật đáng sợ rằng không ai ở Berlin trừ Stauffenberg có thể tiếp tục kế hoạch sau nỗ lực ám sát thất bại. Tresckow thì đang chiến đấu ở mặt trận phía Đông, Bonhoeffer và Dohnanyi thì đã bị giam giữ bởi lực lượng Quốc xã. Do đó, Stauffenberg có một vai trò hai trong một bất khả thi khi phải thực hiện 2 bước của kế hoạch tại 2 nơi riêng biệt, cách nhau 350 dặm. Việc ông là người duy nhất có ý chí và sự can đảm để thực hiện toàn bộ kế hoạch chính là nguyên nhân sâu xa và bi thảm dẫn tới sự thất bại của kế hoạch.
Trong những tuần trước khi bị hành quyết, Dohnanyi đưa ra một cách giải thích tương tự cho sự thất bại của những người phản kháng rằng: “Sự ngu dốt và hèn nhát của những người có của cải và ảnh hưởng, và sự đần độn của hầu hết các sĩ quan, đã phá hỏng tất cả các nỗ lực.” Lối suy nghĩ này dĩ nhiên là quan điểm chung của những người phản kháng khi than thở về sự yếu kém trong phong trào của họ. “Kể từ cuộc chinh phạt Ba Lan, ba trăm ngàn người Do Thái ở mảnh đất này đã bị giết một cách dã man nhất,” một tờ rơi năm 1942 phát tán bởi Hoa Hồng Trắng, một nhóm sinh viên phản kháng tại Đại học Munich, viết. “Người Đức một lần nữa đang ngủ quên trong sự trì trệ và ngu dốt, mang lại cho những tên tội phạm phát-xít này sự liều lĩnh và cơ hội để tiếp tục hoành hành và chúng đang làm điều đó…Tất cả mọi người đều có tội, có tội, có tội!” (Thủ lĩnh của nhóm, Hans Scholl và chị gái là Sophie Scholl, đã bị chặt đầu vào năm sau đó.)
Sifton và Stern kết thúc cuốn sách của họ bằng cách đề cập tới việc sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại, cả gia đình của Bonhoeffer và Dohnanyi đã phải đối mặt với những lời vu oan của công chúng và chính quyền do là người thân của những kẻ phản bội như thế nào. Ở Đức ngày nay, dĩ nhiên 2 nhà phản kháng này được chính thức vinh danh. Tuy nhiên nếu những câu chuyện của những người chống lại sự cai trị của Đảng Quốc xã vẫn không được biết đến rộng rãi, thì một phần nguyên nhân là bởi họ đã làm những người không dám phản kháng cảm thấy xấu hổ, bất kể vì những người này muốn sống sót, thiếu cơ hội, bản lĩnh yếu đuối, hay ủng hộ chế độ Quốc xã. Vì vậy, Sifton và Stern đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, đó là tìm hiểu cuộc sống của 2 con người vốn đã đi theo con dường mà trong suy nghĩ của Dohnanyi thì “một người tử tế chắc chắn sẽ đi theo.”
Đây là bài điểm cuốn sách No Ordinary Men: Dietrich Bonhoeffer and Hans von Dohnanyi: Resisters Against Hitler in Church and State, by Elisabeth Sifton and Fritz Stern, New York Review Books, 2013, 157 pp. $19.95. Bài điểm sách được in lần đầu trên tạp chí Foreign Affairs số Tháng 7-8/2014.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét